Ða dạng các hình thức tập trung ruộng đất
Từ sáu năm nay, gia đình anh Trần Xuân Ái (xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương) tập trung trồng lúa và hoa màu trên diện tích đất canh tác lên đến hơn 100 mẫu (3.600 m2). Ðể có được số ruộng này, anh thực hiện "giao dịch" với bà con nông dân dưới nhiều hình thức như: Nhận chuyển nhượng, thuê, mượn quyền sử dụng đất. Vụ mùa năm 2019, cánh đồng lúa của anh cho năng suất 2,5 tạ/sào (360 m2). Anh Ái nhẩm tính: Với giá bán lúa tươi tại ruộng vụ vừa rồi là 5.100 đồng/kg, mỗi sào lúa lãi 500 nghìn đồng. Vụ mùa năm trước giá lúa cao hơn, đạt 6.200 đồng/kg thì mức lợi nhuận cũng cao hơn đáng kể. Anh cho hay: "Trước đây gia đình cũng chỉ có chưa đầy mẫu ruộng, trồng cấy hiệu quả chẳng đáng là bao vì diện tích ít, giá bán thấp, lại tốn nhiều công sức, thời gian chăm sóc vì không thể sử dụng máy móc cho nên tôi cũng chẳng mặn mà. Mấy năm gần đây, thấy nông dân bỏ ruộng hoang nhiều, tôi quyết định mua gom để sản xuất. Nhờ diện tích lớn cho nên dễ dàng áp dụng cơ giới hóa như máy bừa, máy cấy, máy gặt; lại giảm chi phí đầu vào của vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật; từ đó giá thành sản xuất hạ, đẩy lợi nhuận tăng lên. Khi lợi nhuận tăng gấp đôi, cùng với diện tích canh tác lớn hơn trước rất nhiều lần thì hiệu quả trồng lúa nhìn thấy rõ".
Cũng như anh Ái, hộ gia đình chị Phạm Thị Thủy (xã Ðông Ðộng, huyện Ðông Hưng, Thái Bình) hiện thuê khoảng 27 mẫu ruộng để trồng lúa. Chị đã sắm đầy đủ máy cày, máy cấy, máy gặt… với tổng mức đầu tư gần hai tỷ đồng. Tính kỹ, vụ mùa 2019 vừa qua, lợi nhuận đạt khoảng 550 nghìn đồng/sào. Không những thu lợi nhuận cao hơn từ trồng lúa, gia đình chị còn tận dụng các loại máy móc có sẵn để làm thuê cho các hộ khác (cả trong và ngoài tỉnh), góp phần tăng thêm thu nhập.
Không trồng lúa, gia đình anh Phạm Văn Tính (thôn Ngọc Châu, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, Hưng Yên) lại thuê thêm đất để trồng cam với diện tích 1,1 mẫu. Theo tính toán của anh Tính, năng suất cam đạt hơn một tấn/sào/năm. Với giá bán 20 đến 25 nghìn đồng/kg thì thu nhập đạt khoảng 25 triệu đồng/sào. Trừ chi phí đầu vào, lợi nhuận đạt 15 triệu đồng/sào/năm. So với trồng lúa, chỉ cho lãi vài trăm nghìn đồng/sào/vụ, thì đây là mức lợi nhuận mơ ước. Hiện gia đình anh đang có nhu cầu thuê, mượn thêm đất canh tác để mở rộng diện tích trồng cam vì "trồng diện tích lớn hơn, mức lợi nhuận trên một đơn vị diện tích sẽ còn tăng lên do giảm bớt được chi phí sản xuất và công trông coi, chăm sóc", anh Tính chia sẻ.
Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại, sản xuất, chăn nuôi tập trung của hộ gia đình, cá nhân. Như tại Vĩnh Phúc có mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch với tổng diện tích khoảng 300 ha; cây trà hoa vàng, ba kích ở Tam Ðảo, Tam Dương; trồng cỏ nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường… với diện tích khoảng 1 đến 2 ha; hình thức chủ yếu là thuê, và đất của hộ gia đình, cá nhân. Tỉnh Hải Dương đến nay cũng có hơn 30 tổ chức, cá nhân thuê, mượn đất với diện tích tích tụ là 366,4 ha. Diện tích tích tụ có quy mô từ 5 đến 10 ha/hộ. Các địa phương tích tụ được nhiều như Gia Lộc, Ninh Giang, Bình Giang… Tỉnh Hưng Yên có mô hình thuê đất công điền kết hợp ruộng đất của gia đình, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản quy mô 10 ha tại xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào; góp ruộng tổ chức liên kết tổ chức lúa giống và lúa chất lượng cao ở hai xã Hưng Ðạo, Nhật Tân của huyện Tiên Lữ.
TP Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước cũng như vùng đồng bằng sông Hồng về tập trung, tích tụ ruộng đất, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Ðến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3 ha (đạt 104,6% kế hoạch); chuyển đổi được 40.227,3 ha sau dồn điền, đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, điển hình như trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt với doanh thu bình quân đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, xã Ðốc Tín, huyện Mỹ Ðức đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản trên diện tích 3 ha, doanh thu hơn 15 tỷ đồng/tháng; mô hình gieo cấy 2.300 ha lúa Japonica tại huyện Ứng Hòa; mô hình liên kết sản xuất giống lúa với quy mô 1.000 ha tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Ðức; mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, đạt lợi nhuận 400 triệu đồng/ha...
Nhìn nhận về sự hình thành và phát triển của các mô hình này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định: Ðối với các hộ dân đã tích tụ được một diện tích ruộng đất tương đối lớn thì dù trồng lúa hay trồng cây ăn quả, hoa màu… cũng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với sản xuất manh mún trước kia. Cụ thể, trồng lúa cho lợi nhuận tăng gấp đôi, còn trồng cây ăn quả thì lợi nhuận gấp từ 10 đến 15 lần. Như vậy, tích tụ ruộng đất đã bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt và cần được khuyến khích nhân rộng.
Doanh nghiệp dẫn dắt, liên kết sản xuất
Bên cạnh hình thức tích tụ ruộng đất để sản xuất thì tại nhiều tỉnh còn có các mô hình sản xuất tập trung rất sáng tạo của doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh, Công ty TNHH Cường Tân ở huyện Trực Ninh đang thuê gần 700 ha đất ruộng của nông dân để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Ðiều đáng nói là, sau khi thuê 700 ha thì công ty lại cho chính các hộ dân có nhu cầu thuê lại đất để sản xuất. Giám đốc Công ty Ðoàn Văn Sáu cho biết: Hiện chúng tôi đang cho khoảng 100 hộ dân thuê đất sản xuất lúa. Các hộ nhận thuê diện tích canh tác tùy vào khả năng của mình. Công ty hỗ trợ toàn bộ quy trình chăm sóc, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nông dân có nghĩa vụ trả lại doanh nghiệp tiền thuê đất bằng số tiền doanh nghiệp đã đi thuê từ trước. Với cách làm này, có hộ nhận thuê gần 20 mẫu ruộng, lợi nhuận trung bình đạt 500 nghìn đồng/sào thì tổng lợi nhuận hai vụ/ năm là 200 triệu đồng. Như thế nông dân "khỏe", doanh nghiệp cũng "khỏe" vì có đúng loại lúa mình cần, trồng đúng quy trình đưa ra cho nên việc tiêu thụ rất nhanh chóng. Những vụ giá lúa xuống thấp nhưng công ty vẫn có chính sách bù lỗ cho nông dân, giúp họ yên tâm nhận ruộng sản xuất.
Khác với Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân ở xã Yên Lương (huyện Ý Yên, Nam Ðịnh) lại tập trung sản xuất lớn thông qua việc liên kết với các hộ dân đã tích tụ được một diện tích ruộng lớn. Cụ thể, công ty hiện liên kết với 20 hợp tác xã và 60 hộ dân với tổng diện tích lên đến 1.500 ha. Công ty đầu tư lò sấy cùng dây chuyền xay xát gạo công nghệ hiện đại để bảo đảm khép kín từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ. Hộ gia đình ông Trần Trọng Phong ở thôn Sắc (xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh) thuê lại ruộng đất bỏ hoang của bà con với diện tích là bảy mẫu và thực hiện liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân. Ông Phong chia sẻ: Trong quá trình liên kết, công ty đầu tư cho nông dân giống, vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc… Ðến thời điểm thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Riêng vụ mùa năm 2019, gia đình tôi đạt lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/bảy mẫu ruộng. Mức lợi nhuận này sẽ chẳng bao giờ có được nếu mỗi nông hộ cứ trồng lúa theo cách truyền thống với mấy mảnh riêng lẻ.
Tại tỉnh Hà Nam, chính quyền trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai sản xuất. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Thái cho biết: Trên địa bàn tỉnh, việc tích tụ, tập trung đất đai được thực hiện dưới hai hình thức: Thứ nhất là chính quyền (UBND cấp huyện, cấp xã) thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ nông dân, sau đó cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê lại với giá bằng giá thuê của dân. Thứ hai là doanh nghiệp ký trực tiếp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với các hộ dân, có sự chứng kiến của UBND cấp huyện và cấp xã. Thời gian thuê đất từ 20 năm đến không quá 40 năm. Theo đó, Nhà nước ứng tiền ngân sách trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất của dân. Doanh nghiệp trả tiền thuê lại quyền sử dụng đất từ một đến hai lần. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí trong thời gian độ trễ giữa thời điểm thuê đất của các hộ dân và thời điểm cho doanh nghiệp thuê lại đất. Với cách làm đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã tích tụ được gần 400 ha đất nông nghiệp, đón đầu xu hướng đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp.
Hiện tại, tỉnh đã cho thuê, cho thuê lại gần 205 ha đất nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) thuê 180,7 ha đất tại Khu nông nghiệp xã Nhân Bình, xã Xuân Khê (huyện Lý Nhân); Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam thuê 21,6 ha đất tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân. Ngoài ra, có 593 hộ dân xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm) đã đồng thuận cho Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) thuê 150 ha đất để đầu tư trang trại bò sữa, chưa kể một số doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang khảo sát lập dự án đầu tư tại tỉnh. Ðáng chú ý, những hộ dân có đất cho thuê nếu có nhu cầu lao động sẽ được các doanh nghiệp thuê đất ưu tiên, bảo đảm thu nhập cao hơn nhiều so với họ tự sản xuất trên mảnh đất của mình. Chủ tịch UBND xã Xuân Khê, Ngô Văn Quang cho biết: Trong hai năm 2015, 2016, xã đã tích tụ và giao cho tỉnh để doanh nghiệp thuê 107,5 ha, tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động của xã với mức thu nhập ổn định từ bốn đến sáu triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả từ các hình thức tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn đã được ghi nhận trên thực tế, đó là tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất, lợi nhuận tăng cao trên cùng một đơn vị diện tích, thu nhập của nông dân được cải thiện đáng kể, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khi họ dễ dàng thực hiện sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm… Tuy nhiên hiện nay, số lượng các mô hình tích tụ đất nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Hồng vẫn chưa nhiều và không dễ nhân rộng. Vậy, nguyên nhân là do đâu?