Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 363 hôm nay luôn tự hào với truyền thống vẻ vang của đơn vị. Đó là, vào đầu năm 1965, trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, bằng việc đưa lính Mỹ trực tiếp vào xâm lược miền nam và mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền bắc nước ta. Trước yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến, để bảo vệ vững chắc miền bắc XHCN, bảo vệ giao thông vận chuyển và chi viện cho chiến trường miền nam, ngày 19-5-1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 66/QP-QĐ thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không Hải Phòng (từ năm 1967 mang tên gọi Sư đoàn Phòng không 363).
Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, anh dũng, kiên cường cơ động chiến đấu trên 11 tỉnh, thành phố, đánh hàng nghìn trận, tham gia bốn chiến dịch lớn: Sấm Rền - Đường 5 (năm 1967); Biển Lửa (1967); Trị - Thiên (1971 - 1972) và Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (1972); bắn rơi 381 máy bay (có 82 chiếc rơi tại chỗ), gồm 12 kiểu loại của đế quốc Mỹ (trong đó có 12 chiếc B-52; một chiếc F-111), tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Với thành tích đặc biệt xuất sắc nêu trên, Sư đoàn cùng bốn trung đoàn, năm tiểu đoàn, ba đại đội, ba Trạm ra-đa và 11 cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn Phòng không 363 tiếp tục được cấp trên giao nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ bảo vệ vùng trời, vùng biển đông bắc của Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 9; theo đó, Quân chủng PK-KQ được xác định tiến thẳng lên hiện đại, trong đó có Sư đoàn Phòng không 363.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, toàn diện các chủ trương, biện pháp; tập trung đầu tư vào hai yếu tố chủ chốt là con người và vũ khí, trong đó vai trò con người có yếu tố quyết định. Trong đó, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; có tri thức, trình độ đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị, quân sự của Đảng; đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam; vận dụng sâu sắc tư tưởng nghệ thuật quân sự: Lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trang bị kém hiện đại đánh thắng kẻ địch có trang bị kỹ thuật hiện đại; bố trí, sắp xếp, bảo đảm hợp lý, cân đối giữa các thành phần, lực lượng từ khối cơ quan Sư đoàn đến các đơn vị, theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động linh hoạt; ưu tiên quân số các đơn vị SSCĐ bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển, đảo; bảo vệ các mục tiêu chiến lược trọng yếu. Đồng thời, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chính sách đặc thù cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu, nhằm xây dựng ý chí quyết tâm và tinh thần cảnh giác, chuẩn bị cho bộ đội tâm thế vững vàng, vượt qua khó khăn đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể...
Cùng với đó, Sư đoàn đẩy mạnh công tác huấn luyện theo đúng tinh thần Nghị quyết 765 của Quân ủy T.Ư; Nghị quyết 558 của Đảng ủy Quân chủng PK-KQ và Nghị quyết 1445 của Đảng ủy Sư đoàn “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; bám sát phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, cách đánh của bộ đội Phòng không trong điều kiện tác chiến mới. Huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí hiện có, tăng cường huấn luyện đêm, cơ động nhanh; huấn luyện ngụy trang, nghi binh, phòng tránh đánh trả, cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài sẵn sàng chống lại các cuộc chiến tranh công nghệ cao, công nghệ thông tin, cùng những loại hình “phi truyền thống” khác... Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; gắn xây dựng tổ chức đảng với xây dựng tổ chức chỉ huy và các tổ chức quần chúng; xây dựng tổ chức đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho các cấp ủy, tổ chức đảng đủ sức lãnh đạo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy T.Ư về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng sôi nổi, rộng khắp và đi vào thực chất, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu.
Đơn vị nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kỹ thuật, hậu cần, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu. Chú trọng đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong tổ chức chỉ huy, điều hành và hiệp đồng chiến đấu; trong sửa chữa, cải tiến nâng cấp kéo dài tuổi thọ vũ khí, trang bị kỹ thuật…, góp phần xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại, “không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không”, bảo vệ vững chắc bầu trời, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.