Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Bảo đảm cung ứng thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh
Ngày cập nhật 22/11/2019

Vừa qua, một bệnh nhi bị bệnh bạch hầu được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh), nhưng bệnh viện không có sẵn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Sau đó, bệnh viện phải mua trực tiếp trên thị trường (không qua đấu thầu) để kịp thời điều trị cho người bệnh. Mặc dù huyết thanh kháng độc tố bạch hầu được Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, nhưng trong trường hợp mua sắm trực tiếp này, quỹ không chi trả. Người bệnh sau đó đã được điều trị, sử dụng thuốc theo đúng phác đồ nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các y sĩ, bác sĩ của bệnh viện. Ðược biết, nguyên nhân của tình trạng thiếu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu xuất phát từ thực tế những năm gần đây, nhiều bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh, có thể do người dân đã được tiêm phòng khá đầy đủ. Do đó, nhiều bệnh viện không đưa vào dự trù mua sắm thuốc, trong đó có Bệnh viện Nhiệt đới.

 

Tuy chỉ là một trường hợp, nhưng nhiều vấn đề đặt ra trong việc cung ứng thuốc BHYT mà cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết, để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT. Nguyên tắc người bệnh vào bệnh viện phải có thuốc điều trị và phải được thanh toán BHYT các thuốc trong danh mục; cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm cung ứng thuốc cho người bệnh. Nhưng trường hợp nêu trên, nguyên tắc này chưa được thực hiện. Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng kể trên, ngành y tế cần rà soát, đánh giá và dự báo thuốc nào ít sử dụng, nhưng cần mua sắm, dự trữ để đáp ứng điều trị trong một số ít trường hợp khẩn cấp; dự trữ tại những đơn vị nào và có cơ chế chuyển nhượng thuốc giữa các cơ sở y tế khi xảy ra dịch bệnh.

Thêm vào đó, trong trường hợp nếu không có người bệnh, thuốc dự trữ không được sử dụng, đến khi hết hạn thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm thanh toán tiền thuốc và chi phí bảo quản, nhất là với những thuốc đắt tiền? Hiện nay, chưa có quy định để điều chỉnh vấn đề này. Chẳng hạn, giá mỗi lọ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu khoảng hơn hai triệu đồng, mỗi liệu trình điều trị cần khoảng 10 lọ, phải bảo quản lạnh... thì bệnh viện không thể chi trả. Trong khi đó, quỹ BHYT chỉ chi trả khi thuốc đã được chỉ định điều trị cho người bệnh. Do đó, cần có cơ chế thanh toán phù hợp cho bệnh viện khi thuốc đã mua dự trữ mà không sử dụng và hết hạn.

Việc mua thuốc trực tiếp như trường hợp Bệnh viện Nhiệt đới nêu trên có thể đáp ứng yêu cầu điều trị, nhưng lại chưa được BHYT chấp nhận thanh toán. Thực tế, thời gian qua, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc nói chung do không được dự trù mua sắm, nhiều bệnh viện đã áp dụng Thông tư 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính và Quyết định 17/2019/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giám đốc bệnh viện quyết định việc mua sắm theo hình thức chỉ định thầu để mua thuốc dưới 100 triệu đồng/lần hoặc gói thầu có giá trị không quá 50 triệu đồng. Lý do cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thanh toán BHYT cho các thuốc mua theo hình thức này là bởi các văn bản nêu trên quy định chung cho việc mua sắm hàng hóa, mà không nói rõ thuốc chữa bệnh có được mua theo hình thức này hay không. Ðiều đó có nghĩa người bệnh phải chi trả tiền thuốc.

Từ những bất cập nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế cần sớm thống nhất, có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT, tránh trường hợp thuốc thuộc danh mục Quỹ BHYT chi trả, nhưng người bệnh lại không được hưởng chỉ vì chưa thống nhất được hình thức mua sắm thuốc.

 

 

nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.433.259
Truy cập hiện tại 256