Tham dự và chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Nguyễn Thành Trung; Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm; Phó Trưởng ban Công tác phía Nam Phạm Thanh Tuyền. Tham dự còn có đại diện các sở, ngành, UBND các quận, huyện; các nhân sĩ, trí thức.
Tại hội nghị, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP) Ngô Hải Đường cho biết, dự thảo quyết định ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn gồm một số nội dung chính gồm quy định một số giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho người đi bộ trên hè phố khu vực có các công trình dân dụng đang thi công, tại các giao lộ nơi có lượng người đi bộ đông đúc.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, điều hành sử dụng tạm thời một phần lòng đường hè phố. Tăng cường khai thác hiệu quả qua nhiều hình thức trong quản lý, điều hành sử dụng lòng đường hè phố như xã hội hóa công tác đầu tư, xây dựng, khai thác, cho thuê, thu phí sử dụng tạm thời.
Đồng thời, quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần hè phố như điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng hè phố cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 m. Các hoạt động được xem xét sử dụng tạm thời một phần hè phố như tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên…
Góp ý cho dự thảo, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, việc sử dụng một phần lòng đường là không trái quy định pháp luật nhưng vấn đề quan trọng là phải tăng cường quản lý nhà nước.
Cũng theo bà Hòa, nói đến giao thông là nói đến trật tự và an toàn nhưng dự thảo quên đề cập vấn đề này. Do đó, đề nghị bổ sung vấn đề trật tự, an toàn; cũng như bảo đảm quốc phòng và an ninh, nhất là với địa bàn trọng điểm của thành phố.
PGS TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM đặt vấn đề, Dự thảo chủ yếu nói đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước lại quên đề cập đến đối tượng sử dụng họ là ai? Họ được quyền lợi gì? Nghĩa vụ gì? và thậm chí có được quyền khiếu kiện không? PGS TS Nguyễn Minh Hòa đề nghị, cần xem xét bổ sung yếu tố vai trò, trách nhiệm của người sử dụng.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Xuân Lâm lại cho rằng, kinh tế Việt Nam là “kinh tế vỉa hè”, tức là vỉa hè rất quan trọng đối với người dân. Do đó, đề nghị phân cấp mạnh về cho phường, xã, quận, huyện, Sở Giao thông vận tải không can thiệp. Bởi theo ông Lâm, khi xin giấy phép phải biết người đó như thế nào, ở đâu? Còn vấn đề thu phí ở quận, huyện, phường, xã có Mặt trận, đoàn thể giám sát.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cũng không đồng tình khi dự thảo không có quy định biện pháp chế tài, xử lý vi phạm.
“Bắt buộc cái gì cũng phải có cơ chế xử phạt chứ còn tuyên truyền mãi là không ổn. Do đó, đề nghị phải có hình thức xử phạt rõ ràng, cụ thể”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, quá trình sửa đổi Quyết định 74 được thực hiện từ năm 2017 đến nay mới cơ bản hoàn chỉnh để xin ý kiến phản biện, bởi vì Sở đánh giá việc này tác động rất lớn đến người dân và khi ban hành ra phải phù hợp thực tế và khả thi. Cũng như chờ kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố trên cơ sở lấy ý kiến của người dân để đánh giá nhu cầu và sự sẵn sàng chấp hành của người dân trong việc sử dụng và chia sẻ một phần khi sử dụng kết cấu hạ tầng của thành phố.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Nguyễn Thành Trung đánh giá cao các ý kiến góp ý trên. Đồng thời, ông Trung ghi nhận và tiếp thu các ý kiến phản biện của các đại biểu để tổng hợp đầy đủ và có ý kiến đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án nhằm quy định sát với thực tế, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, qua ý kiến cho thấy sự cần thiết đưa ra quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn để thực hiện tốt công tác quản lý, vì đây là một lĩnh vực hết sức phức tạp, liên quan đến kinh tế vỉa hè. Theo ông Trung, việc tổ chức thực hiện phải đồng bộ, rõ trách nhiệm, tính khả thi, đảm bảo hài hòa yêu cầu quản lý của nhà nước, tính đặc thù, quyền lợi liên quan của người thụ hưởng.