Giá thịt lợn đang biến động mạnh khó lường, các loại thực phẩm khác như thủy sản, gia cầm, trứng… đang được ngành nông nghiệp khuyến khích phát triển, gia tăng nhanh số lượng.
Chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại HTX gà Lạc Thủy, Hòa Bình. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Trước nhu cầu thị trường, nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm theo chuỗi khép kín, hướng đến bền vững đã phát triển mạnh tại nhiều địa phương. Nông dân đã nhìn ra những lợi ích lâu dài trong chăn nuôi có liên kết, tham gia hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp để sản phẩm có đầu ra ổn định, chất lượng, có thương hiệu trên thị trường.
Chăn nuôi gà đặc sản với quy mô 10.000 con nhưng nhiều năm nay anh Bùi Đông Giang, Giám đốc Hợp tác xã gà Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình cũng như hàng chục hộ thành viên hợp tác xã chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra sản phẩm.
Gà ri Lạc Thuỷ là giống bản địa được nông dân nuôi từ lâu và hiện rất được thị trường ưa chuộng. Gà có trọng lượng từ 1,5 - 2kg, chân nhỏ, da vàng, không những cho chất lượng thịt thơm ngon mà còn khá dễ nuôi.
Anh Giang cho biết, hợp tác xã hiện đang nuôi khoảng 30.000 con gà đẻ và 30.000 con gà thịt. Hợp tác xã liên kết với các hộ chăn nuôi hoàn toàn chủ động cung cấp con giống và thu mua sản phẩm cho các thành viên.
Giá trứng gà giống được hợp tác xã mua cố định trong cả năm nên giá gà giống bán cho các hộ cũng sẽ không biến động theo thị trường, thậm chí còn thấp hơn những lúc thị trường cao điểm tăng cao.
Giá gà thịt được hợp tác xã mua theo giá thị trường, trung bình từ 85.000-90.000 đồng/kg, lúc khan hiếm có thể đạt 100.000 đồng/kg.
Ngoài cung ứng gà thịt nguyên lông, Hợp tác xã gà Lạc Thuỷ còn sơ chế ra các sản phẩm, bán cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và Hà Nội. Nhờ đó, sản phẩm đầu ra của hợp tác xã luôn ổn định.
Là giống gà ri bản địa được nuôi theo mô hình bán chăn thả, áp dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Hàng ngày cứ đến giờ là gà ăn, nghe nhạc, “thể dục” dưới tán cây bưởi, cam, ổi…
Tất cả các trang trại hội viên hợp tác xã đều áp dụng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật phòng dịch theo đúng quy định và được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Hiện giống gà này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu Gà ri Lạc Thuỷ.
Nhờ giống bản địa tốt, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên sản phẩm thịt gà của hợp tác xã có chất lượng thơm, ngon và an toàn. Sản phẩm đã đạt chứng nhận cho sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Để đảm bảo chăn nuôi an toàn cũng như tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân, anh Giang cho biết, hàng năm hợp tác xã đều xây dựng phương án sản xuất theo nhu cầu thị trường và đơn hàng cố định.
Hợp tác xã không sản xuất quá nhiều, chỉ sản xuất ở mức độ vừa đủ. Hiện thị trường nhu cầu thực phẩm đang thiếu, nhu cầu bà con vào đàn tăng cao, giá tăng cao nhưng các thành viên hợp tác xã cũng không vào đàn ồ ạt như các đơn vị khác mà làm theo kế hoạch ban đầu để đảm bảo chăn nuôi an toàn.
Trung bình mỗi thành viên hợp tác xã hiện nuôi khoảng 5.000 - 7.000 con/hộ, thành viên nhiều nhất không được quá 10.000 con. Giá gà hơi hiện đang ở mức 85.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 10 - 15%. Với giá này bà con thu lãi 40-50 triệu đồng/1.000 con.
Kiểm tra trứng trước khi đưa vào ấp tại Hợp tác xã gà Lạc Thủy, Hòa Bình. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Ông Dương Ngọc Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình cho biết, mô hình nuôi gà của Hợp tác xã gà Lạc Thuỷ là một trong 56 mô hình trang trại hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi gia cầm của tỉnh.
Hợp tác xã gà Lạc Thuỷ áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt chuỗi liên kết từ khâu chuồng trại đến tiêu thụ nên hợp tác xã đã gây dựng được thị trường riêng, đảm bảo lợi nhuận.
Để nhân rộng mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình đang triển khai các lớp tập huấn, mô hình điển hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; trong đó có chính sách hỗ trợ bà con về giống, vật tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi chăn nuôi gia cầm, bao tiêu sản phẩm.
Bà Hạ Thuý Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, ưu điểm của liên kết chuỗi là nông dân sẽ sản xuất theo kế hoạch, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, từ đó đảm bảo an toàn dịch bệnh, giá thành giảm và đầu ra. Do đó, lợi nhuận cũng cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, người chăn nuôi cần chú ý mật độ nuôi, có giải pháp kỹ thuật phù hợp. Cán bộ khuyến nông địa phương cần tăng cường tư vấn về tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Việc ghi chép của người chăn nuôi cũng rất quan trọng để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bà con cần nhận rõ là chỉ có chăn nuôi an toàn mới mang lại lợi nhuận và sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi chưa có giải pháp phòng trừ triệt để, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi; trong đó chuyển dần chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, gia súc ăn cỏ, thuỷ sản để đáp ứng đa dạng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng và thay thế một phần thịt lợn đang bị thiếu hụt do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm cũng có nhiều thuận lợi, dễ kiểm soát dịch bệnh hơn so với chăn nuôi lợn. Người dân đã có kinh nghiệm chăn nuôi đảm bảo an toàn sau một thời kì dài chống chọi với dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên khi đầu tư nuôi gia cầm, bà con nên chọn hình thức liên kết phù hợp.
Việc liên kết sản xuất cần có sự tham gia của doanh nghiệp để họ có thể hỗ trợ đầu tư về công nghệ, thị trường, hệ thống trang thiết bị chăn nuôi, con giống, chế biến… đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi và cả doanh nghiệp, đưa chăn nuôi gia cầm hướng đến phát triển bền vững./.