Anh Lý Bun (phải) được cán bộ xã Hương Nguyên tuyên truyền về lợi ích, giá trị kinh tế lâu dài của cây cao su
Với diện tích 1,5ha cây cao su đã cho thu hoạch, anh Lý Bun ở thôn A Rí, xã Hương Nguyên đã từng lao đao khi giá mủ cao su rớt mạnh trong năm 2018. Nhiều hộ dân ở địa phương khác tiến hành chặt bỏ cây cao su để bán gỗ cho thương lái càng khiến anh thêm dao động.
Anh Lý Bun tâm sự, thời điểm đó hết sức khó khăn, chi phí chăm sóc cây không biết lấy gì để bù vào, tiền bán mủ cao su thì không đủ trả công cạo mủ. Nhiều hộ ở đây cũng đã có ý định chặt bỏ để trồng thay thế loại cây khác…
Không riêng gia đình anh Lý Bun, trên địa bàn xã Hương Nguyên lúc đó có nhiều hộ cùng cảnh ngộ tương tự. Hộ nào trồng với diện tích lớn thì khó khăn cứ theo đó nhân lên. Có thể kể đến gia đình ông Đồng Văn Thược, Đặng Văn Hà, Trần Văn Phôn, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Việt…, mỗi hộ trồng từ 3-5ha. Theo anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Giồng, tiền vay ngân hàng đầu tư trồng cao su chưa trả xong, thêm chi phí đầu tư chăm sóc cây, nhưng mủ cao su thì không bán được, nên bà con tiến thoái lưỡng nan.
Ngay sau khi nắm bắt tình hình, Đảng ủy xã Hương Nguyên khẩn trương chỉ đạo các chi bộ thôn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã và cán bộ khuyến nông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thông qua các cuộc họp thôn. Đồng thời, đến từng nhà phổ biến cho người dân nhận thức đúng về chủ trương phát triển cây cao su tiểu điền của địa phương.
Bí thư Chi bộ thôn A Rí, ông Trần Văn Hiệp cho biết, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về giá trị lâu dài của cây cao su trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Đảng ủy phân công các thành viên trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ kết hợp với cấp ủy các chi bộ đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ, khẳng định những lợi ích, giá trị kinh tế - xã hội lâu dài của việc trồng cao su mang lại.
Thông suốt về tính thiệt hơn, người dân ở các thôn đã tự bàn bạc cùng giúp nhau khắc phục khó khăn như: tương trợ về ngày công chăm sóc, quản lý diện tích cao su hiện có, không chặt phá cao su chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp khác, tổ chức giúp nhau khai thác những diện tích cao su đã đến kỳ thu hoạch.
Cùng với đó, UBND xã đã lồng ghép các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp nhằm hỗ trợ đối với người trồng cao su, tạo sự thống nhất tư tưởng, đồng thuận, nhất trí, khắc phục những khó khăn, nêu cao tinh thần quyết tâm để tiếp tục duy trì số diện tích cao su trên địa bàn xã đến khi điều kiện thuận lợi, giá cả thị trường ổn định trở lại.
Bí thư Đảng uỷ xã Hương Nguyên Hồ Xuân Phòng cho biết: Nhờ tuyên truyền, vận động, địa phương đã duy trì ổn định số diện tích trên 427ha cây cao su của toàn xã; trong đó, gần 260 ha đã cho thu hoạch. Đến thời điểm này, giá thu mua mủ cao su đã bình ổn trở lại với mức trên dưới 10 ngàn đồng/kg mủ tươi, đã mang lại cho người dân Hương Nguyên niềm tin mới.
Anh Lý Bun nhẩm tính: "Với diện tích 1,5ha cao su được duy trì, bây giờ mỗi ngày tôi thu gần 500 ngàn đồng, với thời gian thu hoạch 9 tháng mỗi năm, hiệu quả kinh tế không có cây trồng nào bằng".
Kịp thời nắm bắt tình hình, bám cơ sở và linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, kết quả việc duy trì phát triển ổn định diện tích cây cao su mà Đảng bộ xã Hương Nguyên làm được đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.