Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Bệnh viện Huế “nói không” với rác thải nhựa
Ngày cập nhật 12/11/2019
Những thùng rác thân thiện được đặt khắp nơi bên trong Bệnh viện Trung ương Huế

(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên Huế đang quyết liệt trong việc chống rác thải nhựa với nhiều phong trào được các tầng lớp hưởng ứng. Trong đó, ngành y tế tỉnh nói chung và Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng cũng có những cam kết, mô hình hay... để giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa.

 

“Điểm sáng” Bệnh viện Trung ương

Thừa Thiên Huế lâu nay luôn được xem là một trong những trung tâm y tế lớn của miền Trung và cả nước, nhiều bệnh viện trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế là “đầu tàu” với 125 năm kinh nghiệm. Vì thế, lượng rác thải nói chung và đồ nhựa nói riêng phát sinh là rất lớn.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, lượng bệnh nhân điều trị tại bệnh viện khoảng 3.939 giường/ngày; bệnh nhân ngoại trú hơn 3.700 lượt/ngày. Khi vào khám, chữa bệnh thì cứ 1 bệnh nhân sẽ có từ 2- 3 người nhà nên lượng rác thải sinh hoạt từ người bệnh, người nhà rất lớn. Thống kê cho thấy, toàn bệnh viện thải ra 4,150 kg rác thải mỗi ngày; trong đó rác thải y tế 900kg; rác tái chế 250kg; rác sinh hoạt 3.000kg. Vì thế, việc chống lại ô nhiễm bởi rác thải là nhiệm vụ không hề đơn giản.

Theo Giám đốc, thời gian qua bệnh viện đã xây dựng 3 bể xử lý nước thải với công suất 2100m3/ngày/đêm, có 2 nhà rác phân loại độc lập và nhà rác tại cơ sở 2 (huyện Phong Điền). Bệnh viện đã mua sắm hơn 3.400 thùng rác các loại, cụ thể thùng 10 lít đựng chất thải trên xe tiêm, thùng 15 lít đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sắt nhọn, thùng rác sinh hoạt 20 lít, 60 lít, và 80 lít thùng rác sinh hoạt, thùng đựng chất thải hóa học nguy hiểm đạt tiêu chuẩn... tại các vị trí sân vườn, khu vực công cộng và tại các khoa/phòng/trung tâm trong toàn viện.

Description: Các bác sĩ dùng đồ thủy tinh để lấy bệnh phẩm máuCác bác sĩ dùng đồ thủy tinh để lấy bệnh phẩm máu

Bệnh viện đã đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, xem đây là một việc làm song hành cùng với công tác khám và điều trị bệnh. Toàn bộ hệ thống khuôn viên, cây xanh bệnh viện được chỉnh trang, bố trí nhiều thùng thu gom rác để tạo môi trường cảnh quang bệnh viện Xanh- Sạch- Đẹp. Bệnh viện bước đầu đã triển khai mua sắm Thùng rác thông minh, đặt tại các vị trí công cộng quanh khuôn viên Bệnh viện để khuyến khích người nhà và bệnh nhân phân loại chất thải có khả năng tái chế và chất thải dễ phân hủy để giảm thiểu chất thải ngay từ đầu.

Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện các biện pháp giảm phát sinh từ đầu nguồn như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết, đồng thời đưa ra các khẩu hiệu hành động: “Hạn chế phát sinh- phân loại đúng- thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý- xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc 3R = Reduce- Reuse- Recycle: Giảm thiểu- Tái sử dụng- Tái chế.

Description: Chai thủy tinh được bệnh viện sử dụng trong các cuộc họpChai thủy tinh được bệnh viện sử dụng trong các cuộc họp

“Thực hiện cam kết nói không với rác thải nhựa mà Bộ Y tế phát động, bệnh viện đã chủ động tuyên truyền và hành động. Trong các cuộc họp từ lâu không còn bóng dáng chai nhựa. Bệnh viện cũng triển khai các giải pháp như giảm thiểu phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động xả thải không cần thiết; tái sử dụng chất thải có thể cho mục đích khác; tận thu gom các chất thải không nguy hại ở dạng vật liệu có thể cho tái chế lẫn trong rác sinh hoạt. Vận động cán bộ nhân viên không sử dụng nước uống đóng chai nhựa sử dụng một lần tại bệnh viện. Trang bị các vật liệu bằng nhựa tại bệnh viện như thùng đựng rác thải y tế, các vật liệu nhựa khác bằng chất liệu nhựa thân thiện với môi trường (PE, PP…). Các can nhựa đựng cồn, các bình đựng hóa chất rửa tay được tái sử dụng nhiều lần. Đầu tư các bình lọc nước RO tại các khoa phòng cho nhân viên, người bệnh, người nhà dùng để hạn chế sử dụng và làm phát sinh các chai nhựa đựng nước. Bệnh viện đã phục vụ xuất ăn tận giường cho bệnh nhân bằng các khay đựng thức ăn, dụng cụ đựng thức ăn bằng inox, gốm sứ… nhằm hạn chế bệnh nhân đem thức ăn bằng hộp xốp, túi nilon khó phân hủy đến bệnh viện”- GS.TS Hiệp chia sẻ.

Ghi nhận tại các khu vệ sinh nam, nữ và khu vực dành cho người khuyết tật, ngoài sự khô thoáng sạch sẽ với các vật dụng vệ sinh cá nhân đầy đủ còn có cây xanh, tranh ảnh, bảng hướng dẫn điện tử, poster dán trên tường để giúp người bệnh, người nhà có thêm thông tin nhằm nâng cao nhận thức, cùng chung tay giữ gìn môi trường bệnh viện. Câu nói “Xanh như công viên - Sạch như bệnh viện” giờ đã và đang trở thành hiện thực ở Bệnh viện Trung ương Huế. Trong khi đó hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, đều đặn cuối tuần thì các cán bộ, đoàn viên cũng ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, bóc tách giấy quảng cáo trong khuôn viên bệnh viện và các tuyến đường xung quanh.

Lưu trú ở Bệnh viện Trung ương Huế suốt gần một tháng vì bệnh tim, chị Lưu Thị Hà Anh (tỉnh Quảng Nam) tỏ ra hài lòng vì môi trường tại bệnh viện trong lành, sạch sẽ. “Tôi thật sự ấn tượng bởi hiện nay bệnh viện rất sạch, không khí không ngột ngạt, ô nhiễm. Đặc biệt tôi thấy rất nhiều đồ vật thân thiện với môi trường, chai nhựa cũng hạn chế... Hi vọng bệnh viện sẽ phát huy để xứng tầm là nơi chữa bệnh tiên tiến của cả nước”- chị Anh bộc bạch.

Description: Hằng tuần, Đoàn viên tại Bệnh viện Trung ương Huế dọn dẹp rác thải hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”Hằng tuần, Đoàn viên tại Bệnh viện Trung ương Huế dọn dẹp rác thải hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

Điểm đáng chú ý nữa là bệnh viện đã sử dụng nước dưới lòng đất bơm lên để tưới cây. Vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện xanh sạch đẹp nhất cả nước.

Cũng theo lãnh đạo bệnh viện, một số giải pháp “dài hơi” đã được bệnh viên đưa ra. Cụ thể đang có kế hoạch đầu tư hấp (autoclave) hoặc lò vi sóng để tiệt khuẩn và tái chế các rác thải nhựa chứa yếu tố lây nhiễm như bơm tiêm, dây truyền dịch không bao gồm đầu sắc nhọn… sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật. Đặt thêm nhiều bình nước uống phục vụ bệnh nhân, trang bị cốc uống nước bằng chất liệu thân thiện môi trường. Yêu cầu các căng tin, quầy dịch vụ không bán các loại nước uống đóng chai nhựa, bao bì đóng gói, ống hút, hộp xốp… bằng nhựa hay nilon khó phân hủy. Quy định các tổ chức từ thiện không đóng gói quà bằng các chất liệu trên...

Lan tỏa

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tổng lượng chất thải phát sinh của các cơ sở y tế trên địa bàn vào năm 2018 là hơn 358 tấn. Trong đó lượng chất thải lây nhiễm gần 41 tấn; chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm khoảng 4 tấn. Ngoài ra, khối lượng nước thải y tế phát sinh trong các đơn vị bệnh viện, trạm y tế... là 221.520m3/năm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, những con số trên mới cập nhật khoảng hơn 50% cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên địa bàn và chưa tính Bệnh viện Trung ương Huế. 

Description: Giảm rác thải nhựa đã giúp bệnh nhân khi đến Huế có môi trường chữa bệnh thoải mái...Giảm rác thải nhựa đã giúp bệnh nhân khi đến Huế có môi trường chữa bệnh thoải mái...

Không chỉ thực hiện cam kết của Bộ Y tế, nhờ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” và “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” mà Thừa Thiên Huế phát động, tinh thần bảo vệ môi trường của ngành y tế Thừa Thiên Huế ngày càng lan tỏa.

Bệnh viện thị xã Hương Thủy cho biết để giảm thiểu chất thải nhựa, bệnh viện sẽ hạn chế triệt để việc sử dụng các hộp xốp đựng cơm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; nhân viên y tế dùng 1 lần các chai nhựa đựng nước uống, ống hút nhựa, ly tách... Thay vào đó sẽ chuyển sang các bình, ly nước bằng thủy tinh, sành sứ, hoặc đồ dùng thân thiện với môi trường. Bệnh viện thị xã Hương Trà cũng tiến hành treo các băng rôn, áp phích ở những nơi đông người với những khẩu hiệu vận động nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hạn chế tối đa việc sử dụng các vật dụng làm phát sinh chất thải nhựa, thay thế bằng các vật dụng làm từ giấy, thủy tinh...

Ông Nguyễn Nam Hùng - Giám đốc sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: “Vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế và các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã ký cam kết giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa và hướng đến chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy. Cụ thể tập huấn hướng dẫn cho cán bộ y tế vệ sinh, thu gom phân loại rác thải nhựa và xử lý đúng quy trình; tổ chức tuyên truyền cho người bệnh và người nhà bệnh nhân thay đổi thói quen về đồ dùng sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa. Đây là một trong những tiêu chí mà Sở Y tế đưa vào đánh giá xếp loại thi đua hàng năm cho các cơ sở y tế trên địa bàn...”.

 

https://baotainguyenmoitruong.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.441.418
Truy cập hiện tại 487