Hừng hực khí thế mở đường
Xuất phát tại vị trí nút giao quốc lộ 9, địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), chúng tôi cùng các cán bộ Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh lên chiếc ô-tô địa hình len lỏi theo tuyến đường công vụ mới được thi công để phục vụ thi công công trình. Sau nửa giờ leo đồi núi, đoàn dừng lại tại công trường thi công gói thầu xây lắp số 1 (Km 0 - 15), thuộc liên danh nhà thầu Tổng công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 703 với Tổng công ty Xây dựng Thành An (Bộ Quốc phòng). Chỉ huy trưởng công trường Chu Tuệ Minh chỉ tay về phía những chiếc xe múc nổ máy ầm ầm giữa núi rừng cho biết, đơn vị đang triển khai công đoạn đào múc đất san bằng nền đường. Để tạo mặt bằng cho đường cao tốc, ở nhiều vị trí, đơn vị thi công phải đào sâu tới 3 đến 4 m, thậm chí một số đoạn qua triền núi cao, phải đào sâu hơn 20 m.
Đơn vị thi công đã huy động hơn 200 công nhân làm việc cùng gần 100 phương tiện, máy móc các loại, nhiều ngày các công nhân thi công đến 22 giờ mới nghỉ. Gói thầu xây lắp số 2 (đoạn từ Km 15 đến Km 26+500) thuộc liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 68 và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 168 Việt Nam. Tại đây, chỉ huy trưởng công trường Phạm Ngọc Sáng đang đôn đốc công nhân tận dụng thời tiết những ngày cuối thu ít mưa để khẩn trương làm việc. Gói thầu này có hạng mục cầu Thạch Hãn dài gần 600 m, cầu Như Lê 1 và Như Lê 2 tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian hơn. Cung đường hơn 10 km, được tập trung bảy đội thi công với hơn 300 công nhân và hàng trăm xe cơ giới các loại triển khai đào đắp, san gạt nền đường và tập kết vật liệu. Cả hai gói thầu 1 và 2 có đến tám cầu, 71 cống và 17 hầm chui dân sinh, các nhà thầu thi công đang quyết tâm phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, cố gắng đến đầu mùa mưa năm 2020 sẽ hoàn thành phần nền đường.
Đến mỗi công trường thi công, các cán bộ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh luôn quan tâm thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như động viên các đơn vị chủ động, sáng tạo hơn nữa, tùy điều kiện thời tiết để bố trí công việc phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công; chỉ đạo các nhà thầu sớm tập kết vật liệu phục vụ thi công. Hiện nay, gói thầu xây lắp số 3 (từ Km 23 +500 đến Km 37+300) đang được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lựa chọn nhà thầu, phấn đấu khởi công vào tháng 1-2020; các gói thầu còn lại thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế (từ Km 37+300 đến Km 98+300) cũng đang được cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công đúng tiến độ.
Như vậy, hướng tuyến của dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn trùng với đường Hồ Chí Minh, đi qua phía tây nam TP Đông Hà, huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị; cũng như qua phía tây nam các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án có chiều dài 98,3 km, được khởi công đầu tiên trong 11 dự án thành phần của đường cao tốc bắc - nam. Khi hoàn thành, đoạn đường này cùng với tuyến La Sơn - Túy Loan sẽ tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của quốc lộ 1 trong trường hợp tuyến đèo và hầm Hải Vân xảy ra sự cố, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh.
Sớm tháo gỡ nút thắt mặt bằng
Để thi công đoạn tuyến cao tốc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao cho nhà đầu tư và đơn vị thi công. Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt thực hiện GPMB phục vụ thi công dự án. Tỉnh đã bàn giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh 13,5 km trong tổng số 61 km, dự kiến phần còn lại sẽ được bàn giao đúng tiến độ vì không có vướng mắc gì lớn. Các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đang lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công các gói thầu qua địa bàn. Đối với Quảng Trị, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lê Đức Tiến cho biết, địa phương luôn xác định GPMB là nhiệm vụ quan trọng, hiện tỉnh đã bàn giao được 24 km trong số 37,3 km cho chủ đầu tư và đơn vị thi công hai gói thầu số 1 và 2. Công tác GPMB những đoạn còn lại cũng đã cơ bản hoàn thành, phấn đấu bàn giao toàn bộ trước tiến độ cam kết. Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, “nút thắt” duy nhất tại Quảng Trị là đoạn đi qua khu rừng đặc dụng thuộc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay vẫn chưa được bàn giao. Nếu không GPMB kịp thời đoạn này, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án. UBND tỉnh Quảng Trị đã hai lần gửi công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn GPMB đoạn tuyến dài 2,5 km đi qua rừng đặc dụng. Đồng thời, Bộ GTVT hai lần có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp bảo đảm tiến độ dự án. Trả lời đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị và Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhất trí chủ trương thu hồi hơn 110 nghìn m2 đất do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ quản lý để phục vụ GPMB thi công. Tuy nhiên, Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có phương án cấp bù diện tích thu hồi, thực hiện bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải xây dựng mô hình mới tại địa điểm cấp bù trước khi thu hồi; thực hiện phương án bồi thường đối với các mô hình rừng nghiên cứu thí nghiệm sau khi trung tâm kiểm kê tài sản.