* Tại huyện vùng cao Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), do ảnh hưởng cơn bão số 5 và số 6, nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua địa bàn huyện như đường Trường Sơn Ðông, quốc lộ 24C, tỉnh lộ 623B và đường từ trung tâm huyện về các xã bị sạt lở 33 điểm, khối lượng đất, đá bị sạt lở khoảng hơn 115.000 m3, gây thiệt hại ước tính khoảng 17,4 tỷ đồng.
* Cuộc sống hàng trăm hộ dân ở làng chài Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh bị đe dọa do kè biển bị sóng lớn trong bão số 5 và số 6 tàn phá. Tỉnh đã chi 100 tỷ đồng xây kè mới bảo vệ làng chài nơi đây. Dự kiến đầu năm 2020, tuyến kè sẽ được xây kiên cố với chiều dài 1,2 km kết hợp với đường ven tuyến rộng 15 m, từ thôn Hải Nam đến Hải Bắc (xã Nhơn Hải).
* Ngày 15-11, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tổ chức chương trình thăm, tặng quà ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã trao 60 áo phao cứu sinh, 40 phao tròn cùng với một số nhu yếu phẩm, cờ Tổ quốc, tờ rơi tuyên truyền về biển, đảo tặng ngư dân trên huyện đảo Lý Sơn.
* Theo Ban Chỉ đạo về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Chống khai thác (IUU) tỉnh Sóc Trăng, sau hai năm triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đến nay, tỉnh này không còn xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.212 tàu đánh cá với tổng công suất 187.382 CV, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 362 chiếc hoạt động tại vùng khơi, tàu khai thác có chiều dài nhỏ hơn là 850 chiếc.
* Ngày 15-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tiếp nhận một ngư dân thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị thương rất nặng, được tàu 1011 của Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 1 đưa vào cảng Hòn La. Theo đó, lúc 18 giờ 30 phút ngày 14-11, tàu QN - 98056 do ông Phan Mua, quê ở tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng cùng 11 thuyền viên đang đánh cá trên vùng biển Quảng Bình, cách cảng Hòn La gần 60 hải lý thì thuyền viên Lê Quang Văn, 31 tuổi, quê ở xã Phổ Thạnh, huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi) bị dây cào tời của tàu đứt, quật vào người, gây chấn thương vùng đầu, máu chảy qua mũi, miệng, gãy tay trái, bất tỉnh. Lực lượng quân y Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã sơ cứu nạn nhân, khử trùng vết thương, truyền thuốc kháng sinh và đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Trước đó, vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 14-11, nhận được thông tin tàu cá mang số hiệu KH-96688 TS yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp trên vùng biển cách nam đảo Phú Quý 30 hải lý, Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 4 điều tàu CSB 4039 nhanh chóng cơ động đến vị trí tàu bị nạn. Sau hai giờ tìm kiếm trong điều kiện thời tiết sóng cấp 7, cấp 8, tàu CSB 4039 đã tiếp cận tàu bị nạn. Trên tàu có 10 thuyền viên, tàu bị hỏng máy trôi dạt trên biển. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB 4039 tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn và tổ chức lai dắt tàu bị nạn về đảo Phú Quý.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, lúc 9 giờ ngày 15-11, tàu cá 90493TS, công suất 300CV của ông Nguyễn Hữu Sơn, sinh năm 1989, trú tại thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị sóng lớn làm vỡ đáy và bị chìm cách bờ biển Thanh Hóa - Nghệ An khoảng 25 hải lý. Khi bị nạn trên tàu có bảy người. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Ðài thông tin báo bão thông báo cho các phương tiện đang hoạt động gần đó biết để ứng cứu. Sau đó, tàu cá NA - 93195TS của tỉnh Nghệ An đã đến cứu nạn kịp thời nên cả bảy thuyền viên trên tàu cá 90493TS đều được an toàn.
* Theo Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 142 nghìn con. Trong đó, hơn 20 nghìn con là do người nuôi tự ý tái đàn. Chi cục đã khuyến cáo người dân chưa nên tái đàn trong thời điểm này bởi vi-rút dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã tạm lắng, nhưng mầm bệnh còn tiềm ẩn trong môi trường sống rất cao, ít nhất sau ba tháng hết bệnh mới an toàn để tái đàn.
* Tại tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 14-11, tại bảy huyện, thị xã của tỉnh đã có gia súc bị bệnh dịch lở mồm long móng gồm: Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh với hơn 300 con trâu, bò bị bệnh. Hiện toàn tỉnh có tám con trâu, bò bị chết do bệnh lở mồm long móng. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, nhất là địa bàn có dịch bệnh triển khai đồng bộ giải pháp nhằm khống chế dịch.