Rau sạch Quảng Thành được người dân tin dùng
Hướng đi mới
Từ đơn vị xếp loại yếu, khi chuyển đổi theo luật mới năm 2012, HTX NN An Xuân, xã Quảng An đã có những bước tiến vượt bậc nhờ mạnh dạn đầu tư lĩnh vực kinh doanh mới.
Bằng nguồn vốn tích lũy trong nhiều năm hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX An Xuân đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc, kết hợp thiết kế hội trường, nhà hàng, tiệc cưới chuyên nghiệp.
Dịch vụ nhà hàng, tiệc cưới đáp ứng nhu cầu của thành viên và khách hàng trong và ngoài địa phương. Khách hàng, thành viên được ban lãnh đạo HTX tư vấn tổ chức tiệc cưới một cách tiết kiệm, song vẫn không kém phần trang trọng, góp phần vào chủ trương thực hiện nếp sống văn minh tại địa phương.
Từ dịch vụ nhà hàng, tiệc cưới đã tạo thêm việc làm cho lao động trong các lĩnh vực trang trí, âm thanh - ánh sáng, ẩm thực, MC, ca múa nhạc… Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, với tần suất phục vụ 55 - 60 tiệc/năm đã mang lại nguồn lợi bình quân 150-200 triệu đồng/năm.
Ngoài dịch vụ nhà hàng, tiệc cưới, HTX duy trì hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp truyền thống cho hộ thành viên và nông dân trên địa bàn. Các dịch vụ kinh doanh ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, như các khâu cày ải, giống, thủy lợi, phân bón, khuyến nông… HTX còn tổ chức dịch vụ hỗ trợ vốn cho thành viên trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Từ chuyên về sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, cách đây 10 năm, lãnh đạo HTX Mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú) tiếp cận, nắm bắt thị trường đã chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre. Tìm tòi, sáng tạo, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, thị trường, đến nay HTX có hơn 500 mẫu sản phẩm khác nhau.
Giám đốc HTX, ông Võ Văn Dinh thông tin: Ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của HTX tạo việc làm cho hơn 110 lao động với thu nhập ổn định, bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm mây tre đan còn góp phần phục vụ các tour du lịch của huyện Quảng Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Du khách đến đây vừa tham quan làng nghề, vừa mua sản phẩm.
“Bà đỡ”
Chị Hoàng Thị Lan ở xã Quảng Thọ cho hay, trước đây, cây rau má mang lại hiệu quả không cao do đầu ra bấp bênh.
Từ khi HTX Quảng Thọ 2 bao tiêu sản phẩm, giá trị cây rau má được nâng cao, đời sống người dân ổn định. HTX còn tổ chức các dịch vụ cung ứng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... an toàn sinh học cho người dân trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền đánh giá, các HTX không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động thu lợi nhuận mà còn duy trì, làm tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ thành viên. Các HTX thực hiện tốt việc cung ứng các dịch vụ sản xuất nông nghiệp như cày ải, thủy lợi, kỹ thuật, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, vật tư, phân bón…
Nhiều HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã mạnh dạn đầu tư mở rộng hoạt động, đa dạng lĩnh vực kinh doanh mới mang lại hiệu quả. Từ việc đầu tư công nghệ chế biến trà rau má, HTX NN Quảng Thọ 2 đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau má an toàn cho người dân. Sản phẩm rau má không chỉ tiêu thụ ổn định mà còn nâng cao giá trị, bình quân mỗi ha thu nhập 250-300 triệu đồng/năm.
Đến nay, huyện Quảng Điền có 26 HTX; trong đó 22 HTX NN, 2 HTX tiểu thủ công nghiệp… Năm 2019, tổng doanh thu của các HTX trên địa bàn huyện Quảng Điền đạt 54 tỷ đồng, lợi nhuận gần 2 tỷ đồng; thu nhập bình quân mỗi lao động từ 2-5 triệu đồng/tháng.
|
Từ khi HTX NN Phú Hòa, HTX NN Quảng Thọ 1 đầu tư công nghệ chế biến tinh dầu lạc, sản phẩm đậu lạc của người dân trên địa bàn được tiêu thụ ổn định. Sản phẩm đậu lạc không những không lo đầu ra, chấm dứt tình trạng lái buôn ép giá mà còn nâng cao giá trị, bình quân mỗi ha trên 100 triệu đồng/vụ.
Các HTX: Đông Vinh, Đông Phước, Quảng Thọ 1, Quảng Thọ 2, Phú Hòa, Sịa… liên kết, hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao cho người dân. Một số loại gạo chất lượng cao bước đầu đã được đưa vào các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn TP. Huế…
Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Huyện đang triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý HTX, khuyến khích cán bộ trẻ tham gia kinh tế tập thể. Trước yêu cầu mới, không có con đường nào khác ngoài mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm ổn định… thông qua liên kết “bốn nhà”.