Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Khó khăn trong ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép ở Nghệ An, Hà Tĩnh
Ngày cập nhật 22/11/2019

 

 

Thời gian qua, các lực lượng chức năng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện các giải pháp đấu tranh nhằm hạn chế tình trạng khai thác cát xây dựng trái phép trên địa bàn. Tuy vậy, do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, cùng sự yếu kém trong công tác quản lý để các tổ chức, cá nhân khai thác cát “lậu”hoạt động.

 

 

Khó khăn trong ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép ở Nghệ An, Hà Tĩnh

Đoàn liên ngành bắt giữ thuyền khai thác cát trái phép tại sông Lam (Nghệ An).

Cung không đủ cầu

Huyện Đức Thọ là một trong những nơi cung cấp cát, sỏi chủ yếu cho tỉnh Hà Tĩnh và cũng là địa phương có hoạt động khai thác cát lòng sông trên địa bàn giáp ranh khá sôi động. Theo Thiếu tá Nguyễn Trường Thi, Phó Trưởng Công an huyện Đức Thọ, ngoài ba mỏ cát được cấp phép khai thác, thì việc khai thác cát “lậu” vẫn xảy ra trên các tuyến sông Lam và sông La. “Cát tặc” hoạt động không có quy luật về thời gian, thường lợi dụng đêm tối, hoặc tờ mờ sáng, khu vực giáp ranh giữa các huyện và hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An để hoạt động kiểu “đánh du kích”…, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Qua tìm hiểu được biết, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp là do công tác quy hoạch khoáng sản ở Hà Tĩnh không dự báo sát nhu cầu sử dụng gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 25 khu vực mỏ cát xây dựng được quy hoạch, thăm dò với diện tích 296 ha, có trữ lượng 11 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ cấp phép khai thác tại 10 khu vực, với trữ lượng 103 nghìn m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu thực tế về cát xây dựng trên địa bàn hơn ba triệu m3/năm. Vì vậy, sản lượng cát khai thác từ các mỏ được cấp phép mới chỉ đáp ứng 3,5% nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn. Khi cung không đủ cầu, doanh nghiệp, cá nhân ở Hà Tĩnh lại tìm mọi cách để “nhập” cát từ Nghệ An sang. Theo đại diện lãnh đạo Công an Hà Tĩnh, quá trình kiểm tra thủ tục, nguồn gốc cát nhập từ Nghệ An về gặp nhiều khó khăn. Các hóa đơn chủ yếu do mỏ, bến nằm ở Nghệ An cấp cho nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xác minh. Thực tế các lực lượng chức năng mới chỉ kiểm tra được những phương tiện đi qua cống Trung Lương (Hồng Lĩnh) vào các tuyến đường thủy nội tỉnh, còn những bến, điểm tập kết khác mới chỉ thực hiện được khi có tuần tra đột xuất. Do đó, rất khó kiểm tra, xử lý triệt để các phương tiện vi phạm; việc di chuyển phương tiện cát trái phép, hạ phà chở quá tải để xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Vì lợi nhuận, một số đối tượng vẫn bất chấp pháp luật để khai khác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi, trái phép.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Nghệ An có khoảng 180 doanh nghiệp, hộ gia đình làm nghề khai thác, kinh doanh cát sỏi cùng với khoảng 400 phương tiện thủy phục vụ cho hoạt động này. Toàn tỉnh có 117 bến cát, sỏi hoạt động, trong số này có đến 51 bến hoạt động trái phép, 10 bến đã dừng hoạt động. Do nhu cầu sử dụng cát sỏi ngày một lớn, nguồn cung không đủ đáp ứng cho nhu cầu dẫn đến hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn Nghệ An diễn ra rất phức tạp, một số mỏ đã được cấp phép không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật như vi phạm về quy trình khai thác; điều hành, quản lý khai thác, bảo vệ môi trường, khai thác ngoài vị trí được cấp phép, trốn thuế…

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát, sỏi, trái phép trên một số tuyến: sông Lam, sông Hiếu, sông Con tuy có quy mô nhỏ lẻ nhưng đang làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên này; gây suy thoái, ô nhiễm môi trường, tạo những hố sâu, dòng xoáy, dẫn đến sạt lở bờ sông, làm lệch dòng chảy, gây nguy hiểm cho người và phương tiện hoạt động trên các tuyến giao thông thủy nội địa; ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông. Thượng tá Phùng Đức Tuấn, Phó phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra khá “nóng” ở một số địa bàn dọc sông Lam như ở các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn… Vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi ngày càng tinh vi; các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép dùng nhiều thủ đoạn đối phó sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng, sẵn sàng sử dụng máy công suất cao để bỏ chạy khi bị phát hiện; thậm chí có đối tượng manh động, chống trả không cho lực lượng chức năng tiếp cận thuyền vi phạm… Đối với những mỏ được cấp phép thì dùng thủ đoạn không cắm mốc hoặc cắm mốc không đầy đủ, xác định giới hạn mỏ được cấp phép nhằm mục đích khai thác ngoài khu vực cấp phép; kê khai không đủ lượng cát, sỏi thực tế đã khai thác để trốn thuế, phí môi trường…

Cần nhiều giải pháp

Chính quyền địa phương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chỉ đạo, thành lập đoàn liên ngành với đầy đủ các thành phần, triển khai các giải pháp nhằm giảm bớt việc khai thác cát, sỏi trái phép. Trong vòng 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9-2019), các đoàn liên ngành tại hai tỉnh đã tiến hành tuần tra tại các “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển cát xây dựng. Qua kiểm tra đã lập biên bản 173 vụ, hơn 200 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép, tạm giữ hàng nghìn mét khối cát. Hơn 50% số cát tạm giữ này đã được bán đấu giá với số tiền hơn 400 triệu đồng. Theo Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An): Ngoài xử phạt hành chính, Công an tỉnh còn khởi tố nhiều vụ án liên quan khai thác cát, sỏi trái phép để mang tính răn đe, phòng ngừa tình trạng khai thác cát, sỏi lậu. Riêng năm 2018, Công an Nghệ An đã khởi tố ba vụ, khởi tố ba bị can và đầu năm 2019, tiếp tục khởi tố thêm hai vụ khai thác cát, sỏi trái phép khác. Đoàn liên ngành đã kiểm tra việc kê khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 11 trong số 12 doanh nghiệp và cá nhân có vi phạm về khối lượng và thuế phí với hơn 29 nghìn m3 cát, sỏi chưa kê khai với số thuế, phí, phải truy thu hơn 968 triệu đồng...

Trong khi phương thức, thủ đoạn các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng ngày càng liều lĩnh thì công tác quản lý nhà nước về hoạt động, khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi của một số địa phương, ngành còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Thậm chí một số chính quyền cấp xã còn có biểu hiện trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, khi đoàn liên ngành làm rốt ráo, bàn giao địa bàn “sạch” cho địa phương quản lý thì một thời gian sau mọi việc lại đâu vào đó, như chưa từng có kiểm tra, xử lý. Đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bên cạnh những hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý khai thác vật liệu cát xây dựng trên địa bàn, thời gian qua, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương có lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả, nhất là công tác phối hợp tại hai địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh.

Qua trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo công an hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều cho rằng: Thời gian tới, hai tỉnh cần tập trung chỉ đạo UBND cấp huyện và xã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn; chỉ đạo ngành thuế tăng cường công tác kiểm tra, tránh tình trạng trốn thuế, không kê khai nộp thuế, bán hàng không xuất hóa đơn, gây thất thu ngân sách nhà nước. Kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hoạt động cấp phép, khai thác, tập kết, kinh doanh khoáng sản để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung những quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn. Đồng thời có những biện pháp mạnh mẽ, đình chỉ, tháo dỡ các bến, bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trái phép; tìm cách tạo và chuyển đổi việc làm giúp những người dân đang sống bằng nghề khai thác cát, sỏi trái phép.

 

 

 

 

https://nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.436.636
Truy cập hiện tại 1.278