Công nghệ đã và đang thay đổi cuộc sống của con người theo vô vàn cách thức khác nhau. Với sự hữu ích và các tính năng không thể phủ nhận, in-tơ-nét trở thành công cụ phổ biến, thu hút số lượng người sử dụng ngày càng gia tăng, độ tuổi sử dụng in-tơ-nét ngày càng giảm xuống. Cùng với đó là sự xuất hiện một thế hệ công dân số tuổi vị thành niên. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), năm 2019, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập in-tơ-nét hằng ngày, cứ ba người truy cập in-tơ-nét thì có một trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng in-tơ-nét, với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó, tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30% tổng số người dùng in-tơ-nét, mạng xã hội. Không chỉ trở thành công dân số từ rất sớm, trẻ em còn hoạt động trên môi trường mạng nhiều giờ trong mỗi ngày. Và trong bối cảnh nội dung trên in-tơ-nét ngày càng gia tăng tình trạng lẫn lộn giữa "vàng và rác", thì việc sử dụng không gian mạng với tần suất lớn khi chưa đến tuổi trưởng thành, khiến các em vừa có thể tiếp cận những điều bổ ích, vừa luôn phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa. Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Số liệu từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho biết, số lượng cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 tăng đều hằng năm.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã nhận hơn 230 nghìn cuộc gọi đến nhờ tư vấn, hỗ trợ và can thiệp các vụ việc về trẻ em. Trong khi đó, theo một kết quả thăm dò của UNICEF tại Việt Nam, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên in-tơ-nét. Rất nhiều em có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng in-tơ-nét như: tiếp xúc với thông tin, hình ảnh bạo lực, tài liệu khiêu dâm; có trẻ em bị dụ dỗ tình dục qua mạng, yêu cầu gửi thông tin cá nhân… Từ đó cho thấy, những nguy cơ trẻ em phải đối mặt khi sử dụng mạng in-tơ-nét đã ngày càng nguy hiểm, phức tạp.
Không thể phủ nhận việc sử dụng in-tơ-nét từ sớm thông qua các thiết bị kết nối thông minh đã khiến trẻ em ngày nay có những thay đổi đáng kể trong giao tiếp, sinh hoạt, vui chơi. Nhưng cũng từ đây xuất hiện những nguy cơ trẻ em thường gặp như: tiếp cận với quá nhiều thông tin giả (fake new); dễ dàng bị bắt nạt qua mạng; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; dễ truy cập vào trang có thông tin xấu độc, hoặc nội dung nguy hại (lừa đảo, cờ bạc, cá độ, thậm chí tôn giáo, chính trị…) được gửi kèm hoặc hiển thị trong các phần mềm chơi game, xem phim. Trong đó, xâm hại tình dục là một trong các nguy cơ gây tổn thương sâu sắc và để lại những hệ lụy lớn cho trẻ. Bà L. Miller (L. Mai-lơ), Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, đưa ra thông tin rất đáng quan tâm rằng, trên toàn thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, luôn có 750 nghìn kẻ rình mò tình dục trẻ em trực tuyến; số hình ảnh xâm phạm tình dục trẻ em được tải lên trên in-tơ-nét mỗi ngày cũng đạt con số gần tương tự, trong đó có cả trẻ em dưới 2 tuổi.
Tại Việt Nam, trong năm 2018, có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh, vi-đê-ô xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau In-đô-nê-xi-a. Một số vụ việc điển hình đã được Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) thống kê, như: Tháng 1-2016, khởi tố, bắt giữ đối tượng Nguyễn Trần Bảo Anh (20 tuổi, Bến Tre) và Nguyễn Lê Việt (27 tuổi, TP Hồ Chí Minh) vì có hành vi thiết lập một diễn đàn mạng chuyên thu gom, chia sẻ, mua bán các phim đồng tính trẻ em nam; tháng 5-2014, bắt giữ nhóm tội phạm tại Hà Giang, Lào Cai do có hành vi hiếp dâm, mua bán người... Thủ đoạn của nhóm này là lên mạng tìm kiếm, kết bạn với nữ sinh các trường nội trú rồi rủ đi chơi, ăn uống, cuối cùng hiếp dâm hoặc bán cho các đối tượng người nước ngoài. Phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Hầu hết các trường hợp xâm hại trên môi trường mạng bắt đầu bằng hình thức xâm hại phi thể chất, dẫn tới khống chế và đe dọa, rồi dần dần dẫn đến xâm hại thể chất. Thí dụ, kẻ xấu có thể yêu cầu trẻ phô bày các bộ phận kín của cơ thể rồi phát livestream hay dọa nạt, tống tiền, bắt cóc, ép buộc quan hệ tình dục, tham gia các hoạt động phi pháp từ việc vô tình tiết lộ thông tin cá nhân. Ngoài ra, có đối tượng sử dụng hình ảnh trẻ em để làm ấn phẩm khiêu dâm hoặc dùng với mục đích xấu nhằm xâm hại tình dục… Ðiển hình như mới đây, trong thời gian trẻ em nghỉ học vì dịch Covid-19, Tổng đài 111 đã nhận phản ánh của nhiều phụ huynh về việc con họ được nhắn tin mời tham dự các cuộc thi sắc đẹp trẻ em. Khi tham dự cuộc thi này, trẻ được yêu cầu gửi ảnh khỏa thân hoặc bán khỏa thân với lý do để kiểm tra trên cơ thể có khiếm khuyết gì không. Nhiều trẻ em vô tư chia sẻ hình ảnh cá nhân cho các đối tượng lừa đảo này, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nguy hiểm hơn, vì ở lứa tuổi nhận thức chưa chín chắn, nhưng lại ưa thích thể hiện nên nhiều em dễ bắt chước các trào lưu, trò chơi nguy hiểm trên mạng mà không lường được hậu quả. Ngày 10-6 vừa qua, sự việc một nam sinh lớp 11 ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) giấu một em bé 5 tuổi vào rừng vì làm theo game online cũng khiến nhiều người sợ hãi. Với động cơ giấu em bé rồi sau đó sẽ đưa về như mình là "người hùng" có công tìm ra, nhưng hậu quả đau lòng là bé đã chết vì bị bỏ đói, khát trong nhiều giờ. Trước đó, các thử thách nguy hiểm của trào lưu "cá voi xanh" cũng đã gây ra cái chết của nhiều người trẻ ở một số quốc gia trên thế giới như: Nga, Anh, Ấn Ðộ… Riêng tại Nga, nơi xuất phát của trào lưu này, từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016, đã có tới 130 người trẻ đã chết do hưởng ứng các thử thách...
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và đang là vấn đề có tính toàn cầu. Bởi trẻ bị xâm hại trên môi trường in-tơ-nét không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mà còn cả tâm lý, khả năng học tập. Môi trường ảo trên mạng đã khiến nhiều trẻ em lựa chọn cuộc sống "ảo"; trở nên cá nhân, riêng tư hơn và ít bị giám sát hơn dẫn tới nhiều trường hợp trẻ em trước khi gặp nguy cơ, rủi ro qua mạng thường hướng đến sự tư vấn, chia sẻ từ bên ngoài hoặc bạn bè, khiến gia đình, cha mẹ khó bảo vệ con hơn. Không ít trường hợp trẻ bị bắt nạt trên mạng đã có nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm hoặc có ý định tự tử. Nhiều trẻ từ tác động tiêu cực của môi trường mạng đã tự làm hại bản thân, có những hành vi cực đoan, bạo lực, phân biệt đối xử kỳ thị với người khác bị gạ gẫm, quấy rối tình dụng hoặc dụ dỗ tham gia cờ bạc trực tuyến, bị mua bán và bóc lột tình dục trong lữ hành và du lịch... Nếu như xâm hại ngoại tuyến, khi hành vi xâm hại kết thúc, sự việc đó coi như tạm thời khép lại nhưng với xâm hại qua môi trường in-tơ-nét thì hình ảnh, clip sẽ được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ. Ðối tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng rất đa dạng, đặc biệt đáng lo ngại là danh tính và thông tin cá nhân của đối tượng phạm tội đều dễ dàng được giấu kín. Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trong cuộc chiến bảo vệ trẻ trước những tác động xấu từ in-tơ-nét. Bằng chứng là Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, bảo vệ trẻ em và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm dựng nên các "lá chắn" vững chắc để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Báo chí năm 2016 và gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018 đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Trẻ em đã ký kết hợp tác để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Một trong các nội dung quan trọng của hợp tác này là nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; sửa đổi, bổ sung, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả, chế tài xử lý nghiêm minh hơn các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ em được bảo vệ bởi gia đình, người thân, nhà trường, các trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em, cơ quan bảo vệ pháp luật... Tuy nhiên, trên môi trường mạng, dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện vẫn còn thiếu thiết chế để bảo vệ trẻ em. Vì thế, tạo những lá chắn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết, cần phải làm ngay. Trước hết, để giải quyết các vấn đề về trẻ em, phải xem trẻ em là trung tâm của các giải pháp. Từ đó lấy ý kiến (những điều các em lo lắng, cần giúp đỡ) để tìm ra cách giải quyết các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, bảo vệ trẻ em thế hệ số bằng chính những giải pháp số đang là một trong những hướng đi đúng đắn hiện nay. Bởi sử dụng công nghệ số sẽ giúp giải quyết được các vấn đề mấu chốt liên quan đến thông tin trên mạng. Trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng, không chỉ khuyến khích mà còn hỗ trợ về cơ chế để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chung tay phát triển các ứng dụng, sản xuất nhiều nội dung bổ ích, xây dựng một hệ sinh thái số lành mạnh, giúp trẻ em tương tác, sáng tạo an toàn trên môi trường mạng. Ðồng thời, các doanh nghiệp viễn thông, in-tơ-nét phải tăng cường trách nhiệm trong việc ngăn chặn chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung nguy hại, xâm phạm trẻ em. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thống như: nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của gia đình, trực tiếp là cha mẹ và người thân; tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật trong khi điều tra và xử lý các trường hợp xâm hại trẻ em qua in-tơ-nét. Ngoài ra, vai trò của trẻ em cũng cần được đề cao. Các em cần được và cần chủ động trang bị các kiến thức về sử dụng in-tơ-nét an toàn. Sự chung sức của cả cộng đồng, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, và sự chủ động của chính trẻ em sẽ giúp thiết lập một môi trường lành mạnh ngoài đời cũng như trên không gian mạng, giúp trẻ em phát triển toàn diện.