|
Công trình thủy lợi Đăk Toa xã Đăk Tơ Lung giúp người dân tăng gia sản xuất phát triển kinh tế. |
Dân là chủ thể
Đăk Tơ Lung là xã vùng III của huyện Kon Rẫy với 8 thôn và gần 2.600 khẩu, 95% là người dân tộc thiểu số Xê Đăng. Đời sống của người dân bao đời còn khó khăn, nhưng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới đã mang lại nhiều khởi sắc cho người dân nơi đây.
“Đường bê tông làm quanh thôn, nối tới nương rẫy. Người dân thôn Kon Bỉ giờ không lo lắng mỗi khi mưa, lũ về. Giao thông giờ thông suốt. Khi cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới, dân làng chúng tôi là người hưởng lợi trực tiếp. Bắt đầu xây dựng nông thôn mới, người dân kiến nghị làm cầu, đường. Các hộ dân có đường đi qua đều tự nguyện hiến đất, mở rộng đường. Cầu treo Kon Bỉ được xây dựng, nối làng với thị tứ, bao khó khăn của người dân được giải tỏa...”, anh A Lợi, thôn Kon Bỉ chia sẻ.
Trưởng thôn Kon Bỉ, anh A Tú cho biết: “Triển khai xây dựng nông thôn mới, bà con kiến nghị muốn có đường, có cầu, chính quyền ghi nhận và làm. Dân đi lại thuận lợi hơn, đến mùa thu hoạch, tư thương không ép giá khi mua nông sản của dân. Có nông thôn mới, cuộc sống người dân đã đổi thay từng ngày. Ở Kon Bỉ, khi làm nông thôn mới, dân là chủ thể, là người hưởng lợi trực tiếp từ thành quả xây dựng này nên ai cũng vui”.
Theo thống kê của UBND xã Đăk Tơ Lung, toàn xã có 25 hộ hiến đất, tài sản trên đất cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Gia đình Y Ne ở thôn Kon Mong Tu hiến 280 m2 đất mặt tiền tỉnh lộ 677 để làm đường vào nhà rông thôn Kon Mong Tu, hiến 1.200 m2 đất để làm đường vào khu sản xuất nước Tơ Lung. Gia đình chị Ngô Thị Tuyết Sương ở thôn 1 xã Tân Lập (có đất ở xã Đăk Tơ Lung) hiến 1.250 m2 đất đã trồng cây ăn trái để làm đường giao thông từ thôn Kon Lung đi Ngã ba thủy điện và 225 m2 đất mặt tiền tỉnh lộ 677 làm đường vào khu sản xuất. Gia đình A Lợi ở Kon Bỉ hiến đất ở 3 mảnh đất khác nhau… Cùng với đó, hàng nghìn ngày công của bà con tự nguyện tham gia đã giúp chính quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung: Ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, chính quyền xác định người dân là chủ thể, đối tượng hưởng lợi trực tiếp nên tập trung tuyên truyền giúp bà con hiểu. Khi triển khai, tất cả vướng mắc đều được người dân hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, cùng chính quyền tích cực xây dựng nông thôn mới. Tuy mức độ hiến đất khác nhau nhưng dân hiểu nên ai cũng vui, tự nguyện làm.
|
Nhiều công trình đường, cầu được xây dựng giúp người dân Đăk Tơ Lung vươn lên từng ngày. |
Vững bền từng tiêu chí
Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công, Đăk Tơ Lung đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến xã; có sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức đoàn thể và sự đồng thuận chung sức của nhân dân trên địa bàn.
Xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp góp phần thay đổi đáng kể diện mạo thôn, làng nơi đây. Chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân cơ bản được nâng lên. Sản xuất thuận lợi tạo lợi thế cạnh tranh của sản phẩm… Tuy nhiên, dù đã có chuyển biến tích cực nhưng với xã vùng III như Đăk Tơ Lung, công cuộc xây dựng nông thôn mới vẫn còn thách thức, trong đó chính quyền và người dân phải xây dựng các tiêu chí một cách bền vững.
Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung chia sẻ: Thu nhập của người dân còn thấp, chưa ổn định; sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp với cây sắn chủ lực nhưng giá bấp bênh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (gần 7%). Dù đạt nông thôn mới nhưng một số tiêu chí còn thiếu bền vững như thu nhập, hộ nghèo.
Để giúp Đăk Tơ Lung ngày một phát triển, đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới bền vững, chính quyền và người dân đang cùng nhau tìm hướng đi mới. Cụ thể, với các tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đã đạt nhưng thiếu tính bền vững, xã Đăk Tơ Lung tiếp tục tập trung các nguồn lực; thời gian tới, UBND xã sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp bà con chuyển dần diện tích trồng cây bời lời sang cây ăn quả theo hướng chuỗi liên kết giá trị để nâng cao chất lượng, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích. Tập đoàn TH sẽ bao tiêu sản phẩm và người lao động sẽ được chính quyền liên hệ vào làm tại các dự án của tập đoàn này. Các tiêu chí khác trong bộ tiêu chí nông thôn mới sẽ được nâng cao.
|
Những câu cầu mới nối những bản làng giúp người dân Đăk Tơ Lung đi lại thuận tiện. |
Trưởng thôn Kon Bỉ A Tú khẳng định, khi chính quyền chủ trương vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, bà con sẽ hưởng ứng theo để cùng giúp cho các thôn, làng ngày một phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Sau khi xây dựng nông thôn mới thành công ở xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy đặt mục tiêu đến năm 2025 có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trong các giải pháp thực hiện, trọng tâm là vận động, tuyên truyền người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp - đây là cách để giải quyết vấn đề thu nhập và giúp dân thoát nghèo bền vững. Huyện sẽ đưa những cây, con giống mới có chất lượng, năng suất cao và ứng dụng thâm canh sản xuất với từng loại cây trồng để tạo ra thu nhập cao trên một diện tích...