Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội trong thảo luận về kinh tế-xã hội sáng 30/10 tại Hội trường.
Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chương trình này có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục ở khu vực nông thôn Việt Nam. Sau gần 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên chương trình đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Cơ sở hạ tầng được ưu tiên đầu tư xây dựng, bước đầu đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
Theo Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông), đến nay có khoảng 52,5% số xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đã và đang thực hiện theo hướng nâng cao kiểu mẫu. Tuy nhiên, do đặc điểm nông thôn Việt Nam rất đa dạng về địa hình, thành phần dân tộc, văn hóa, phong tục, tập quán… Nên số xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới còn khá nhiều, chiếm khoảng 47,5%, nhiều xã trong số này là xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Để tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, Đại biểu Võ Đình Tín kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để các địa phương sớm có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.
Đồng thời xem xét ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng đưa ra các chỉ tiêu, định hướng chung, trong đó việc thực hiện các nội dung cho các vùng, miền, còn việc ban hành tiêu chí cụ thể nên giao cho các địa phương nghiên cứu, ban hành để phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương để nêu cao tinh thần sáng tạo và cách làm phù hợp với từng vùng miền, từng tỉnh cụ thể mà vẫn đảm bảo được chất lượng của nông thôn mới.
Tích hợp toàn diện các nội dung tại các chương trình, dự án riêng vào Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thiết lập cơ chế quản lý, điều phối, hỗ trợ, khuyến khích, phát huy vai trò chủ thể của người dân, thật sự trao quyền làm chủ cho nhân dân, nơi nào làm tốt, nơi nào tạo được phong trào thi đua sâu rộng thì nơi đó được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách tăng dần theo hằng năm để làm đầu kéo cho các địa phương khác cùng theo.