TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
1. Hàng trăm nghìn lốp xe cũ nuôi hàu 'bức tử' đầm Lập An
Những năm qua, hàng trăm nghìn lốp xe cũ được người dân sử dụng để nuôi hàu tại đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay, tại đầm Lập An có hàng trăm nghìn lốp xe đang được người dân thả xuống đầm để nuôi hàu. Số lượng rất lớn lốp xe cũ chìm trong nước trong thời gian dài có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển.
Được biết, từ năm 2014, người dân địa phương bắt đầu nuôi hàu tại đầm Lập An. Trước đây, người nuôi hàu chủ yếu sửa dụng các cọc gỗ xuống đầm để hàu bám vào sinh sống, tuy nhiên, việc sử dụng cọc gỗ này lại mất nhiều thời gian và tốn chi phí bởi gỗ dễ bị mục nát. Sau đó, người dân nuôi hàu nhận thấy việc nuôi hàu bằng lốp xe cũ "tiết kiệm" hơn và có thể tái sử dụng được lâu dài nên các cọc gỗ dần bị thay thế.
Ông Phạm Văn Thái – người dân nuôi hàu tại đầm Lập An (thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô) cho biết, trên đầm Lập An hiện có hàng trăm hộ đân đang nuôi hàu, mỗi hộ nuôi có khoảng 5 - 8 nghìn chiếc lốp xe được thả xuống đầm. Hàu được thu hoạch sau một năm kể từ ngày cấy, giá thành giao động từ 65.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg tùy theo hàu loại to hay nhỏ. "Chúng tôi không biết việc sử dụng lốp xe ảnh hưởng đến môi trường thế nào nhưng thấy hàu sinh trưởng tốt, chi phí thấp, lợi nhuận cao và có thể tái sử dụng nhiều lần", ông Thái nói.
Theo các chuyên gia môi trường, thành phần của lốp xe có 19% là cao su tự nhiên (lấy từ cây cao su trồng ở khu vực Đông Nam Á), 38% là cao su tổng hợp (butadien, styrene, cao su halobutyl) và các chất phụ gia nhằm ngăn ngừa tác động từ khí ozone và oxy và giúp đẩy mạnh quá trình lưu hóa. Ngoài ra là 4% đai vải polymer tổng hợp (nilon, tơ nhân tạo và aramit) để gia cố, 12% dây kim loại (thép nhiều carbon) để gia cố thêm và 26% chất trám trét (carbon đen, ôxit silic)… Nếu ngâm lốp xe lâu ngày trong nước sẽ phân hủy các chất hữu cơ và các kim loại sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước biển.
Ông Dương Đăng Trung – Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cho biết, hiện nay, tại đầm Lập An đang có khoảng 500 hộ dân đang nuôi hàu tại đầm, hầu hết người dân sử dụng lốp xe cũ. Trước tình trạng này, địa phương đã có chỉ đạo vận động tuyên truyền các hộ dân hạn chế lạm dụng lốp xe cũ, đồng thời kiến nghị lên cơ quan chính quyền cấp trên có phương án quy hoạch lại đầm hiệu quả để đảm bảo môi trường, phát triển du lịch. Ngoài ra, những hộ dân có hành vi phơi lốp xe trên đường giao thông, gây mỹ quan của đầm Lập An cũng bị lập biên bản xử lý.
Trước tình trạng người dân lạm dụng lốp xe cũ để nuôi hàu, Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đưa ra các giải pháp chuyển đổi hình thức nuôi, tổ chức sắp xếp nuôi hàu bằng các phương thức phù hợp như cọc tre, cọc gỗ, giàn, bè... để vừa đảm bảo mỹ quan, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường biển đầm Lập An. Thế nhưng, đến nay tình trạng nuôi hàu bằng lốp xe cũ vẫn đang tiếp diễn.
Trao đổi với PV, PGS.TS Tôn Thất Chất – Giảng viên cao cấp khoa thủy sản trường Đại học Nông lâm Huế cho biết, trước nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường từ việc sử dụng lốp xe cũ để nuôi hàu của người dân, nhà trường đang thử nghiệm mô hình sử dụng chính vỏ hàu để nuôi hàu. Cụ thể là dùng vỏ hàu bỏ đi để làm thành giá thể cho hàu bám vào, nhằm hướng đến một môi trường biển xanh sạch và nâng cao chất lượng thịt hàu.
Đầm Lập An có diện tích khoảng 800ha, trước đây diện tích người dân nuôi hàu khoảng 250 ha. Đến năm 2015, Phòng Nông nghiệp phát Triển Nông thôn huyện Phú Lộc phối hợp với thị trấn Lăng Cô đã tuyên truyền vận động người dân sắp xếp quy hoạch vùng nuôi hàu theo hướng bền vững, đảm bảo cảnh quan ,môi trường. Đến nay, diện tích còn lại cho phép người dân nuôi hàu còn khoảng 100 ha. (Kinhtemoitruong.vn 12/11)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Thừa Thiên Huế thí điểm “4 tại chỗ” cải cách hành chính công
Thay vì “2 tại chỗ” chỉ tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa như mô hình đang thực hiện thì “4 tại chỗ” gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả.
Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 12/11 cho biết, thực hiện Kế hoạch 255/KH-UBND về quy trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết và trả kết quả tại bộ phận một cửa, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế và các Trung tâm hành chính công cấp huyện bắt đầu triển khai thí điểm nguyên tắc “4 tại chỗ”.
Việc này góp phần bảo đảm các thủ tục hành chính được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian của công dân, tổ chức; công khai, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu.
Nguyên tắc này vẫn tuân thủ quy định của pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính như xin ý kiến cơ quan liên quan, thẩm định trực tiếp tại thực địa, thành lập hội đồng, thủ tục liên thông…, hoặc thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, bộ, ngành Trung ương (nếu có).
Cũng theo ông Nguyễn Kim Tùng, hồ sơ sẽ được kiểm tra thành phần, thẩm tra nội dung, tính pháp lý rồi mới tiếp nhận. Trước đây, chỉ kiểm tra thành phần hồ sơ rồi tiếp nhận nên khi chuyển hồ sơ về giải quyết tại các cơ quan chuyên môn sẽ xảy ra các tình huống bổ sung, trả lại do không đủ điều kiện làm tốn kém thời gian, chi phí, công sức của công dân và tổ chức.
Hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển, xử lý và áp dụng chữ ký số trên môi trường mạng, chủ động giải quyết thủ tục hành chính theo hướng linh hoạt, phù hợp quy định và sát thực tiễn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, việc in ấn, phê duyệt kết quả, phát hành kết quả sẽ được thực hiện ngay tại chỗ.
Theo kế hoạch, nguyên tắc “4 tại chỗ” sẽ hoạt động chính thức từ ngày 02/12/2019./. (Dangcongsan.vn 12/11)
2. Dân vận nhìn từ Hương Thủy: Khó vạn lần dân liệu cũng xong - Kỳ 2: Thay đổi nhận thức, gắn vai trò chủ thể cùng quyền lợi
Không chỉ thành công trong giải tỏa, di dời để bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 đúng tiến độ cho Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, công tác vận động chung tay xây dựng nông thôn mới ở Hương Thủy cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), Hương Thủy không phải là địa phương được “quy hoạch” trong top cán đích đầu tiên của tỉnh. Tuy nhiên, bằng cú bứt phá ngoạn mục, Hương Thủy băng băng về đích trước kế hoạch hơn 1 năm, trở thành địa phương đầu tiên của Thừa Thiên Huế hoàn thành Chương trình, mục tiêu quốc gia này.
Ông Nguyễn Đắc Tập - Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết, năm 2010, khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, theo đánh giá sơ bộ, các tiêu chí chưa đạt ở hầu hết các địa phương của thị xã đều là những tiêu chí khó, cần đầu tư nhiều kinh phí, như: Cơ sở vật chất trường học, văn hóa, môi trường, y tế...; hệ thống hạ tầng nông thôn, giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; vệ sinh môi trường; đời sống, thu nhập đa số nông dân các xã vùng gò, đồi... “Còn về thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo thì con số của năm 2011 cho thấy lần lượt là 11,6 triệu đồng/người/năm và 9,39 % (9.881/928 hộ) - một tỷ lệ khá cao và khó hạ thấp”, ông Tập nói.
Dù khó nhưng thị xã quyết tâm vượt qua trở ngại dựa trên cơ sở đồng sức đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng Nhân dân toàn thị xã. Tuy nhiên, khi chính thức bắt tay hành động, tâm lý của một số bà con: “Nhà nước phát động thì Nhà nước đầu tư chứ không liên quan đến dân” khiến ban đầu có một số trở ngại nhất định, ông Tập chia sẻ.
Xác định mấu chốt nằm ở nhận thức, Hương Thủy quán triệt, ngoài những thông tin được đăng tải đều đặn, thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, phổ biến trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt..., những lực lượng, đoàn thể liên quan đến công tác này phải thường xuyên đi về cơ sở, lồng ghép nội dung xây dựng NTM trong những lần trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với từng người dân.
Nhưng nói thì dễ, còn lồng ghép thế nào vừa để người nghe không chán, vừa hiệu quả trong chuyển biến nhận thức là cả một vấn đề. Thực tế cho thấy, khi vận động, thuyết phục mà đem ngay chủ trương, nghị quyết, luật... ra áp đặt là không ổn.
Ông Huỳnh Sinh, người dân thôn 1A (xã Thủy Phù) cho biết: “Khi có chủ trương mở đường, tôi đã vận động gia đình, con cái đồng ý hiến phần diện tích đất mặt tiền trước nhà hơn 500m2. Trước kia, đường cũ chỉ có 3m nhưng hiện tại đường rộng hơn 13m, và đây là con đường trung tâm của xã, vừa rộng rãi, vừa khang trang rất thuận lợi cho việc đi lại của bà con”.
Nhưng không phải ai cũng như ông Sinh. Có nơi, khi vận động hiến đất mở đường, một số hộ cho rằng: “Nhà nước muốn lấy thì cứ tính theo giá thị trường mà đền bù”.
"Khi đó tôi nói thế này, đây là câu chuyện Nhà nước và Nhân dân cùng chung sức, mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống cho bà con. Bây giờ bà con chịu thiệt 1-2 mét đất để mở rộng đường, khi đường thông hè thoáng, giao thông thuận lợi hẳn nhiên giá đất được nâng lên gấp mấy lần thì ai hưởng lợi. Rồi khi bộ mặt nông thôn được nâng tầm, con cái được học hành, được thụ hưởng về nhiều mặt thì ai hưởng lợi... Cuối cùng khi hiểu ra, tất cả đều nhất trí hưởng ứng”, ông Trần Tấn Quốc - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TX. Hương Thủy nhớ lại.
Đó mới chỉ là một trong những phương thức mà những người làm công tác dân vận, mặt trận ở Hương Thủy áp dụng trong vận động chung tay xây dựng NTM.
Phương thức song song, theo ông Lê Văn Chính, Bí thư Thị ủy Hương Thủy là biểu dương và nhân rộng những gương điển hình, nêu gương người đứng đầu, phát huy tính làng xã, dòng họ, tác động đến những bậc cao niên, có uy tín trong làng, trong họ, đồng thời phải “Nói có sách mách có chứng” để tạo không khí thi đua, chung tay xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia.
Minh chứng cho lời ông Chính là qua 10 năm xây dựng NTM, từ việc vận dụng những phương thức nói trên, người dân Hương Thủy đã đóng góp gần 200 tỷ đồng, hiến 15.130m2 đất, 50.830 ngày công và một số tài sản khác trên đất để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hóa thôn... Trong đó, có những tấm gương điển hình như bà Ngô Thị Hòa (thôn Lang Xá Bàu, xã Thuỷ Thanh) đang ở Hải Phòng đóng góp 500 triệu đồng; bà Ngô Thị Hoa (thôn 9, xã Thủy Phù) đóng góp 380 triệu đồng; ông Đậu Hải Sơn (Bí thư chi bộ thôn Dương Phẩm, xã Thuỷ Bằng) hiến 900m2 đất vườn; ông Hoàng Lãm (thôn Dương Phẩm, xã Thuỷ Bằng) hiến 700m2 đất vườn; ông Lê Tiếp (thôn 1A, xã Thuỷ Phù) hiến 200m2 đất vườn... cùng rất nhiều người đóng góp ngày công lao động để làm đường bê tông thôn, xóm...
Ông Đậu Hải Sơn - người hiến 900m2 đất vườn để mở rộng đường thôn chia sẻ ngắn gọn: “Bản thân là Bí thư chi bộ thôn Dương Phẩm (xã Thuỷ Bằng), muốn để Nhân dân hưởng ứng thì trước tiên mình phải làm gương. Vừa giải thích, vừa làm gương bằng hành động thiết thực thì bà con mới hiểu, mới tin và nhiệt tình hưởng ứng”.
Trong 10 năm xây dựng NTM, có thể thấy bộ mặt nông thôn Hương Thủy ngày càng khởi sắc, ngày càng “Xanh - sạch - sáng”, số tiêu chí đã đạt tăng từ 43 tiêu chí năm 2010 lên 101 tiêu chí năm 2015, lên 133 tiêu chí năm 2019, bình quân mỗi xã tăng gần 5 tiêu chí; đồng thời, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người chung của 7 xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, đi kèm với đó là tỷ lệ hộ nghèo còn 3,38% so với 9,39% của năm 2011.
Ở góc độ nào đó, những con số thống kê này có sự gắn kết chặt chẽ với công tác dân vận, mặt trận khi cũng trong 10 năm qua, TX. Hương Thủy xuất hiện 130 mô hình thi đua dân vận khéo, trong đó có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu, như: Vận động Nhân dân chung sức xây dựng Nông thôn mới ở xã Thủy Tân; Chuyển đổi đất màu sang trồng cây thanh trà ở xã Dương Hòa; “Điểm cảnh giới đường ngang Cựu chiến binh - Khăn quàng đỏ” ở xã Thủy Phù; Xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở 2 phường: Thủy Dương và Thủy Châu...
Ông Lê Văn Chính, Bí thư Thị ủy Hương Thủy nhìn nhận, Hương Thủy trở thành địa phương cán đích xây dựng NTM đầu tiên của tỉnh và bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 đúng tiến độ cho Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài - hai nhiệm vụ quan trọng của thị xã - là nhờ sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân, trong đó, những đóng góp của công tác dân vận, mặt trận hết sức quan trọng.
“Hiện, Hương Thủy tiếp tục bắt tay xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu nhằm xây dựng bộ mặt nông thôn hài hòa, đô thị hiện đại trên quan điểm có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Và tin rằng, sẽ góp phần chung sức trong thời điểm Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh cùng chủ trương mở rộng đô thị Huế trong thời gian tới. Và ở đó, công tác dân vận, mặt trận cần tiếp tục phát huy như thời gian qua”, ông Chính bày tỏ. (Baothuathienhue.vn 13/11)
VĂN HÓA
1. Thận trọng khi sử dụng hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa để quảng cáo
Điều đáng nói là trước đó, từ năm 2017, doanh nghiệp này cũng đã dùng hình ảnh quảng cáo thương hiệu bằng việc sử dụng các chai bia để “phủ bề mặt” cho các di tích Ngọ Môn, cầu Trường Tiền (Huế) gây bức xúc dư luận. Sau đó các hình ảnh phản cảm đã bị tháo dỡ khỏi các kênh quảng bá của doanh nghiệp, đồng thời cơ quan chức năng cũng đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị. Lẽ ra đây phải là bài học đắt giá đối với doanh nghiệp, vậy nhưng thật khó hiểu vì sau hai năm, những sai lầm tương tự tiếp tục lặp lại. Không chỉ dùng hình ảnh di sản để quảng bá sản phẩm, vài tháng trước, thương hiệu này đã cho ra mắt bộ sản phẩm mới với phiên bản giới hạn, sử dụng tám mẫu thiết kế có sử dụng hình ảnh của các địa danh, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tám tỉnh miền trung bao gồm Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Làng Sen (Nghệ An), hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), chợ Đông Hà (Quảng Trị), điện Thái Hòa (Huế), Cầu Vàng - Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Chùa Cầu - Hội An (Quảng Nam). (Nhandan.com.vn 13/11; Nhân dân 13/11, tr7)
2. Ca Huế được đưa vào nội dung dạy học
Ngày 12/11, thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng và triển khai chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học.
Theo tìm hiểu của PV, ca Huế là một di sản văn hóa độc đáo của cố đô Huế, có lịch sử ra đời, phát triển đã hàng trăm năm... Khi vùng đất này đóng vai trò là kinh đô của đất nước. Xét trên nhiều bình diện, ca Huế có giá trị tiêu biểu, nổi bật không chỉ ở trong phạm vi quốc gia hay khu vực. Vì vậy, ca Huế hoàn toàn xứng đáng được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhận loại.
Chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học gồm hai nội dung, thứ nhất, tập huấn hát ca Huế cho hơn 30 giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế. Thứ hai, dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức CLB ca Huế tại các trường THCS Nguyễn Tri Phương, trường THCS Thống Nhất và trường THCS Trần Cao Vân. Chương trình đưa ca Huế vào trường học không đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn là "món quà" giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài.
Để chuẩn bị đưa nội dung ca Huế vào dạy học, các giảng viên của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và nghệ nhân ca Huế sinh hoạt tại CLB ca Huế thính phòng đã trực tiếp tham gia giảng dạy và giao lưu trình diễn di sản ca Huế. Qua gần 3 tháng tham gia tập huấn, các giáo viên đã được giới thiệu về lý thuyết tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển ca Huế, tập hát các làn điệu ca Huế, giao lưu với các nghệ nhận, nghệ sĩ ca Huế, biểu diễn ca Huế giữa các giáo viên tham gia tập huấn. Sau khi hoàn thành tập huấn, các thầy, cô giáo sẽ cùng các nghệ nhân sẽ truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản ca Huế cho các thế hệ học trò.
Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc xây dựng hồ sơ ca Huế đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại có khá nhiều thuận lợi, bởi di sản này đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam. Hồ sơ tư liệu về ca Huế rất phong phú, nếu được đầu tư xây dựng tốt sẽ có tính thuyết phục rất cao. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều kinh nghiệm xây dựng hồ sơ, do đã thực hiện thành công không ít hồ sơ di sản trước đó.
“Hiện nay sở Văn Hóa và Thể thao đang tích cực chỉ đạo nhà hát ca kịch Huế và các đơn vị chức năng liên quan xây dựng một kế hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy di sản ca Huế một cách bền vững. Sở cũng đã tham mưu với UBND tỉnh chính thức đăng ký với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kế hoạch xây dựng hồ sơ ca Huế để trình UNESCO”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, việc đưa ca Huế vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Đây chính là việc phù hợp nhất để đưa ca Huế đến với thế hệ trẻ của vùng đất cố đô cái nôi sinh ra ca Huế, để thế hệ trẻ hiểu biết về di sản này, từ đó nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là phương pháp phù hợp nhất để bảo tồn, phát triển ca Huế một cách bền vững. (Giadinhvietnam.com 12/11)
XÃ HỘI
1. LĐLĐ Thừa Thiên Huế: "Nghe công nhân nói - Nói với công nhân"
Diễn đàn "Nghe công nhân nói - Nói với công nhân" năm 2019 vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, đối thoại với người lao động.
Dự diễn đàn có đồng chí Phan Hồng Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và lãnh đạo các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các phòng ban TP Huế cùng hơn 100 đoàn viên, NLĐ đến từ các CĐCS và Nghiệp đoàn thuộc LĐLĐ TP Huế.
Chủ trì diễn đàn có đồng chí Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, đồng chí Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB và XH tỉnh, đồng chí Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND TP Huế và đồng chí Hoàng Thị Như Thanh - Chủ tịch LĐLĐ TP Huế.
Gần 20 câu hỏi của đoàn viên, NLĐ đặt ra về lao động, việc làm, các vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp, .... Các câu hỏi của đoàn viên, NLĐ đã được lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và lãnh đạo TP Huế giải đáp và hướng dẫn cụ thể theo Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn...
Nhân dịp này, Bà Lê Phạm Cecile - Tổng Giám đốc công ty CP May Xuất khẩu Huế, đã trao 700 áo đồng phục tổng trị giá hơn 70 triệu đồng và Bà Thái Thị Kim Lan đã trao tặng 600 thẻ bảo hiểm tai nạn cho đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô, xe thồ TP Huế, với tổng trị giá 30 triệu đồng. (Cuocsongantoan.vn 12/11)
2. Nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận
Ngày 12/11, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu Dự án cấp Bộ “Điều tra, nghiên cứu ý kiến đánh giá của nhân dân về vai trò của MTTQ trong giai đoạn hiện nay”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì hội nghị.
Đề tài tập trung nghiên cứu tại các cơ quan Trung ương và 12 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Bình Phước, Kiên Giang. (Daidoanket.vn 12/11; Đại đoàn kết 13/11, tr5)
3. LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế: Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp nhận tư vấn cho 30 trường hợp đoàn viên
Theo đó, nội dung tư vấn chủ yếu về các khoản trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ, về sa thải, bồi thường khi chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, về tiền lương, về nợ BHXH... Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức sinh hoạt trong CLB Công nhân với sức khoẻ sinh sản và pháp luật lao động tại Cty C.P và Cty may xuất khẩu Ngọc Châu cho 200 CNLĐ, với nội dung: Truyền thông và xét nghiệm HIV cho CNLĐ. (Lao động 13/11, tr5)
4. Phát động ủng hộ người nghèo thuộc dự án di dời dân cư khu vực 1 kinh thành Huế
Chiều 11-11, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế tỉnh tổ chức lễ phát động ủng hộ người nghèo thuộc dự án di dời dân cư khu vực 1 kinh thành Huế.
Dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 và những năm tiếp theo. Dự án phù hợp với định hướng chung của tỉnh là ổn định cuộc sống người dân, nhất là bộ phận dân nghèo sống trong vùng lõi di tích; đồng thời, nhằm giải phóng mặt bằng, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị di tích trọng điểm. Chủ trương của tỉnh đã được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân quan tâm ủng hộ.
Tại buổi lễ phát động, đông đảo cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, đóng góp giúp nhân dân nghèo thuộc dự án di dời dân cư khu vực 1 kinh thành Huế ổn định cuộc sống. Lễ phát động đã quyên góp được gần 50 triệu đồng. (Bienphong.com.vn 12/11)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Lo các em không được học hành tử tế lại tiếp tục nghèo đói!
Cô giáo Bùi Thị Hiệp gắn bó với trường Tiểu học Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế (nơi học trò đa số là con em đồng bào dân tộc Cờ Tu) đã có thời gian 27 năm cầm phấn.
Hành trình dạy học của cô giáo đầy ắp những kỷ niệm gắn liền với giáo dục vùng cao miền Tây cố đô.
Chia sẻ về nghề dạy học của mình, cô Bùi Thị Hiệp kể rằng, vốn sinh ra ở huyện Nam Đông nên hiểu hết những khó khăn, thiếu thốn của người dân tộc thiểu số nơi đây.
Tháng 9 năm 1992 sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm cô được phân công về dạy Trường Tiểu học Thượng Lộ - là ngôi trường định canh định cư thuộc một trong những xã nghèo nhất huyện.
Ai đã từng đến huyện miền núi Nam Đông trong những năm đầu của thập kỉ 90 mới hiểu hết nỗi gian lao vất vả của những người thầy, người cô công tác ở xứ núi rừng.
Cô Hiệp kể lại: “100% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ngôn ngữ bất đồng, giao tiếp với các em đã khó, dạy cho các em biết đọc, biết viết lại càng khó biết bao nhiêu.
Tôi còn nhớ như in cái buổi chiều đầu tiên vào nhận lớp ấy... học sinh lớn hơn cả cô vì ngày đó các em học không đúng tuổi như bây giờ.
Học sinh lớn mà cô thì trẻ nên rất khó bảo, ngôn ngữ bất đồng, cơ sở vật chất ở trường lại thiếu thốn đủ thứ.
Phòng học chỉ tranh tre nứa lá tạm bợ. Về mùa đông đứng dạy trong lớp gió lùa vào từng đợt, cô trò buốt lạnh cả tim gan…
Tuy khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ tôi nản chí, điều làm tôi trăn trở nhất đó là sự quan tâm của phụ huynh với việc học của con em hầu như không có.
Quãng thời gian làm giáo viên, cô Hiệp có nhiều kỷ niệm vui với học trò miền Tây xứ Huế (ảnh do nhân vật cung cấp).
Việc học của các em đều mang tính tự phát chứ không tự giác. Các em thích thì đi không thích thì ở nhà, có em thì ở nhà để phụ giúp gia đình vào rừng kiếm măng lấy mật v..v”.
Trong điều kiện như vậy, để bám trụ với nghề như cô Hiệp và đồng nghiệp của cô là một sự vượt khó vươn lên đáng khâm phục.
Chia sẻ thêm, cô Hiệp cho biết, lúc đó cô chỉ mong các em đến lớp đầy đủ là mừng rồi.
Để lớp có học sinh dạy thì các thầy cô giáo như cô Hiệp phải trèo đèo lội suối nhiều ngày đi vận động các em đến trường.
Khi các em đã đến trường đông đủ và đều đặn, lại tiếp những nỗi lo … Các em đi học thiếu thốn đủ thứ.
Áo quần mỏng manh không đủ ấm, đi học bữa đói bữa no, có em nhịn đói không chỉ buổi sáng mà cả buổi trưa để đến trường nên việc tiếp thu của các em đã chậm lại càng chậm hơn.
Với cô Hiệp giáo dục thời điểm đó rất khó khăn. Cái ăn cái mặc đã thiếu lấy gì mua đồ dùng học tập.
Dù người thầy có yêu nghề đến đâu mà các em không thích học và không có những điều kiện tốt để học thì rất khó để xây dựng một lớp học có chất lượng!
Dạy học ở vùng cao đã là vất vả nhưng thử thách lớn nhất đối với thầy cô cầm phấn ở những bản làng xa xôi đó là việc đảm bảo được chất lượng giáo dục.
Nhiều năm trở lại đây điều kiện học tập của con em đồng bào đã tốt hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục rất nhiều…
Cô Hiệp thấu hiểu điều ấy: "Biết rõ khó khăn, thiệt thòi của các em do đặc điểm vùng miền đem lại, tôi thiết nghĩ nếu không được học hành tử tế các em sau này sẽ là vết xe đỗ của bố mẹ. Các em sẽ lại nghèo đói vì không được học hành tử tế."
Nhận thức được tầm quan trọng của việc học những em nào quá chậm cô Hiệp đều dành thời gian giúp đỡ kèm cặp thêm ở giờ ra chơi hoặc ở nhà.
Cô Hiệp cho rằng những chuyến đi thực tế học tập trải nghiệm tại bảo tàng là cách giúp học sinh nhận thức đúng về giá trị của việc học (ảnh do nhân vật cung cấp).
Với mong muốn các em đến trường đều đặn và lớp học có chất lượng hơn, cô cùng đồng nghiệp giúp đỡ một phần và xin thêm ở bạn bè, các tổ chức từ thiện cho các em học sinh nghèo ăn sáng, sách vở, giày dép, cặp sách, áo quần đồng phục … để các em được đầy đủ đến lớp như các bạn.
Nhờ những cố gắng của cô và nhiều giáo viên nên trường Tiểu học Thượng Lộ có 37 học sinh nghèo /126 học sinh toàn trường đã được ăn sáng miễn phí. 100% các em đầy đủ đồ dùng học tập.
Ngoài giảng dạy, cô Hiệp còn tổ chức giúp các em được tham gia trải nghiệm với nhiều hoạt động có ý nghĩa và vui chơi giải trí nhằm mở mang tầm mắt và giúp các em phát triển kĩ năng sống.
Cô đã xin bạn bè giúp đỡ thêm kinh phí để cho các em cuối năm được đi tham quan học tập ở một số địa điểm như Bảo Tàng Hồ Chí Minh ở Huế …
Qua những đợt tham quan, các em càng yêu thích đi học và học ngày càng tốt hơn. Điều đó đã được khẳng định bởi nhiều năm liền trường Tiểu học Thượng Lộ là một trong những trường Định canh định cư ở huyện Nam Đông có tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần nhất, chưa có một năm nào có học sinh bỏ học giữa chừng.
Không phụ lòng cô giáo, nhiều năm liền những lớp cô Hiệp chủ nhiệm các em đều ngoan và chăm học.
Điều đó khiến cô cảm thấy yêu hơn nghề mình đã chọn và luôn phấn đấu rèn luyện cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức của một nhà giáo.
Cô Hiệp tâm sự: “Thấm thoát 27 năm đứng trên bục giảng đã dần qua, một công việc thầm lặng nhưng cho tôi biết bao bài học và kinh nghiệm quý báu.
Với chừng ấy năm dạy ở trường vùng khó cũng đủ để cô nghiệm ra rằng làm công tác giáo dục không hề dễ, dạy ở các trường định canh định cư mà 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Cờ Tu lại càng khó hơn gấp bội phần.
Với các em có lúc cần phải nghiêm nghị, có lúc cần phải mềm dẻo, nhẹ nhàng không quá nóng vội, phải thường xuyên động viên khen ngợi dù đó chỉ là một tiến bộ rất nhỏ và đặc biệt là phải biết sẻ chia, cảm thông với hoàn cảnh, tính cách từng em sẽ giúp giáo viên hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm của mình hơn rất nhiều.
Do đó, tôi luôn tự ý thức rằng, nhu cầu vật chất đến một thời điểm nào đó người ta sẽ thấy thỏa mãn nhưng nhu cầu về sự sẻ chia, về lòng yêu thương thì chẳng bao giờ là đủ cả, nên luôn bên cạnh với các em”. (Giaoduc.net.vn 13/11) tỏ. (Baothuathienhue.vn 13/11)
DU LỊCH
1. Thác Nhị Hồ - Điểm du lịch mới của Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây đã ban hành Quyết định số 2867/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch thác Nhị Hồ, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc.
Thác Nhị Hồ là một thác nước đẹp, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 45km về phía nam, cách Quốc lộ 1A gần 4km. Từ khá lâu, Nhị Hồ thu hút được nhiều du khách tới tham quan, thưởng ngoạn, đặc biệt là giới trẻ. Hơn nữa, với vị trí địa lí thuận lợi, có thể dễ dàng tạo với Đập Truồi - Suối Voi - Lăng Cô thành một tuyến du lịch cực kỳ hấp dẫn.
Theo Quyết định được ban hành, đơn vị quản lý điểm du lịch thác Nhị Hồ có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật có liên quan.
Đồng thời các Sở, ngành: Du lịch, Giao thông Vận tải, Công an huyện Phú Lộc, UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Trì có trách nhiệm hướng dẫn HTX Du lịch - Dịch vụ thác Nhị Hồ tổ chức quản lý, khai thác, phát triển đối với điểm du lịch thác Nhị Hồ đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững./. (Toquoc.vn 12/11)
MÔI TRƯỜNG
1. Không thanh toán khoản chi sử dụng sản phẩm nilon để tiếp khách
Không chỉ dùng để tiếp khách mà việc cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp tại Thừa Thiên - Huế sử dụng các sản phẩm nhựa, nilon sử dụng một lần, khó phân hủy sẽ không được bộ phận tài chính thanh toán.
Đó là quán triệt của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tại Công văn số 8448/UBND-CT, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai một số hoạt động, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh hành động thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa".
Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức đoàn thể, đơn vị sự nghiệp thực hiện, tạo điều kiện và vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không sử dụng túi nilon và vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt, hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Đáng chú ý, các hội nghị, hội thảo, mời cơm do cơ quan tổ chức trong hoặc ngoài cơ quan, bộ phận quản lý tài chính quán triệt sẽ không thanh toán các khoản chi có liên quan đến tiêu dùng các sản phẩm ni lông, nhựa sử dụng một lần.
Ngoài ra, công văn này cũng yêu cầu các cơ quan không treo băng rôn, pano, backdrop, áp phích, quảng cáo, tuyên truyền bằng nhựa heflix; nếu cần thiết thì phải bảo đảm theo đúng quy định về địa điểm và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Đặc biệt, không treo và không cho phép treo băng rôn, pano tại hàng rào trụ sở, văn phòng làm việc.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chỉ đạo cụ thể các sở như: Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai các giải pháp sử dụng vật liệu thay thế sản phẩm nilon, nhựa sử dụng một lần, các vật liệu cấm, hạn chế sử dụng; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các trường học hướng dẫn các em học sinh không bao sách vở bằng ni-long, không thả bóng bay vào các lễ, ngày hội của nhà trường, có kế hoạch ưu tiên đầu tư máy lọc nước uống dùng chung tại nhà trường...
Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh có phương án, lộ trình cụ thể thay thế các loại bao bì bằng nhựa, nilon đang được sử dụng để đựng thuốc, hồ sơ bệnh án,… bằng những vật liệu thân thiện môi trường theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đề xuất phương án không xuất in phim âm bản nếu người bệnh không có nhu cầu.
Sở Công Thương xây dựng chương trình gắn liền với các hoạt động cụ thể để tăng cường vận động, hỗ trợ cũng như xây dựng chế tài với lộ trình cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế sản phẩm nhựa, nilon khó phân hủy; phấn đấu đến năm 2020, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh sử dụng túi nilon thân thiện môi trường, thay thế túi nilon khó phân hủy... (Nguoiduatin.vn 12/11; Vtc.vn 12/11)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Bản án thích đáng cho gã chồng cuồng ghen
Ngày 12/11, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Long (SN 1962, trú tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) 17 năm 6 tháng tù về tội “giết người”.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, vào khoảng 22h20 ngày 1/5/2019, tại đoạn đường bê tông liên thôn trước Nhà sinh hoạt cộng đồng và khu dân cư thôn 9, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy), Long thấy anh Kim Khắc H. (SN 1970, trú đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế) đang chở vợ mình là chị Đào Thị K. Ch. (SN 1976, trú xã Thủy Phù, là giáo viên của một Trường tiểu học đóng trên địa bàn thị xã Hương Thủy) ngồi sau xe máy.
Do nghi ngờ vợ ngoại tình nên Long đã lái xe máy chặn đầu xe máy anh H. và lấy điện thoại chụp ảnh, để chứng minh việc chị Ch. ngoại tình.
Anh H. đã dùng tay gạt điện thoại không cho Long chụp hình và giải thích giữa anh và chị Ch. không quen biết nhau. Chị Ch. chỉ nhờ anh H. giúp chở về nhà.
Sau lời qua tiếng lại, Long dùng tay đánh anh H., nhưng anh H. đỡ mà không đánh lại rồi bỏ đi. Tức giận nổi lên, Long đã mở cốp xe máy của mình lấy con dao để sẵn trong cốp đâm mạnh liên tiếp vào người anh H., khiến nạn nhân tử vong.
Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, Tòa đã tuyên án 17 năm 6 tháng tù đối với Nguyễn Quốc Long về tội "giết người".
Như Dân trí đã đưa tin, chị Ch. có chồng nhưng đã ly hôn. Chị và Nguyễn Quốc Long sau đó đã đăng ký kết hôn tại chính quyền địa phương nhưng giữa 2 người hay xảy ra ghen tuông, mâu thuẫn trong tình cảm.
Vào 17h ngày 1/5, chị Ch. đến nhà Long để lấy sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn nhưng Long không đưa và còn dọa đâm chém. Chị Ch. hoảng sợ bỏ chạy, đến 22h cùng ngày, chị gặp một người đàn ông chạy xe máy (là nạn nhân Kim Khắc H.) và xin quá giang về nhà trọ thì xảy ra sự việc đau lòng như trên. Nạn nhân đã bị Long đâm 3 nhát dao vào người, trong đó có 1 nhát xuyên tim.
Nguyên nhân ban đầu mà Long khai dẫn đến vụ án mạng là phát sinh từ ghen tuông, mâu thuẫn trong chuyện tình cảm. (Dantri.com.vn 12/11; Baophapluat.vn 12/11; News.zing.vn 12/11; Infonet.vn 12/11)
2. Nhóm trộm tài sản của du khách sa lưới
Chiều 12-11, Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế cho biết, đã bắt được 3 đối tượng trộm tài sản tại căn nhà ở thôn Châu Chữ (xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy, TT-Huế) do một du khách Úc thuê ở. Trước đó, ông John Richard- quốc tịch Úc đang thuê nhà ở xã Thủy Bằng đến CA địa phương trình báo về việc bị kẻ gian lấy trộm 1 ĐTDĐ Iphone 6, 1 ĐTDĐ Samsung, 1 macbook và 5.500 đô-la Úc. Theo ông John Richard, thời điểm xảy ra mất cắp có thể vào đêm khuya và việc bị mất cắp toàn bộ tài sản khiến ông John Richard rất buồn, kéo theo chuyến du lịch dài ngày của ông không trọn vẹn.
Với quyết tâm sớm truy bắt các đối tượng gây án để trao trả tài sản cho bị hại và lấy lại hình ảnh du lịch Huế trong lòng du khách, Ban Giám đốc CA tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo các đơn vị, nghiệp vụ của CA tỉnh đồng loạt khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ. Ngay khi nhận được tin báo của bị hại, Phòng Kỹ thuật hình sự và Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với CATX Hương Thủy khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập từng chứng cứ, chi tiết nhỏ để phục vụ cho công tác điều tra. Qua rà soát các đối tượng hình sự, các đối tượng từng đi tù ở trong xã không phát hiện đối tượng nghi vấn. Các trinh sát hình sự tiếp tục mở rộng địa bàn để truy tìm thủ phạm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CA định vị, đối tượng trộm cắp tài sản của ông John Richard hiện đang xuất hiện tại TP Đà Nẵng. Các điều tra viên, trinh sát dày dạn kinh nghiệm được cử vào TP Đà Nẵng để xác minh. Cùng thời điểm này, ở TT-Huế; một tổ công tác xác định, một nhóm thanh niên có biểu hiện ăn chơi, lêu lổng nhiều ngày liền không có mặt ở địa phương. Qua thu thập toàn bộ chứng cứ; cơ quan CA đã xác định được 3 đối tượng trộm tài sản của ông John Richard, gồm: Nguyễn Văn Bi (2000, trú TX Hương Trà), Tôn Thất Anh (2000) và Lê Văn Hóa (1999, cùng trú TX Hương Thủy, TT-Huế). Ngay sau khi xác định được, cả 3 đối tượng đều bị bắt giữ tại TP Đà Nẵng.
Tại cơ quan CA, các đối tượng khai nhận, do cần tiền tiêu xài, ăn chơi nên đã nảy sinh ý định trộm cắp. Nhiều lần đi “khảo sát” địa điểm lấy trộm, các đối tượng phát hiện, tại thôn Châu Chữ của xã Thủy Bằng có 1 người đàn ông nước ngoài đến thuê 1 căn nhà tại đây để ở. Các đối tượng nhận định rằng, trong căn nhà này chắc chắn sẽ có nhiều tài sản. Vì vậy, tối 6-11, lợi dụng sơ hở, các đối tượng phân chia nhiệm vụ, rồi đột nhập vào bên trong căn nhà ở thôn Châu Chữ mà ông John Richard đang thuê ở, lấy trộm các tài sản: gồm 2 ĐTDĐ, 1 macbook và 5.500 đô-la Úc được bỏ trong ví rồi tẩu thoát.
Sau khi lấy trót lọt số tài sản này, các đối tượng cho rằng, nếu tiêu thụ tại Huế thì sớm muộn gì cũng bị phát hiện nên chúng đã lên kế hoạch, đi ra ngoại tỉnh để tiêu thụ. Sau khi suy tính, nhóm đối tượng quyết định bắt xe khách vào Đà Nẵng và tại đây, trong lúc đang tìm cách tiêu thụ tài sản thì chúng bị lực lượng CA TT-Huế phối hợp với CA địa phương bắt giữ. Qua đấu tranh điều tra mở rộng, cơ quan CA phát hiện thêm các đối tượng này đã từng thực hiện 3 vụ cướp giật tài sản khác trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Thủ đoạn của các đối tượng là điều khiển xe mô-tô đi trên đường và khi bắt gặp những phụ nữ nào đang chạy xe, có mang theo túi xách thì chúng bám theo sau. Khi đến đoạn đường vắng hoặc lợi dụng sơ hở của những người điều khiển xe như nghe điện thoại thì chúng áp sát xe, rồi đối tượng ngồi sau giật túi xách bỏ chạy. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, chúng sử dụng để tiêu xài, chơi game, ăn nhậu...
Hiện, cơ quan CA đang tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm hành vi trộm cắp và cướp giật tài sản của các đối tượng nói trên. Đồng thời, đang hoàn tất các thủ tục để sớm trao trả lại tài sản cho bị hại. (Cadn.com.vn 13/11)
TIN VẮN
1. Điểm tin đã đưa
Ngày 12/11, thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị này vừa phát hiện, xử lý hàng loạt tụ điểm truyền đạo trái phép của "Hội thánh Đức chúa trời Mẹ" trên địa bàn. Theo cơ quan Công an, sau một thời gian tạm lắng, gần đây, hàng loạt tụ điểm truyền đạo trái phép của "Hội thánh Đức chúa trời Mẹ" lại xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Đa số những người tham gia vào hội thánh này là học sinh, sinh viên, những người không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn, bị thiếu hụt tình thương, tâm lý không ổn định. (Nguoiduatin.vn 12/11; Doisongphapluat.com 12/11; Giaoducthoidai.vn 12/11; Phapluatnet.vn 12/11; Doanhnhan.vn 12/11)
Trong lúc tham gia giao thông, người dân xã Lộc Điền (H. Phú Lộc, TT-Huế) phát hiện 1 thi thể cùng chiếc xe máy hiệu Exciter nằm dưới mương nước cạnh cầu Sư Lỗ nên trình báo sự việc đến cơ quan CA. Qua xác minh, CAH Phú Lộc xác định, nạn nhân là anh Tô Văn N. (29 tuổi, trú xã Lộc Điền). Ngày 11-11, CAH cho hay, nguyên nhân anh N. tử vong là do quá trình điều khiển xe mô-tô và gặp tai nạn nên cả người và xe rơi xuống mương nước. (Cadn.com.vn 12/11; Pháp luật TPHCM 12/11, tr2) Về đầu trang
Ngày 12-11, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đang lập kế hoạch xây dựng bộ hồ sơ “Nghệ thuật ca Huế” trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, sở đã chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy di sản ca Huế một cách bền vững. (Sggp.org.vn 13/11; Thanhnien.vn 12/11)
Ngày 10/11, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ trì Lễ công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phó Giám đốc Sở Xây dựng. (Xây dựng 12/11, tr2)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Mướp đắng trái vụ ở Phong Điền
Dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư, nhưng năng suất cao và thích hợp với vùng đất cát; cùng với đầu ra ổn định, người dân vùng Ngũ Điền (Phong Điền) đã chuyển sang trồng cây mướp đắng trái vụ mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định.
Điền Hải là địa phương có diện tích cây mướp đắng lớn nhất trên địa bàn huyện Phong Điền. Hiện, toàn xã có 8 ha trồng mướp đắng với khoảng 80 hộ tham gia, rải đều ở tất cả các thôn.
Ông Hoàng Văn Sanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điền Hải thông tin: Với lợi thế có sẵn mạch nước tự nhiên, thuận lợi cho mướp đắng phát triển, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa để trồng mướp đắng. Mỗi sào trồng mướp đắng sau khi trừ các chi phí có lãi khoảng 15 triệu đồng.
Riêng năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng trung bình mỗi sào vẫn lãi khoảng 13 triệu đồng, lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra rất ổn định, mướp đắng được thương lái đến tận ruộng thu mua để cung cấp cho các chợ đầu mối ở Huế, Quảng Trị và Đà Nẵng.
Lão nông Hoàng Văn Đình, ở thôn 1, xã Điền Hải là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cây mướp đắng ở vùng cát. Trước đây ông có hơn 3 sào (khoảng 1.700 m2) đất trồng lúa kém hiệu quả, được chuyển đổi trồng mướp đắng.
Mỗi vụ mướp đắng cho thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/sào. Có năm, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với giá mướp đắng cao, hơn 3 sào mướp đắng của ông cho thu nhập hơn 75 triệu đồng. Ông Đình cũng là “địa chỉ” cung cấp giống chủ yếu cho người dân trong vùng, mỗi năm cung cấp khoảng 5.000 cây giống cho người trồng ở các xã Điền Hải, Điền Hòa và một số xã ở huyện Quảng Điền.
Hội Nông dân huyện Phong Điền đang phối hợp với các ngành liên quan đăng ký nguồn vốn khuyến công của tỉnh và nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện để hỗ trợ nông dân đầu tư nhà xưởng, trang bị máy móc như máy cắt, sấy khô để tăng giá trị kinh tế của cây mướp đắng.
“Cây mướp đắng là loại cây phù hợp với đất thịt pha cát, dễ trồng, dễ chăm sóc, kháng rầy, chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Mướp đắng rất “mẫn cảm” với các loại thuốc hóa học, nếu phun thuốc hóa học sẽ làm cho cây “vón đọt” dẫn đến năng suất không cao, loài cây này chỉ phù hợp với các loại thuốc sinh học. Quả mướp đắng và rễ cây, thân cây đều được bà con tận dụng để phơi khô, mỗi sào cũng được 4 đến 5 bao rễ và lá, mỗi bao bán ra thị trường cũng được trên 100 ngàn đồng”, ông Đình chia sẻ.
Ông Cao Huy Mẫn, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết: UBND xã đã có chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mướp đắng hữu cơ, VietGAP. Đồng thời đang nghiên cứu, bố trí quỹ đất phù hợp với vùng trồng mướp để hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết tiêu thụ, tạo thương hiệu mướp đắng Điền Hải. Đây cũng là sản phẩm chủ lực để xã xây dựng sản phẩm OCOP.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền cho hay: Các cấp Hội Nông dân tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ở các xã vùng biển như Điền Hòa, Điền Môn, Điền Lộc… có cùng điều kiện thổ nhưỡng chuyển sang trồng cây mướp đắng và bước đầu thực hiện có hiệu quả. Hội Nông dân huyện cũng đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở vận động nông dân thành lập các tổ hợp tác, gắn sản xuất với chế biến. (Baothuathienhue.vn 5/11; Nông nghiệp Việt Nam 13/11, tr11)
CHÍNH SÁCH
1. Chậm hỗ trợ thiệt hại dịch tả lợn châu Phi
Tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang xảy ra tại 118 xã thuộc 9/9 huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến hàng chục ngàn con lợn phải tiêu hủy, thiệt hại ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc hỗ trợ thiệt hại do DTLCP chậm khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn.
Huyện Quảng Điền là địa phương chịu ảnh hưởng nặng do DTLCP, như hộ bà Hoàng Thị Trang ở xã Quảng Thọ có 21 con lợn nái, lợn thịt đều bị dịch buộc phải chôn hủy, ước thiệt hại 35 triệu đồng. Từ khi có dịch đến nay, theo chủ trương của địa phương, hộ bà Trang cũng như người dân chưa thể tái đàn vì chưa công bố hết dịch, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Theo bà Trang, khi nghe có chính sách hỗ trợ kinh phí thiệt hại do DTLCP, nhiều hộ chăn nuôi lợn trong xã trông chờ nhưng đến nay vẫn chưa được nhận. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền sớm giải quyết chi phí hỗ trợ để người dân sớm tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo ông Hoàng Công Phong - Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tổng kinh phí thiệt hại do DTLCP tính đến ngày 29/10 trên địa bàn xã ước tính 2,5 tỷ đồng, nhưng đến nay địa phương mới được cấp hơn 180 triệu đồng.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh, các bộ, ngành liên quan với các địa phương mới đây, địa phương cũng đã kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí cho người dân có điều kiện tái đàn, thế nhưng đến nay vẫn chưa có.
Tính đến đầu tháng 11/2019, tại huyện Quảng Điền có 11 xã có DTLCP, tổng số lợn tiêu hủy 12.058 con. Ước tính tổng thiệt hại do DTLCP toàn huyện này khoảng 25 tỷ đồng. Qua 3 đợt cấp, huyện Quảng Điền mới nhận được khoảng 6 -7 tỷ đồng và đã chuyển về cho các địa phương tiến hành chi trả cho người dân. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, việc chậm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, người dân là do cấp trên chậm cấp kinh phí.
Tương tự, tại huyện Phong Điền, tính đến ngày 6/11, DTLCP vẫn đang diễn ra chưa chấm dứt, toàn huyện có 15 xã bị ảnh hưởng bởi DTLCP và đã tiêu hủy 22.721 con. Theo ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, địa phương có số lượng lợn bị dịch lớn nhất của tỉnh. Tổng số lợn thiệt hại được hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng, đến nay huyện đã tiến hành chi trả hơn 37 tỷ đồng (số tiền được Sở Tài chính cấp phát) cho người dân có lợn bị dịch phải tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho rằng, việc chậm cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân một phần do từ phía cơ sở (các huyện, thị xã và các địa phương).
Chẳng hạn, tính đến ngày 29/10, huyện Quảng Điền đã được cấp 6 -7 tỷ đồng nhưng mới triển khai hỗ trợ cho người dân hơn 1 tỷ đồng; huyện Phú Lộc được cấp 4-5 tỷ đồng nhưng mới hỗ trợ 2,7 tỷ đồng...
Cụ thể, theo quy định của Nhà nước, các đối tượng được hỗ trợ là người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do DTLCP.
Mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại là 25.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi. Các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có lợn buộc phải tiêu hủy do DTLCP quy định mức hỗ trợ thấp hơn.
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, đến nay, tỉnh đã cấp 3 đợt hỗ trợ DTLCP với kinh phí khoảng 66 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân, Sở Tài chính tỉnh cần khẩn trương, tiếp tục cấp phát kinh phí cho các huyện, thị xã, TP. Huế.
Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời cho các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ. UBND cấp xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, thời điểm tiêu hủy và mức quy định; có sự giám sát của người dân, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách. (Baophapluat.vn 13/11; Pháp Luật Việt Nam 13/11, tr6)
ĐÔ THỊ - ĐÔ THỊ THÔNG MINH
1. Bảo mật và khách quan từ trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh
Từ ngày 1/11 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được ghi nhận trực tiếp từ hệ thống kiểm soát của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Sau thời gian hoạt động đã cho thấy rõ tính bảo mật và khách quan trong quá trình xử lý các phương tiện vi phạm từ Trung tâm giám sát điều hành mới được triển khai.
Với một quy trình chặt chẽ, không thể có sự tác động và thay đổi, đồng thời tất cả những phản ánh lỗi vi phạm đều phải xử lý và có kết quả trả lời công khai để người dân tương tác và đánh giá mức độ hài lòng, trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đóng vai trò như cầu nối giữa người dân và các cơ quan chức năng.
Hiện trên địa bàn toàn thành phố Huế đã được lắp đặt hơn 100 camera giám sát tại những điểm trọng yếu về trật tự ATGT. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ nâng lên gần 500 camera giám sát xử phạt nguội ATGT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người, mọi nhà. (Vtv.vn 12/11).