Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Thông cáo số 15 kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV
Ngày cập nhật 11/11/2019

Ngày 8-11-2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 15 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình nghị sự, đây là ngày chất vấn cuối cùng trong tổng số ba ngày chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.

 

 

Tham gia Ðoàn Chủ tịch có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Buổi sáng

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Theo chương trình nghị sự, thời gian trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kéo dài trong cả buổi sáng đến 14 giờ 35 phút buổi chiều cùng ngày. Trong quá trình chất vấn, đã có 43 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 12 đại biểu Quốc hội tranh luận. Tại phiên chất vấn, các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành thông tin và truyền thông, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng.

Cùng với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi; các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm, có tính xây dựng, thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Ðây là lần thứ hai lĩnh vực thông tin, truyền thông được đưa ra chất vấn trong nhiệm kỳ này, nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì đây là lần đầu được đăng đàn. Mặc dù mới nhận nhiệm vụ được hơn một năm, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ - thông tin, Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Phần trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm và có các giải pháp cho tương lai tương đối cụ thể. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để khắc phục hạn chế, tồn tại của lĩnh vực thông tin, truyền thông, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp, tập trung vào một số vấn đề sau:

- Tiếp tục triển khai các quy định của Luật Báo chí, Kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bảo đảm phát huy yêu cầu, mục đích đề ra. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử đúng quy định pháp luật, phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí, không để xảy ra việc "báo hóa tạp chí"; rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa cơ quan báo chí; sớm tổng kết và ban hành quy định hướng dẫn về liên kết, xã hội hóa các chương trình trên phương tiện truyền thông trong năm 2020. Ðồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của tổng biên tập trong việc quản lý phóng viên và nội dung thông tin, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, nhất là bảo đảm tính chính xác của thông tin; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức người làm báo; tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát chặt chẽ các điều kiện về cấp phép trong lĩnh vực báo chí, xử lý nghiêm các phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận; có giải pháp để hỗ trợ hình thành nền tảng truyền thông xã hội trong nước.

- Quản lý hiệu quả lĩnh vực thông tin điện tử, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả; có các giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, quảng cáo không đúng sự thật, các game đánh bạc trên mạng; xây dựng, vận hành công cụ giám sát và xử lý việc đưa tin sai sự thật; sớm ban hành văn bản quy định về xử lý vấn đề tin giả, bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, xử lý sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tăng cường hỗ trợ hình thành các mạng xã hội Việt Nam; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp số, kinh tế số.

- Tiếp tục chấn chỉnh việc quảng cáo trên trang thông tin mạng và trên báo chí đúng quy định pháp luật bảo đảm không để các doanh nghiệp lợi dụng mạng thông tin quảng cáo sai sự thật.

- Xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; xây dựng Chiến lược quốc gia về quản trị dữ liệu và Trung tâm CSDL quốc gia dùng chung, kết nối giữa địa phương và bộ, ngành. Năm 2019, ban hành nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung, bảo đảm tính liên thông đối với các CSDL thông tin quốc gia, hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, giảm phiền hà cho nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ triển khai mô hình thành phố thông minh; ban hành hướng dẫn về thí điểm thành phố thông minh với mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, công nghệ là phương tiện; năm 2020 xây dựng bộ Mã bưu chính điện tử để hỗ trợ cho thương mại điện tử.

Buổi chiều

Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, từ 14 giờ 45 phút đến 16 giờ 45 phút, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu kết thúc ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong không khí dân chủ và tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám đối với bốn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của bốn vị bộ trưởng: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Trịnh Ðình Dũng và các bộ trưởng có liên quan đã tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ thêm các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội (ÐBQH).

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn có gần 250 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận. Các ÐBQH đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề, nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề cử tri quan tâm. Cơ bản các vị ÐBQH hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ. Qua tám kỳ họp phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri; trách nhiệm, trí tuệ và năng lực hoạt động của các ÐBQH tại nghị trường, không khí dân chủ, đổi mới, tính chuyên nghiệp của hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri.

Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực phụ trách; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, do thời gian chất vấn có hạn, nên còn nhiều đại biểu hỏi nhưng chưa được trả lời, nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa đủ thời gian được chất vấn, mong các vị đại biểu thông cảm và đề nghị gửi câu hỏi đến Thủ tướng, các thành viên Chính phủ để trả lời bằng văn bản.

Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước. Kết quả phiên chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn đã được các vị ÐBQH lựa chọn đúng và trúng, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao. Các câu hỏi chất vấn của các vị ÐBQH một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng là sự chia sẻ những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành để từ đó có những quyết sách phù hợp trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Ðiều này cho thấy sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ như Thủ tướng đã nói trong phần trả lời chất vấn của mình.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn có hạn, có nội dung đã được trao đổi, trả lời tương đối cụ thể, nhưng cũng còn nhiều nội dung cần tiếp tục được làm rõ. Có những vấn đề cần làm ngay, nhưng cũng có những nội dung phải có thời gian, có lộ trình để triển khai thực hiện. Các nội dung cụ thể về từng lĩnh vực đã được kết luận tại mỗi phiên chất vấn đối với các bộ trưởng. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ÐBQH, của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực quản lý.

Trên cơ sở chất vấn của các vị ÐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo nghị quyết chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát thực hiện, đồng thời, giúp Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội. Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Ðề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo, có biện pháp thiết thực, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội để báo cáo Quốc hội. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn các vị khách quý, đồng bào, cử tri cả nước đã dành thời gian quan tâm theo dõi. Cảm ơn các thành viên của Chính phủ đã có sự chuẩn bị chu đáo, trực tiếp trả lời chất vấn và tham gia giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan. Cảm ơn các vị ÐBQH đã tích cực nghiên cứu, tham gia chất vấn với nhiều ý kiến thẳng thắn, sắc sảo, thiết thực. Cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin, tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp đến đồng bào, cử tri cả nước để cho hoạt động của Quốc hội ngày càng gần với nhân dân hơn.

Thứ hai, ngày 11-11-2019, Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; và nghe: Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư; Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Ðê điều. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư. Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

 

nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.443.225
Truy cập hiện tại 886