Nấm thông rằng ăn béo, thoảng mùi nhựa thông
Mỗi năm, nấm thông rằng xuất hiện 2 đợt, vào khoảng tháng 10 và tháng 11 âm lịch, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tuần.
Nấm mọc dưới những gốc thông non. Cứ hết mùa nấm tràm là đến mùa nấm thông rằng, anh Nguyễn Ngọc Bộc, người “săn” nấm chuyên nghiệp ở thôn Cư Chánh (Thủy Bằng - Hương Thủy) nói.
Đi nhổ nấm, ngoài giỏ đựng, dân chuyên nghiệp thường đem theo găng tay để tránh gai cào và liềm hoặc dao nhỏ vừa để chặt cây bụi cho dễ nhổ, vừa để cắt lá sân - thứ gia vị không thể thiếu khi chế biến.
Ở khu vực rừng thông Thiên An, khi vào mùa, mỗi ngày một người nhổ được khoảng 20-30kg nấm loại này. Tuy nhiên, không quá nhiều người biết đến nấm thông rằng. Chỉ có những người ở sát vùng có rừng thông hoặc chuyên “săn” nấm mới biết, mới được thưởng thức cái vị béo, dai, chua thanh dịu nhẹ thoang thoảng mùi nhựa thông của nấm thông rằng.
“Dưới những gốc thông có loại nấm hình dáng nhìn sơ qua khá giống nấm thông rằng, tuy nhiên nếu không rành khi ăn dễ bị ngộ độc nên phải cẩn thận”, anh Bộc lưu ý.
Cùng Thừa Thiên Huế Online theo chân người đi nhổ nấm thông rằng:
Khu vực rừng thông Thiên An là nơi xuất hiện nhiều nấm thông rằng
Nấm mọc dưới gốc thông và xuất hiện nhiều ở những vùng thông non, ít rợp
Cùng là nấm thông rằng nhưng người nhổ chỉ chọn những cây nấm phía dưới tai có màu vàng, một khi chuyển sang màu đen (trái) là nấm đã hư, trong thân có dòi
Trong lúc đi nhổ nấm tiện tay cắt mấy đọt lá sân - gia vị không thể thiếu khi chế biến nấm thông rằng
Có một loại nấm hình dáng tương tự nấm thông rằng, nếu không biết phân biệt ăn vào sẽ bị đau bụng. Ngoài phía trên tai những chấm đỏ to hơn, dày hơn, loại nấm không ăn được (trái) còn khác biệt ở phía dưới tai và phần thân
Khoảng 3 tiếng loanh quanh trong khu vực đồi Thiên An, anh Nguyễn Ngọc Bộc nhổ được gần 10kg nấm