TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
1. Thừa Thiên – Huế xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường vụ hàng chục lô đất bị cấp trái thẩm quyền tại xã Lộc An
Liên quan đến vụ việc hàng chục lô đất được cấp trái thẩm quyền theo diện "đóng tiền xây dựng quê hương" tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, với các trường hợp còn lại chưa xây dựng nhà, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý.
Liên quan đến vụ việc hàng chục lô đất được cấp trái thẩm quyền theo diện "đóng tiền xây dựng quê hương" tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) mà báo Dân Sinh đã nhiều lần phản ánh, hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thống nhất trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chủ trương xử lý.
Cụ thể, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có báo cáo số 171/BC-STNMT-TTr về vấn đề nói trên. Theo nội dung báo cáo, sau khi rà soát, UBND huyện Phú Lộc cho biết có tất cả 76 lô đất xin cấp giấy chứng nhận trong báo cáo đều không đủ căn cứ để cấp cho người dân vì đất được giao không đúng thẩm quyền, không có hồ sơ giao nhận đất.
Về phương hướng giải quyết, có 16 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 sẽ được xử lý theo quy định tại Khoản 19 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tức sẽ được thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
60 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền sau ngày 1/7/2004 đến trước 1/7/2014 (trong đó, 6 trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, 12 trường hợp đã có nhà ở tại vị trí khác tại địa phương, 42 trường hợp chưa có nhà ở nào khác tại địa phương), có 2 trường hợp giải quyết.
Cụ thể, đối với 7 trường hợp đã xây dựng nhà ở sử dụng ổn định, sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Đối với các trường hợp còn lại chưa xây dựng nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên – Huế kiến nghị UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn về trình tự thủ tục giao đất ở cho hộ gia đình cá nhân không qua hình thức đấu giá để vận dụng theo Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
Từ báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 13/11/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Công văn số 8538/UBND-ĐC.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thống nhất phương án giải quyết theo báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế giao UBND huyện Phú Lộc căn cứ Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với 16 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 và 7 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trong giai đoạn từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 nhưng đã xây dựng nhà ở và sử dụng ổn định.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp chưa xây dựng nhà ở còn lại.
Cũng liên quan đến vụ việc, theo UBND huyện Phú Lộc, việc giao đất ở Lộc An chủ yếu là do lãnh đạo UBND xã qua các thời kỳ không thực hiện đúng các quy định hiện hành.
Quan điểm xử lý của huyện là sẽ làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và sẽ không để người dân chịu thiệt thòi. (Baodansinh.vn 16/11)
2. Lấn chiếm đất công viên để buôn bán trái phép
Công viên Trịnh Công Sơn (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang diễn ra tình trạng dân lấn chiếm đất để hình thành các quán nhậu trái phép về ban đêm, gây ô nhiễm và bức xúc trong dư luận.
Qua tìm hiểu của PV, Công viên Trịnh Công Sơn nằm bên đường Trịnh Công Sơn, TP. Huế có các hạng mục như khu nhà lục giác để trưng bày hiện vật và tổ chức các hoạt động tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đường dạo nội bộ, cây cảnh, ghế đá, bồn hoa... cho người dân và du khách nghỉ mát. Công viên cũng là nơi để tổ chức nhiều hoạt động cho các dịp Festival Huế. Hiện công viên do Trung tâm Công viên cây xanh Huế quản lý.
Những ngày vừa qua, PV đến công viên này thì nhận thấy có nhiều quán nhậu vào ban đêm. Trên các thảm cỏ xanh, bàn ghế được đặt rải rác nhằm “biến” thành chỗ cho khách ngồi ăn nhậu. Xung quanh rác thải vương vãi, cỏ bị dẫm đạp nhàu nát. Không khí trở nên ô nhiễm bởi nhiều người đi vệ sinh bậy cạnh sông Hương.
Cảnh nhếch nhác, lộn xộn khắp công viên bởi xe máy rất nhiều. Các hộ còn treo đèn và tận dụng ánh sáng của một số bóng đèn công viên để kinh doanh.
Ngoài quán nhậu, công viên cũng xuất hiện một số quán giải khát, quán ăn vặt. Tiếng ồn lớn phát ra từ các quán cũng khiến nhiều người đến vui chơi tỏ ra bức xúc...
“Tôi thấy công viên đẹp như thế nhưng mấy tháng nay lại thành nơi tụ tập cho dân ăn nhậu rất vô lý. Cỏ cây thì bị dẫm đạp, ban đêm thì tới chơi cũng sợ vì quán nhậu xảy ra chuyện. Mong cơ quan chức năng cần vào cuộc...”, chị Lê Thị Thúy (trú phường Vĩnh Ninh) bộc bạch.
Tìm hiểu được biết, cách đây hơn 1 năm, công viên này đã từng xuất hiện “vấn nạn” buôn bán như trên và đã được cơ quan chức năng chấn chỉnh. Tuy nhiên, không hiểu vì sao nay lại tái diễn. Việc công viên đang biến thành nơi kinh doanh, buôn bán như thế dĩ nhiên là trái quy định...
Liên quan đến sự việc trên, trả lời PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Như Chinh - Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế xác nhận, tình trạng các quán nhậu buôn bán trái phép tại công viên Trịnh Công Sơn là có và đã tồn tại từ lâu...
“Chúng tôi cũng nhiều lần phối hợp với phường Phú Cát để chấn chỉnh tình trạng trên nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được. Một mặt ở đó chưa giải tỏa hết nên cơ quan chức năng đang lúng túng. Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung giải quyết...”, ông Chinh nói.
Công viên Trịnh Công Sơn là nơi để vui chơi giải trí và tổ chức các hoạt động văn hóa nghê thuật chứ không phải để lấn chiếm đất để kinh doanh. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm chấn chỉnh tình trạng trên.
Cũng qua tìm hiểu thêm của PV, hiện tại ở hồ sinh thái Kiểm Huệ cũng có nhiều quán nhậu mở ra để kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè bờ hồ và xả rác xuống hồ một cách bừa bãi, để xe lộn xộn... Tình trạng này được người dân nhiều lần phản ánh lên kênh tương tác hiện trường của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Địa điểm này là giáp ranh giữa 3 phường An Đông, Phú Hội và Xuân Phú (TP. Huế). Hồ sinh thái Kiểm Huệ là địa điểm lý tưởng để người dân vui chơi, tập thể dục vào buổi chiều và sáng sớm. Tuy nhiên, từ khi được xây dựng khang trang, sạch sẽ thì các quán nhậu hai bên lần lượt “mọc” lên.
Theo lãnh đạo phường Xuân Phú, sự việc là có và khó xử lý vì vướng mắc việc giáp ranh 3 phường. Thời gian đến, UBND phường sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các phường ra quân xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm, vi phạm trật tự đô thị tại vi trí này... (Baotainguyenmoitruong.vn 15/11)
3. Sở TNMT bác tin bưng bít sai phạm tại Nhà máy tinh bột sắn Huế
Chiều 15/11, ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trả lời câu hỏi của báo chí về vụ Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế (đóng tại huyện Phong Điền) xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng thông tin về việc kiểm tra hoạt động xả thải của nhà máy nghi bị bưng bít.
Ông Bách cho biết, theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh, Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế (chi nhánh Công ty cổ phần Fococev Việt Nam) là đối tượng thanh tra theo Quyết định số 1076/QĐ-TCMT ngày 12/8/2019 của Tổng cục Môi trường về việc thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đoàn theo quyết định nêu trên đã tiến hành thanh tra đối với nhà máy vào ngày 10/9/2019.
Ngày 17/9, ngay sau khi nhận được thông tin từ Phòng TNMT huyện Phong Điền về việc nước thải chưa qua xử lý từ nhà máy chảy tràn ra ngoài môi trường, Sở TNMT phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành làm việc, khảo sát, lấy mẫu để đánh giá chất lượng nguồn thải.
Sau khi có kết quả phân tích mẫu nước thải, nước mặt, Sở TNMT đã tổng hợp và có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các cơ quan chức năng liên quan.
Tại văn bản báo cáo, Sở TNMT nêu rõ đã có hành vi vi phạm các quy định về xả nước thải có các thông số thông thường không đạt quy chuẩn Việt Nam vào môi trường, đồng thời đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý đối với nhà máy.
Theo Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế, do vào thời điểm ngày 17/9, Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế đang trong thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra theo quyết định của Tổng cục Môi trường nên Sở phải tổ chức làm việc với Đoàn thanh tra về xử lý vi phạm đối với nhà máy.
Ngày 21/10/2019, Đoàn thanh tra đã phối hợp với Sở TNMT tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 18/TB-VPHC, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải của nhà máy.
Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, hiện nay, hồ sơ xử lý đã được Đoàn Thanh tra trình Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường xem xét để ban hành quyết định xử lý vi phạm đối với nhà máy theo quy định.
Trên cơ sở đó, Sở TNMT cho rằng, không có việc cơ quan chuyên môn bưng bít kết quả kiểm tra đối với vi phạm của Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế. Việc công khai thông tin sẽ được Sở thực hiện khi Tổng cục Môi trường ban hành kết luận thanh tra đối với nhà máy.
Nhiều năm trở lại đây, Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần có hành vi xả nước thải gây ô nhiễm ra môi trường khiến cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhà máy này từng bị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt 260 triệu đồng vì những vi phạm pháp luật về môi trường. (Danviet.vn 15/11)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Bộ Chính trị cho ý kiến về xây dựng và phát triển TT-Huế và Đắk Lắk
Ngày 15-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh TT-Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Sau khi nghe lãnh đạo Ban Kinh tế TƯ báo cáo về những nội dung cơ bản của hai Đề án tổng kết, Văn phòng TƯ Đảng báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan liên quan và ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Chính trị cơ bản tán thành những nội dung đã nêu tại Tờ trình và hai Báo cáo tổng kết.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển TT-Huế thành thành phố trực thuộc TƯ, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển TT-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh TT-Huế cần triển khai nghiêm túc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết, phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Với mục tiêu đến năm 2030, Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc, là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên; là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Kết luận về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Kết luận; phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm sớm đưa Kết luận vào cuộc sống. (Cadn.com.vn 16/11; VietnamPlus.vn 15/11; TTXVN 15/11; Thanhnien.vn 16/11; Baochinhphu.vn 16/11; Baoxaydung.com.vn 15/11; Người lao động 16/11, tr2; Quân đội nhân dân 16/11, tr1+2; Pháp Luật Việt Nam 16/11, tr1; Thanh niên 16/11, tr3; Đại đoàn kết 16/11, tr2; Đại biểu nhân dân 16/11, tr1+2; Nhân dân 16/11, tr1+2; Công an nhân dân 16/11, tr1; Tuổi trẻ 16/11, tr4; Hà Nội mới 16/11, tr2)
CÔNG THƯƠNG
1. PC Thừa Thiên Huế: Khách hàng là sự tồn tại và phát triển của ngành điện
Đó là phát biểu của ông Hà Thanh Long – Giám đốc Công ty điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) tại hội nghị tri ân khách hàng – hoạt động thường niên của ngành điện dịp cuối năm, diễn ra ngày 15/11 tại thành phố Huế. Hội nghị còn có sự tham dự lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Thông tin và truyền thông, Trung tâm CSKH Điện lực miền Trung và hơn 200 khách hàng đại diện cho gần 305.000 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế, năm 2019, PC Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh – dịch vụ khách hàng như tỷ lệ thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt đạt hơn 40%, hiện đại hóa hệ thống công tơ đo đếm điện năng với tỷ lệ gần 90% công tơ điện tử, hơn 80% các dịch vụ điện được thực hiện qua môi trường mạng, cung cấp 100% các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, tham gia tích cực và có hiệu quả trong hệ thống điều hành đô thị thông minh HUE-S, làm tốt công tác vận động khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện và phát triển điện mặt trời mái nhà,…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đánh giá cao những kết quả mà PC Thừa Thiên Huế đã đạt được trong năm vừa qua, qua đó đã cùng ngành Công thương đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. “Hiện nay, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật lưới điện đã được ngành điện quan tâm đầu tư có quy mô và theo hướng hiện đại. Thời gian tới, Sở Công Thương mong muốn ngành điện tiếp tục quan tâm triển khai nâng cấp hệ thống đo đếm và đầu tư hạ tầng điện tại các vùng sâu vùng xa”, ông Thanh cho biết thêm.
Cũng tại hội nghị, nhiều khách hàng đánh giá cao và có lời cảm ơn đến PC Thừa Thiên Huế trong việc cấp điện ổn định, xử lý sự cố nhanh chóng giúp doanh nghiệp đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, khách hàng đánh giá rất cao chất lượng cung cấp điện tại khu công nghiệp, năm 2019 hầu như không có sự cố nào xảy ra, ngành điện cũng thực hiện việc bảo trì bảo dưỡng lưới điện vào các ngày nghỉ lễ đã tạo điều kiện rất tốt giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất được liên tục và ổn định. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng kiến nghị PC Thừa Thiên Huế liên quan đến giá điện giờ cao điểm, hỗ trợ, tư vấn các thủ tục để bổ sung nguồn điện tại các nhà máy xi măng hòa lưới…
Ông Hà Thanh Long – Giám đốc Công ty PC Thừa Thiên Huế đã ghi nhận và cám ơn sự chia sẻ, quan tâm, đồng hành của khách hàng trong thời gian qua. Đặc biệt là sự chung tay của khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả khi ngành điện đối diện với thách thức rất lớn trong việc đảm bảo nguồn cung trong những năm sắp đến. Với phương châm “Khách hàng là sự tồn tại và phát triển của ngành điện”, thông qua hội nghị này PC Điện lực Thừa Thiên Huế gửi lời tri ân đến hơn 300.000 khách hàng sử dụng điện, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ và đồng hành của khách hàng để Công ty không ngừng nỗ lực, cải tiến với mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn”, Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết thêm. (Congthuong.vn 16/11)
VĂN HÓA
1. Festival Huế 2020: Tinh gọn và nâng cao chất lượng các chương trình IN
Festival Huế lần thứ XI sẽ có các đoàn nghệ thuật của 20 quốc gia trên khắp thế giới tham gia và trình diễn. Thay vì mở rộng quy mô, Ban Tổ chức sẽ tinh gọn và nâng cao chất lượng nghệ thuật cho các chương trình IN, đồng thời mở rộng không gian biểu diễn nghệ thuật đến với cộng đồng và du khách.
Theo BTC Festival Huế 2020, nhận lời mời của địa phương, hiện nay 20 quốc gia ở khắp 5 châu lục đã khẳng định sẽ tham dự, trong đó hơn một nửa các nước chính thức lên danh sách cử đoàn nghệ thuật đại diện. Ngoài ra, một số quốc gia nằm ngoài danh sách khách mời cũng chủ động liên lạc với BTC để cử đoàn nghệ thuật đến với Festival Huế 2020, như: Áo, CH Séc, Bungari…
Hiện nay, BTC đang xây dựng chương trình và cân nhắc đoàn nghệ thuật nào phù hợp để phản hồi và lựa chọn. Không giống với các kỳ Festival Huế được tổ chức trùng vào dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 trước, lần này BTC quyết định tổ chức trùng vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 1.4 đến ngày 6.4.2020) nhằm giảm áp lực về vấn đề lưu trú. Với thời gian kéo dài 6 ngày nên việc chọn các đoàn nghệ thuật của 20 nước là phù hợp với quy mô. Đã từng có kỳ Festival Huế có đến 43 quốc gia tham gia và kéo dài trong 9 ngày, nhưng quá nhiều chương trình biểu diễn khiến du khách cảm thấy “bội thực”.
“Càng về sau, các quốc gia có xu hướng cử các đoàn nghệ thuật (hoặc là âm nhạc, hoặc là múa…), do đó màu sắc các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế hơi bị đơn điệu và thiếu phong phú. Lần này, ngoài các quốc gia mạnh về lĩnh vực âm nhạc, múa thì chúng tôi khuyến khích các quốc gia khác cử các đoàn nghệ thuật đặc sắc mang tính cộng đồng, dễ tiếp cận với công chúng. Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều đoàn nghệ thuật có khả năng tiếp cận công chúng rất cao, như đoàn xiếc của nước Úc- đã từng lưu diễn ở 50 quốc gia trên thế giới hay các đoàn nghệ thuật đường phố của các nước Mỹ La tinh. Những tiết mục biểu diễn tổng hợp ở nhiều thể loại khác nhau của các đoàn nghệ thuật này sẽ rút ngắn khoảng cách giao lưu giữa khán giả và nghệ sĩ, rất gần gũi và phù hợp với không gian của Festival Huế”, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó BTC Festival Huế 2020 thông tin.
Cũng theo ông Đạt, tại kỳ Festival Huế lần thứ XI, các chương trình IN sẽ được tinh gọn và nâng cao chất lượng hơn. Theo đó, BTC sẽ giảm các sân khấu trong chương trình IN với khoảng 3 sân khấu ở khu vực Đại Nội (thay vì 5-7 sân khấu như trước đó) và chỉ một sân khấu ở Cung An Định. Tại đây, BTC chỉ bố trí những chương trình biểu diễn nghệ thuật cực kỳ đẳng cấp và yêu cầu một không gian nghệ thuật đặc biệt yên tĩnh. Còn lại các chương trình biểu diễn khác, BTC sẽ “đẩy” ra các không gian cộng đồng, với khoảng 3-4 điểm biểu diễn trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và dọc bờ Nam sông Hương nhằm để công chúng tiếp cận và thưởng ngoạn nghệ thuật đẳng cấp của nhiều quốc gia.
“Năm 2020 là năm đánh dấu nhiều mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Chính vì thế nhiều quốc gia rất tích cực và đều có kế hoạch trước trong chuẩn bị các hoạt động giao lưu về chính trị, kinh tế, văn hóa… Và đặc biệt là họ đã “nhắm” đến Festival Huế 2020, là nơi họ sẽ cử đoàn nghệ thuật tham gia để giao lưu văn hóa. Đây là thuận lợi mà Festival Huế 2020 có được”, ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết.
Ông Đạt cũng khẳng định, không chỉ có sự chọn lọc các đoàn nghệ thuật quốc tế mà BTC cũng sẽ khá kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các đoàn nghệ thuật trong nước tham gia và biểu diễn tại Festival Huế 2020. Trước đây, thường chọn các đoàn nghệ thuật đại diện cho các vùng miền nhưng tại kỳ Festival lần thứ XI này, BTC sẽ lựa chọn và cân đối loại hình nghệ thuật để khán giả có thể thưởng ngoạn được các loại hình nghệ thuật theo nhu cầu, sở thích khác nhau. Festival Huế 2020 sẽ gồm 6 chương trình lễ hội chính: Chương trình nghệ thuật Khai mạc, Lễ hội Áo dài, chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn, Lễ hội “Huế-Kinh đô Ẩm thực”, Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” và chương trình nghệ thuật Văn hiến kinh kỳ. Trong đó, BTC đã thống nhất sẽ công diễn chương trình Văn hiến kinh kỳ để thay cho đêm bế mạc. Đây là lần đầu tiên, BTC không xây dựng chương trình nghệ thuật cho đêm giã bạn.
Vào các kỳ Festival Huế trước đó, chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc được xây dựng với mô-tip gần giống nhau, trong đó quy mô và chất lượng của chương trình bế mạc không được chú ý bằng nghệ thuật đêm khai mạc. Do đó, đã có nhiều ý kiến của đánh giá rằng hiệu quả chương trình nghệ thuật bế mạc không cao. Chính vì lẽ đó, BTC đã bàn bạc và thống nhất phương án sẽ “mượn” Văn hiến kinh kỳ (đã diễn đêm 3.4 tại Đại Nội) để thay lời giã bạn. Đây là chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, với các loại hình nghệ thuật truyền thống cung đình Huế xưa. (Baovanhoa.vn 15/11; Văn hóa 15/11, tr7)
XÃ HỘI
1. Gần 1 tỷ đồng giúp những hộ nghèo di dời khỏi khu vực I Kinh thành Huế
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, sau hơn 1 tháng triển khai đến nay Ban vận động Qũy “Vì người nghèo” Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận gần 1 tỷ đồng ủng hộ từ các địa phương, cơ quan, tổ chức nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn thuộc dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I kinh thành Huế có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống.
Được biết, trong số 523 hộ đợt di dời đầu tiên này có 75 hộ khó khăn không đủ điều kiện xây dựng nhà ở.
Ngoài kinh phí hỗ trợ theo khung chính sách đặc biệt theo chủ trương của Chính phủ, với 150 triệu đồng/hộ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, cùng lãnh đạo các địa phương đang kêu gọi “Mạnh Thường Quân”, cộng đồng hỗ trợ thêm để giúp các hộ nghèo đủ xây nhà với mức 225 triệu cho một ngôi nhà rộng hơn 60 m2.
Hiện ở khu tái định cư Bắc Hương Sơ, Huế đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẳn sàng đón đợt di dân đầu tiên dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12/2019. (Daidoanket.vn 15/11; Baophapluat.vn 15/11)
2. Thừa Thiên Huế phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới
Ngày 15-11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND thành phố Huế tổ chức.
Với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em", Tháng hành động diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 là một chiến dịch truyền thông cao điểm. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, mở rộng hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn kịp thời các vụ việc bạo lực.
Cùng ngày, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội thi "Tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình" với 15 đội thi đến từ các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan tham gia. (Nhandan.com.vn 16/11)
3. Gần 1 tỷ đồng ủng hộ người nghèo trong dự án “di dân lịch sử”
Sáng 15-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau một thời gian tỉnh phát động, đơn vị đã nhận được số tiền gần 1 tỷ đồng do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đóng góp hỗ trợ các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Các cơ quan, đoàn thể, đơn vị và cá nhân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đóng góp hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho người nghèo thuộc dự án di dân khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Trước đó, cuối tháng 10-2019, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã viết thư kêu gọi và cho biết, tỉnh đang thực hiện dự án di dời, tái định cư (TĐC), giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Chủ trương của tỉnh đã được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân khu vực này đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn hết sức khó khăn. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ người nghèo thuộc dự án có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống.
Cán bộ công chức viên chức các cơ quan hành chính Nhà nước ở huyện A Lưới ủng hộ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc dự án “di dân lịch sử”.
Theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, thời gian qua, có nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai các hoạt động ủng hộ, cụ thể như: Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyên góp được 40 triệu đồng; các ban, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy quyên góp được được gần 20 triệu đồng; Công ty cấp nước Thừa Thiên Huế gần 100 triệu đồng; Công an tỉnh, Bệnh viên Trung ương Huế mỗi đơn vị 50 triệu đồng; Điện lực Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế, Sở LĐ-TB&XH mỗi đơn vị 40 triệu đồng; Sở VH&TT gần 10 triệu đồng...
Như Báo CAND Online thông tin, dự án di dời, TĐC, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế với 4.201 hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 có 2.938 hộ phải di dời; trong đó có hơn 240 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang chỉ đạo các ngành, địa phương gấp rút xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu TĐC phía bắc Hương Sơ TP Huế trên diện tích gần 10 ha, kinh phí 110 tỷ đồng với 500 lô đất để thực hiện di dân đợt 1 vào cuối năm 2019.
Nhiều hộ dân thuộc dự án di dời khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế có hoàn cảnh nghèo khó, không đủ khả năng xây dựng nhà cửa tại nơi ở mới.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án là một chủ trương lớn của tỉnh, phù hợp với định hướng chung là ổn định cuộc sống người dân, nhất là một bộ phận người dân nghèo sống trong vùng lõi di tích; đồng thời, giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trọng điểm. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản cấp quốc gia của Việt Nam. (Cand.com.vn 15/11)
4. Thừa Thiên – Huế tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2019
Sáng 15/11, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với UBND TP. Huế và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và Hội thi “Tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2019.
Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu tại lễ phát động
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 có chủ đề: "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em".
Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến 15/12) hàng năm là một chiến dịch truyền thông cao điểm và lễ phát động là hoạt động khởi đầu của chuỗi nhiều hoạt động đa dạng, huy động sự tham gia, phối hợp của các ngành, các cấp cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Đây cũng là dịp nhằm cung cấp thông tin, kiến thức để nâng cao nhận thức dẫn đến chuyển đổi hành vi về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình và cộng đồng; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em,…
Tại lễ phát động Tháng hành động, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thừa Thiên – Huế đề nghị lãnh đạo các ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể các cấp và toàn xã hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; duy trì thực hiện, mở rộng hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ như: Phòng chống bạo lực gia đình; Gia đình hạnh phúc; Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Bình đẳng giới với 5 không 3 sạch,…
Các ngành, địa phương tích cực chủ trì, phối hợp tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai lồng ghép nội dung bình đẳng giới, phòng chống bạo lực liên quan đến giới, bạo lực gia đình… Ngăn chặn kịp thời các vụ việc bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ pháp lý, chăm sóc, điều trị về tinh thần, sức khoẻ, tâm lý cho nạn nhân; quan tâm đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, trong đó ưu tiên tạo điều kiện để tăng cường phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị, tham gia lãnh đạo, quản lý.
Cũng trong sáng 15/11, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thi "Tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình" năm 2019. Tham gia hội thi có 15 đội thi đến từ các huyện/thị xã/thành phố, các lực lượng vũ trang và Ban nữ công liên đoàn lao động tỉnh.
Hội thi là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động một cách thiết thực, kịp thời. Tại hội thi, các đội sẽ cùng tìm hiểu, phổ biến kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, quyền trẻ em,…thông qua việc trả lời các câu hỏi, xử lý tình huống, thi tiểu phẩm,… (Baodansinh.vn 15/11; Nhân dân 16/11, tr3)
5. Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Khánh được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05
Ông Hoàng Ngọc Gia - Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Khánh vinh dự được Ban chấp hành Đảng bộ TP Huế tặng giấy khen khi có thành tích xuất sắc trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Tối ngày 30/8 tại Nhà Văn hóa Thành phố Huế, Ban Thường vụ Thành ủy tỉnh Thừa ThiênHuế tổ chức chương trình “Di chúc của Bác – Lời của non sông đất nước”. Chương trình nhằm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969 – 2019) và 74 năm ngày Quốc khánh 02/9 (02/9/1945 – 02/9/2019).
Tại chương trình Ban chấp hành Đảng bộ TP Huế đã tuyên dương 50 tập thể, cá nhân là những điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016 - 2019.
Ông Hoàng Ngọc Gia - Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Khánh vinh dự được Ban chấp hành Đảng bộ TP Huế tặng giấy khen vìcó thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2019.
Theo Ban chấp hành Đảng bộ TP Huế, ông Hoàng Ngọc Gia, là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến có mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương, qua đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng về gương người tốt, việc tốt trong toàn tỉnh.
Ông Hoàng Ngọc Gia cho biết, việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành công việc thường xuyên, thành ý thức tự giác của cá nhân tôi. Trong thời gian tới, hy vọng Đảng bộ TP Huế luôn chú trọng biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực trong học tập và làm theo Bác, tạo sức hấp dẫn và sự lan tỏa trong đời sống xã hội.
Thời gian qua, ông Hoàng Ngọc Gia được nhiều trường Đại học, Cao đẳng, các Hiệp hội mời tham dự các chương trình tọa đàm, talk show nhằm chia sẻ những cách làm, bài học kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp cũng như chiến lược kinh doanh.
Được biết, Tập đoàn Bảo Khánh là một trong những DN có nhiều hoạt động từ thiện như trao quà và quỹ khuyến học; thăm và tặng quà cho các con em cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn, tặng quà chăm sóc các cá nhân gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn... mỗi năm tổng chi phí cho các hoạt động này gần 150 triệu đồng. (Doanhnghiepvn.vn 16/11)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Diễn đàn của các nhà nghiên cứu trẻ
Sáng 15/11 tại Trường ĐHSP - ĐH Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia các nhà Nghiên cứu Trẻ. Đây là diễn đàn khoa học mục đích để thảo luận và phân tích các khía cạnh hoạt động và phát triển của KHCN, cập nhật các xu thế mới trong NCKH của thế giới, trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, hợp tác trong NCKH.
Trong số 70 bài nghiên cứu gửi đến hội thảo thuộc các lĩnh vực KHGD, KHTN, KHXH & NV, có 16 bài chuyên ngành khoa học tự nhiên, 38 bài chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, 19 bài chuyên ngành khoa học giáo dục.
Với quy trình phản biện kín, nghiêm ngặt và mang tính học thuật cao, ban tổ chức và ban biên tập kỷ yếu đã cân nhắc chọn được 55 bài xuất bản trong kỷ yếu, trong đó có 10 bài được trình bày tại phiên toàn thể của Hội thảo (như danh sách trong chương trình hội thảo), 8 báo cáo trình bày dưới hình thức Poster.
Nhiều vấn đề mới trong NCKH đã được quan tâm, đề cập đến trong hội thảo lần này như nghiên cứu liên ngành trong khoa học, vấn đề Cái tôi cô đơn trong thơ Trương Đăng Dung, Nguyễn Bình Phương và Trần Tuấn nhìn từ cảm thức hiện sinh của tác giả Nguyễn Đông Nghi, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế…
Ngoài ra những báo cáo tham dự hội thảo năm nay đều gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với các vấn đề thực tiễn của đời sống và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước như: Xác định hàm lượng chì và cadimi trong một số loại gạo tiêu thụ ở thành phố Huế bằng phương pháp hấp thụ nguyên tử của nhóm tác giả Hà Thùy Trang, Nguyễn Đình Luyện, Ngô Văn Tứ, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
Ở lĩnh vực KHGD, có khá nhiều bài báo tìm hiểu các vấn đề về nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo tích hợp khoa học cơ bản và nghiệp vụ sư phạm trong đào tạo giáo viên, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực người học.
Tiêu biểu có thể kể đến: Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc CM Công nghiệp 4.0, của tác giả Phạm thị Kim Liên, Một số phương tiện dạy học trong dạy học hình học ở Tiểu học nhằm phát triển năng lực cho học sinh của tác giả Lê Thị Cẩm Nhung, trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên…
Với nhiệt huyết đổi mới sáng tạo dồi dào, năng lượng khoa học mạnh mẽ của các Nhà nghiên cứu trẻ, hội thảo sẽ là tiền đề thúc đẩy cho những nghiên cứu mới, để các vấn đề, các ý tưởng khoa học trong hội thảo hôm nay sẽ trở thành thực tiễn, để sau hội thảo sẽ có nhiều dự án, nhiều đề tài, nhiều nhóm Nghiên cứu được thành lập, nhiều mô hình sản phẩm mới sẽ ra đời…, đáp ứng yêu cầu khoa học gắn với nhiều chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm được chuyển giao công nghệ được cấp phép, đáp ứng yêu cầu khoa học gắn liền với thực hành. (Giaoducthoidai.vn 15/11)
Y TẾ
1. Hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại Thừa Thiên Huế
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.193 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (176 lâm sàng và 2.017 xác định), trong đó có 285 ca ngoại lai (mắc bệnh từ nơi khác đến).
Cụ thể, tại địa bàn huyện Phú Lộc ghi nhận 429 trường hợp; huyện Phú Vang có 249 trường hợp; thị xã Hương Trà 181 trường hợp; huyện Nam Đông 152 trường hợp; thị xã Hương Thủy có 223 trường hợp; huyện Phong Điền 95 trường hợp; huyện Quảng Điền 50 trường hợp và huyện A Lưới có 9 trường hợp.
Riêng tại địa bàn TP. Huế, tính đến ngày 10/11 ghi nhận 744 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 13,2 lần so với cùng kỳ năm 2018). Hiện TP. Huế đã sử dụng 205 lít hóa chất để phun, xử lý, phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 46.500 hộ gia đình. Bên cạnh đó, công tác thau vét bọ gậy và phun chủ động, xử lý dịch được đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân tuyệt đối không được chủ quan và cần chung tay, quyết liệt trong công tác phối hợp đẩy lùi sốt xuất huyết. Các trường hợp sốt không rõ nguyên nhân qua hai ngày phải lập tức chuyển đến cơ sở y tế để kịp thời phát hiện bệnh và đưa ra hướng chữa trị.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động, nắm bắt kịp thời diễn biến của dịch để dễ dàng đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế phải báo cáo hàng ngày số bệnh nhân sốt xuất huyết cho lãnh đạo UBND các địa phương biết để chỉ đạo, tăng cường các xét nghiệm khám sàng lọc để phát hiện sớm các ca bệnh sốt xuất huyết, hạn chế không để tử vong xảy ra. (Baophapluat.vn 15/11)
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
1. Nhiều Startup được tập huấn thiết kế truyền thông
Sáng 14/11, tại TP. Huế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lớp tập huấn về thiết kế truyền thông trong marketing sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại chương trình, các khách mời là huấn luyện viên viết nội dung quảng cáo Nguyễn Ngọc Sơn (Hà Nội) và CEO Philip Phạm (Công ty Philip Entertainment) đã chia sẻ với các học viên về cách viết một bài quảng cáo ngắn gọn, súc tích, kèm hình ảnh để chuyển tải được thông điệp của sản phẩm đến với khách hàng.
Chương trình tập huấn lần này đã thu hút hơn 100 học viên đến từ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, tác giả các dự án, sản phẩm khởi nghiệp đến tham dự.
Thiết kế truyền thông trong marketing sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một phần căn bản và không thể thiếu trong các nỗ lực tiếp thị của doanh nghiệp. Đây cũng được coi là một kênh quan trọng để giới thiệu và chuyển tải thông điệp của sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến với khách hàng. (Hoanhap.vn 15/11)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Vi phạm thi công nhà máy thủy điện, 2 doanh nghiệp bị phạt 210 triệu đồng
Sáng 16-11, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua quá trình thanh tra, đoàn thanh tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã phát hiện các sai phạm trong quá trình thi công dự án nhà máy thủy điện A Lin B1 trên địa bàn xã Hồng Trung và Hồng Vân, huyện A Lưới do Công ty Cổ phần thủy điện Trường Phú (gọi tắt Công ty Trường Phú) làm chủ đầu tư.
Trên cơ sở này, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Tổng Công ty xây dựng Thủy lợi 4 – CTTP (trụ sở số 205A đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) với số tiền 120 triệu đồng và Công ty Cổ phần Xây dựng 43 (trụ sở số 85 đường Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) số tiền 90 triệu đồng.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đối với Tổng Công ty xây dựng Thủy lợi 4 – CTTP trong lĩnh vực khoáng sản.
Theo quyết định xử phạt, Tổng Công ty xây dựng Thủy lợi 4 – CTTP đã vi phạm trong quá trình thi công dự án nhà máy thủy điện A Lin B1 khi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi) trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư (dự án nhà máy thủy điện A Lin B1) mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.
Riêng Công ty Cổ phần Xây dựng 43 có hành vi vi phạm khi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 50m3 trở lên tại khu vực lòng hồ thủy điện A Lin B1 thuộc các xã Hồng Trung và Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giao Sở TN&MT tỉnh hoàn tất các thủ tục để thu hồi số tiền đối với khối lượng khoáng sản mà các đơn vị vi phạm đã sử dụng trái phép theo quy định của Nhà nước.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm rõ nhiều sai phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản xảy ra tại dự án nhà máy thủy điện A Lin B1.
Trước đó, như Báo CAND Online thông tin, do nhà máy thủy điện A Lin B1 đang trong giai đoạn thi công, chưa tích nước nên mực nước tại đây khá thấp. Vì vậy, các đối tượng đã tiến hành bồi lấp làm đường dẫn ngay tại lòng sông A Lin để tiến hành khai thác cát sỏi, trái phép. Dọc theo tuyến đường dẫn này còn có các hố rộng khoảng 30 - 40 m2, sâu 0,6 - 0,8 m và một số bãi cát, sỏi hàng chục khối nằm rải rác trên tuyến đường dẫn. Việc khai thác và tận thu cát, sỏi trên sông A Lin đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy của dòng sông vào mùa mưa lũ và để lại nhiều hệ lụy về môi trường.
Ngay sau đó, ngày 12-8-2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 1936/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn huyện A Lưới đối với Công ty Trường Phú, chủ đầu tư dự án thủy điện A Lin B1 và các tổ chức, cá nhân có liên quan. (Cand.com.vn 16/11; Baodansinh.vn 15/11)
2. Khai mạc "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào” năm 2019
Sáng 15-11, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ cắt băng khai mạc chương trình "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào” năm 2019. Đây là lần thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sự kiện có ý nghĩa này.
Tham dự buổi lễ còn có lãnh đạo 9 tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. (Bienphong.com.vn 15/11; Plo.vn 15/11)
3. 24 năm tù cho “nữ quái” chiếm đoạt tài sản
Ngày 15/11, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Lê Thị Kiều Châu (SN 1975) trú tại Thị xã Hương Thủy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, Lê Thị Kiều Châu làm nghề buôn bán phế liệu. Từ năm 2013 đến tháng 9/2017, do cần tiền để làm ăn, buôn bán phế liệu nên Lê Thị Kiều Châu đã vay mượn tiền, vàng và chơi hụi với 12 người, với tổng số tiền là 25.723.000.000 đồng, Châu đã trả được số tiền gốc là 12.440.480.000 đồng và trả tiền lãi là 2.079.490.000 đồng.
Nhưng do quá trình làm ăn, buôn bán bị thua lỗ kéo dài mà số nợ tăng lên hàng ngày. Ngoài ra, Châu còn phải trả lãi vay ngày một nhiều hơn nên đến cuối tháng 9/2017 thì Châu bị vỡ nợ, mất khả năng chi trả.
Khi bị các chủ nợ liên tục đến nhà đòi nợ nhưng không có tiền trả nên Châu đã nảy sinh ý định gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của người khác để trả nợ. Do có mối quan hệ quen biết với bà Nguyễn Thị Thu (SN 1972), trú thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, nên ngày 26/9/2017, Châu đến nhà gặp bà Thu nói dối muốn vay một số tiền để làm ăn, kinh doanh buôn bán và sửa chữa khách sạn. Vì biết Châu làm nghề buôn bán phế liệu và mới mua khách sạn vào tháng 6/2017, nên bà Thu tin tưởng Châu nói thật liền đồng ý cho Châu vay số tiền 800 triệu đồng, với lãi suất 2%/1 tháng, trong thời gian 1 tháng.
Tuy nhiên, sau khi lấy được tiền của bà Thu thì Châu không sử dụng tiền vay như đã thỏa thuận, mà dùng để trả nợ cho các chủ nợ khác và Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nam Thừa Thiên-Huế hết nên không thu hồi được. Đến ngày 18/10/2017, Châu bỏ trốn khỏi địa phương.
Tại phiên tòa, bị cáo Châu đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. HĐXX xét thấy, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo Châu phạm một lúc hai tội, đều thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo Châu thể hiện sự táo bạo, liều lĩnh, xem thường kỷ cương pháp luật. Hành vi của bị cáo Châu không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của những người bị hại mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Cần xử phạt bị cáo Lê Thị Kiều Châu với mức phạt nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Ngọc Giàu (chồng của bị cáo Châu) là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc che giấu tội phạm sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc nhưng bị cáo cùng Châu và con bỏ trốn, che giấu hành tung của bị cáo Châu, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Nên Nguyễn Ngọc Giàu phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Vì vậy, HĐXX tuyên án Lê Thị Kiều Châu 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 16 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng mức hình phạt buộc bị cáo Châu phải chấp hành là 24 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Châu phải bồi thường số tiền cho các bị hại là 14.082.520.000 đồng. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Giàu 15 tháng cải tạo không giam giữ. (Congly.vn 15/11)
TIN VẮN
1. Điểm tin đã đưa
Ngày 14-11, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết, bệnh nhi H.H.H.N. (4 tuổi, trú TP Huế) mắc khối u quái hỗn hợp vùng mặt vừa xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, có thể sinh hoạt bình thường và đi học trong khoảng 1-2 tháng tới. (Cadn.com.vn 15/11)
Ngày 12/11, Nguyễn Quốc Long (57 tuổi, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt 17 năm 6 tháng tù về tội Giết người, theo điểm n khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự 2015. (Vnexpress.net 12/11; Pháp Luật Việt Nam 17/11, tr16)
Ngày 14-11, BV Trung ương Huế cho biết vừa phẫu thuật thành công khối u quái hiếm gặp, trả lại khuôn mặt bình thường cho bệnh nhi. Theo đó, Bé Huỳnh Hoàng Hiếu Ng. (bốn tuổi, trú tại TP Huế) có khối u quái vùng má bên phải từ lúc bốn tháng tuổi. Khởi đầu với khối u ở trong khoang miệng gây chèn lưỡi, cản trở ăn uống. (Pháp luật TPHCM 15/11, tr13)
Sáng 14-11, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sau hơn 10 ngày triển khai thực hiện (từ ngày 1 đến 12-11), thông qua dữ liệu thu được từ Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (GSĐHĐTTM) tỉnh, lực lượng đơn vị đã ra quyết định xử phạt gần 100 trường hợp vi phạm trật tự ATGT. (Văn hóa 15/11, tr2)
CHÍNH SÁCH
1. Từ chối xét hồ sơ liệt sĩ vì tờ giấy báo tử
Đó là hồ sơ của ông Nguyễn Trọng Hát, ở tổ 10, P. Thủy Phương, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế (địa chỉ lúc nhập ngũ là xã Thủy Phương, H . Hương Phú, tỉnh Bình Trị Thiên)…
Ông Hát sinh năm 1957, nhập ngũ năm 1978, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Kể từ khi nhập ngũ đến năm 2017, gia đình hoàn toàn mất liên lạc. Mẹ ông Hát mất sớm, bố ông thương nhớ con trai mất tích rồi lâm bệnh, qua đời. Thương đồng đội, một số cựu chiến binh ở TP. Huế đã nỗ lực tìm tung tích, làm rõ thân phận ông Hát. Kết quả năm 2017, họ được đơn vị cũ của ông Hát là Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 thông báo trong sổ lưu danh sách liệt sĩ tại Ban Chính sách Sư đoàn 7 có tên Nguyễn Trọng Hát, hy sinh tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 2/1979.
Tiếp sau những thông tin trên, việc đề nghị cấp có thẩm quyền Công nhận liệt sĩ cho ông Hát được xúc tiến. Theo ông Lê Văn Chung, nguyên Phó chủ tịch UBND TX. Hương Thủy (người thân ông Hát), thì gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương đã làm bộ hồ sơ dày gần 40 trang để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhân liệt sĩ. Trong đó có cả ý kiến đề xuất từ Hội đồng xác nhận người có công UBND P. Thủy Phương; ý kiến Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội TX. Hương Thủy; Ban Chỉ huy quân sự TX. Hương Thủy; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quân khu 4. Thế nhưng, hồ sơ đã bị trả lại với lý do rất khó hiểu.
Từ những dữ liệu lưu trữ và xác nhận của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, ngày 19/3/2018 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp Giấy báo tử số 814 / GBT - BCH cho ông Nguyễn Trọng Hát. Cùng ngày 19/3/2018, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế có Công văn 806 / BCH - CT xác định qua kiểm tra hồ sơ về ông Hát là đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28 / 2013 / TTLT BLDTBXH - BQP nến đã gửi hố sơ trình cấp trên xem.
Thế nhưng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng ban hành Phiếu thảm định số 4270 / CS - TBLS, qua đó đơn vị này nêu ý kiến dù hồ sơ ông Hát được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 28, nhưng “chưa đủ điều kiện và thủ tục” Cục Chính sách trả hồ sơ kèm theo yêu cầu: “Bổ sung xác nhận của Sư đoàn 7 / QĐ4, Sở LĐ - TB XH và Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế về trường hợp đồng chí Nguyễn Trọng Hát Mã báo tử tử sĩ hoặc quân nhân từ trần chưa? Nếu đã báo tử tử sĩ, quân nhân từ trần thì không để nghị nữa. Phiếu xác minh do Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự gần tỉnh Thừa Thiên - Huế ký, bản khai tình hình thân nhân và giấy ủy quyền (nếu có)”.
Gia đình ông Hát tự liện hệ với Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 thì được trả lời: “Hiện nay tài liệu giấy báo tử những năm 1979 không còn lưu trữ được. Sư đoàn 7 không đủ căn cứ cấp giấy xác nhận chưa báo tử đối với quân nhân Nguyễn Trọng Hát”. Gia đình ông Hát nộp công văn trả lời này kèm theo một số yêu cầu bổ sung khác cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế thì bị trả lại toàn bộ hồ sơ kèm Công văn của Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông báo: “Không có cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Anh em, đồng đội cũ và bạn bè ông Hát như rơi vào tuyệt vọng! (Thanh niên 16/11, tr15)
ĐÔ THỊ - QUẢN LÝ ĐÔ THỊ
1. “Khốn khổ cái cây, cù nhây cái quán!”
Một cây sưa nhiều năm tuổi trồng trên vỉa hè đường Lê Quý Đôn (TP. Huế) bỗng dưng bị người của trung tâm Công viên Cây xanh Huế đến đào gốc lên và đưa đi một cách bất thường. Chuyện chẳng có gì nếu như, cây sưa ấy đã không tồn tại nhiều năm nay và việc đào cây đưa đi không thực hiện sau khi vừa khai trương một nhà hàng sang trọng, quy mô 6 tầng mà cái cây này “án ngữ" trước mặt tiền. Sự việc khiến dư luận hoài nghi về việc có hay không chính quyền TP. Huế sẵn sàng đào cây đưa đi một cách vô lý để "ưu ái" cho chủ nhân nhà hàng khỏi bị cây sưa này làm che biển hiệu và ảnh hưởng đến phong thủy. Và lạ kỳ, sau khi nhận được phản ánh của báo chí, cây sưa bị bứng đã được đưa về trồng lại tại vị trí cũ.
Liên quan đến câu chuyện này, tại cuộc họp báo mới đây, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết các cá nhân liên quan vụ việc đã nhận khuyết điểm và bị kiểm điểm, phê bình.
Theo báo cáo của UBND TP. Huế, trên cơ sở đơn xin dịch chuyển cây xanh của hộ gia đình tại 25 Lê Quý Đôn, các đơn vị liên quan gồm phòng Quản lý đô thị, công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế và trung tâm Công viên cây xanh Huế đã tổ chức kiểm tra thực tế đối chiếu với hồ sơ dự án sắp xếp cây xanh. Qua đó, cây xanh tại số 25, đường Lê Quý Đôn, mà ở đây là cây sưa nói trên không có trong hạng mục di dời. Tuy nhiên, các đơn vị đã đề xuất vị trí dịch chuyển cây xanh này sang bên phải 0,6 - 1m và di chuyển cây về chăm sóc tại vườn ươm Thủy Xuân. Sau khi hoàn thiện ô cây, sẽ chuyển cây xanh trồng lại.
UBND TP. Huế khẳng định, việc di dời cây khi chưa có ý kiến thống nhất của UBND thành phố là không đúng thẩm quyền. Mặt khác, quy trình thực hiện chưa đảm bảo, đó là di dời cây và thi công khỏa lấp ô cây sau khi di chuyển cây bằng bê tông và lát gạch vỉa hè, gây dư luận không tốt. Sau khi nhận phản ánh, chính quyền TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trường khôi phục lại vị trí ô cây, đồng thời di chuyển cây xanh từ vườn ươm về trồng lại vị trí cũ. Phòng Quản lý đô thị và trung tâm Công viên cây xanh Huế đã tổ chức kiểm điểm, phê bình các cá nhân trực tiếp thực hiện không đúng quy trình khi dịch chuyển cây xanh đường phố và rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu cho thành phố liên quan đến công tác dịch chuyển, di dời cây xanh đường phố. Đó có phải là sự sơ suất, nhầm lẫn trong phương án sắp xếp lại hệ thống toàn bộ cây xanh trên tuyến Lê Quý Đôn hay là sự bất chấp để "ưu ái" về mặt phong thủy cho chủ nhân nhà hàng nơi cây sưa Hán ngữ", vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Cũng tại cuộc họp báo, câu hỏi về việc quán cà phê không phép nằm trong khuôn viên của Ban Chỉ huy quân sự TP. Huế (phường Phú Hội) nhiều năm nay vẫn ngang nhiên tồn tại khiến dư luận bức xúc. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép này, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý đối với công trình trên cho UBND tỉnh trước ngày 20/10. Thế nhưng, đến nay, quán cà phê vẫn tấp nập người ra, kẻ vào. Một cái cây chẳng có tội tình" gì bất ngờ bị bứng đi rồi trồng lại chỉ vì sự nhầm lẫn, một quán cà phê trái phép ngang nhiên tồn tại nhiều năm vẫn không bị xử lý, tất cả đã khiến dư luận ở Huế đặt dấu hỏi về sự công bằng trong quản lý đô thị của địa phương này. Bởi vậy, sau 2 sự việc trên, nhắc đến quản lý đô thị của thành phố, thì thào câu chuyện vỉa hè, người Huế vẫn có câu: " Khốn khổ cái cây, cù nhây cái quán"! (Đời sống & Pháp luật 16-22/11, tr7)
VỆ SINH - AN TOÀN THỰC PHẨM
1. Lo ngộ độc thực phẩm và gian lận thương mại cuối năm
Chiều 15/11, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí tuần 46 do Văn phòng UBND tỉnh tổ chức, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được dư luận quan tâm.
Dư luận cho rằng, trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), trong đó có những vụ NĐTP tập thể. Vấn đề đặt ra đối với ngành y tế tỉnh là quản lý, kiểm tra, hậu kiểm những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức làm dịch vụ ăn uống từng liên quan NĐTP trên địa bàn như thế nào?
Theo thông tin từ Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, tại Thừa Thiên Huế xả ra 3 vụ NĐTP, có vụ liên quan đến trên 70 người. Các vụ việc sau khi xảy ra đã được kiểm soát chặt chẽ, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Hiện, Sở Y tế đã phân cấp công tác quản lý và giám sát bữa ăn đông người cho hệ thống y tế từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; ban hành quy chế phối hợp trong giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm VSATTP và điều tra NĐTP; gửi công văn cho các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập quy định thông tin báo cáo khi có ngộ độc xảy ra.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cho thống kê những cá nhân, cở sở làm dịch vụ nấu ăn tại các địa phương và thường xuyên tổ chức tập huấn công tác giám sát bữa ăn đông người cho cộng tác viên, y tế thôn, cán bộ trạm y tế cấp xã; phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị tại địa phương để giám sát các bữa ăn đông người, lễ hội, tuyên truyền về công tác đảm bảo VSATTP; tổ chức tuyên truyền cho người dân để người dân đăng ký với các cơ sở y tế trên địa bàn được giám sát về VSATTP khi tổ chức bữa ăn đông người.
Đối với các bếp ăn tập thể, các bếp ăn tập thể tại các trường học là diện cơ sở không cấp giấy đủ điều kiện VSATTP, nhưng nằm trong diện quản lý kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Hàng năm Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo, Ban Quản lý Khu công nghiệp để kiểm tra, giám sát các hoạt động của bếp ăn tập thể các trường học và các xí nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho các bếp trưởng và các nhân viên phục vụ ăn uống.
Đối với các cơ sở doanh dịch vụ ăn uống, theo sự phân công, phân cấp của Sở Y tế tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các đối tượng đủ các điều kiện, định kỳ hằng năm tổ chức kiểm tra, hậu kiểm theo quy định.
Vào dịp cuối năm, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng qua địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, hàng lậu, hàng giả tuồn vào thị trường, gây bất ổn thị trường tiêu dùng. UBND tỉnh đã có chỉ đạo hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan xử lý tình trạng này như thế nào?
Theo đại diện Sở Công thương, năm 2019, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định: giá cả hàng hóa không có biến động lớn, không xảy ra tình trạng sốt giá, lượng hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trên các tuyến giao thông, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như: sử dụng biển số xe giả để thay đổi khi vận chuyển hàng nhập lậu; sử dụng xe không chính chủ để vận chuyển hàng hóa nhập lậu với số lượng lớn; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển; sử dụng quay vòng hồ sơ mua hàng đấu giá...
Trên địa bàn cố định, tình hình vi phạm trong hoạt động kinh doanh như: không niêm yết giá hàng hóa, kinh doanh hàng hóa vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, kinh doanh sai địa điểm, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng… vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng kẻ hở của loại hình kinh doanh mới hình thành và phát triển mạnh gây thất thu thuế cho nhà nước và đánh lừa người tiêu dùng như: bán hàng qua mạng xã hội, thương mại điện tử, bán hàng đa cấp, kinh doanh tiền ảo,… có chiều hướng gia tăng
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, đồng bộ từ Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và với sự chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm,đồng thời duy trì sự ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra: 2.106 vụ; trong đó, số vụ không vi phạm 459, số vụ xử lý 1.647. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,5 tỷ đồng; số tiền bán hàng tịch thu gần 1 tỷ đồng; giá trị hàng tịch thu chờ bán đấu giá gần 300 triệu đồng; giá trị hàng tiêu hủy trên 5,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, các thành viên Ban chỉ đạo 389 đã phát hiện và xử lý 3.225 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế hơn 44,5 tỷ đồng; trị giá tang vật tịch thu hơn 23 tỷ đồng.
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao của người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả trên địa bàn tỉnh. Cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019.
Trong đó, tập trung kiểm tra kiểm soát đối với các lĩnh vực chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thượng mại, cụ thể: vật liệu nổ, pháo nổ các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, rượu, bia, đường, thuốc lá, bánh kẹo, đồ điện tử, hàng may mặc; kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, gian lận về đo lường… (Baothuathienhue.vn 15/11)