Tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, là một cán bộ Đoàn năng nổ, cô gái người Cơ Tu Trần Thị Một đã vận động thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, bỏ dần những hủ tục, giữ gìn và phát huy nét văn hóa Cơ Tu trong lớp trẻ.
Trần Thị Một (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn các bạn trẻ cách dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: NVCC
Gom ve chai góp Ðoàn phí cho bạn trẻ
Phải hai lần hẹn, chúng tôi mới gặp được Trần Thị Một (SN 1992, Phó Bí thư chi Đoàn thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ở nhà gươl thôn Tà Lang. “Mấy hôm ni em đi miết, có ở nhà mô. Mấy công việc Đoàn hội cứ lu bu”, Một nở nụ cười chào chúng tôi.
Vào Tà Lang, Giàn Bí phải vượt qua quãng đường nhựa gồ ghề với toàn ổ voi, ổ gà, đến cả thanh niên đi còn thấy nản. Nhưng đó là quãng đường quen thuộc hằng ngày Một đến nhà thanh niên trong thôn thuyết phục, vận động tham gia sinh hoạt Đoàn. Đó cũng là quãng đường lặn lội để xuống ủy ban xã mỗi khi cần xin “cơ chế” cho các hoạt động.
“Là người Cơ Tu đầu tiên của Tà Lang - Giàn Bí dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, tôi rất vinh dự và tự hào. Tôi mong muốn các bạn trẻ Cơ Tu nói riêng và thanh niên dân tộc thiểu số nói chung tiếp tục rèn luyện, phát triển bản thân, giữ gìn văn hóa dân tộc mình và làm giàu trên chính quê hương”. Phó Bí thư Chi đoàn Trần Thị Một |
Ở Giàn Bí, thanh niên Cơ Tu lớn lên đi làm thuê, rồi lấy vợ lấy chồng lúc còn rất trẻ. Ít ai mặn mà với sinh hoạt Đoàn, vì sinh hoạt Đoàn “không kiếm được gạo ăn”. Bởi vậy, để xây dựng được một chi Đoàn cơ sở với hơn 20 đoàn viên hoạt động năng nổ như hiện nay là biết bao công sức của Một.
Vì nghèo phải chạy ăn từng bữa, nên khoản Đoàn phí dù rất nhỏ cũng là vấn đề lớn với các bạn trẻ. Một nảy ra ý tưởng gom ve chai ở các quán tạp hóa, xin ở nhà dân bán lấy tiền đóng đoàn phí cũng như duy trì sinh hoạt. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, Chi đoàn Giàn Bí họp ở nhà gươl thôn, kết hợp dọn vệ sinh khu dân cư và các điểm du lịch. “Việc này vừa giúp giữ vệ sinh môi trường, đồng thời tăng nguồn quỹ của Chi đoàn bằng việc bán vỏ chai nhựa lượm được”, Một nói.
Các hoạt động của chi Đoàn cơ sở luôn được làm mới, sinh hoạt từng chủ đề, chủ điểm phù hợp với những nhu cầu thiết thực của các bạn trẻ. Đó là những buổi tuyên truyền về phòng tránh tai nạn đuối nước, cũng như cách sơ cấp cứu khi gặp người đuối nước hay vận động thanh niên không kết hôn sớm, không lựa chọn giới tính con cái, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm làm kinh tế trên quê hương...
Tìm lại hồn cốt văn hóa Cơ Tu
Trần Thị Một nhận Bằng khen Thanh niên làm theo lời Bác thành phố Đà Nẵng năm 2020. Ảnh: Giang Thanh
Do điều kiện sinh sống, truyền thống đồng bào Cơ Tu nơi đây đã bị mất mát rất lớn. Ngay bản thân Một cũng chỉ biết tên gọi ở nhà của mình là Đớ, chứ không còn nhớ họ gốc. Trong làng nhiều người cũng lấy họ người Kinh. Đó là điều khiến cô gái trẻ Trần Thị Một trăn trở nhiều nhất.
Trần Thị Một là một trong những người trẻ tiên phong học lại nghề dệt thổ cẩm và điệu múa tung tung da dá truyền thống từ người Cơ Tu ở Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam) rồi mang về truyền dạy cho các bạn trẻ trong thôn.
“Năm 2017, khi được lên Tây Giang tham dự liên hoan văn hóa người Cơ Tu, tôi tự hỏi vì sao mình cũng là người Cơ Tu mà không biết về văn hóa dân tộc mình?”, Một kể. Cô trình bày ý tưởng với xã và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. UBND xã Hòa Bắc sau đó hỗ trợ liên hệ và mời giáo viên người Cơ Tu ở Tây Giang xuống dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho chị em.
Năm 2018, tổ hợp tác dệt thổ cẩm Cơ Tu ra đời, Một được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Tổ dệt không chỉ thu hút các đoàn viên nữ mà các chị các mẹ trong thôn cũng hăng hái tham gia. Giờ đây, tiếng khung cửi đã rộn ràng khắp những xóm làng Tà Lang - Giàn Bí. Chị em yêu thích mặc trang phục thổ cẩm như một sự tự hào về dân tộc mình. Những sản phẩm của tổ dệt còn được bày bán phục vụ khách du lịch.
Một còn là đội trưởng của đội múa Tà Lang - Giàn Bí. Từ ngày đầu chỉ chừng mươi người tham gia, đội múa giờ đã thu hút hơn 40 thành viên biểu diễn nhạc cụ và múa. Điệu múa tung tung da dá của người Cơ Tu ở Hòa Bắc đã được mang đi phục vụ ở các chương trình xúc tiến du lịch, phục vụ du khách đến địa phương.
“Ngoài việc phục dựng văn hóa, chúng tôi còn phát triển được 2 hình thức du lịch trải nghiệm, đó là tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm và trình diễn điệu múa truyền thống Cơ Tu để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến với Tà Lang - Giàn Bí. Điều đó giúp mọi người, đặc biệt là người trẻ yêu thêm văn hóa dân tộc mình, đồng thời, phát triển kinh tế của các hộ gia đình”, Một nói và mong muốn chính quyền, tổ chức Đoàn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên Cơ Tu vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế du lịch bằng những nét văn hóa đặc sắc của mình.