Thúc đẩy phát triển xã hội
Tại phiên họp, với 435 đại biểu QH tán thành (bằng 90,06% tổng số đại biểu), QH biểu quyết thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Trong đó, nội dung được dư luận quan tâm là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu (khoản 2 Điều 168). Theo đó, Bộ luật quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định… Đồng thời, QH cũng tiến hành biểu quyết riêng đối với ba nội dung về: thời gian làm thêm giờ, bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa quy định tại Điều 107, Bộ luật không nâng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ/năm theo dự thảo, mà quy định như Bộ luật Lao động hiện hành. Tuy nhiên, bổ sung quy định mới nâng giới hạn làm thêm giờ tối đa trong tháng từ 30 giờ lên 40 giờ và bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. QH cũng đã biểu quyết thông qua quy định bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2-9; và quy định tại Chương XIII về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Nhiều đại biểu QH cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua là sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động; với rất nhiều quy định liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội; tạo động lực mạnh mẽ phát triển xã hội…
Quản lý chặt kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu QH tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác, nâng cao chất lượng đầu tư... Trong đó, quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị, nên quy định Chính phủ trình QH ban hành danh mục những ngành, nghề cần thiết cấm đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính cập nhật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quản lý kinh tế - xã hội.
Nhiều đại biểu đề nghị, đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2007/NĐ-CP quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng trong thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật, một số tổ chức, cá nhân đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ, dẫn tới phát sinh nhiều biến tướng và các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh - an toàn xã hội. Vì vậy, việc chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện sang ngành, nghề đầu tư, kinh doanh bị cấm là phù hợp.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn quá yếu, lỏng lẻo, tạo ra lỗ hổng trong quản lý nhà nước. Trong khi đó, xu hướng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không tuân thủ các điều kiện kinh doanh ngày càng tăng, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành với việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh mà thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Tạo môi trường thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đa số đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu nhất trí với việc bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) và nhiều đại biểu khác cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp phù hợp bản chất kinh tế, bảo đảm quyền bình đẳng cho hộ kinh doanh đối với các loại hình doanh nghiệp khác và là bước tiến quan trọng đưa hệ thống pháp luật doanh nghiệp của nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật còn đơn giản, chưa định danh rõ ràng về pháp lý của hộ kinh doanh, chính sách đối với hộ kinh doanh cả về điều kiện quản lý, điều kiện phát triển. Quy định như trong dự thảo luật thì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhưng lại quy định trong Luật Doanh nghiệp cho nên khá khiên cưỡng. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng theo hướng nếu không coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp thì cần ban hành riêng Luật Kinh doanh, hoặc trước mắt giao Chính phủ ban hành nghị định về hộ kinh doanh sau đó luật hóa…
Về việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) và nhiều đại biểu khác cho rằng, việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để phù hợp chủ trương và thực hiện với cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên việc thay đổi khái niệm có tác động lớn đối với khối doanh nghiệp. Với doanh nghiệp nhà nước thì việc quản lý doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn nhiều về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, các chính sách cho người lao động. Mặt khác, khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã và đang được điều chỉnh trong nhiều văn bản luật khác. Do vậy, đề nghị tiếp tục rà soát dự án luật và tất cả các luật khác có liên quan, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, quy định như dự thảo luật nhằm tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư bên ngoài, song khái niệm này chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng và chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, đề nghị xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có biểu quyết của Nhà nước có thể là 75% để bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp…
Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu QH.