Chiều ngày 4/11/2019, tại Thái Lan, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, các nước đã tổ chức họp Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14.
Các nước đánh giá EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về an ninh, chiến lược ở khu vực; đánh giá tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động nhanh chóng, thuận lợi thách thức đan xen.
Đa số các nước cho rằng EAS, với một nửa dân số thế giới phải được củng cố và phát huy, thực sự trở thành diễn đàn của các lãnh đạo, trao đổi các nội dung chiến lược, liên quan tới hòa bình, ổn định khu vực. Các nước hài lòng với việc triển khai Kế hoạch Hành động Manila 2018-2020, thông qua Tuyên bố về chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững.
Hội nghị đánh giá ý nghĩa tài liệu Tầm nhìn ASEAN về Ấn ĐộDương - Thái Bình Dương, thể hiện tầm nhìn, nguyên tắc và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN trong hợp tác với các đối tác. Các đối tác bày tỏ mong sớm thấy các hoạt động hợp tác cụ thể thời gian tới.
Tại hội nghị, các nước đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình Biển Đông. Đa số các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS, diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại và hợp tác vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Thủ tướng Chính phủ phát biểu ủng hộ EAS đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy hình thành các chuẩn mực ứng xử và khuôn khổ quan hệ dựa trên luật lệ giữa các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng nêu rõ tình hình Biển Đông chưa thật sự bền vững vẫn còn những sự việc gây quan ngại, đi ngược lại luật pháp quốc tế, có thể ảnh hưởng hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không. Thủ tướng đề nghị các nước đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế vì Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.