Tính răn đe trong xử phạt vi phạm hành chính
Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu quốc hội (QH) nhất trí cho rằng, đây là công việc quan trọng cần được chú trọng triển khai nghiêm minh trọng tâm là bảo đảm tính răn đe cao, kịp thời và hạn chế hết mức việc phạt cho tồn tại vốn diễn ra khá nhiều nơi trong thời gian qua.
Ðiều 86 dự thảo luật đề xuất cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế để xử lý vi phạm hành chính là một trong những vấn đề được các đại biểu QH quan tâm. Theo đó, đại biểu Lê Công Ðỉnh (Long An) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như trên là hợp lý để tăng cường tính nghiêm minh của việc thực thi các hình thức xử phạt, bởi điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện. Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính.Tuy nhiên, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) và một số đại biểu khác lại đề nghị bỏ quy định này bởi không thật sự thuyết phục, không phù hợp một số quy định pháp luật trong lĩnh vực dân sự. Theo đó, việc sử dụng điện, nước là thỏa thuận dân sự được thông qua hợp đồng giữa các bên. Trong khi đó, trong nhiều trường hợp, người sử dụng điện, nước không phải là đối tượng có hành vi vi phạm hành chính. Vì vậy, nếu cắt điện, nước sẽ làm ảnh hưởng đến người không liên quan và họ lại phải chịu trách nhiệm đối với những việc mà mình không làm. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định việc cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế.
Về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính, nhiều đại biểu nêu ý kiến, không nên quy định thời hạn thời gian như trong dự thảo luật vì trong thực tế, nếu trong khoảng thời gian đó mà cơ quan chức năng chưa lập biên bản thì hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Quy định như dự thảo luật có thể dẫn đến những hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm trong xử lý vi phạm hành chính và đây đang là vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong trường hợp buộc phải quy định thời gian, nên quy định thời gian dài hơn và giao Chính phủ quy định chi tiết thời gian cho từng lĩnh vực, để người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính bảo đảm thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Về đề nghị bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần thận trọng cân nhắc. Bởi trong trường hợp trẻ em sử dụng hay nghiện ma túy, chúng ta cần tập trung giáo dục, định hướng, cai nghiện chứ không phải trừng phạt. Bên cạnh đó, các hình thức, các quy định liên quan trẻ em trong lĩnh vực này cần được nghiên cứu, xây dựng phù hợp tình hình thực tế và đáp ứng đầy đủ các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Có ý kiến đề nghị: Với lứa tuổi từ đủ 12 tuổi đến 16 tuổi, không nên đưa vào trại giáo dưỡng, không nên giáo dục cộng đồng mà bàn giao gia đình quản lý và bắt buộc gia đình phải làm cam kết. Nếu gia đình không quản lý được, lúc đó các cơ quan chức năng mới đưa vào trường giáo dưỡng.
Nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường
Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi), đa số đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động BVMT; trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động BVMT cho phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Thảo luận về các nội dung liên quan đánh giá tác động môi trường (TÐMT), đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) và nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật lần này đã chuyển từ việc phê duyệt báo cáo đánh giá TÐMT thành phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá TÐMT (tại các điều 43, 44) nhằm nâng cao trách nhiệm của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá TÐMT. Ðồng thời giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá TÐMT, báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền của các bộ chuyên ngành trong quản lý đánh giá TÐMT, kiểm tra thực hiện các nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án lại không thống nhất với các quy định phân công chức năng quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành nêu trên. Do đó, Ban soạn thảo cần rà soát, xem xét lại nội dung này để xây dựng các quy định thống nhất, làm nền tảng cho áp dụng luật trong thực tiễn.
Về giấy phép môi trường (GPMT), một số đại biểu tán thành việc tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào GPMT. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) băn khoăn rằng, TÐMT có liên quan nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau, vì vậy việc tích hợp có bảo đảm về các tiêu chuẩn, có ảnh hưởng chuyên môn không? Có thật sự thuận tiện cho người dân không? Mặt khác, khi giao một đơn vị vừa cấp phép vừa là cơ quan kiểm tra, thanh tra thì đây là quy trình khép kín, như vậy có bảo đảm sự khách quan hay không? Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo, bảo đảm tính hợp lý. Ðồng thời, nhiều ý kiến cũng đề nghị, quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT; việc thẩm định cấp GPMT, thời điểm cấp GPMT nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng; xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của GPMT.
Về thẩm quyền thẩm định Báo cáo đánh giá TÐMT (Ðiều 42), Chính phủ trình QH hai phương án. Nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 trong tờ trình của Chính phủ là giao UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo để quản lý thống nhất và gắn với trách nhiệm theo dõi cấp phép, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quản lý của địa phương. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, công tác thẩm định báo cáo TÐMT chứa đựng những lỗ hổng tiêu cực, báo cáo được thực hiện một cách sơ sài mà vẫn được thông qua. Do đó, đề nghị kết hợp giữa hai phương án là giao cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định báo cáo, quá trình thẩm định phải có sự tham gia và thống nhất của UBND cấp tỉnh nơi triển khai dự án; nâng cao, cải tiến thủ tục đánh giá TÐMT theo hướng nâng cao tính độc lập khách quan của hội đồng thẩm định, thành viên của hội đồng thẩm định.