Phát triển như vũ bão
Hãng tư vấn quản lý của Mỹ A.T. Kearney đã nghiên cứu và công bố số liệu: So với 4G hiện tại, 5G có tốc độ nhanh gấp 50 lần, trả lời tín hiệu nhanh hơn gấp 10 lần và mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng thấp hơn. Tốc độ nhanh, độ trễ nhỏ và kết nối chất lượng được nâng cao của 5G là những yếu tố giúp các doanh nghiệp khai thác viễn thông cung cấp kết nối in-tơ-nét siêu nhanh, từ đó cho phép truyền phát vi-đê-ô với độ phân giải cao, dịch vụ giải trí cung cấp trên điện toán đám mây hoặc các dịch vụ có nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo tới người tiêu dùng. Các tính năng này thúc đẩy quá trình thương mại hóa các dịch vụ cũng như ứng dụng mới của mạng 5G, bao gồm các ứng dụng cho thành phố thông minh, công nghiệp 4.0 hay ứng dụng in-tơ-nét vạn vật (IoT) với quy mô lớn. Các nhà khai thác viễn thông vì thế có khả năng gia tăng doanh thu từ cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Mặt khác, việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G cũng đang ở thời điểm chín muồi khi tỷ lệ sử dụng dữ liệu di động đang tăng nhanh chóng và khách hàng sử dụng ngày càng nhiều dịch vụ dữ liệu hay nội dung trên thiết bị di động cá nhân. Ðồng thời, các doanh nghiệp cũng đang tìm cách tận dụng lợi thế từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được củng cố với trí tuệ nhân tạo, IoT, tự động hóa,... nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì sự hấp dẫn và lợi ích của 5G, triển khai công nghệ này đã trở thành xu thế chủ đạo, được các nước tiến hành với tốc độ "chóng mặt".
Tổng Giám đốc phụ trách công nghệ của Qualcomm (Tập đoàn thiết bị di động toàn cầu của Mỹ) G.Thôm-sơn nhận định: Chuyển đổi 5G là quá trình nhanh nhất và phức tạp nhất mà chúng tôi trải qua. Chỉ trong vòng gần một năm, hơn 30 nhà mạng trên khắp thế giới đã chính thức ra mắt 5G, nhanh gấp nhiều lần so với thời kỳ đầu của 4G trước đây mặc dù công nghệ mới phức tạp hơn nhiều. Thí dụ, dù mới triển khai 5G từ tháng 12-2018, nhưng theo công bố của AT&T (doanh nghiệp viễn thông Mỹ), đến hết năm 2019, nhà mạng này sẽ phủ sóng 5G trên khoảng 30 thành phố tại Mỹ. Tại Hàn Quốc, nơi vừa triển khai 5G từ tháng 4 vừa qua, đến nay các hãng điện thoại đã bán hơn hai triệu điện thoại thông minh hỗ trợ 5G. Trung Quốc cũng vừa chính thức "bật" mạng 5G từ ngày 1-11, đồng thời lên kế hoạch đến cuối năm nay sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 130 nghìn trạm 5G tại 50 thành phố trên cả nước. Riêng tại khu vực ASEAN, theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phổ cập của mạng 5G sẽ ở mức 25% đến 40% tại các quốc gia lớn trong khu vực với tổng số thuê bao 5G được dự báo vượt con số 200 triệu.
Cân nhắc lộ trình phù hợp
Nhận thức được tầm quan trọng của 5G, Việt Nam cũng đang nằm trong số những quốc gia đầu tiên nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ này. Viettel đã lắp đặt, tích hợp trạm 5G đầu tiên Việt Nam tại Hà Nội, tiến hành cuộc gọi đầu tiên vào tháng 5-2019 sau ba tháng triển khai. Tiếp đó, sang tháng 8, Viettel đã tiến hành tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm 5G tại quận 10, TP Hồ Chí Minh. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Viettel Telecom Cao Anh Sơn, nhà mạng này đã lên kế hoạch đưa mạng di động thế hệ mới có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc vào năm 2025. Hai nhà mạng còn lại là VinaPhone và MobiFone cũng đều đã được cấp phép thử nghiệm 5G và đang dự kiến triển khai phát sóng ở một số quận tại TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo của Cisco cũng chỉ rõ, là một trong hai nước khả năng chính thức triển khai 5G đầu tiên trong khu vực (cùng với Xin-ga-po), Việt Nam được dự báo sẽ có khoảng sáu triệu thuê bao 5G trong 5 năm tới. Cùng với đó, nhờ 5G, các nhà mạng Việt Nam cũng có thể gia tăng doanh thu hằng năm khoảng 300 triệu USD từ năm 2025. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh việc đầu tư cho 5G sẽ cần một số vốn rất lớn. Cụ thể, dự kiến các nhà mạng tại Việt Nam cần chi khoảng 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ USD cho 5G trong giai đoạn 2020 - 2025. Theo các chuyên gia, để khai thác tốt tiềm năng của 5G, các quốc gia như Việt Nam cần giải quyết không ít thách thức. Ðầu tiên là sự chậm trễ giải phóng và cung cấp phổ tần dành cho dịch vụ 5G, kéo theo việc triển khai mạng lưới không được tối ưu. Ngoài ra, theo khảo sát, người tiêu dùng phần lớn có xu hướng hào hứng với 5G và sẵn sàng trả chi phí để có chất lượng sử dụng in-tơ-nét tốt hơn. Do đó, các nhà mạng cần xây dựng một cách cẩn trọng danh mục các dịch vụ và giá cả cho 5G nếu muốn khuyến khích và chuyển người dùng sang mạng tốc độ cao. Công việc này giúp các nhà mạng tránh những rủi ro từ việc tham gia vào cuộc chiến về giá chỉ để thu hút nhiều thuê bao hơn với hy vọng khách hàng sẽ chi trả cao hơn ở giai đoạn tiếp theo và việc này là rất nguy hiểm. Riêng đối với các doanh nghiệp, nhà mạng cần tạo ra những khả năng mới, kết hợp kết nối nâng cao với các giải pháp và ứng dụng để giúp khách hàng hiểu, thực hiện cũng như mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng. Quan trọng nhất là các nhà mạng phải cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm chính thức triển khai 5G để vừa đạt được sự tiên phong về công nghệ, nhưng cũng bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Ðông Dương Thiều Phương Nam lưu ý: 4G và 5G chắc chắn sẽ tồn tại song song rất lâu. Cụ thể, trong thời gian trước mắt, 4G vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt là nền tảng cung cấp các dịch vụ di động. Còn 5G sẽ chỉ tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù như đô thị thông minh, hoặc những ứng dụng mới như thực tế ảo, xe tự lái,... Chỉ khi công nghệ đã chín muồi và giá thành của thiết bị 5G giảm, nhà mạng mới có thể mở rộng việc cung cấp các dịch vụ của công nghệ này. Do đó, 5G tại Việt Nam cần phát triển theo từng giai đoạn và đây là bài toán các nhà mạng cần nghiên cứu một cách
kỹ lưỡng.
Các quốc gia như Việt Nam từ trước đến nay đã được hưởng lợi từ chi phí lao động thấp, tuy nhiên, trước cuộc CMCN 4.0, đây sẽ không còn là lợi thế trong những năm tới. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần nhận thức được điều này và đang tìm cách tận dụng các công nghệ 4.0 để cải thiện hiệu suất và duy trì tăng trưởng. Triển khai dịch vụ 5G sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quá trình số hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đem lại những lợi ích đáng kể.
|