Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
139 lao động bị lừa 30 tỷ đồng để sang Hàn Quốc, Hà Lan
Ngày cập nhật 08/11/2019

HÀ NỘICác nạn nhân tin Phùng Thị Mười có 20 năm kinh nghiệm đưa lao động đi làm việc nên nộp hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 7/11, khi TAND Hà Nội thông báo hoãn phiên xét xử bà Mười và hai đồng phạm với lý do vắng mặt nhiều người khiến hơn 30 bị hại có mặt bức xúc. Nhiều người bật khóc, nói đã vất vả đi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí cả Gia Lai ra Hà Nội để tham dự. Tất cả đều là bị hại, hoặc đại diện cho bị hại trong số 139 lao động bị nhóm bà Mười lừa tiền.

Một phụ nữ bế theo con nhỏ vài tháng tuổi đã đứng khóc ngay ở bàn của thư ký tòa án, năn nỉ xin tiếp tục xét xử. Từ Gia Lai ra dự tòa thay chồng là bị hại của vụ án, chị Hoa kể mấy năm trước vợ chồng kiếm sống bằng việc trồng tiêu, chăm nương rẫy thì có người giới thiệu "mối đi lao động Hàn Quốc chắc ăn lắm". Mối đó chính là bà Mười. Tin lời, gia đình chị "chồng ngay 2.000 USD" để nhóm bà Mười giúp làm thủ tục. Một thời gian sau, vợ chồng chị bị giục nộp thêm  3.000 USD để hoàn tất thủ tục visa. Lần thứ ba, chồng chị nộp thêm 5.000 USD khi nhóm này nói "sắp xuất cảnh", tuy nhiên đợi mãi không thấy lịch đi Hàn Quốc như hứa hẹn.

Bà Mười sau đó nói việc xuất cảnh sang Hàn Quốc khó khăn. Nếu gia đình chị Hoa nộp thêm 5.000 USD nữa sẽ có một suất sang Australia lao động, xuất cảnh ngay. "Đâm lao phải theo lao", vợ chồng chị Hoa tiếp tục vay tiền để được lên đường sớm.

Nhưng chờ mãi vẫn không đến ngày "được đi", nợ chồng chất, chồng chị Hoa phải tính "đường khác" và hiện anh đã sang Đài Loan làm việc để gửi tiền về trả nợ. Chị cũng chuẩn bị sang đó lao động để cùng trả nợ. Lần mở phiên tòa tới, chị bảo sẽ không tham dự được vì đã ở Đài Loan.

Cùng khóc như chị Hoa, một số phụ nữ nói cú lừa của bà Hoa đã khiến gia đình họ bây giờ "sống khổ như con vật" vì không biết bao giờ mới trả xong món nợ hàng trăm triệu đồng với lãi suất cao.

Từ trái qua bị cáo Hiếu, Sen, Mười. Ảnh: H.N.

Từ trái qua, bị cáo Hiếu, Sen, Mười. Ảnh: H.N.

Theo cáo trạng, năm 2015-2018, Phùng Thị Mười (47 tuổi, quê Nam Định), Trần Thị Sen (72 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) và Lương Văn Hiếu (31 tuổi) đã đưa ra thông tin gian dối và hứa hẹn đưa được người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan. Họ nhận tiền của nhiều người có nhu cầu song không thực hiện cam kết và chiếm đoạt tiền.

Bà Mười trực tiếp nhận tiền 17,5 tỷ đồng và hứa hẹn sẽ đưa 86 người đi lao động ở Hàn Quốc, 3 đi Nhật Bản, 2 người đi Hà Lan. Bà Mười thuê Lương Văn Hiếu (31 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) làm trợ lý nhận hồ sơ và tổ chức đưa người lao động đi khám sức khỏe, học ngoại ngữ, thi tay nghề.

Bà Mười móc nối với bà Sen để tổ chức tìm các nguồn lao động ở các tỉnh miền Trung có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Hai người thỏa thuận, với mỗi lao động được giới thiệu bà Sen sẽ được hưởng 1.000 USD. Bà Sen dẫn Phùng Thị Mười và Lương Văn Hiếu đến một số tỉnh miền Trung tìm lao động. 19 người đã trực tiếp nộp hơn 2 tỷ đồng cho bà Sen và được hứa đưa ra nước ngoài lao động song lời hứa không được thực hiện.

Đầu năm 2016, Mười thông qua anh Trương Quang Hải (39 tuổi, ở Nam Định) để nhận hồ sơ của lao động muốn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, thu phí 10.000 USD một người.

Tin tưởng Mười có khả năng, anh Hải đã giới thiệu 11 lao động là người thân, quen của mình, chuyển 110.000 USD (tương đương 2,5 tỷ đồng). Hiếu tập hợp hồ sơ, hướng dẫn các lao động này đi khám sức khỏe tại một số bệnh viện ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó không ai được đi xuất khẩu lao động như Mười cam kết.

Một nhóm lao động khác gồm 13 người ở Hà Tĩnh cũng bị lừa với chiêu tương tự. Qua giới thiệu của Sen, Hiếu, tháng 4/2017, bà Mười gặp anh Lê Tiến Bản, tự giới thiệu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với hơn 20 năm kinh nghiệm, có nhiều mối quan hệ, có chức năng, khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Bà Mười thỏa thuận anh Bản là đầu mối thu 10.000 USD với lao động muốn đi Hàn Quốc và 13.000 USD với người muốn làm thợ cơ khí ở Hà Lan.

Anh Bản đã giới thiệu 13 người quen, thu 3,6 tỷ đồng song sau đó mới phát hiện hành vi của Mười là lừa đảo. Ngoài những lao động nêu trên, còn một số người khác cũng bị lừa với hình thức tương tự. Nhà chức trách xác định, trong các năm 2015-2018, 139 người đã bị lừa tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng, trong đó bà Mười chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng, Trần Thị Sen chiếm hưởng gần 2 tỷ đồng. Lương Văn Hiếu không chiếm đoạt mà chỉ hưởng lương tháng do bà Mười trả.

Theo cáo trạng, Mười giữ vai trò người khởi xướng, tổ chức. Sen và Hiếu là đồng phạm tích cực. Hai anh Bản, Hải đều đã nộp để trả lại số tiền mà mình giữ của các bị hại. Còn khoản tiền chuyển cho bà Mười họ không chiếm hưởng. Cáo trạng không truy tố hai người này.

Bà Mười cùng Sen, Hiếu bị truy về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Phiên tòa hiện chưa ấn định ngày mở lại. 

https://vnexpress.net/thoi-su
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.443.428
Truy cập hiện tại 920