Cần có chỉ tiêu trong công tác tư pháp
Cho ý kiến về lĩnh vực tư pháp là công việc được Quốc hội thực hiện thường kỳ ở kỳ họp Quốc hội cuối năm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ tám có điểm mới là Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết chung về lĩnh vực này.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm rõ 4 vấn đề xung quanh dự thảo nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Đến nay, Quốc hội đã ban hành 10 nghị quyết liên quan đến công tác tư pháp. Qua 7 năm thực hiện, một số chỉ tiêu không còn phù hợp và việc tồn tại nhiều chỉ tiêu trong nhiều nghị quyết dẫn tới khó khăn trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, Quốc hội cần ban hành một nghị quyết mới về công tác tư pháp.
Nghị quyết của Quốc hội cần đề ra các chỉ tiêu, yêu cầu với các cơ quan thực hiện nhằm định lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ. Việc đề ra chỉ tiêu cụ thể giúp người giám sát có căn cứ để giám sát, người quản lý ngành có căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện, cán bộ thực thi nhiệm vụ có căn cứ phấn đấu để đạt chỉ tiêu.
Không dung túng cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật
Giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: “Nhìn tổng thể chung, tình hình an ninh trật tự của nước ta tiếp tục được giữ vững. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn. Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay”.
Trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội và cử tri về tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng Việt Nam làm địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, qua các vụ án lớn cho thấy, các đường dây ma túy đều bị phát hiện, bắt giữ khi mới hoạt động. “Điều đó cho thấy, mặc dù còn có vấn đề này, vấn đề kia nhưng thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng, chống tội phạm ma túy vẫn mang lại hiệu quả. Ngoài sự chủ động về nghiệp vụ, lực lượng Công an nhân dân còn có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đặc biệt là sự hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu, tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật mà các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Chính phủ và Bộ Công an cũng nhận thức rõ ràng rằng: Với khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, hằng năm, gần 134.000 tin báo tố giác tội phạm, hơn 103.000 số vụ án, hơn 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, những tồn tại, khó khăn, sai phạm trong vụ việc này, vụ việc kia là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có những giải pháp quyết liệt để phòng ngừa sai phạm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đã xảy ra.
Nói về những vụ việc cụ thể mà các đại biểu Quốc hội nhắc đến, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, đó đều là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết. Một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm chủ yếu là do vướng mắc về pháp luật và quan điểm, nhận thức vận dụng của các ngành có lúc, có nơi chưa thống nhất; việc thu thập chứng cứ trong một số vụ việc hết sức khó khăn, nhất là những vụ việc đưa và nhận hối lộ hoặc các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Số lượng và quy mô các vụ án tăng theo quy mô dân số và kinh tế
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu con số thống kê, trung bình hằng năm, số lượng công việc của ngành tòa án tăng khoảng 10%, đặc biệt, năm 2019 tăng tới 12%, gần 70.000 vụ. Theo báo cáo, năm 2019, ngành tòa án đang thụ lý hơn 600.000 vụ. Số lượng và quy mô các vụ án tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và quy mô nền kinh tế. “Chúng tôi đã tham khảo tất cả các quốc gia có quy mô dân số 100 triệu dân thì số lượng giải quyết của tòa án ở các quốc gia này đều là 1,5-2 triệu vụ/năm cho nên con số 600.000 chưa phải là điểm dừng, trong tương lai có thể sẽ tăng nhiều hơn thế nữa”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Trước áp lực công việc ngày càng tăng, rất nhiều thẩm phán xin nghỉ việc, trong đó có cả chánh án và phó chánh án. Từ tình hình thực tế đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị xem xét lại việc giảm biên chế trong lĩnh vực tư pháp một cách hợp lý hơn: “Khi dân số tăng, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, như nhà ở, giao thông, bệnh viện, trường học, điện, nước, rác thải... Tất cả các áp lực này đều có thể giải quyết bằng cơ chế thị trường, bằng xã hội hóa, nhưng riêng hoạt động tư pháp là bổn phận của nhà nước, không thể nhường cho ai được nên giảm biên chế đều như các lĩnh vực khác là phải cân nhắc”.
Từng bước kiềm chế tham nhũng
Các đại biểu Quốc hội thống nhất đánh giá, trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Thể chế, pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng hoàn thiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tăng cường hơn thông qua việc xử lý, công khai kết quả xử lý tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không kể người đó là ai” đã có tác dụng tích cực, góp phần cảnh báo, răn đe, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của những người có chức vụ, quyền hạn. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường... Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tư pháp về đánh giá tình hình tham nhũng cũng như dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới sẽ từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến, một số mặt trong công tác phòng, chống tham nhũng chuyển biến còn chậm. Cụ thể là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói chưa đi đôi với làm, thiếu gương mẫu, thậm chí có hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu, tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục. Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Việc kiến nghị xử lý vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua vẫn chủ yếu kiến nghị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý về hình sự.
* Trước đó, đầu giờ sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ tám; nghe Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo cập nhật thông tin về vụ việc 39 người chết trong xe container tại Anh.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, những ngày qua, vụ 39 nạn nhân tử vong ở Anh đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới. Thay mặt Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân; đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phối hợp với các nước liên quan xác minh làm rõ, có biện pháp bảo hộ công dân; đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện; thảo luận về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020.