|
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị. |
Tham dự hội nghị có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội nghị có sự tham gia của 100 đại biểu là cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp xã và đại diện khu dân cư của 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Nhiều mô hình điểm được xây dựng
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu được các báo cáo viên tập trung truyền đạt, nghiên cứu và trao đổi với nhiều nội dung quan trọng như công tác quản lý nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, thực trạng và giải pháp; vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia công tác BVMT và ứng phó với BĐKH và một số nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định, BVMT và ứng phó với BĐKH là vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu được cả thế giới quan tâm.
Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và BĐKH đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.
|
Các đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn. |
Cũng theo ông Phùng Khánh Tài, tình trạng suy giảm, suy thoái các nguồn tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi. Tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn, trong đó an ninh nguồn nước là vấn đề đặc biệt quan trọng của quốc gia; hiệu quả sử dụng nước còn ở mức thấp.
Lượng phát thải, chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng; tỉ lệ tái sử dụng, tái chế chưa cao; ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn và rác thải nhựa sẽ vẫn tiếp tục là vấn đề nóng; các vụ việc ô nhiễm môi trường vẫn có thể tiếp tục phát sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh.
Trước những thực trạng trên, từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo trển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư BVMT, hiện đã được nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng.
Đó là mô hình “Lồng ghép nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và BVMT" gắn với nhiệm vụ ứng phó với BĐKH. Hiện đang duy trì, xây mới và nhân rộng mô hình điểm "vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện tang văn minh, tiến bộ và BVMT”.
Riêng trong 3 năm từ 2017 đến 2019, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng mới được 294 mô hình tại 50 tỉnh, thành phố, trong đó, năm 2017 đã hỗ trợ xây dựng mới 94 mô hình tại 47 tỉnh, thành phố; năm 2018, hỗ trợ xây dựng 100 mô hình mới tại 50 tỉnh, thành phố; năm 2019, hỗ trợ xây dựng 100 mô hình mới tại 50 tỉnh, thành phố. Năm 2020, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục duy trì, hỗ trợ xây dựng 46 mô hình điểm tại 23 tỉnh, thành phố.
“Từ những mô hình trên, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thiết thực về BVMT được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung BVMT được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về BVMT. Qua đó đã phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong tự giám sát thực hiện các quy định BVMT. Người dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm hơn trong giám sát việc BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân trong quá trình triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn khu dân cư”, ông Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó tập trung vào môi trường; xác định cụ thể các hoạt động như: gom góp rác thải, làm sạch đường làng ngõ xóm, tang lễ văn minh.
Mặt trận các địa phương quan tâm tập huấn cho các đoàn thể; cập nhật thông tin mới nhất cho người dân và đội ngũ cán bộ Mặt trận.
Phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường
Trao đổi với các đại biểu, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, quan điểm của Đảng và Nhà nước là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào BVMT kinh tế khó phát triển. Vì vậy cần thiết phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT.
Ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, cần nâng cao vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác BVMT.
Để có hiệu quả hơn, theo ông Trung cần có sự phân định rõ ràng, chẳng hạn như: Hội Nông dân cần tổ chức cho nông dân, người dân vừa sản xuất vừa BVMT; Hội Phụ nữ hướng dẫn cho phụ nữ thu gom, dọn dẹp giúp cho môi trường nhà ở, đường ngõ của mình xanh sạch đẹp, đi chợ không dùng túi nilon mà dùng túi thân thiện; Đoàn thanh niên vận động các đoàn viên, thanh niên tham gia thu gom rác, có lối sống hiện đại gắn với BVMT.
Cần có cơ chế để người dân có quyền tham gia và giám sát BVMT; người dân cũng có quyền tham gia vào giám sát quá trình tố tụng các vụ việc vi phạm về môi trường.
“Cơ quan quản lý Nhà nước cần cung cấp đầy đủ các chính sách cho các công đồng dân cư, đảm bảo cho Mặt trận về nguồn lực công tác BVMT; tăng nguồn kinh phí để thực hiện nghiên cứu khoa học, cho các dự án chương trình sáng tạo. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế để bảo vệ những người tố giác tội phạm về môi trường; ban hành cơ chế động viên khen thưởng ở các cộng đồng dân cư về BVMT”, ông Trung mong muốn.