Nơi cửa biển Hòa Duân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mở ra 20 năm trước, cuốn 14 người làng Eo và 2 chiến sĩ biên phòng ra biển, giờ đây đã quy hoạch xây dựng các khu resort, xưởng đóng tàu nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, cho biết nơi đây đã hình thành một bãi tắm du lịch, hằng năm thu hút khoảng 400.000 lượt khách. Hiện có 6 quán kinh doanh ăn uống, giải khát phục vụ du khách, mỗi năm đóng ngân sách khoảng 3-4 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho 300 lao động.
Vào năm 1999, khi lũ mở cửa biển Hòa Duân rộng 616 m, khoảng 300.000 người thuộc 10 xã từ Phú Thuận đến Vinh Hiền, huyện Phú Lộc bị chia cắt trong "ốc đảo". Sau lũ, ngày 19-11-1999, tỉnh thành lập bến phà tạm chở người dân qua lại cửa Hòa Duân. Trong khi phà di chuyển, bên trên chở nhiều người và ôtô thì nước đẩy trôi ra hướng biển rất nguy hiểm, địa phương phải huy động nhiều tàu cá mới kéo vào được.
Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 1996-2004, kể rằng lãnh đạo tỉnh đã họp bàn, tham vấn ý kiến Bộ Giao thông Vận tải và chọn phương án hàn khẩu. Sau đó, tỉnh huy động người dân, bộ đội đóng cọc, thả bao cát. Khi thi công chỉ còn 10-15 m nữa hoàn thành thì dư luận lên tiếng cho rằng phương án hàn khẩu không phù hợp.
Chính quyền địa phương đã tạm dừng thi công, họp dân để lấy ý kiến dân. Các vị cao niên nói rằng cứ đóng cọc xuống cửa biển để tạo ra những điểm tựa thì biển sẽ bồi cát vào. Đến năm 2001, công việc hàn cửa biển hoàn thành, chỉ nửa tháng sau, biển bắt đầu bồi cát.
Sau 20 năm cơn "đại hồng thủy", tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vươn mình trở thành một trong những địa phương phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1999-2018 là 7,2%/năm, hướng đến xây dựng thành phố di sản quốc gia vào năm 2030. Khu vực cơn lũ tàn phá giờ đã phát triển mạnh mẽ. 64 hộ dân làng Rồng ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang có cuộc sống đầy đủ, nhiều nhà cao tầng, rất nhiều con em học hành đỗ đạt.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trận lũ lịch sử năm 1999 đã khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh, sự quyết tâm vượt khó vươn lên từ đau thương, mất mát. "Năm 1985, địa phương cũng hứng chịu trận bão gây thiệt hại lớn về tài sản, gần 800 người chết. Đến năm 1999 lại trải qua cơn lũ lịch sử. Nhưng bằng ý chí vượt khó, chỉ ít tháng sau, vào năm 2000, chúng tôi đã tổ chức kỳ Festival Huế đầu tiên khá thành công" - ông Nguyễn Văn Mễ chia sẻ.
Về bài học phòng chống thiên tai, ông Mễ cho rằng trong cơn lũ năm 1999, tất cả đều tê liệt, vượt qua sự chịu đựng của con người, mọi kịch bản ứng cứu bị vỡ thì phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư tại chỗ) rất đáng giá. "Người dân tự cứu nhau bằng những phương thức khác nhau, như đóng bè bằng cây chuối vượt lũ, neo dây vào cây phi lao để lần vào bờ. Có rất nhiều người dũng cảm chèo ghe cứu hàng trăm người... Đó là một trong những phương án tại chỗ phòng chống thiên tai rất hiệu quả" - ông Nguyễn Văn Mễ đúc kết.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương cũng phát huy hiệu quả phương châm thứ 5 là tự quản tại chỗ. Chính quyền địa phương quyết liệt lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò của trưởng thôn, tổ dân phố... (Nld.com.vn 14/11; Người lao động 14/11, tr15)