Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Cái khó của người dạy học hiện nay
Ngày cập nhật 22/11/2019

 

TTH - Thời gian qua, các chuyên viên, cán bộ cốt cán của Sở Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý đến tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của các trường đều đã, đang và sẽ tham gia nhiều lớp tập huấn để chuẩn bị áp dụng chương trình giáo dục mới.

 

 

Cô và trò Trường tiểu học Vĩnh Ninh trong giờ học. Ảnh: HỮU PHÚC

Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới, đòi hỏi người giáo viên cần phải hình thành được các kỹ năng vận dụng các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực; kỹ năng phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; kỹ năng thiết kế các dự án, chủ đề dạy học tích hợp, nghiên cứu khoa học cho học sinh; kỹ năng kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; kỹ năng soạn các tiêu chí, tham gia đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh; kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; xây dựng các chủ đề giáo dục địa phương; kỹ năng tư vấn tâm lý học sinh, tư vấn hướng nghiệp... Điều này gây áp lực rất lớn đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên.

Có người cho rằng, hiện nay, nghề giáo và một nghề nguy hiểm, bởi lẽ trong những năm gần đây, xã hội đã chứng kiến liên tiếp những vụ việc giáo viên bị bạo hành do chính phụ huynh và học sinh gây ra. Nhiều người đã tự hỏi, trước những hành vi phi đạo lý, thiếu “tôn sư trọng đạo” như vậy người giáo viên phải làm gì để tự bảo vệ mình? Học sinh ngày nay cũng chịu sự tác động không nhỏ bởi mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, nhiều học sinh có lối sống thực dụng, thiếu sự chăm ngoan, hư hỏng, khó dạy, dạy bảo không khéo thầy giáo cũng bị khiển trách. Thế nên, người làm nghề giáo phải có sự kiên nhẫn, nhiệt tình, tâm huyết với nghề.

Trong nhà trường, công việc của người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Trong cuộc sống hiện đại, học sinh ở lứa tuổi vị thành niên phải chịu khá nhiều áp lực từ cuộc sống. Điều đó khiến cho tâm lý, tính cách một nhiều em có sự biến đổi và phát triển không theo chuẩn mực, sự mong muốn của gia đình, nhà trường và xã hội. Để giáo dục đạo đức cho học sinh, trước hết thầy cô phải là tấm gương sáng cho các em noi theo, phải hiểu tâm sinh lý học sinh, biết cảm thông và chia sẻ với các em, lắng nghe tâm sự và định hướng khi các em cần. Một khi thầy cô giáo được học sinh tin yêu, tôn trọng thì nói các em mới nghe, mới tin, mới định hướng được thái độ và hành vi cho các em.

Áp lực công việc của giáo viên trong công tác giảng dạy cũng không hề nhỏ. Ngoài việc phải dạy theo định mức một tuần 23 tiết đối với giáo viên tiểu học, 19 tiết đối với giáo viên trung học cơ sở và 17 tiết đối với giáo viên trung học phổ thông, họ còn phải tham gia nhiều hoạt động giáo dục khác trong nhà trường, cùng với các loại hồ sơ sổ sách, chấm bài, vào điểm, soạn giáo án hay còn gọi là xây dựng kế hoạch bài dạy. Để thiết kế một bài dạy, nhiều giáo viên phải trăn trở, suy nghĩ từ việc sử dụng phương pháp, kỹ thuật, thiết bị, đồ dùng dạy học, tích hợp những kiến thức các môn khoa học khác như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với đối tượng...

Đầu tư hết thời gian, công sức cho công việc giảng dạy, giáo viên sống chủ yếu dựa vào lương. Do mức lương quá thấp, nhiều giáo viên phải nỗ lực kiếm thêm việc làm để tăng thu nhập. Một vài giáo viên thì mở thêm shop, phải đi chở hàng hóa, mở cửa hàng ăn uống, bán sim, card điện thoại… Vẫn biết là vất vả nhưng đồng tiền do mồ hôi và sức lao động làm ra đó là đồng tiền chân chính. Có giáo viên trẻ ngày ngày đến lớp vẫn nhiệt tình, vẫn tâm huyết, vẫn tràn đầy năng lượng dạy học và tan trường lập tức đến địa điểm làm thêm đi giao hàng, tối về lại đi dạy kèm… mong kiếm thêm thu nhập. Hỏi sao phải làm nhiều thế? Em trả lời rằng: “Yêu nghề giáo nên em theo thôi, vẫn hết mình vì nghề nhưng nghèo quá cô ơi! Không đủ sống!”.

Trên thực tế, học thêm là nhu cầu của học sinh. Dạy thêm đúng quy định là việc làm thêm tạo nên nguồn thu nhập chính đáng cho giáo viên. Không ai có thể phủ nhận mặt tích cực của dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, dạy thêm học thêm có những mặt trái của nó. Nhiều giáo viên vì muốn học sinh đi học thêm nên tìm đủ cách để o ép học sinh. Mặt khác, học thêm sẽ làm cho sự thụ động, rập khuôn chiếm chỗ trong tư duy của các em nhất là các em có phương pháp học không đúng. Về phía giáo viên, nhiều người dồn hết sức cho dạy thêm nên khi đến trường không còn đủ năng lượng và tâm huyết. Điều này đã và đang đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ trong việc điều chỉnh mức lương để đảm bảo đời sống cho giáo viên hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Trăn trở về những cái khó của nghề dạy học hiện nay cũng chính là sự sẻ chia tình cảm đối với các thế hệ thầy giáo, cô giáo khi bản thân người viết cũng là một giáo viên. Dù rằng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải đối diện với nhiều áp lực trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội nhưng nhiều giáo viên vẫn chấp nhận đồng lương nghèo và dành hết tâm sức, thời gian và sự nhiệt huyết cho nghề nghiệp, cho học sinh thân yêu, ngày đêm mày mò tự học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho sự nghiệp trồng người cao quý. Đó là những tấm gương người thầy mẫu mực mà xã hội cần tôn vinh

 

http://baothuathienhue.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.437.001
Truy cập hiện tại 1.359