Trong đó, các ý kiến đều tập trung cho rằng, cần sớm hoàn thiện cơ chế đặc thù để xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài và tạo điểm nhấn độc đáo riêng có của Huế trong phát triển du lịch.
“Tôi sẵn sàng liên hệ với Ủy ban UNESCO để làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về các tiêu chí của một đô thị di sản; dựa trên kinh nghiệm của UNESCO đã làm việc trên thế giới và kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, để xây dựng cơ chế làm sao vừa bảo tồn được vừa phát triển được. Nếu một đô thị di sản có đầy đủ các yếu tố thì phát triển rất tốt và bền vững”, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Lan Hương, Phó vụ trưởng vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỉnh Thừa Thiên- Huế sớm hoàn thiện cơ chế đặc thù để phát triển, là căn cứ pháp lý để xin nguồn vốn từ Trung ương. Về lĩnh vực du lịch, các mặt hàng đặc trưng của Huế chưa phát huy được hết tiềm năng cũng như còn hạn chế trong mẫu mã. Ngoài ra, tỉnh cần phát huy thế mạnh của đại học Y dược Huế cũng như tài nguyên suối nước nóng để phát triển du lịch chữa bệnh; đồng thời tăng cường thông tin, quảng bá để được nhiều người dân và du khách biết đến.
GS.TS Thái Thanh Sơn, cựu học sinh Quốc học Huế nêu quan điểm, để TP.Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung phát triển tốt hơn, tỉnh cần đảm bảo các tiêu chí theo định hướng đã chọn. Trong đó cần tạo điểm nhấn độc đáo cho du lịch. Phải làm sao để thu hút du khách đến và ở lại với Huế dài hơn bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, cần giữ chân các nhân tài cũng như tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay; trong đó chú trọng xây dựng đại học Huế thành đại học vùng để thu hút nguồn nhân lực.
Bà Hoàng Thị Thúy Hằng, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Huế tại Hà Nội bày tỏ, để phát triển, Huế cần phát triển du lịch theo những lợi thế vốn có của mình, nhất là hình thành các khu ẩm thực với những món ngon đặc trưng của địa phương.
Cùng chung quan điểm này, bà Cao Thị Thu Hà, Công ty Tài chính điện lực Việt Nam chia sẻ, tỉnh cần đưa các giải pháp để phát triển khu phố ẩm thực trong đó có các món ăn đặc trưng, đồng thời nghiên cứu, phát triển các điểm du lịch cho từng đối tượng cụ thể nhằm khai thác tối đa các đối tượng khách du lịch khi đến với Huế. Đồng thời mong rằng, Huế phát triển nhưng cần gìn giữ vẻ vốn có của những người con xứ Huế, cuộc sống an nhiên, an bình, mang lại cho con người cảm giác thoải mái, yêu đời khi đến đây.
Ông Nguyễn Cửu Đức, vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính Phủ đã dành lời khen cho Thừa Thiên-Huế khi đã tạo ra môi trường xanh thông qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; phát triển dịch vụ đô thị thông minh, thành phố xanh... cũng như đã đẩy mạnh cách mạng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đô thị thông minh, chính quyền điện tử. “Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần đặc biệt chú trọng an sinh xã hội và bảo đảm an toàn trật tự, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế địa phương”, ông Nguyễn Cửu Đức nói thêm.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh, những trăn trở, tâm tư, của những người con Huế ở Hà Nội tại buổi gặp mặt cũng chính là những trăn trở, lo toan của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua.
“Từ những ý tưởng rất bổ ích tại buổi gặp mặt; lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa vào chương trình hành động của tỉnh để xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới với mục tiêu Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của người con xứ Huế, yêu Huế, tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp thành cuốn sách “Giấc mơ Huế””, vị Chủ tịch tỉnh này nói. (Nguoiduatin.vn 25/11; Trian.vn 25/11)