Bức tranh chung của các xã vùng cao, biên giới
Bước vào xây dựng NTM, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) gặp rất nhiều hạn chế do xuất phát điểm thấp, như: cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; các dân tộc còn lưu giữ nhiều tập quán, phong tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân cùng phương châm "Việc dễ làm trước, việc khó làm sau", xã đã thực hiện đạt 10/19 tiêu chí sau 10 năm xây dựng NTM. Tuy nhiên, để "cán đích" NTM, chặng đường sắp tới còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. "Nút thắt" lớn nhất đối với xã vùng cao này là thực hiện các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Vàng Mí Dình: "Việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là thách thức lớn đối với xã. Nguyên nhân xuất phát từ điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Là xã thuần nông, nhưng diện tích đất tự nhiên toàn núi đá, khí hậu khắc nghiệt trong mùa đông và đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nhiều tháng trong năm. Do đó, người dân chỉ dựa vào một vụ ngô trong năm, dù đưa giống mới vào gieo trồng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực ăn trong năm".
Trong những năm qua, xã Pải Lủng đã thực hiện các mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi bò, lợn, dê, ong. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn đầu tư cộng với tư tưởng của người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư cho nên khó nhân rộng. Sản xuất và chăn nuôi ở xã manh mún, nhỏ lẻ nên việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 14 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 55% số hộ, trong đó nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Là một xã vùng cao, điểm xuất phát về cơ sở hạ tầng thấp, địa bàn rộng, dân cư sống rải rác ở sườn núi cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn. Trong khi đó, sau 10 năm xây dựng NTM, nguồn lực mà Pải Lủng huy động được mới đạt gần 7,6 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác. Do đó, không chỉ loay hoay với bài toán khó về thu nhập và hộ nghèo, những tiêu chí cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cũng gặp khó khăn rất lớn, một trong số đó là tiêu chí về đường giao thông. Do địa hình phức tạp, người dân sinh sống theo nhóm, cụm dân cư nên khoảng cách giữa các nhóm, cụm dân cư cách xa nhau, đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Hiện nay, 8/11 thôn đã có đường bê-tông vào trung tâm thôn với khoảng 15 km đường đã được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ðể hoàn thành tiêu chí đường giao thông, xã cần phải cứng hóa hơn 35 km đường giao thông từ trung tâm xã đi các thôn, đường trục thôn, đường ngõ, xóm. Theo lãnh đạo xã Pải Lủng, để cứng hóa đường giao thông nông thôn, xã cần nguồn vốn đầu tư lớn của Nhà nước, đồng thời vận động nhân dân góp tiền, công lao động. Nhưng với xã vùng cao, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn thì việc đóng góp của nhân dân là rất hạn chế. Thêm vào đó, các tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là mục tiêu khó hoàn thành đối với xã vùng cao này. Ðặc biệt là tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, có nhà tắm, bể nước, nhà tiêu rất thấp. Cả xã mới đạt hơn 14% số hộ có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh; hầu hết chất thải rắn sinh hoạt của xã chưa được thu gom theo quy định. Nguyên nhân của các vấn đề nêu trên là do khó khăn về mặt bằng xây dựng, về kinh phí, tập quán sinh hoạt lạc hậu…
Thực trạng ở xã Pải Lủng cũng là bức tranh chung của các xã vùng cao, biên giới của cả nước trong quá trình xây dựng NTM. Ðến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 33/177 xã về đích NTM. Ðối với tỉnh vùng cao còn muôn vàn khó khăn, kết quả đó phản ánh sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn và người dân nơi đây.
Tìm giải pháp đặc thù
Tỉnh Phú Thọ hiện đang nằm trong tốp đầu của khu vực miền núi phía bắc về xây dựng NTM. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh đã đạt kết quả khá toàn diện, hoàn thành trước ba năm mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 93 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 37,7% tổng số xã; tất cả 13 huyện, thành phố, thị xã đều có xã đạt chuẩn NTM; huyện Lâm Thao đạt chuẩn huyện NTM. Ðể có được những thành tích nêu trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và nhân rộng, qua đó góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 5,03% (cao hơn bình quân chung của cả nước 2,92%). Cùng với Phú Thọ, các tỉnh miền núi Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình… sau 10 năm xây dựng NTM cũng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó thành tích nổi bật là phát triển nông nghiệp đặc thù gắn với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Cũng như các địa phương miền núi phía bắc, các xã vùng sâu, vùng xa khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy Ðức là một huyện biên giới của tỉnh Ðắk Nông với sáu đơn vị hành chính, 75 thôn, bon, bản. Toàn huyện có tới 21 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mnông chiếm 22,8%, dân tộc Kinh chiếm 56,3%, dân tộc H’Mông chiếm 9%. Mặc dù tốc độ phát triển kinh tế đạt hơn 9%/năm, nhưng tại nhiều xã, thôn, bon, bản, công tác xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp. Tính đến hết năm 2018, xã đạt cao nhất mới được 12/19 tiêu chí, trong đó có rất nhiều xã dưới 10 tiêu chí như Quảng Tâm, Quảng Tân, Ðắk Ngo… Huyện đặt mục tiêu đến hết năm nay có một xã đạt 14/19 tiêu chí, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 70,4%. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Ðức Trần Viết Cự cho biết, để các xã hoàn thành các tiêu chí còn lại, huyện đề nghị tỉnh và Trung ương có cơ chế hỗ trợ đặc thù về phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đầu tư nâng cấp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu cho các xã. Tỉnh Ðắk Nông bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM vào cuối năm 2010 với xuất phát điểm thấp nhất trong cả nước, mới đạt bình quân 3,1 tiêu chí/xã. Sau 10 năm, đến nay Ðắk Nông đã có 16/61 xã đạt chuẩn NTM, tăng 16 xã so với năm 2011; bình quân mỗi xã đạt 13,44 tiêu chí NTM. Dự kiến, đến hết năm 2020, bình quân mỗi xã đạt từ 15 tiêu chí NTM trở lên.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả xây dựng NTM mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cho nên nhìn chung kết quả xây dựng NTM ở những nơi này còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền của cả nước. Hiện cả nước vẫn còn sáu tỉnh có tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM dưới 20%, trong đó có năm tỉnh thuộc miền núi phía bắc gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Ðiện Biên. Nhu cầu xây dựng NTM của các tỉnh này rất lớn, nhưng khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế vì chủ yếu là vùng nghèo, xuất phát điểm thấp, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số. Các địa phương mới quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng bố trí nguồn lực tương xứng cho các lĩnh vực trọng yếu khác. Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, còn hạn chế. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế , xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong điều kiện ngân sách hạn chế, ngân sách các tỉnh nghèo khó khăn thì các tỉnh vùng cao cần thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác nhau. Trong đó, chú trọng xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể mỗi nơi. Tất cả các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn gắn chặt với chương trình xây dựng NTM, cụ thể như lồng ghép các dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, đối với các tỉnh miền núi, biên giới, do điều kiện địa hình phức tạp, định mức đầu tư lớn so với các tỉnh vùng thấp nên Trung ương cũng cần tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp cho chương trình, nhất là vốn đầu tư phát triển…