Hội nghị tổng kết sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật năm 2019,
phương hướng, nhiệm vụ năm 2020
Ngày 31/10/2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất Trồng trọt và Bảo vệ thực vật năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Hồ Vang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố Huế; Đại diện Lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở và các đơn vị liên quan; Đại diện các Công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, thuốc BVTV, phân bón trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2019, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nhiệt độ cao hơn và lượng mưa thấp hơn rất nhiều so với TBNN, gây hạn hán, thiếu nước làm thiệt hại đến một số loại cây trồng như lúa, lạc, ngô và rau các loại ….. diện tích bị thiệt hại là 2.265,82 ha (Trong đó, bị thiệt hại trên 70% là 1.215,37 ha, diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70% là 1.050,42 ha). Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của những đợt nắng nóng kéo dài trùng vào giai đoạn lúa trổ-phơi màu, gây ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn thụ tinh do đó tỷ lệ lem lép hạt lúa cao; các đối tượng sinh vật gây hại như sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, chuột, bệnh đạo ôn lá, bệnh lem lép hạt,..gây hại gia tăng. Một số đối tượng gây hại mới khó quản lý, phòng trừ như sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá sắn, bệnh trên cây sen,...
Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo kịp thời của UBND Tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, đặc biệt sự nổ lực của bà con nông dân, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật nên năm 2019 nên năng xuất, sản lượng các loại cây trồng tương đối đạt so với kế hoạch đề ra. Diện tích sản xuất lúa cả năm đạt 54.854,7 ha. Năng suất bình quân cả năm đạt 59,5 tạ/ha. Đã chuyển đổi 583,28 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây trồng khác hiệu quả hơn; Công tác khảo nghiệm giống lúa đã chọn được 09 giống lúa để tiếp tục bố trí khảo nghiệm trong vụ Đông Xuân 2019-2020; Mô hình 3 giảm 3 tăng, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất bị nhiễm chua, phèn; mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao (nhà lưới, hệ thống tưới tự động,...) bước đầu đã chuyển giao cho các hộ sản xuất các kỹ thuật về bón phân, chăm sóc, tưới rau, hoa trong điều kiện nhà lưới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hồ Vang đánh giá cao kết quả sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật năm 2019 và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2020 đó là: Tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với liền với nông thôn mới, phấn đấu thực hiện theo kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu và chống hạn, mặn. Quan tâm ứng dụng các kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất (như tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận có năng suất, chất lượng tốt; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, các giải pháp để hạn chế đốt rơm rạ, tăng cường hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...). Tiếp tục vận động nông dân duy trì và ổn định diện tích vườn cây cao su. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quan tâm các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao (kinh tế vườn, cây ăn quả). Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, đặc biệt giống cây ăn quả). Thực hiện tốt công tác quản lý, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt các đối tượng mới (sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá sắn, bệnh chết cây sen,..). Tăng cường công tác quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuyên truyền vận động nông dân không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (đặc biệt thuốc trừ cỏ). Thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật theo đúng qui định. Nghiên cứu và xây dựng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sen. Thực hiện hỗ trợ thiệt hại sản xuất do thiên tai, dịch bệnh theo quyết định của UBND tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành; hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ở một số địa phương còn ít, chưa hiệu quả; tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa mạnh, chưa có điểm sáng, chưa điển hình. Một số chính quyền địa phương chưa chủ động trong việc chỉ đạo các giải pháp chống hạn.
Hy vọng với những thành công đạt được trong năm 2019, cùng với các định hướng, giải pháp được tập trung thảo luận và sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tại hội nghị sẽ tạo động lực để Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai thực hiện thành công lớn hơn trong năm 2020./.