Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Hiệp định EVFTA
Ngày cập nhật 13/08/2020

Từ ngày 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được các cơ hội, đồng thời, hạn chế thách thức mà hiệp định mang lại.

 

 

 

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, huyện Đan Phượng. Ảnh: TRẦN VIỆT

 

Thị trường khó tính, nhưng tiềm năng

Những năm gần đây, tại hội chợ hàng trang trí nội thất và quà tặng có lịch sử lâu đời và quy mô toàn cầu Ambiente (CHLB Đức) đã xuất hiện thêm khu gian hàng TP Hà Nội. Tại đây, những sản phẩm gốm, sứ, sơn mài, mây tre đan... của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long Bát Tràng, Công ty TNHH Tiger Lily Việt Nam... đã tạo dấu ấn riêng với các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp, nhà phân phối lớn của châu Âu. Nhiều doanh nghiệp nhận định, thị trường châu Âu là một thị trường rất khó tính, khắt khe, nhưng nếu tiếp cận được thì cơ hội phát triển, gặt hái thành công rất cao.   

Cánh cửa bước vào thị trường châu Âu đã mở rộng hơn với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của TP Hà Nội nói riêng khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định. Không chỉ thế, Hiệp định còn giúp tăng thêm gần 150 nghìn việc làm mỗi năm.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 23 quốc gia trong tổng số 27 quốc gia của cộng đồng EU đầu tư vào với số vốn 4,16 tỷ USD, chiếm 10% tổng số vốn FDI mà thành phố thu hút được, chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao. Xuất khẩu của Hà Nội vào EU hiện chỉ chiếm từ 12 đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, chủ yếu là các sản phẩm như máy móc thiết bị phụ tùng, giày da, rau, củ, quả chất lượng cao, hàng linh kiện điện tử...  Hai năm qua, tỷ trọng hàng xuất khẩu vào EU của doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội đã giảm từ 55 xuống 46%, trong khi tỷ trọng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Hà Nội thì tăng từ 46% lên 54,5%. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp thị trường EU. Riêng bảy tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu vào thị trường EU của Hà Nội ước đạt 998 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12,3%, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng cơ hội

Với các con số thống kê nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá: “Thị trường EU rất tiềm năng mà các doanh nghiệp Hà Nội chưa khai thác hết. Do đó, việc triển khai Hiệp định EVFTA sẽ góp phần phát triển thương mại, hợp tác giữa Hà Nội với EU”. 

Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi hiệp định, thành phố đã khẩn trương xây dựng “Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA) của TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025”. Trọng tâm là tăng cường cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn đầu tư từ EU vào Hà Nội, tập trung vào các ngành chất lượng cao như y tế, dược, sản xuất công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, hải sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Xác định thị trường EU là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng hàng hóa rất khắt khe, cho nên thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tình hình. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy các chương trình chuyển giao, mua bán công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao chất lượng cho các sản phẩm, dịch vụ.

Tháng 6-2020, để doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn về EVFTA, Sở Công thương đã triển khai Chương trình tập huấn chuyên sâu về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA tới 200 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội. Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, EVFTA là một hiệp định mới hoàn toàn. Do vậy, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Hà Nội đang tiếp tục rà soát và sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm phù hợp với các cam kết trong EVFTA, tạo môi trường pháp lý minh bạch cho doanh nghiệp.

TP Hà Nội luôn xác định EU là một thị trường quan trọng cho nên sẽ triển khai tổng hợp các giải pháp để thu hút đầu tư, doanh nghiệp, phát huy tiềm năng của thị trường khu vực này. Khi hiệp định này có hiệu lực, các dòng thuế giảm thì sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư để tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thị trường châu Âu. Đồng thời, Hà Nội cũng kiến nghị các bộ, ban, ngành sớm có hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai cụ thể hiệp định, tận dụng hiệu quả những lợi thế mà hiệp định này đem lại.

 

https://nhandan.com.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.394.126
Truy cập hiện tại 2.657