Tham dự lễ phát động có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đồng chí Phạm Thị Kim Oanh, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đồng chí Bùi Thế Duy, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thường trực đề án Hệ trí thức Việt số hóa; đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thứ BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình Điều ước cho Em
Tại lễ phát động, Ban tổ chức cho biết trong cuộc gặp mặt Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vào tháng 11/2020, 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” (do T.Ư Đoàn, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức) đã bày tỏ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, có nước sạch, học sinh được có lớp học đầy đủ, được ăn trưa, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, có đủ sách vở, quần áo… để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Từ buổi gặp gỡ, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đưa ra sáng kiến phát động Chương trình “Điều ước cho em” với mong muốn phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự chung tay của cộng đồng và xã hội để cùng nhau hiện thực hoá những điều ước của các thầy cô, các em học sinh tại các vùng miền khó khăn.
“Điều ước cho em” kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ 6 nhóm “điều ước” cũng chính là nhu cầu bức thiết hiện nay gồm: hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh (sách vở, dụng cụ học tập, quần áo…); hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh (sân chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…).
Chương trình "Điều ước cho em” với nền tảng công nghệ là Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em) sẽ cho phép kết nối các chương trình thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm.
Ban tổ chức cũng cho biết đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên cổng thông tin này; gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các Bộ, ban ngành thời gian qua đã quan tâm, dành tình cảm ấm áp cho các học sinh và thầy cô.
Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại chương trình
Cùng với Bộ GD&ĐT, Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các Bộ ban ngành, địa phương, tập thể, cá nhân trong thời gian qua đã làm nhiều việc cho các em học sinh. Tuy nhiên cách làm đôi khi chưa thực sự đúng hướng, chưa giải quyết được trọn vẹn những điều ước giản dị của thầy cô và học sinh vùng sâu xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì vậy cần sự thay đổi lớn trong cách chăm lo, đồng hành, chăm sóc học sinh. Muốn thay đổi lớn cần phải có phương pháp đúng. Và phương pháp của Phó thủ tướng Võ Đức Đam đưa ra chương trình Điều ước cho em là hoàn toàn đúng đắn để thay đổi cách thức chăm lo và đồng hành cùng các em học sinh. Với cách làm này công việc chúng ta đang làm sẽ bài bản, minh bạch hơn. Chúng ta sẽ thực hiện được những mong muốn, điều ước của GV, HS, có biện pháp đồng hành hỗ trợ những điều ước hiệu quả.
Là đơn vị tham gia chương trình, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo những nội dung mà các đơn vị cùng ký cam kết với tinh thần đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, minh bạch trong chương trình Điều ước cho em. Với tư cách là cơ quan đại diện để bảo trợ cho hoạt động của cồng đồng tình nguyện Việt Nam, chúng tôi kêu gọi và mong muốn sự chung tay của của các cấp, các ngành trong cả nước, đặc biệt cộng đồng tình nguyện Việt Nam…
"Sức mạnh sẽ đến từ toàn bộ cộng đồng. Nếu có sự chung tay của từng thành viên, từng người dân để chăm lo, đồng hành, bảo trợ cho các em thì chắc chắn chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh to lớn để đáp ứng được ngày càng nhiều hơn những mong mỏi của thầy cô và học sinh", đồng chí Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Đại diện Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án tri thức Việt số hóa ký kết phối hợp triển khai Chương trình"Điều ước cho em"
Cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người, để cùng chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ ”
Chia sẻ tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ trăn trở khi xem những thước phim trong phóng sự, ghi nhận nhiều điểm trường còn khó khăn thiếu thốn đủ bề. Nhiều nơi học sinh còn chưa được ăn trưa đầy đủ, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu nhà vệ sinh, thậm chí là không có. “Tôi tin, những điều đó đã thôi thúc mỗi chúng ta cần làm điều gì đó cho các em, để những ước mơ giản dị của thầy – trò trở thành hiện thực. Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người, để cùng chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ", Phó Thủ tướng nói.
Chương trình Điều ước cho em sẽ trở thành điểm kết nối để các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc. Trên cơ sở đó, cập nhật những yêu cầu thiết thực của thầy – trò, để các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, hỗ trợ, biến những điều đó trở thành hiện thực.
Phó Thủ tướng mong muốn, chương trình sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng, để không dừng lại là những bữa ăn bán trú, hay nhà vệ sinh cho học sinh… mà tới đây sẽ là những bữa ăn đủ dinh dưỡng, những điểm trường có đầy đủ khu vui chơi, giải trí, để các em rèn luyện sức khỏe, học mà chơi, chơi mà học. Điều ước đó sẽ tiếp tục và sẽ lan tỏa để trở thành hiện thực, để những điều tốt đẹp sẽ đến với thệ hệ học trò - tương lai của đất nước.
Xúc động chia sẻ trong lễ phát động với vai trò là Đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em”, hoa hậu H'Hen Niê gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; không phải với tiếng nói của một hoa hậu, một người nổi tiếng, mà là đại diện cho các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Nhắn gửi đến các học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, H'Hen Niê cho rằng, đây là một cơ hội tuyệt vời và các em phải biết nắm lấy cơ hội của mình; để sau này trở thành người truyền cảm hứng, người có ích cho cộng đồng.
Với vai trò là Đại sứ, H'Hen Niê cho biết mình sẽ làm tất cả những gì có thể để cùng đồng hành với Chương trình; lan tỏa những điều tốt đẹp, từ đó đem lại những cơ hội tốt nhất cho học sinh, sinh viên vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Tại lễ phát động chương trình, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã trao biển cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng chương trình. Trong đó, trao tặng 16 công trình Trường đẹp cho em, Nhà bán trú cho em; 1.000 nhà vệ sinh cho em, bữa ăn trưa cho 30.000 em; học bổng, 20.000 suất quà tặng cho học sinh trị giá gần 127 tỷ đồng./.