Kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở bánh ngọt Bảo Thạnh, TP. Huế
Là một trong những trung tâm mua sắm quy mô lớn của tỉnh, tại chợ Đông Ba, các loại thực phẩm, đặc sản Huế bày bán tại đây khá phong phú, đa dạng, thu hút nhiều khách hàng.
Chị Trần Thị Hồng, kinh doanh hàng thực phẩm bánh kẹo tại chợ Đông Ba thừa nhận, lâu nay chị đến chợ chỉ để bán hàng, còn các vấn đề liên quan đến ATTP hay nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bảo vệ môi trường thì ít được quan tâm. “Sau khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, phổ biến các quy định về ATTP, chị đã nắm bắt được các kiến thức cơ bản để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, chị Hồng chia sẻ.
Theo chủ cơ sở sản xuất bánh Bảo Thạnh Nguyễn Phước Quý Thành, mỗi năm cơ sở sản xuất số lượng lớn bánh ngọt và thức ăn nhanh nên công tác đảm bảo ATTP đóng vai trò quan trọng.
Sau khi tham gia lớp tập huấn kiến thức về ATTP do Sở Công thương tổ chức, cơ sở nắm bắt nhiều kiến thức bổ ích về các quy định, điều kiện đảm bảo ATTP và các mối nguy về ATTP cũng như cách phòng ngừa để chủ động hướng dẫn người lao động trực tiếp sản xuất nhằm thực hiện đúng các quy định trong sản xuất thực phẩm, đặc biệt là các loại bánh ngọt, bánh trung thu được tiêu thụ nhiều trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP ngành công thương dần được nâng cao, hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý Nhà nước được tăng cường; công tác thông tin giáo dục, tuyên truyền được đẩy mạnh, huy động được các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vi phạm, như; không duy trì tốt các quy định điều kiện đảm bảo ATTP; quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm đã hết hạn sử dụng, công tác vệ sinh không thực hiện đúng quy định.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, đảm bảo ATTP đến tay người tiêu dùng là yêu cầu số một của ngành công thương, đặc biệt là các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán. Hiện, Sở đang chỉ đạo các phòng ban tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm không thực hiện các quy định về ATTP như hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; không dán nhãn mác, in hạn sử dụng lên sản phẩm và không tuân thủ các quy định về vệ sinh ATTP của Nhà nước. Năm 2020, sở tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; hậu kiểm và xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về ATTP.
Năm 2020, để cải thiện tình trạng mất ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, Sở Công thương yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức ATTP cho các nhóm đối tượng, trong đó phấn đấu 85% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 95% người quản lý có kiến thức và được xác nhận kiến thức ATTP.