1. Hiện trạng phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề:
a) Ngành nghề nông thôn:
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa.
Số lượng ngành nghề nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ với sự du nhập và phát triển của nhiều nghề mới, do đó quy mô và lĩnh vực các ngành nghề đa dạng hơn như cơ khí, sửa chữa điện - điện tử, sửa chữa xe máy, cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng, sinh vật cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, đá…), dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp,…đáp ứng nhu cầu đời sống dân cư và nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Giá trị sản xuất không ngừng tăng lên, sự phát triển các ngành nghề trong nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm, đặc biệt là lao động nông nhàn, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động ở các vùng nông thôn và làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
b) Làng nghề:
+ Kết quả phát triển nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận:
Từ năm 2013 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận 2 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố.Trong đó: Huyện Phong Điền có 8 làng nghề được công nhận; huyện Phú Vang có 6 làng nghề; huyện Quảng Điền có 4 làng nghề; thị xã Hương Trà có 3 làng nghề; huyện Phú Lộc có 2 làng nghề; huyện ALưới có 2 làng nghề; thị xã Hương Thủy có 2 làng nghề và 1 nghề truyền thống; thành phố Huế có 1 làng nghề và 1 nghề truyền thống đã được công nhận.
Phân loại theo nhóm ngành nghề (theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018) như sau: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản thực phẩm (nhóm 1) có 13 nghề, làng nghề; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (nhóm 2) có 3 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ… (nhóm 4) có 13 nghề, làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh (nhóm 5) có 1 làng nghề.
Có 4.036 hộ với khoảng 8.663 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến trong các tổ chức nghề và làng nghề được công nhận. Tỷ lệ các hộ tham gia sản xuất trong các làng nghề có tăng so với thời điểm công nhận.
Thống kê 30 nghề, làng nghề được công nhận có 04 hội nghề được thành lập (Hội nghề đúc Huế, Hội nghề bún Vân Cù, Hội nghề kẹo mè xửng Huế, Hội nghề mai cảnh Thế Chí Tây); 8 hợp tác xã; 6 doanh nghiệp, công ty trong làng nghề; 372 hộ cá thể có đăng ký kinh doanh (hơn 9%) và 3.650 hộ sản xuất kinh doanh không đăng ký kinh doanh (hơn 90%).
Ước tính giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2018 tại 30 nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận khoảng 374.000 triệu đồng. Cao nhất là nhóm các làng nghề điêu khắc gỗ, mộc An Bình, đúc đồng Huế, mè xửng Huế; chiếm hơn 30% giá trị sản xuất của 30 đơn vị, địa phương có nghề và làng nghề được công nhận.
Thu nhập bình quân của người lao động của các cơ sở, hộ gia đình trong những đơn vị nghề, làng nghề khoảng 3,3 triệu đồng/lao động/tháng.
Nói chung, dù giá trị sản xuất tại các nghề, làng nghề không cao nhưng đã giải quyết lượng lớn lao động nông nhàn, thời vụ tại địa phương; ổn định trật tự xã hội, đóng góp xây dựng kinh tế xã hội của địa phương góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
c) Bảo tồn và phát triển làng nghề:
Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nổi tiếng, có bề dày lịch sử và kỹ xảo nghề đặc trưng. Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh đã chủ trương và có kế hoạch để khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống từ lâu đời đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền(bao gồm nghề truyền thống tranh giấy làng Sình, nghề truyền thống làm diều Huế, nghề truyền thốnggốm Phước Tích, nghề truyền thống rèn Hiền Lương, nghề truyền thống rèn Cầu Vực). Đồng thời, khôi phục để phát triển một số nghề và làng nghề phát triển cầm chừng, không ổn định sản xuất như nhóm ngành nghề chế biến nông, lâm, thủy sản (nghề chế biến tương măng Phong Mỹ), nhóm nghề và làng nghề thủ công mỹ nghệ (nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, nghề truyền thốngđệm bàng Phò Trạch, nghề truyền thốngnón lá, nghề truyền thống may áo dài Huế, các nghề truyền thống sơn mài, khảm trai, khảm xương, các nhóm nghề đan lưới, chổi đót, tăm hương…). Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống (chủ yếu là nghề dệt zèng) của các đồng bào dân tộc tại 2 huyện miền núi là Nam Đông, ALưới.
d) Về phát triển các làng nghề gắn với du lịch:
Tỉnh đã quy hoạch phát triển hơn 10 nghề và làng nghề gắn với du lịch tại các cụm làng nghề gồm:
- Làng nghề Đúc đồng Huế (phường Phường Đúc và Thủy Xuân, thành Phố Huế).
- Làng nghề Gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).
- Làng nghề Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).
- Làng nghề Tranh dân gian làng Sình và Hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang).
- Làng nghề Nón lá Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy).
- Làng nghề Nón lá Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang).
- Làng nghề Dệt zèng tại các xã ARoàng,AĐớt, thị trấn ALưới, huyện ALưới.
- Làng nghề đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú và Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.
Tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
- Gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch, tăng các tour du lịch làng quê, làng nghề, phố nghề vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề.
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch; đồng thời kết hợp nâng cấp cải tạo hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hợp lý mặt bằng khuôn viên của cơ sở sản xuất trong làng nghề vừa phục vụ phát triển sản xuất, đảm bảo mỹ quan và thuận lợi cho khách du lịch khi đến tham quan và mua sắm tại làng nghề.
+ Đẩy mạnh xây dựng, phát triển và hoàn thiện hạ tầng thông tin cho các làng nghề để kết hợp phát triển du lịch.
+ Tranh thủ các nguồn vốn của các dự án đầu tư nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ cho các làng nghề.
+ Trước mắt, các làng nghề truyền thống có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển các hình thức du lịch (như tour du lịch tham quan làng nghề, tour du lịch tham quan làng di sản, làng đồng quê,…).
+ Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.
+ Xây dựng địa điểm trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán hàng lưu niệm cho du khách, đồng thời nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử của làng nghề như Đền thờ Tổ nghề, các lễ hội văn hóa truyền thống của làng; xây dựng các điểm sản xuất thử nghiệm cho du khách tham gia,…
Trong những năm qua, thông qua các chương trình, dự án từ nhiều kinh phí, với các chính sách hỗ trợ nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của địa phương, một số nghề truyền thống và làng nghề truyền thống bước đầu đã được khôi phục và bảo tồn (như làng nghề truyền thống gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình…). Một số làng nghề như mây tre Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, chế biến bún bánh Ô Sa, Vân Cù, chế biến thủy hải sản An Dương, Làng Trài… được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại … phát triển khá tốt.
Từ năm 2005 đến nay, vào những năm lẻ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các kỳ Festival nghề truyền thống góp phần bảo tồn, khôi phục, quảng bá nghề và vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi, thợ thủ công trong quá trình sản xuất làng nghề,làm sống dậy các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống Huế; đồng thời thúc đẩy bảo tồn các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch và kinh tế địa phương.
2. Định hướng và giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề tại địa phương:
- Phát triển nghề và làng nghề phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
- Phát triển nghề truyền thống và làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,…
- Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán của từng địa phương cùng với sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống nhưng phải tinh xảo vừa hiện đại mang tính thương mại cao.
- Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất từ nghề.
- Song song với việc bảo tồn cần phải tập trung khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động,… nhằm góp phần tích cực giải quyết việc làm để nâng cao đời sống và thu nhập cho cư dân ở các địa phương.
Giải pháp:
- Tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý nhà nước, nguồn vốn, nhân lực, cơ chế chính sách, nguồn nguyên liệu, tổ chức sản xuất,… để phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề tại địa phương.
- Bố trí nguồn kinh phí cần thiết, đồng thời tăng cường lồng ghép các nguồn kinh phí (nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; vốn hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã; nguồn vốn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; vốn thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế giai đoạn 2016-2020; nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ; khuyến công; khuyến nông; ...). Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP (từ chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Những đề xuất kiến nghị:
Để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề có hiệu quả cao hơn, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huếkính đề xuất, kiến nghị một số vấn đề sau:
- Nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn để triển khai thống nhất.
- Ưu tiên bố trí kinh phí cho địa phương để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, trong đó các danh mục làng nghề cần bảo tồn lâu dài (theo Báo cáo số 161/BC-UBND ngày 07/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế).
- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ngành nghề làng nghề nông thôn của Trung ương (Hội chợ làng nghề Việt Nam)trong các kỳ Festival nghề truyền thống của địa phương.