Báo cáo tác động của EVFTA đối với Việt Nam được đại diện Chính phủ trình bày trước Quốc hội cho biết, về khía cạnh tăng trưởng, EVFTA dự kiến làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 đến 5,30% (5 năm tiếp theo) và 7,07 đến 7,72% (5 năm sau đó). Về khía cạnh xuất khẩu, hiện nay EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất, nhập khẩu giữa hai bên là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do vậy, khi thực thi, EVFTA sẽ là cú huých lớn cho xuất khẩu, các cam kết giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU là lợi thế rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam để khai thác thị trường 18 nghìn tỷ USD này. Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.
Trong những ngày làm việc đợt 1 của kỳ họp thứ chín, không chỉ ở nội dung thảo luận việc phê chuẩn EVFTA mà còn tại các phiên cho ý kiến về dự án luật hay tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đã phân tích sâu về ý nghĩa, tác động và đóng góp của EVFTA đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hàng loạt khía cạnh trước mắt, trong trung hạn và dài hạn. Đồng thời, lưu ý những vấn đề đặt ra khi xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhận diện những động lực mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút vốn ngoài nước, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp liên kết để tạo chuỗi cung ứng khép kín, cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh... EVFTA không chỉ tạo ra thời cơ hay thách thức về mặt kinh tế mà còn bao hàm cả những ảnh hưởng, sức ép trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, an sinh xã hội, đối ngoại, trong đó có cả nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình.
Chuẩn bị bước vào sân chơi lớn, Chính phủ đã xây dựng dự thảo kế hoạch hành động để sau khi Quốc hội thông qua EVFTA, các bộ, ngành sẽ bắt tay thực hiện nhiệm vụ được phân công. EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, tạo thuận lợi thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi phải cải cách hệ thống pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tiễn, hàng loạt các định chế quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đều bộc lộ hạn chế trong việc biến thời cơ thành hiện thực, mà phần lớn xuất phát từ sự chậm trễ trong khâu hoàn thiện thể chế pháp luật. Có đại biểu lưu ý, cách đây gần hai năm, khi Quốc hội thông qua CPTPP với kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sẽ tràn vào những nước trong khối CPTPP, nhưng đến nay xuất khẩu chỉ tăng 7,2% (xuất khẩu chung cả nước tăng 8,4%), điều đó có nghĩa Việt Nam chưa được hưởng lợi gì nhiều từ CPTPP…
EVFTA mở ra thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn so với những cam kết trong CPTPP. Các đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị, trước mắt, Chính phủ cần xác định ngay những hàng hóa, sản phẩm có khả năng tham gia xuất khẩu vào thị trường EU nào là thế mạnh, từ đó đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, cũng như triển khai giải pháp để hàng hóa đạt được các tiêu chuẩn của EU. Về lâu dài, Chính phủ cần quyết liệt cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện, tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu lực hệ thống chính sách, pháp luật để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp các cam kết EVFTA về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan... Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; khai thác tốt các yếu tố bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau về lực lượng lao động, vốn, tài nguyên, khoa học công nghệ.
Nội lực hóa công nghệ, chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao phải là lợi thế lao động của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước) có năng lực cạnh tranh thấp với nguồn lực tài chính, khả năng công nghệ, năng suất lao động hạn chế. Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần phát triển đồng bộ các loại thị trường, phát triển mạnh thị trường xuất khẩu; hoàn thiện cơ chế quản lý, triển khai các công cụ quản lý xuất, nhập khẩu mới phù hợp yêu cầu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của EVFTA. Các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp phù hợp theo các cam kết quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng để hỗ trợ, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài, nếu không, đa số doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn trong việc tham gia và tận dụng được những ưu đãi của EVFTA.