Xem xét ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
Thảo luận ở tổ, các đại biểu QH cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu QH thảo luận về việc nên hay không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Một số đại biểu nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Ðại biểu Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm nâng cao hiệu lực quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, nếu đưa đối tượng này vào thì tên gọi của luật phải đổi. Nên quản lý các hộ kinh tế gia đình bằng chính sách thuế, doanh thu... Có thể nghiên cứu xây dựng nghị định hoặc một luật riêng về hộ kinh doanh.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tác động của việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tới việc tổ chức quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có liên quan; không ảnh hưởng tới tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN. Với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước tại dự thảo Luật, cần nghiên cứu, xác định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp, có thể là 75% nhằm bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối.
Ðối với dự án Luật Ðầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu nhất trí, việc sửa đổi nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Ðất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định ngay trong luật về những mô hình, loại hình và hình thức đầu tư mới xuất hiện dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... Ðại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đồng ý đưa ngành nghề kinh doanh đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và cho rằng, thực tế trong cuộc sống đã xuất hiện dịch vụ này khá đa dạng, tuy nhiên chưa có quy định rõ để quản lý.
Một số đại biểu nêu ý kiến, hệ thống danh mục hạn chế cho đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường cần cân nhắc kỹ. Nếu không rà soát tốt, không xây dựng "hàng rào" ngành nghề doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận thì sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không bình đẳng về năng lực với doanh nghiệp trong nước. Chúng ta sẽ mất dần đi những thương hiệu, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Việc hạn chế tiếp cận thị trường là vấn đề mới trong dự thảo luật, vì vậy cần có những quy định cụ thể để góp phần hạn chế đầu tư công nghệ lạc hậu, mà các nước khác không chấp nhận nữa nhưng lại về Việt Nam...
Tạo điều kiện để thanh niên cống hiến nhiều hơn
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên sau thời gian triển khai đã lên tới hơn mười năm. Luật Thanh niên (sửa đổi) được ban hành sẽ góp phần tăng cường, cụ thể hóa sự chăm lo của xã hội đối với thanh niên, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để thanh niên hoàn thành vai trò, trách nhiệm với Tổ quốc, cộng đồng, gia đình. Ða số đại biểu đồng tình với quy định về độ tuổi của thanh niên là từ 16 đến 35 tuổi. Bởi đây là độ tuổi phù hợp để thanh niên phát triển, hoàn thiện các mặt tâm sinh lý, tri thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng sống. Ðại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) và một số đại biểu cho rằng, đây là lứa tuổi cần có sự quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội. Theo đó, thanh niên phải được tin tưởng, giao nhiệm vụ, từ đó tạo điều kiện để phát huy phẩm chất, năng lực, thế mạnh... phấn đấu vươn lên, đóng góp, cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, Luật Thanh niên hiện hành còn nhiều điểm chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ những quy định trong Luật còn chung chung, mang tính "khẩu hiệu", không giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị về công tác thanh niên.
Có ý kiến cho rằng, dự án Luật cần xác định rõ hơn chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên. Ðại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) dẫn ý kiến cử tri cho biết, trong thời gian triển khai Luật Thanh niên hiện hành, có một thực trạng là cơ quan về thanh niên đã bị chuyển đổi nhiều lần, gây ra sự bất ổn định, khó khăn trong công tác quản lý thanh niên. Do đó, đề nghị giữ nguyên bộ máy quản lý công tác thanh niên như hiện nay, tránh tạo thêm chồng chéo, mâu thuẫn. Ðối với các quy định liên quan Ủy ban Quốc gia về thanh niên, nên giữ nguyên chức năng cơ quan tư vấn, tham mưu với Chính phủ các vấn đề liên quan thanh niên, không quy định đây là một tổ chức. Liên quan các quy định về chính sách đối với thanh niên, cần chú trọng hơn tới yếu tố tạo thêm ưu đãi, lợi ích mà thanh niên là đối tượng thụ hưởng.
Tại phiên làm việc ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng, việc giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, pháp lệnh sẽ tránh được tình trạng xáo trộn trong công tác tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm phát huy tối đa vai trò của đại biểu QH chuyên trách, các cơ quan của QH trong thực hiện quy trình thẩm tra, tham gia ý kiến ngay từ đầu đối với tất cả các dự án luật. Ðại biểu Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu ý kiến: việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật phải được thực hiện công phu, chi tiết, thường xuyên ngay sau khi được các đại biểu QH cho ý kiến. Hiện nay, nhiều văn bản, quy định còn bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu khả thi nhưng chậm được sửa đổi, khiến quá trình thực thi pháp luật trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không những vậy, việc chậm ban hành các văn bản chi tiết để thực hiện luật vẫn chưa được khắc phục. Chất lượng dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế, thậm chí vẫn xảy ra tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.