Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về hai dự án luật trên.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng, ở nước ta, công tác quản lý vũ khí quân dụng là hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng bạo lực không hề giảm. Do đó, tội phạm đã sử dụng các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để gây án.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá, từ thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng. Các loại vũ khí đối tượng phạm tội thường hay sử dụng có thể kể đến như súng bắn đạn hoa cải, súng ổ xoáy, súng bút, súng tự chế... có tính sát thương rất cao. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các loại tội phạm thường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác. Vì vậy, việc xử lý hình sự về các hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, chiếm đoạt trái phép các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách hình sự nhất quán ở nước ta.
Tuy nhiên, về việc qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, hiện nay vẫn còn hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng vướng mắc là do khái niệm vũ khí quân dụng trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã không quy định vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, do vậy, cần sửa đổi Điều 3 của Luật này.
Đồng thời, cũng có luồng quan điểm cho rằng, tội phạm phải được quy định trong Bộ luật Hình sự nên cần sửa đổi Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nếu sửa đổi Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến các Điều 18, 19, 20 và 73 của Luật này.
Ủng hộ quan điểm cần sửa đổi Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017, đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi) nêu ý kiến: “Về Bộ luật Hình sự, trước đây chúng ta quy định người nào sử dụng vũ khí quân dụng và có tính năng tương tự sẽ bị cấm. Nhưng khi sửa đổi đã bỏ vũ khí có tính năng tương tự đi, do đó chỉ có vũ khí quân dụng mới được xem là tội phạm”.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ thực tế quy định này, nhiều địa phương đã gửi văn bản xin ý kiến của Tòa án nhân dân Tối cao đối với những vụ việc sử dụng súng hoa cải, súng săn hay các loại súng khác làm chết người, gây thương tích, nhưng không phải vũ khí quân dụng nên các địa phương chưa xử được.
“Chúng tôi đã họp rất nhiều lần với Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhưng không hướng dẫn được, lý do là không có trong Luật và Hiến pháp quy định những hạn chế từ con người phải do Luật quy định…”, ông Bình chia sẻ.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến rất xác đáng, xuất phát từ những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn quản lý, sử dụng, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung sung Điều 3 của Luật là cần thiết và phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Về phạm vi sửa đổi bổ sung, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật như trong tờ trình, đồng thời đề nghị nghiên cứu, sửa đổi thêm các quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định:“Mục tiêu xây dựng dự án Luật này là nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để có căn cứ pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ và vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt, vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Vì vậy, phạm vi sửa đổi khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là phù hợp”.
Miễn thị thực không là giải pháp tối ưu để thu hút khách du lịch
Cũng trong sáng 14/11, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cho rằng quy định Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực với người nước ngoài khi đáp ứng đủ 3 điều kiện là còn quá lỏng lẻo và thiếu các bằng chứng thuyết phục, các đại biểu Quốc hội đánh giá, quy định này sẽ làm tăng nguy cơ về quốc phòng an ninh, nhất là khi miễn thị thực không phải là giải pháp tối ưu để thu hút khách du lịch, mà thu hút khách du lịch phải bằng sản phẩm du lịch, bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa và tạo môi trường tốt, an toàn.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến Khoản 3, Điều 46 của dự thảo Luật: “giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.
Về nội dung trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc kỹ. Theo đại biểu, quy định này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và điều kiện không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh không có ý nghĩa thực tiễn. Dự thảo lấy lý do luật hóa Quyết định số 80 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế đặc thù phát triển đảo Phú Quốc là người nước ngoài vào đây được miễn thị thực 30 ngày, tuy nhiên thiếu các bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết tiếp tục thực hiện quy định này khi công dân các nước ASEAN đã được hưởng quy chế miễn thị thực 30 ngày, không giới hạn thời gian, còn 13 nước đơn phương miễn thị thực 5 năm và có thể gia hạn.
Đại biểu Thúy cho rằng, trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng, quy định như dự thảo luật có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch. Việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ, với nguyên tắc tối thượng: “Không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh”.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh khi thực tế hiện nay việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo. Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật, hành vi vi phạm phổ biến là tạm trú quá thời hạn cho phép. Các cơ quan chức năng đã phát hiện việc tổ chức đánh bạc, buôn bán, vận chuyển ma túy với quy mô lớn của người nước ngoài, chưa kể đến hàng loạt vi phạm khác như lao động không phép, kinh doanh dịch vụ trái phép, lợi dụng làm hướng dẫn viên cho người nước ngoài để xuyên tạc lịch sử Việt Nam, trộm cắp, tội phạm công nghệ cao…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: "Không phải cứ miễn thị thực là thu hút khách du lịch mà vấn đề là thu hút khách du lịch bằng sản phẩm du lịch, môi trường tốt và bảo tồn di sản văn hóa". Đồng thời, càng mở cửa du lịch càng phải tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn cho xã hội, an ninh cho đất nước và cho chính khách du lịch.
"Đặc biệt pháp luật nước ta đã quy định khu kinh tế ven biển không được miễn thị thực. Chúng ta đã miễn thị thực theo các Hiệp định thương mại tự do, miễn thị thực đơn phương, có thể xin thị thực điện tử và xin thị thực ngay tại sân bay. Không thể miễn thị thực một cách vô điều kiện được, càng dễ dãi thì nguy cơ rủi ro cũng tăng lên", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.