Để thực hiện Đề án 938, Hội LHPN thị xã Hương Thủy tập trung việc giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Thủy cho biết, hàng năm, Hội LHPN thị xã chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường trên địa bàn rà soát, chọn và xây dựng kế hoạch giúp hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”.
Để tạo động lực, Hội LHPN thị xã Hương Thủy đã đưa nội dung này vào chỉ tiêu thi đua hàng năm. Qua đó, các đơn vị triển khai bằng nhiều hình thức giúp đỡ như: hỗ trợ vốn vay, tập huấn nâng cao kiến thức, vay vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ học bổng…Với cách làm trên, năm vừa qua, Hội LHPN các cấp ở thị xã Hương Thủy đã đăng ký giúp 38 hộ, trong đó có 14 hộ nghèo.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh chủ động tham mưu thực hiện tuyên truyền pháp luật “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trên cơ sở giới cho phụ nữ và trẻ em” tại các trường học trên địa bàn. Nhờ vậy, đông đảo các em học sinh, nhất là học sinh nữ nhận biết được những vụ việc, những kỹ năng phòng vệ cơ bản để bảo vệ bản thân khi không may bị bạo lực, xâm hại.
CLB “Tư vấn, hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em” được Hội LHPN TP. Huế thành lập gần một năm nay, tạo chỗ dựa cho phụ nữ và trẻ em.
Chị Dương Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế cho biết: “CLB ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến phụ nữ, nhất là phụ nữ khó khăn, phụ nữ còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, góp phần phát huy vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Đề án 938 được thực hiện dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Bám sát chủ đề của giai đoạn đầu là vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh đồng loạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Ban đầu, Tỉnh hội hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật thành lập 9 mô hình sản xuất kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp đó, các đơn vị hội đã nhân rộng ra tại cơ sở. Hiện, đã có hàng trăm mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh doanh sạch do phụ nữ làm chủ. Nhiều mô hình đã được đầu tư mở rộng thành hợp tác xã.
Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức hàng loạt hoạt động trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó, chú ý truyền thông phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; ngăn ngừa vi phạm pháp luật... tại các xã ven biển, giáp biên giới, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn...
Đối với vùng núi A Lưới, Tỉnh hội tranh thủ nguồn lực từ dự án AC Thụy Điển, triển khai nhiều hoạt động giúp đội ngũ cán bộ, hội viên, các ông bố, bà mẹ trên địa bàn huyện nhận thức được những thiếu sót, hạn chế trong giáo dục con; đồng thời được tiếp nhận các kỹ năng mềm (không nước mắt, không bạo lực) để trò chuyện cùng con, khuyến khích trẻ tâm sự, lên tiếng khi bị xâm hại.
Chị Hồ Thị Lộc ở xã Hồng Quảng kể, chị có một con gái 10 tuổi và một con trai 4 tuổi. Nhờ được tập huấn, chị biết thêm phương pháp giáo dục con ở tuổi mới lớn, biết cách làm bạn với con để con dễ dàng tâm sự những buồn vui với mình và biết hỗ trợ, giúp đỡ nếu không may bị xâm hại.
Theo bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực để triển khai Đề án 938, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của phụ nữ và cộng đồng. Tuy nhiên, đề án có phạm vi tác động ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội nên quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc chủ động phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Việc lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết của các cấp hội còn hạn chế, chưa quyết liệt. Tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn xảy ra đòi hỏi Hội LHPN và các ngành có liên quan cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Năm 2020 với chủ đề “Nói không với rác thải nhựa và vì an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện đề án; xây dựng các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; tăng cường hợp tác, vận động nguồn lực thực hiện đề án; thực hiện kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đề án theo quy định.