Dự phiên họp có: Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Chuẩn đô đốc Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình xin ý kiến về việc ban hành Nghị định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chuẩn đô đốc Nguyễn Trọng Bình cho biết, theo yêu cầu của Tổ chức châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), việc đánh giá Việt Nam có tuân thủ thực hiện Khuyến nghị số 7 và IO11 của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (FATF) sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam có hay không có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực áp dụng trước thời điểm APG hoàn thành đánh giá đối với Việt Nam, dự kiến là ngày 15-11 tới. Do đó, việc xây dựng, ban hành Nghị định được xem là trường hợp cấp bách. Để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của APG trong thời gian gấp, Chính phủ dự kiến thời điểm có hiệu lực của Nghị định này là từ ngày ký ban hành. Việc xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản như vậy cũng phù hợp với quy định tại Điều 151, Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
|
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: daibieunhandan. |
Chuẩn đô đốc Nguyễn Trọng Bình nêu rõ: Do tính chất đặc biệt nguy hiểm của vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) nên Liên hợp quốc đã phân loại để quản lý riêng với các loại vũ khí như Công ước về cấm vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học và phóng xạ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới có một số văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh riêng đối với từng đối tượng là các tác nhân hóa học, sinh học và phóng xạ; chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh một cách toàn diện về WMD, cũng như việc ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động đặc biệt nguy hiểm này.
Do đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát các vấn đề liên quan đến phòng ngừa, ngăn chặn, phá vỡ hoạt động phổ biến, sử dụng WMD và việc tài trợ cho các hoạt động nguy hiểm này, ứng phó, khắc phục hậu quả của hoạt động phổ biến, sử dụng WMD là hết sức cần thiết.
Dự thảo Nghị định được thiết kế thành 6 chương, 44 điều, với nội dung cơ bản quy định về tổ chức phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; quy định về phòng ngừa phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; quy định về chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt...
Dự thảo Nghị định quy định: Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu mối quốc gia về thực hiện phòng, chống phổ biến WMD (gọi tắt là Cơ quan đầu mối quốc gia); Bộ tư lệnh hóa học là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam, là cơ quan đại diện, thường trực thay mặt Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam giải quyết các công việc liên quan đến công tác phòng, chống phổ biến WMD.
Theo Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định và cho rằng, Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về phòng, chống phổ biến WMD được ban hành ngày 28-4-2004 có giá trị bắt buộc các nước thành viên của Liên Hợp Quốc phải thi hành. Kể từ khi Nghị quyết 1540 được ban hành đến nay, Việt Nam với tư cách là thành viên của Liên Hợp Quốc và ASEAN đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ theo Nghị quyết 1540, tham gia hầu hết các hiệp ước, công ước quốc tế và khu vực khác liên quan đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc nghiên cứu nội luật hóa nội dung của Nghị quyết trên và một số hiệp ước, công ước khác liên quan, trong đó có khuyến nghị số 7 của lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (FATF) chưa kịp thời. Vì vậy, để nội luật hóa vấn đề trên, việc ban hành Nghị định là cần thiết, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và uy tín trong thực thi luật pháp quốc tế.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, các quy định của Nghị định là cần thiết để thực hiện kịp thời, chủ động, có hiệu quả trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đáp ứng yêu cầu thực hiện trách nhiệm quốc tế về vấn đề này. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ để bảo đảm quy định chặt chẽ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và với các điều ước quốc tế liên quan, tránh làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc và các hành vi vi phạm, lợi dụng xâm phạm lợi ích cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định và đã tập trung thảo luận về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Có ý kiến cho rằng, do thời gian Chính phủ trình và xin ý kiến gấp nên phạm vi điều chỉnh chưa khái quát hết các nội dung của dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định cũng chưa làm rõ đối tượng và danh mục vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát lại, bổ sung về nội dung và chỉnh lý về mặt kỹ thuật văn bản, nhằm bảo đảm tính thống nhất ngay trong dự thảo Nghị định và với hệ thống pháp luật hiện hành.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ và nội dung dự thảo Nghị định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.