Đến mỗi công trường thi công, các cán bộ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh luôn quan tâm thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như động viên các đơn vị chủ động, sáng tạo hơn nữa, tùy điều kiện thời tiết để bố trí công việc phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công; chỉ đạo các nhà thầu sớm tập kết vật liệu phục vụ thi công. Hiện nay, gói thầu xây lắp số 3 (từ Km 23 +500 đến Km 37+300) đang được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lựa chọn nhà thầu, phấn đấu khởi công vào tháng 1-2020; các gói thầu còn lại thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế (từ Km 37+300 đến Km 98+300) cũng đang được cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công đúng tiến độ.
Như vậy, hướng tuyến của dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn trùng với đường Hồ Chí Minh, đi qua phía tây nam TP Đông Hà, huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị; cũng như qua phía tây nam các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án có chiều dài 98,3 km, được khởi công đầu tiên trong 11 dự án thành phần của đường cao tốc bắc - nam. Khi hoàn thành, đoạn đường này cùng với tuyến La Sơn - Túy Loan sẽ tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của quốc lộ 1 trong trường hợp tuyến đèo và hầm Hải Vân xảy ra sự cố, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh.
Để thi công đoạn tuyến cao tốc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao cho nhà đầu tư và đơn vị thi công. Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt thực hiện GPMB phục vụ thi công dự án. Tỉnh đã bàn giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh 13,5 km trong tổng số 61 km, dự kiến phần còn lại sẽ được bàn giao đúng tiến độ vì không có vướng mắc gì lớn. Các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đang lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công các gói thầu qua địa bàn. Đối với Quảng Trị, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lê Đức Tiến cho biết, địa phương luôn xác định GPMB là nhiệm vụ quan trọng, hiện tỉnh đã bàn giao được 24 km trong số 37,3 km cho chủ đầu tư và đơn vị thi công hai gói thầu số 1 và 2. Công tác GPMB những đoạn còn lại cũng đã cơ bản hoàn thành, phấn đấu bàn giao toàn bộ trước tiến độ cam kết. Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, “nút thắt” duy nhất tại Quảng Trị là đoạn đi qua khu rừng đặc dụng thuộc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay vẫn chưa được bàn giao. Nếu không GPMB kịp thời đoạn này, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án. UBND tỉnh Quảng Trị đã hai lần gửi công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn GPMB đoạn tuyến dài 2,5 km đi qua rừng đặc dụng. Đồng thời, Bộ GTVT hai lần có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp bảo đảm tiến độ dự án. Trả lời đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị và Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhất trí chủ trương thu hồi hơn 110 nghìn m2 đất do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ quản lý để phục vụ GPMB thi công. Tuy nhiên, Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có phương án cấp bù diện tích thu hồi, thực hiện bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải xây dựng mô hình mới tại địa điểm cấp bù trước khi thu hồi; thực hiện phương án bồi thường đối với các mô hình rừng nghiên cứu thí nghiệm sau khi trung tâm kiểm kê tài sản.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết: Yêu cầu nêu trên đã vượt phạm vi thẩm quyền cho phép của địa phương. Lãnh đạo tỉnh đã có văn bản báo cáo hai bộ, có phương án phối hợp xử lý. Tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị liên quan, chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm đếm chi tiết, chính xác nhằm giải phóng sớm mặt bằng. Tinh thần chung là xử lý nhanh chóng, dứt điểm để không ảnh hưởng tiến độ thi công đường bộ cao tốc, đồng thời bảo đảm đúng quy định. Theo quy hoạch phát triển không gian các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, một số khu công nghiệp sẽ được mở rộng về phía tây quốc lộ 1 hiện tại. Vì thế, sự hình thành đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn sẽ gắn kết các khu công nghiệp mới trong vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế, phục vụ phát triển dân sinh. Tuyến đường đạt được sự phân bố hợp lý trên dải đất hẹp miền trung, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng GTVT khu vực cũng như hệ thống đường bộ Việt Nam nói chung. Về kinh tế, tuyến đường đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa ở vùng đất phía tây các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, tạo bước đột phá, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng chiến khu cách mạng Hòa Mỹ, Nam Đông,... nơi mà hiện nay kết cấu hạ tầng, nhất là GTVT và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021, góp phần tạo động lực phát triển cho cả miền trung.
Tại buổi làm việc với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Ban phối hợp chặt chẽ các địa phương GPMB nhanh chóng, tranh thủ thời tiết thuận lợi dốc toàn lực triển khai thi công dự án. Bộ trưởng cũng yêu cầu tập thể cán bộ, kỹ sư của Ban cần tìm những giải pháp đột phá, giữ vững vai trò là ngọn cờ đầu của Bộ GTVT trong quản lý các dự án hạ tầng giao thông. (Nhandan.com.vn 11/11)