THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. ĐBQH: Cần có lộ trình để xây dựng các lực lượng phòng cháy, chữa cháy
Tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, một số đại biểu đề nghị cần có lộ trình xây dựng các lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Quan tâm về vấn đề này, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, phân tích cần phải có lộ trình để chúng ta xây dựng các lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Theo đó lực lượng dân phòng, chiếm 23%, cộng với lực lượng phòng cháy chuyên ngành, lực lượng phòng cháy cơ sở. Ba lực lượng này sẽ giải quyết 4 tại chỗ, Tuy nhiên ba lực lượng này hiện nay quân số cũng chưa đủ, nghiệp vụ cũng chưa bảo đảm về diễn tập, kỹ năng. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan Bộ Công an phải tham mưu cho Chính phủ để quyết tâm rà soát kỹ lại lực lượng này để kiện toàn và bảo đảm khi tình huống xảy ra chúng ta thực hiện được 4 tại chỗ sẽ giải quyết được hậu quả của phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, đại biểu chỉ ra rằng, vấn đề lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở các chung cư cũng cần quan tâm. Đề nghị Chính phủ cũng cần phải bàn về vấn đề này vì ban quản lý khu dân cư quản lý một lượng dân cư rất lớn, có những khu chung cư có thể hàng vạn dân có nghĩa là hơn một phường, nhưng hiện nay bộ máy chưa rõ. Hiện nay là lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở đây chưa rõ, thuộc đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Nhưng theo đại biểu phải thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cho ngành ở những chung cư lớn để khi có tình huống xảy ra, phải có những lực lượng đủ mạnh để xử lý ngay tại chỗ. Đồng thời phải có những khoảng tường trống để tập kết lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Thêm vào đó, cần phải có một phương tiện để khi xảy ra sự cố cháy nổ thì chúng ta đã có thể xử lí kịp thời; bảo đảm tốt về lực lượng phòng cháy, chữa cháy. (Quochoi.vn 19/11; Baotintutc.vn 19/11; TTXVN 19/11)
VĂN HÓA
1. Đưa ca Huế vào trường học: Thế hệ trẻ cần trân trọng di sản
Việc đưa ca Huế vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Đây chính là hướng đi phù hợp nhất để đưa ca Huế đến với thế hệ trẻ của vùng đất cố đô - cái nôi sinh ra ca Huế, giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về di sản này, từ đó nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa thiên - Huế - cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng và triển khai chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học.
Theo ông Hải, các giảng viên của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế và nghệ nhân ca Huế sinh hoạt tại Câu lạc bộ ca Huế thính phòng trực tiếp tham gia giảng dạy và giao lưu trình diễn di sản ca Huế. Qua gần 3 tháng tham gia tập huấn, các giáo viên đã được giới thiệu về lý thuyết tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển ca Huế; Tập hát các làn điệu ca Huế; Giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế; Biểu diễn ca Huế giữa các giáo viên tham gia tập huấn... Sau khi hoàn thành tập huấn, các thầy, cô giáo sẽ cùng các nghệ nhân sẽ truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản ca Huế cho các thế hệ học trò.
Chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học gồm 2 nội dung. Thứ nhất, tập huấn hát ca Huế cho hơn 30 giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn TP.Huế. Thứ hai, dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức câu lạc bộ ca Huế tại các trường THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Thống Nhất và THCS Trần Cao Vân. Chương trình đưa ca Huế vào trường học không đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn là “món quà” giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài.
“Việc đưa ca Huế vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Đây chính là hướng đi phù hợp nhất để đưa ca Huế đến với thế hệ trẻ của vùng đất cố đô, cái nôi sinh ra ca Huế, giúp thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về di sản này, từ đó nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là phương pháp phù hợp nhất để bảo tồn, phát triển ca Huế một cách bền vững”- ông Hải chia sẻ.
Ngoài ra, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế đang tích cực chỉ đạo Nhà hát ca kịch Huế và các đơn vị chức năng liên quan xây dựng một kế hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy di sản ca Huế một cách bền vững. Sở cũng đã tham mưu với UBND tỉnh chính thức đăng ký với Bộ VHTTDL kế hoạch xây dựng hồ sơ ca Huế để trình UNESCO.
Ca Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Cố đô Huế, có bề dày lịch sử ra đời, phát triển đã hàng trăm năm, khi vùng đất này đóng vai trò là kinh đô của đất nước. Ca Huế là thể loại âm nhạc cổ truyền bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát đào. Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và dòng ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi nên có thần thái của ca nhạc thính phòng, thể hiện theo hai dòng lớn điệu Bắc và điệu Nam, với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc.
Xét trên nhiều bình diện, ca Huế có giá trị tiêu biểu, nổi bật không chỉ ở trong phạm vi quốc gia hay khu vực. Vì vậy, ca Huế hoàn toàn xứng đáng được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhận loại.
“Việc xây dựng hồ sơ ca Huế đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại có khá nhiều thuận lợi, bởi di sản này đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia của Việt Nam. Hồ sơ tư liệu về ca Huế rất phong phú, nếu được đầu tư xây dựng tốt sẽ có tính thuyết phục rất cao. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều kinh nghiệm xây dựng hồ sơ, do đã thực hiện thành công không ít hồ sơ di sản trước đó” - ông Hải phát biểu. (Laodong.vn 20/11)
XÃ HỘI
1. Đường khởi nghiệp của doanh nhân khoác áo lính
“Nếu không có những tháng ngày được tôi luyện trong quân ngũ, hẳn không thể có tôi của ngày hôm nay”. Người doanh nhân từng khoác áo lính Hoàng Ngọc Gia (SN 1979, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh, trụ sở tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ khi kể về chặng đường khởi nghiệp gian khó mình từng đi qua.
Trong những tháng ngày vào Nam làm thuê, sống cùng khổ nơi các lán trại, Hoàng Ngọc Gia luôn tự hỏi: “Tại sao mình không thể thoát nghèo?”, “Tại sao mình không thể làm chủ?”. Hành trình chàng trai ấy đi tìm lời giải đáp cho bản thân, cũng chính là hành trình anh gian nan khởi nghiệp.
Bằng ý chí, khát khao làm giàu, người thanh niên bước ra từ ruộng lúa đã “vượt vũ môn”, trở thành một trong những gương mặt doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công nhất ở đất Cố đô.
Bây giờ, nhiều người biết đến anh trong hình ảnh sáng chói của một doanh nhân trẻ thành công nhất nhì xứ Huế. Công ty do anh làm chủ mỗi năm doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhưng mấy ai biết, những ngày đầu khởi nghiệp, số vốn anh có trong tay chỉ vỏn vẹn 1,8 triệu đồng nhận được ngày xuất ngũ.
“Chưa học hết cấp ba tôi đã phải bỏ học. Thanh xuân của tôi là những tháng ngày oằn mình theo các công trình rong ruổi khắp miền Nam làm thuê làm mướn. Ngày nắng cháy da. Đêm làm mồi cho muỗi đốt ở các lán trại bên công trình. Tôi luôn tự hỏi, tại sao người ta làm chủ, còn mình lại đi làm thuê? Mình thua họ ở điểm nào?”, Gia chia sẻ.
Vừa làm thuê, vừa học cách làm chủ. Sau mấy năm bôn ba nơi đất khách quê người, lưng vốn kiến thức, kinh nghiệm đã kha khá, Hoàng Ngọc Gia quyết định trở về quê hương, thực hiện những dự định, hoài bão của riêng mình. Thế nhưng, vừa về quê, anh lại được triệu tập lên đường nhập ngũ. Một “cơ duyên” tốt để người thanh niên đang hừng hực “cháy” ngọn lửa khát vọng, rèn giũa, tôi luyện ý chí. Vậy là lên đường!
“Nếu không có những tháng ngày được tôi luyện trong quân ngũ, hẳn không thể có tôi của ngày hôm nay”, anh chia sẻ. Hành trang anh mang theo khi xuất ngũ chính là cách vượt qua gian khổ, vượt lên chính mình trong những đêm rét buốt hành quân hay những ngày nắng cháy thao trường. Những kỹ năng sống mà không một ngôi trường nào có thể đào tạo được.
Và những lời căn dặn từ tâm can của người lữ đoàn trưởng hôm làm lễ ra quân, mà suốt 17 năm qua anh vẫn ghi nhớ trong lòng. Đó là, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống và vươn lên bằng trách nhiệm, ý chí, sự can trường của người lính.
Số tiền 1,8 triệu đồng nhận được ngày ra quân là vốn mà Gia bắt đầu cuộc sống mới. Ngày ấy, một bộ đồ nghề cơ khí có giá những 5 triệu đồng. Gia mua 1 cái máy tiện 1,2 triệu đồng, coi như “bay” mất 2/3 vốn liếng. Nhưng không sao, với anh, để thành công, phải nghĩ lớn, nhưng làm từ những điều nhỏ nhất. Có máy tiện, anh bắt đầu sự nghiệp “làm ông chủ” của mình.
“Lúc đó, với nghề cơ khí của tôi, nếu đi làm thuê, lương mỗi tháng cũng được 700 ngàn đồng. Nếu tự làm, mỗi tháng kiếm chưa được một nửa số tiền đó. Nhưng vì khát khao tự làm chủ, vươn lên làm giàu, tôi không thể mãi đi làm thuê cho người khác”, doanh nhân Hoàng Ngọc Gia chia sẻ.
Loay hoay mấy năm trời vẫn không thành công. Có đôi lúc cũng sờn lòng, nản chí, nhưng rồi anh lại nhanh chóng xốc lại tinh thần, tiếp tục đúc kết kinh nghiệm, đi về phía trước. Anh luôn tâm niệm, “không có lĩnh vực nào khó. Khó là do suy nghĩ của mỗi người”. Năm 2007, anh chính thức thành lập công ty sản xuất tôn.
Ngày đầu công ty thành lập, bài toán khó nhất chính là thiếu vốn để mua máy móc. Một máy cán tôn lúc bấy giờ có giá 500 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với một người trẻ mới khởi nghiệp như Gia. Cơ hội đến khi anh biết có người muốn bán một máy cán tôn cũ với giá 200 triệu đồng. Gom góp hết tất cả tiền bạc, anh cũng chỉ có được hơn trăm triệu.
Tìm đến ông chủ kia thương lượng, muốn mua lại máy và xin được trả tiền thành 2 đợt, nhưng không được chấp thuận. Lại vắt óc nghĩ cách. Sau khi “tương kế tựu kế”, anh lại tìm đến ông chủ kia, muốn mua trước… một nửa cái máy. Thuyết phục được người bán máy, anh mừng rỡ chở một nửa máy cán tôn về xưởng, sau đó mua tiếp tục xoay tiền mua tiếp nửa cái máy còn lại.
Sau khi có máy móc, những hợp đồng cung cấp tôn vì thế cũng được ký kết dễ dàng hơn. Khách hàng tìm đến với tôn Bảo Khánh ngày càng nhiều. Nhận thấy việc vận chuyển xa vừa tốn kém, có khi còn khiến tôn bị trầy xước, Gia lại nảy ra ý tưởng mỗi huyện mở một nhà máy sản xuất. Để mở 1 nhà máy, cần phải có 2 tỷ tiền vốn. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp mới ra đời.
“Muốn mở xưởng sản xuất, khâu thăm dò thị trường là quan trọng nhất. Tôi thuê đất, dựng xưởng. Thuê một nhân viên đóng đô ở “xưởng” để đón tiếp khách hàng. Khách hàng tìm đến, thấy nhà xưởng trống trơn đều rất bất ngờ.
Nhân viên công ty giải thích, đang chờ máy móc chuyển đến để lắp ráp. Khi nhận thấy lượng khách hàng tìm đến nhiều, vậy là tôi mạnh dạn vay vốn, mua máy móc mở xưởng. Nếu không có tiềm năng, tôi chỉ lỗ tiền thuê đất dựng xưởng, tốn tiền trả công 1 nhân viên”, doanh nhân Hoàng Ngọc Gia chia sẻ.
Với lối tư duy đó và mạnh dạn triển khai, chỉ trong vòng 2 năm, anh đã mở được 6 nhà máy. Đến nay, tôn Bảo Khánh đã có 14 nhà máy sản xuất tôn.
Từ việc kinh doanh những mặt hàng sắt thép đơn thuần, đến nay công ty do anh làm chủ đã có những siêu thị bán hàng trăm mặt hàng đa cấp như siêu thị gạch men, siêu thị đồ gỗ… Từ việc mua đi bán lại đơn thuần thuở mới chào đời, công ty đã tự sản xuất các loại sản phẩm từ sắt thép có chất lượng cao như các loại cửa cuốn, cửa kéo, các vật liệu xây dựng bằng kim khí như sắt thép, xà gồ, tôn lợp mái…
Đổi mới hoặc động kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm cung ứng tôi chưa đủ, hai năm trở lại đây, Hoàng Ngọc Gia đã mạnh dạn mở rộng đầu tư vào thành phố Đà Nẵng trên lĩnh vực dịch vụ - du lịch.
Hiện tại, khách sạn Ana Maison và nhà hàng Bảo Khánh (tọa lạc tại Đà Nẵng) đã đi vào hoạt động ổn định. Trong thời gian tới, Hòang Ngọc Gia dự định mở rộng thị trường, tiến tới xây dựng thêm chuỗi nhà hàng, khách sạn mang thương hiệu Bảo Khánh trên đất cố đô.
Năm 2016, Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh vinh dự được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng danh hiệu là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của năm. Hoàng Ngọc Gia còn vinh dự được Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Sao đỏ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015.
Ngoài ra, doanh nhân Hoàng Ngọc Gia và Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh cũng vinh dự nhận nhiều bằng khen từ Trung ương đến địa phương. (Baophapluat.vn 20/11; Pháp Luật Việt Nam 20/11, tr7)
2. Trao 50 suất quà đến các thầy, cô giáo có hoàn cảnh khó khăn
Sáng 19/11, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức lễ gặp mặt và trao quà cho 50 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Đây là những giáo viên đang dạy học từ bậc mầm non đến bậc THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng tiền mặt, tổng giá trị đợt trao này 50 triệu đồng. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đã gửi lời tri ân, cảm ơn đến các thầy cô giáo, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn vượt qua, bám trụ với nghề nghiệp, một lòng dành cho sự nghiệp giáo dục.
Phần quà này tuy không lớn, nhưng thể hiện sự quan tâm, tình nghĩa mà xã hội, các cấp ngành luôn hướng về các thầy cô. “Tôi mong rằng các thầy cô sẽ vượt qua được nhiều mặt khó khăn của đời sống, để theo đuổi với đam mê nghề nghiệp”, ông Mễ chia sẻ. (Baothuathienhue.com.vn 19/11; Sài gòn giải phóng 20/11, tr2)
3. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát động xây dựng Quỹ vì người nghèo
Hưởng ứng thư kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, sáng 18/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phát động xây dựng Quỹ vì người nghèo nhằm hỗ trợ cho các hộ nghèo thuộc Dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, Kinh thành Huế nhân dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Sau lời kêu gọị của Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Võ Lê Nhật, đông đảo cán bộ, viên chức và người lao động đang làm việc tại Trung tâm, các đơn vị đối tác của Trung tâm, du khách trong và ngoài nước đã đóng góp được gần 242 triệu đồng. Trong đó, du khách ủng hộ hơn 7 triệu đồng.
Số tiền này cùng với số tiền quyên góp được đến hết ngày 23/11/2019, Trung tâm sẽ chuyển đến Quỹ "Vì người nghèo" Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế trao cho các hộ nghèo thuộc Dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, Kinh thành Huế có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống xây dựng nơi ở mới. (Baophapluat.vn 19/11)
4. Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999", kỳ cuối: Hồi sinh từ bùn lầy
"Đại hồng thủy 1999" đi qua, nhưng thiệt hại mà nó để lại cho Thừa Thiên Huế là cực kỳ nghiêm trọng, hơn tất cả thiên tai từng ghi nhận trước đó. Những bài học lớn trong công tác phòng chống thiên tai đã được rút ra. Từ đống bùn lầy, đổ nát, Huế đã biết biến đau thương thành hành động, có một cuộc "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
Sau trận lũ lịch sử 1999, so với các địa phương, Thừa Thiên Huế là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trận lũ này đã xô ngã hàng trăm công trình kiên cố, tấn công hàng vạn nhà dân, tàn phá nhiều điểm dân cư. Nhiều hạng mục quan trọng của Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng bị ngập, hư hại. Tài sản tích lũy của tất cả các ngành bị tàn phá hết sức nặng nề, làm chậm tốc độ phát triển của tỉnh trong nhiều năm.
Gần 2.000 tỉ đồng, con số tổng thiệt hại (thời giá 1999) trong khi GDP toàn tỉnh năm đó chỉ 1.977 tỉ đồng không thể phản ánh hết được quy mô, tầm vóc tàn phá của thiên nhiên và nỗi kinh hoàng mà người dân Thừa Thiên Huế phải hứng chịu.
Sau lũ, từ đầu đến cuối tỉnh ngổn ngang như một công trường lớn, bùn đất khắp nơi, các làng quê xơ xác, cảnh tượng tan hoang… Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, các đường nội thị ở Huế và vùng phụ cận lượng bùn đất đọng dày trên mặt đường từ 0,3-0,7m. Chỉ riêng thành phố Huế, lượng bùn đất ước chừng trên 500.000m3. Công cuộc tái thiết sau lũ là một hành trình gian nan với một núi công việc cần phải giải quyết. Nhưng vấn đề cần được ưu tiên trước mắt là phải sớm đảm bảo an sinh cho người dân.
Công tác khắc phục sau lũ, ổn định cuộc sống của người dân sớm được Thừa Thiên Huế triển khai bằng sức mạnh tổng hợp.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Đảng và Nhà nước, sự chi viện của các Bộ ngành trung ương, chi viện của đồng bào chiến sĩ cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị khẩn trương khắc phục hậu quả. Mệnh lệnh "Không để bất cứ một người dân nào chết vì đói, rét, nơi nào để xảy ra tình trạng đó thì tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm" được đưa ra tại Hội nghị bất thường được Tỉnh ủy tổ chức ngay sau đó đã thể hiện quyết tâm cao của toàn tỉnh.
Trong những ngày lũ lụt, nhân dân cả nước hướng về miền Trung trong đó có Thừa Thiên Huế cùng chia sẻ những đau thương, mất mát. Rất nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, Hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế,.. đã gửi thư, tiền, hàng hóa về cứu trợ. Cá nhân các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành cũng trực tiếp về thăm hỏi, động viên tiếp thêm sức mạnh để bà con vùng lũ vượt qua khó khăn ban đầu.
Bằng sức mạnh tổng hợp, Thừa Thiên Huế đã thay đổi một cách kỳ diệu. Từ trong đau thương, mất mát đã vượt lên thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, tổ chức tốt cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, năm 2000, tỉnh đã tổ chức thành công kỳ Festival quốc tế đầu tiên, tạo được tiếng vang lớn trong và ngoài nước, mặc dù vừa mới trải qua trận lũ lịch sử.
20 năm sau lũ, công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, mở mang hạ tầng kỹ thuật đã đem lại cho Thừa Thiên Huế những thành quả to lớn. Những làng quê xơ xác sau lũ đã thực sự hồi sinh từ đống đổ nát, bùn lầy.
Làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), ngôi làng được lập mới sau khi 64 hộ dân làng Hải Thành bị lũ cuốn trôi ra biển là một ví dụ thực tế cho sức mạnh, ý chí kiên cường, khát vọng vươn lên của người dân sau cơn "đại hồng thủy". Vượt qua những mất mát, đau thương những ngày đầu, cuộc sống người dân làng Rồng hôm nay đã khởi sắc với những ngôi nhà mới vươn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đầy đủ.
Bà Dương Sanh Cúc, người dân làng Rồng vui mừng chia sẻ: "Thiên tai là thế, mất mát nhiều nhưng rồi cũng phải đứng dậy để mà tiếp tục sống và vươn lên. Từ ngày về nơi ở mới, cuộc sống dân làng sau lũ dần ổn định với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ. Đến nay nhiều hộ gia đình cũng có kinh tế khá vững vàng, con cái được học hành đầy đủ".
Bên cạnh những mất mát, trận lũ lịch sử 1999 đi qua cũng để lại cho Thừa Thiên Huế nhiều bài học kinh nghiệm về đấu tranh phòng chống thiên tai. Đó là bài học về phát huy sức mạnh của quốc gia, của địa phương; sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự chung tay đoàn kết của của bạn bè quốc tế để giải quyết được một khối lượng công việc khổng lồ trong tình hình hết sức phức tạp.
Đặc biệt, đó là bài học về việc phát huy tinh thần, trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ để xử lý khẩn cấp các tình huống ngay những lúc nguy cấp chưa được chi viện kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế còn phát huy hiệu quả thêm phương châm "tự quản tại chỗ". Điều này có thể thấy ngay từ trong những diễn biến của trận lũ lịch sử năm 1999, nếu không vận dụng tốt thì con số thiệt hại có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, sau lũ lịch sử 1999, những bài học đúc rút được không chỉ có giá trị đối với tỉnh mà còn góp phần vào xây dựng các chính sách, giải pháp trong các chương trình quốc gia, quốc tế về ngăn chặn và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa từ những hiện tượng cực đoan về thời tiết và biến đổi khí hậu.
Cùng với việc rút ra những bài học kinh nghiệm, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông sau lũ lịch sử cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn. Đến nay, tỉnh cũng hoàn thành cơ bản xây dựng, kiên cố hóa trụ sở UBND các cấp, các công trình trường học, bệnh viện, nhà sinh hoạt cộng đồng… để vừa là nơi làm việc, vừa là địa điểm sơ tán nhân dân khi xảy ra thiên tai. Cư dân các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được di dời, tái định cư nơi cao ráo, an toàn.
Đối với công tác phòng chống thiên tai, về cơ bản tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, không còn mang tính chủ quan như trước. Điều này có thể thấy rõ qua việc đưa vào đời sống nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành, cảnh báo, dự báo thiên tai. Đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại. Hiện đã có 60 tháp báo lũ được trải đều trên địa bàn các huyện. (Toquoc,vn 20/11)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn thăm các trường
Chiều 19/11, ông Cái Vĩnh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chúc mừng tập thể giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Huế và cơ sở Học viện Hành chính khu vực miền Trung nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của thầy và trò nhà trường; đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng thời gian tới, đội ngũ giáo viên các trường sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục. Ông Cái Vĩnh Tuấn đề nghị các trường năng động hơn, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, xây dựng thương hiệu của trường, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh.
Tại các điểm đến, lãnh đạo nhà trường bày tỏ quyết tâm vượt qua khó khăn, tìm nhiều biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục đơn vị. (Baothuathienhue.vn 19/11)
2. Người thầy 14 năm đến lớp trên xe ba bánh
Người thầy đặc biệt này là thầy Trần Công Đông (35 tuổi, ngụ tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Suốt 14 năm qua ngày nào người dân thôn Hiền Sĩ cũng thấy hình ảnh người đàn ông đi chiếc xe 3 bánh miệt mài vượt 20km để đến với lớp dạy nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ cho các em khuyết tật.
Anh Đông sinh ra trong gia đình có sáu anh chị em, có cha là thương binh. Năm lên 2 tuổi, sau trận sốt thập tử nhất sinh kéo dài, Đông bị biến chứng teo cơ liệt nửa người. Cha mẹ bán hết lúa gạo trong nhà để chạy chữa vẫn không khỏi, Đông bị teo một chân từ đó.
Từ nhỏ Đông đã chịu nhiều thiệt thòi vì đôi chân không thể đi được bình thường. “Năm học tiểu học, do không thể tự đạp xe nên tôi được người thầy giáo tận tụy ngày ngày chở đến lớp. Tôi nhớ lại, nhiều lúc cũng mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết của mình, nhìn bạn bè ngoài sân chơi đùa còn mình cứ ngồi mãi một chỗ, lắm lúc có bạn ác ý trêu “bại”, “què” là y rằng hôm đó về khóc ướt gối. Lớn lên, suy nghĩ dần khác đi, mình phải sống cho thật tốt thì cuộc sống sẽ tốt với mình, có buồn phiền, mặc cảm thì cũng không thể thay đổi được số phận”, thầy Đông hồi ức.
Sau nhiều năm cố gắng trên ghế nhà trường, học hết phổ thông, chàng trai xin học nghề tại một trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Tìm được nghề đúng với sở trường đam mê, lại thêm năng khiếu mỹ thuật thiên bẩm, Đông học rất nhanh.
Thầy Đông nhớ lại: “Cha là người đã truyền động lực sống, truyền ý chí vươn lên cho tôi rất nhiều. Ông là thương binh, nhiều thương tích, một mắt mù, một mắt mờ, cụt cả hai tay, trên người chằng chịt vết sẹo lớn nhỏ. Vậy nhưng ông là người lạc quan mạnh mẽ, luôn cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, vượt lên mọi nghịch cảnh”.
Vì vậy mà chàng trai càng quyết chí học hành để không phụ lòng người cha. Anh học rất nhanh và được đưa đi thi bàn tay vàng ở Hà Nội, nhận danh hiệu nghệ nhân năm 2013. Sau ba năm, Đông tốt nghiệp nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ loại giỏi và học thêm về nghiệp vụ sư phạm, được giữ lại trung tâm để đứng lớp.
Những học viên tại lớp của thầy Đông chủ yếu là các thanh niên khuyết tật, câm điếc, một số bị thiểu năng trí tuệ; nhưng không vì thế mà thầy trò không tìm thấy được sự “đồng điệu” từ nhau. Trong lớp học, ngoài những tiếng đục đẽo miệt mài của học viên vang lên lóc cóc, luôn có tiếng cười của thầy và trò.
Việc dạy và học với người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn. “Mỗi em bị một khuyết tật khác nhau nên việc để các em hòa nhập là điều khó nhất. Với các em bị khuyết tật ở chân, việc đứng lâu để đục đẽo sẽ khá khó khăn; các em bị câm điếc thì không thể giảng giải mà cần phải ra dấu; nhiều em khó kiểm soát được hành động của bản thân. Việc dạy các em cũng giống như phải làm bạn với các em để các em dễ hòa nhập và không bị tự ti”, thầy Đông cho hay.
Những học viên khuyết tật thường dễ nổi giận, đập phá đồ đạc, người ngồi học, người lại đập phá, hét to. Những lúc như vậy, thầy giáo thường tìm cách “hạ hỏa”, chia sẻ, vỗ về giúp các em trở lại bình thường.
Trong lớp học, bên tiếng lóc cóc đục đẽo những bức phù điêu tinh xảo là tiếng lộc cộc từ đôi nạng của thầy tới chỗ ngồi từng học viên, tận tình hướng dẫn, chỉnh sửa, nắn nót từng nét trên các thớ gỗ. Từ những thanh gỗ không hình hài, các học viên dần biến thành tranh long lân quy phụng hay những bức tượng tinh xảo.
“Học ở đây em thấy rất vui, được thỏa sức làm những sản phẩm mà mình thích, được cùng các bạn vui đùa, làm việc. Thầy Đông hay pha trò chọc cười để bớt mệt, chỉ bảo rất tận tình và thương chúng em lắm”, học viên Nguyễn Minh Quân (18 tuổi) chia sẻ.
Thầy Đông cười: “Thấy các em vui thì mình cũng vui. Mỗi khi mệt mỏi, tôi lên lớp, được gặp học viên, nhìn các em với những hành động dễ thương là lại thấy mình vui lây. Hay những lúc nhận được cuộc điện thoại đã tìm được việc hay mở được cửa hàng riêng từ những học viên đã ra nghề, lúc đó mình lại hết mệt ngay”.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận xét: “Thầy Đông không chỉ có trình độ mà còn là một người thầy tâm huyết và rất chịu khó, nhiều năm qua đã tạo ra nhiều thành tích cho cá nhân nói riêng và trung tâm nói chung. Sự tâm huyết với nghề, tận tụy hết lòng với học trò đã giúp nhiều lớp học viên hòa nhập với cuộc sống, ra nghề và có cuộc sống ổn định”.
Nhiều năm qua, người thầy giáo khuyết tật yêu nghề không kể nắng mưa cứ ngày ngày miệt mài sáng đi tối về 40km. Thầy Đông đã được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích vượt khó vươn lên trong lao động học tập, có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi. (Baophapluat.vn 20/11)
3. Tận thấy nơi cô giáo “kể khổ” với Chủ tịch tỉnh việc học dưới gầm cầu thang
Trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) giữa Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế và cán bộ, giáo viên ngành mầm non, một cô giáo đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn chính quyền tỉnh đầu tư cải thiện điều kiện trường lớp, do có nhiều trẻ mẫu giáo nơi cô giáo này giảng dạy phải học dưới gầm cầu thang, học lớp ghép lên đến 60 cháu, trẻ thường phải ăn cơm trưa ngoài sân… vì cơ sở vật chất thiếu thốn.
Mới đây, PV Tiền Phong đã trực tiếp về vùng núi Phong Sơn (huyện Phong Điền, TT-Huế) để ghi lại những hình ảnh trường lớp khó khăn, trẻ mầm non phải học tạm dưới gầm cầu thang theo như thông tin mà cô giáo từng chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, cô trò phải dạy, học dưới gầm cầu thang, một phòng học phải ghép hai lớp lên đến 60 cháu (gấp đôi sĩ số một lớp mầm non thông thường), trẻ phải thường xuyên sinh hoạt, ăn cơm ngoài sân… đang là thực trạng đáng buồn tại Trường mầm non Phong Sơn 1 (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).
Toàn trường có 150 cháu mầm non, với 6 lớp nhưng chỉ có… 4 phòng học. Trường xây dựng từ năm 2008, quy mô hai tầng, nhưng đã trở nên lạc hậu. Những năm trước, trường có một cơ sở lẻ tại thôn Phổ Lại. Tuy nhiên, do phòng học nơi đây xuống cấp nghiêm trọng, thiếu an toàn nên cơ sở lẻ buộc phải đóng cửa từ 1 năm trước. Từ đó, trẻ em trên địa bàn dồn hết về cơ sở chính đóng tại thôn Sơn Quả (xã Phong Sơn).
Bước vào năm học 2019-2020, trong lúc trường chỉ còn một cơ sở thì lượng trẻ huy động vào mầm non lại tăng, dẫn đến tình trạng quá tải phòng ốc. Sau nhiều tháng phải học dồn hai lớp hơn 60 cháu vào 1 phòng hẹp, kể từ đầu tháng 11 đến nay, Trường mầm non Phong Sơn 1 nảy ra “sáng kiến” tách 11 cháu 1 tuổi từ phòng ghép này ra học riêng dưới gầm cầu thang của trường để “giảm tải”.
Tại đây, trường đã bố trí sạp nằm, tiến hành tô vẽ, trang trí lại gầm cầu thang trở nên tươi sáng hơn để làm thành một lớp học “dã chiến”.
Do thiếu ánh sáng, chật chội, trẻ hay quấy khóc khi học ở gầm cầu thang, nên 11 cháu bé này thường xuyên được các cô giáo đưa ra sân để dạy dỗ và tổ chức vui chơi trong giờ học.
Trẻ phải thường xuyên ra ăn cơm ở sân trường vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn của trường
Cô Trần Thị Lanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Sơn 1, rơm rớm nước mắt cho biết: “Thương các cháu lắm! Nhà trường đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn rất khó khăn và không biết xoay xở cách nào khả dĩ hơn nữa. Mong cấp trên quan tâm và tạo điều kiện để trường có thêm phòng ốc cho các cháu được học trong một môi trường tốt hơn”.
Được biết, tại buổi gặp mặt hôm 17/11 giữa ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, với hơn 400 cán bộ, giáo viên mầm non toàn tỉnh, cô Trần Thị Lanh cũng đã thẳng thắn chia sẻ ý kiến này, cũng như về chính sách về tình trạng giáo viên mầm non phải làm việc 10 tiếng/ngày đến người đứng đầu chính quyền tỉnh. Ý kiến của cô Lanh đã được Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý. (Tienphong.vn 19/11)
4. Trăm nghìn lời tri ân sẽ chẳng bao giờ là đủ…
“Hàng trăm, hàng nghìn lời cảm ơn, lời tri ân cho thầy cô sẽ chẳng bao giờ là đủ. Tôi mong cô luôn khỏe để luôn đồng hành cùng các em học sinh thân yêu bước
Giữa không khí nhiều cơ sở giáo dục phát đi thông báo không nhận quà trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có một “món quà” rất riêng mà khiến nhiều giáo viên được động viên, khích lệ rất nhiều.
Đó chính là sự lắng nghe và những lời động viên chân thành- Lãnh đạo trực tiếp đến tận nơi thăm hỏi, động viên và lắng nghe những trải lòng, những tâm tư trên hành trình trồng người của các giáo viên đang ngày đêm gieo mầm con chữ. Trong đó có cô Nguyễn Thị Hồng, một người 18 năm qua đã tình nguyện mở một lớp học để dạy cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Hương Sơn (TP.Huế).
Trong không khí ngày Nhà Nhà giáo Việt Nam cận kề, người phụ nữ đầy tình thương học trò này đã không giấu nổi sự xúc động khi được Chủ tịch tỉnh đến tận nơi động viên, chia sẻ.
Trước sự chăm ngoan, vui tươi và lễ phép của các em học sinh trong lớp cô Hồng, ông Phan Ngọc Thọ cảm động nói, xã hội rất cần những tấm gương vượt khó để cống hiến như cô Hồng, chính từ tấm lòng của cô đã giúp cho nhiều học sinh nghèo không phải bị mù chữ, có những kiến thức văn hóa cơ bản để làm hành trang bước vào đời.
Tại trường Chuyên biệt tương lai thuộc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi nhận nuôi dạy bán trú trên 50 cháu khuyết tật mỗi năm, đoàn lãnh đạo do Chủ tịch tỉnh này dẫn đầu cũng đã tìm về thăm hỏi động viên các giáo viên của Trung tâm.
Tại buổi nói chuyện, những niềm vui nhỏ được các cô giáo dạy trẻ khuyết tật ở đây chia sẻ như học sinh tự đút được cơm ăn, viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết…thật sự đã khiến nhiều người đi trong đoàn xúc động, rưng nước mắt.
Đặc biệt, khi đến thăm lớp học tình thương ban đêm ở phường Kim Long (TP.Huế) của cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh, mọi người trong đoàn ai cũng khâm phục tấm lòng của cô Hạnh khi biết cô đã mở lớp học miễn phí này hơn 30 năm nay. Được biết, học sinh ở đây đa số thuộc gia đình khó khăn, ban ngày phụ gia đình làm việc để có thêm thu nhập, buổi tối mới đến với lớp học tình thương của cô Hạnh để được học đọc, học viết.
Thay mặt tỉnh nhà, ông Phan Ngọc Thọ đã gửi lời cám ơn tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cô Hạnh vì đã giúp đỡ cho nhiều học sinh trên địa bàn được đến lớp, được biết chữ. “Chính cô Hạnh là người đã góp phần để các em khi lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội, chúc cô có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa này”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế xúc động chia sẻ.
Trước đó một ngày, đoàn lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng tổ chức một buổi gặp mặt nhằm tri ân những đóng góp của đội ngũ giáo viên toàn tỉnh nói chung và giáo viên mầm non nói riêng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.
Tại buổi gặp mặt, các thế hệ giáo viên mầm non đã bày tỏ cảm xúc trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với sự nghiệp trồng người của quê hương.
Ngoài việc đánh giá cao sự quan tâm không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp cho bậc mầm non, nhất là ở vùng miền núi, vùng khó khăn cùng các chế độ chính sách của tỉnh dành riêng cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhiều giáo viên cũng chia sẻ, trước nhu cầu giáo dục mới thì hệ thống cơ sở vật chất của giáo dục mầm non toàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu đưa con em đến trường học của người dân. Hay tại các vùng khó khăn, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, các công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn chưa được đầu tư đúng quy chuẩn; trang thiết bị dạy và học nhóm lớp dưới 5 tuổi chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Một số trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn chưa có nguồn nước sạch cho trẻ dùng hàng ngày; nhân viên y tế, cấp dưỡng nhiều nơi còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc, mức lương thấp, không ổn định khó khăn cho cuộc sống…
Trước những chia sẻ này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, đều rất xác đáng và xuất phát từ thực tế, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có những đề án và hỗ trợ kịp thời.
Phát biểu tại buổi gặp mặt này, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế nói, phát triển giáo dục Huế là trên nền tảng lấy giáo dục đạo đức nhân cách làm thước đo cho phát triển bền vững; lấy văn hóa truyền thống, nhân văn làm điểm tựa, là bệ phóng để trên cơ sở đó đầu tư thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo hướng tiên tiến, hiện đại và khai phóng; xây dựng trường học kiểu mẫu với các tiêu chí của tiêu chuẩn trường học xanh, trường học, thông minh và trường học hạnh phúc.
“Với giáo dục mầm non, đây chính là một bậc học rất quan trọng, nhằm hình thành và phát triển những kỷ năng đầu tiên cho trẻ; quyết định rất lớn về phát triển thể lực, trí lực cũng như phát triển các tố chất đặc biệt cho quá trình phát triển sau này của trẻ. Bậc học này là nền móng để tương lai đào tạo thành công nguồn nhân tài, nhân lực chất lượng cao xứng tầm với truyền thống vùng đất hiếu học và để thực hiện giấc mơ Huế”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh. (Nguoiduatin.vn 19/11)
XÂY DỰNG
1. Thừa Thiên Huế: Vì đâu Trung tâm VHTT Thuận An chậm tiến độ, xuống cấp?
Dự án Trung tâm Văn hóa thể thao (VHTT) Thuận An giai đoạn 1 (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có vốn đầu tư từ ngân sách lên đến hơn 20 tỷ đồng chậm hoàn thành, xuống cấp nhưng bất ngờ đưa vào sử dụng khi chưa nghiệm thu, đang được dư luận địa phương rất quan tâm. Phương án giải quyết những tồn tại ra sao, trách nhiệm của các đơn vị liên quan là những vấn đề người dân mong mõi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời.
Như Báo điện tử Ngày mới (Báo Người cao tuổi) đã thông tin: Dự án Trung tâm VHTT Thuận An, được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 31/10/2012, với tổng mức đầu tư 21.494.000.000 đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách huyện và huy động hợp pháp khác. Dự án được giao Ban đầu tư xây dựng (nay là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực) huyện Phú Vang làm Chủ đầu tư. Do 3 doanh nghiệp trúng thầu thi công gồm: Công ty TNHH Hùng Hậu, Công ty CP Kinh doanh nhà Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH Tuấn Hùng, giá trị hợp đồng là 16.035 triệu đồng. Lũy kế nguồn vốn ngân sách tỉnh đã được bố trí đến nay là 19,5 tỷ đồng.
Mặc dù khởi công từ tháng 7/2013, thế nhưng dự án này thi công chậm tiến độ. Sau nhiều năm khối lượng thực hiện dự án mới đạt khoảng 95%, giải ngân thanh toán 18.842.154.000 đồng, trong đó thanh toán chi phí xây lắp 15.627.000.000 đồng (đạt 94% giá trị hợp đồng).
Liên quan đến dự án Trung tâm VHTT Thuận An, Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Ngày 23/8/2017, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký Quyết định số 1899/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài đến 31/12/2017. Hết thời hạn thực hiện dự án là 21 tháng nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án thi công kéo dài, chậm hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng một số hạng mục như báo chí phản ánh trong thời gian qua. Hiện tại chủ đầu tư đã làm việc với các nhà thầu và đang tổ chức triển khai thi công trở lại, đồng thời xử lý, khắc phục những hư hỏng, xuống cấp một số hạng mục để kịp hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Về một số vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện dự án, Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế thông tin: Theo báo cáo của Chủ đầu tư, nguyên nhân do năng lực đơn vị thi công, nguồn vật liệu cát khai thác để đắp đất san nền và nguồn cỏ địa phương trồng mặt sân khan hiếm; trượt giá nhân công, vật liệu xây dựng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Ngoài ra, công trình xây dựng ở khu vực bị nhiễm mặn và chịu ảnh hưởng của hơi nước mặn, thời tiết nắng hạn kéo dài nên việc trồng, chăm sóc mặt cỏ sân bóng chưa thể thực hiện được; một số cấu kiện do lớp bê tông bảo vệ mỏng bị bong rộp; tường xây gạch block bị co ngót, nứt nẻ.
Mặc dù chưa thực hiện các thủ tục về nghiệm thu, nhưng sáng 20/8/2019, các công trình thuộc dự án này đã được đưa vào sử dụng bất chấp quy định của pháp luật, bỏ qua an toàn của cộng đồng.
Được biết, ngày 12/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan làm việc với UBND huyện Phú Vang; Chủ đầu tư; đơn vị thi công để rà soát quá trình thực hiện dự án, xem xét, giải quyết những tồn tại, khó khăn vướng mắc, đồng thời xử lý những sai phạm liên quan (nếu có); yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Vang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, điều hành làm kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Tỉnh, ngày 12/9/2019, Sở KH&ĐT đã có Công văn gửi đến UBND huyện Phú Vang và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Vang, yêu cầu: Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Vang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm báo cáo, đề xuất phương án xử lý làm kéo dài thời gian thực hiện ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đầu tư dự án; Đề nghị UBND huyện Phú Vang chỉ đạo rà soát lại toàn bộ công việc, giá trị còn lại tương ứng chưa triển khai thực hiện của dự án để làm việc cụ thể với các nhà thầu có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện. Dự kiến thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng gửi Sở KH&ĐT xem xét trước ngày 20/9/2019, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, UBND huyện Phú Vang và chủ đầu tư đã chậm báo cáo sự việc. (Ngaymoionline.com.vn 17/11)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Hoàn tất việc thảm mặt đường Quốc lộ 49B
Ngày 19/11, Công ty cổ phần Đường bộ I cho biết, đã cơ bản hoàn thành, thảm xong phần mặt đường bằng bê tông nhựa Quốc lộ 49B đoạn qua xã Vinh Xuân (Phú Vang).
Nhiều ngày nay, người dân phản ánh, tuyến Quốc lộ 49B đi qua địa bàn xã Vinh Xuân chỉ mới hoàn thành việc đổ cấp phối đá dăm, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ trâu” gây mất an toàn giao thông trên tuyến. Vào những ngày mưa, mặt đường đoạn tuyến thi công xuất hiện nhiều hố đọng nước nham nhở, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khi lưu thông qua khu vực này.
Ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Quản lý giao thông- Công ty cổ phần Đường bộ I cho biết, việc thi công công trình bị gián đoạn do thời tiết mưa ráo nhưng đến nay, công trình hiện đang hoàn thiện phần lề đường để nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.
Công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và lề đường các đoạn Km68+000- Km69+550 và Km70+700 - Km73+500 Quốc lộ 49B qua địa bàn xã Vinh Xuân với tổng mức đầu tư gần 11,4 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì đường bộ bổ sung của Bộ GTVT. Kết cấu mặt đường cũ và mới được bù vênh cấp phối đá dăm và thảm nhựa hạt trung dày 5cm. Sau khi hoàn thành, nền đường được nâng cấp rộng 6,5m, mặt đường rộng 5,5m.
Trước đó, buổi tiếp xúc cử tri 3 xã Vinh Thanh, Vinh Xuân và Vinh An (huyện Phú Vang) các ý kiến cử tri đã phản ánh việc thi công tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Vinh Xuân xuất hiện nhiều điểm bị đọng nước mỗi khi có mưa lớn, mặt đường ghồ ghề nhiều ổ gà gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt và tham gia giao thông. (Baothuathienhue.vn 19/11)
2. Di sản văn hóa - du lịch góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia
Di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc.
Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước, qua nhiều thời kỳ lịch sử, cùng với đó là lớp lớp di sản của các nền văn hóa được hình thành, phát triển. Đất nước ta cũng được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan, di sản có giá trị. Chính những di sản văn hóa, thiên nhiên đã góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch đến nước ta.
Quần thể Di tích Cố đô Huế là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trên hành trình khám phá di sản miền Trung. Theo thống kê, năm 2018 đã có khoảng 3,5 triệu lượt khách đã đến tham quan các điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế. (Baotintuc.vn 20/11; TTXVN 20/11)
3. Đẩy nhanh tiến độ thi công nút giao thông Đàn Nam Giao
Đó là một trong trong những kiến nghị gửi Đoàn Đại biểu HĐND tỉnh và TP. Huế (UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu làm trưởng đoàn) tại buổi tiếp xúc cử tri phường Phước Vĩnh và Trường An, TP. Huế chiều 19/11
Tại hội nghị, cử tri 2 phường có 7 lượt ý kiến với nhiều nội dung tâm huyết về những vấn đề đáng quan tâm hiện nay, như: Dự án cải thiện môi trường nước thành phố có một số điểm chưa hoàn trả mặt bằng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; cần đẩy nhanh tiến độ thi công ở nút giao thông Đàn Nam Giao; quy hoạch đường giao thông phải cụ thể và rõ ràng…
Ngoài ra, một số vấn đề như kinh phí, hoạt động ở cơ sở khi sáp nhập tổ dân phố; tình trạng ô nhiễm tiếng ồn; trâu bò thả rong cũng được nhiều cử tri phản ánh và mong muốn được giải quyết.
Thay mặt 2 đoàn đại biểu HĐND tỉnh và TP. Huế, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trương Đình Hạnh đã lần lượt giải trình các kiến nghị mà cử tri quan tâm, đồng thời ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của cử tri và hứa sẽ nhanh chóng chỉ đạo xử lý. Những vấn đề vượt thẩm quyền, tỉnh và thành phố sẽ đề đạt lên các cấp cao hơn để giải quyết nhanh chóng những vướng mắc của người dân.
Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng thông báo với cử tri kết quả buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa diễn ra ngày 15/11. Theo đó, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế theo cơ chế, chính sách đặc thù và đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại diện đoàn đại biểu HĐND tỉnh và TP. Huế thông tin thêm, hiện nay, tỉnh và thành phố đang chú trọng đẩy mạnh nhiều lĩnh vực, dự án, trong đó Dự án di dời, giải tỏa dân cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế và đề án mở rộng đô thị Huế nhận được sự chú ý lớn của dư luận. Ngoài ra, các lĩnh vực du lịch, văn hóa - xã hội, đô thị đang đổi thay theo hướng tích cực đã tạo nên sự tin tưởng, phấn khởi trong Nhân dân. (Baothuathienhue.vn 19/11)