Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Tái cơ cấu nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường
Ngày cập nhật 22/11/2019

Việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, sản lượng đồng thời giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải. Ðây cũng là tiêu chí đặt ra khi đánh giá tái cơ cấu nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường

Ðồng bào Dao huyện Trấn Yên (Yên Bái) tham gia trồng rừng.

Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hình thức canh tác giúp tăng năng suất, thu nhập theo hướng giá trị tăng cao. Quan trọng hơn là việc đẩy mạnh sản xuất bằng khoa học và công nghệ (KH và CN) giải quyết được vấn đề khai thác cạn kiệt tài nguyên cho mục đích phát triển và phù hợp điều kiện môi trường. Cùng với đó, nhu cầu tăng cao về những sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ là áp lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải cải tiến công nghệ, sử dụng các công nghệ sạch, thay đổi phương thức tổ chức kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Khi tăng khả năng cạnh tranh giữa các hàng hóa nông nghiệp sẽ làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp và nông thôn.

TS Phạm Thị Trầm, Viện Ðịa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ: Qua khảo sát ở một số địa phương đã có những chuyển biến về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Như tỉnh Lâm Ðồng đã đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH và CN vào sản xuất có vai trò thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của loại hình nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp thông minh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH). Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch bảy khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung với tổng diện tích 1.918 ha, diện tích canh tác có ứng dụng công nghệ cao là 54.477 ha, chiếm 20% diện tích đất canh tác của toàn tỉnh. Hiện Lâm Ðồng có 19 vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với diện tích 3.961 ha và có chín doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ (chiếm một phần ba tổng số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của cả nước). Nhờ những tiến bộ của KH và CN mà việc sản xuất nông nghiệp đã giảm được chi phí về công lao động, giảm phân bón, giảm nước tưới, mang lại kinh tế cao hơn so với hình thức canh tác thông thường và giảm những tác động tiêu cực đến môi trường và BÐKH.

Tại Yên Bái, qua hai năm thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ làm tăng giá trị kinh tế ngành, tăng năng lực, hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với BÐKH góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo trên cơ sở phát huy lợi thế về vùng sản xuất lâm nghiệp. Kết quả đạt được là đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, bao gồm: Vùng lúa hàng hóa chất lượng cao hơn 2.500 ha; vùng ngô hàng hóa 15 nghìn ha, vùng chè 11 nghìn ha, vùng tre măng Bát độ hơn 2.600 ha, vùng quế 56 nghìn ha, vùng cây nguyên liệu giấy hơn 6 nghìn ha… Ðáng chú ý, tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 62,8% trên tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh. Quá trình tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh đã quan tâm đến phát triển rừng và kinh tế rừng. Bên cạnh hiệu quả nâng cao đời sống cho người dân thì trồng rừng chống xói mòn, rửa trôi, hấp thụ các-bon, hạn chế lũ lụt giúp bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đi đôi với gia tăng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng mạng lưới tưới tiêu dẫn đến ô nhiễm đất, nguồn nước và gây ra nhiều hậu quả cho môi trường. Phát triển chăn nuôi kéo theo lượng chất thải rắn ngày càng tăng hay loại hình chăn nuôi thủy sản, hải sản có lượng thức ăn thừa, bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, tồn dư các vật tư đã được sử dụng như vôi, hóa chất, lưu huỳnh lắng đọng… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm lây lan các dịch bệnh. Mặt khác, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ hình thành các khu, nhà máy chế xuất sẽ có tác động đến môi trường qua nước thải, khí thải và chất thải rắn. Quá trình tái sản xuất nông nghiệp trong xây dựng các thương hiệu của sản phẩm theo vùng địa lý để các sản phẩm đạt giá trị kinh tế hàng hóa cao cũng có tác động tích cực đến môi trường. Có thể thấy qua việc cung cấp các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp với chất lượng cao và an toàn sinh thái. Ðây là hướng liên quan đến sản xuất nông nghiệp sạch, nhãn sinh thái, chứng chỉ môi trường, các tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế về sản xuất.

Theo các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Ngành nông nghiệp mỗi vùng đều có lợi thế và chức năng, vai trò kinh tế xã hội và môi trường sinh thái khác nhau. Do vậy, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần xác định rõ cơ chế, chính sách và chiến lược phát triển các mô hình sản xuất phù hợp đặc điểm tự nhiên xã hội của từng địa phương. Hơn hết, các mô hình sản xuất không chỉ được quan tâm chú trọng về phương diện hiệu quả kinh tế mà còn phải đạt hiệu quả về mặt môi trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển nông nghiệp hiện đại về hệ thống hạ tầng, quản lý sản xuất, nhất là quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn cao nhất. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng, khai thác cạn kiệt tài nguyên tự nhiên, thích ứng với các điều kiện biến đổi của môi trường và hạn chế mức thấp nhất việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.

 

 

nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.433.220
Truy cập hiện tại 234