6 tập thơ, 8 tập lý luận phê bình văn học viết riêng, 25 tập viết chung và chủ biên đã chứng minh cho tình yêu nghệ thuật và khát vọng sáng tạo không ngừng nghỉ của NGƯT. PGS.TS Hồ Thế Hà, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế (Thừa Thiên - Huế).
Sinh ra và lớn lên ở miền “đất võ trời văn” huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, Hồ Thế Hà trải qua những tháng năm tuổi thơ cơ cực. Nhưng cũng chính trong nỗi gian truân chinh chiến phân ly của những thành viên trong gia đình đã thấm rát để ông thấu hiểu thêm kiếp nhân sinh, nhân thế.
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho với truyền thống hiếu học cộng với tình thương, tấm lòng nhân hậu của người mẹ “thuộc nhiều dân ca, đã hát và ru suốt những tháng năm dài” đã nuôi dưỡng, sớm hun đúc nên một tâm hồn nhạy cảm mà cũng vô cùng mô phạm để sau này giúp ông trở thành một nhà thơ, dạt dào xúc cảm, nhà phê bình văn học sâu sắc và một nhà giáo tâm huyết với nghề…
Học lớp chuyên Toán ở Trường PTTH Phù Cát (Bình Định) nhưng ông lại yêu vô cùng trang thơ, trang văn thấm đẫm vị mặn cuộc đời. Vì thế, năm 1977, Hồ Thế Hà quyết định thi vào Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học Huế), rồi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, học hết năm thứ nhất, chàng sinh viên ấy lên đường nhập ngũ và trở thành người lính của đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Chiến tranh kết thúc, Hồ Thế Hà trở về mái trường đại học để tiếp tục miệt mài bên trang sách cho thỏa niềm đam mê theo nghiệp văn chương giữa vùng đất văn hóa núi Ngự sông Hương. Năm 1985, ông tốt nghiệp đại học khi tuổi đời đã tròn 30.
Được giữ lại làm giảng viên, Hồ Thế Hà cùng đồng nghiệp không ngừng dấn thân, trải nghiệm và tâm huyết với giảng đường, với công việc viết sách, nghiên cứu...
Năm 2000, ông trở thành Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội), rồi được phong hàm Phó Giáo sư Văn học năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010.
Tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ năng lượng làm việc và sức sáng tạo dồi dào của Hồ Thế Hà. Ông vừa dạy cho sinh viên đại học, vừa dạy cho thạc sĩ và nghiên cứu sinh; vừa hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ...
Vừa gặp ông say sưa trên bục giảng, lại thấy ông ngồi vào hội đồng bảo vệ luận văn, luận án hay hội đồng nghiệm thu và xét đề tài khoa học các cấp…; đêm về thì làm thơ, nghiên cứu văn học và dịch thuật…
Trong vai nào - nhà giáo, nhà thơ, nhà khoa học… Hồ Thế Hà cũng “cháy” hết mình với thái độ và tâm thế của một người làm chủ và đầy đam mê. Ông tâm sự:
“Tôi không chấp nhận lối làm việc nửa vời. Phải tận tâm, tận lực khi đã lựa chọn và dấn thân”. Có lẽ, với tâm niệm đó nên người tri thức có vốn văn hóa uyên bác Đông – Tây đã lao động sáng tạo không ngừng nghỉ để liên tiếp cho ra đời những “công trình” có giá trị.
Sáu tập thơ đa dạng phong cách nhưng luôn khắc khoải, đau đáu kiếp nhân sinh, thi nhân Hồ Thế Hà đã thật sự gửi đến người, gửi đến đời bao khát vọng… Đi về trong thế giới thi ca là những vần thơ của một tâm hồn đa cảm. Khoảnh khắc; Nghìn trùng; Xác thu; Thuyền trăng; Tơ sương và Xem mơ đã làm nên một gương mặt thơ nồng say và cháy bỏng với tình yêu và với cuộc đời. “Mở lòng ra với cỏ cây/ tôi như lạc giữa vơi đầy thiên nhiên/ và chiều đã khép bình yên/ Luyến lưu tôi trở lại miền trần gian”. (Giaoducthoidai.vn 25/11)