Xanh thắm vùng đất lửa
Những ngày cuối năm 2019, khi cam trĩu trịt, chín mọng trong vườn cũng là lúc dòng người, xe cộ tất bật xuôi ngược trên quốc lộ 15A vận chuyển sản phẩm cam cung cấp cho thị trường toàn quốc. Vùng Trà Sơn nghèo khó năm nào nay đã trở thành vựa cam ngon nức tiếng ở Hà Tĩnh. Theo ví von của anh Phan Văn Thanh, chủ trại cam lớn nhất vùng Trà Sơn, ở xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc), chính đức tính cần cù, chịu khó và khát vọng vươn lên của người dân Can Lộc đã và đang mang lại những mùa quả ngọt bội thu. Quả thật, nếu ai đó từng đi qua hoặc được nghe kể lại mức độ khốc liệt mà bom đạn kẻ thù đã trút xuống chiến trường Ðồng Lộc sẽ cảm nhận rõ hơn sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây.
Anh Phan Văn Thanh nhớ lại, những năm sau chiến tranh, cả một vùng Trà Sơn chi chít hố bom, khi đến đây khai phá "vùng đất chết", người dân vừa phải rà phá bom, mìn, vừa phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa đối mặt những trận sốt nóng, sốt rét nơi rừng thiêng nước độc. Ban đầu các hộ dân chỉ tập trung trồng cây ngắn ngày lo chống đói. Sau quãng thời gian thử nghiệm các loại cây trồng được du nhập từ nơi khác về nhưng bất thành, đến năm 2009, từ nguồn giống được lai ghép ở sáu cây cam bản địa đầu dòng, cộng với các chính sách hỗ trợ phát triển cây cam của địa phương, diện tích trồng cam trong vùng cứ thế tăng nhanh. Ðược sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng tưới nhỏ giọt đang tăng nhanh, thương hiệu cam Trà Sơn đã được xây dựng thành công, ngày càng khẳng định chất lượng và có
chỗ đứng trên thị trường. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Duy Cường, địa phương hiện có hơn 800 ha diện tích cây có múi, trong đó cây cam có tổng diện tích 550 ha, với mức thu nhập 300 triệu đồng/ha, tính ra mỗi năm cho thu nhập hơn 160 tỷ đồng. Kết quả này chính là tiền đề quan trọng khẳng định việc lựa chọn hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế, nhất là tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hữu cơ, gắn với đẩy mạnh khai thác phát triển dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm xây dựng nông thôn mới. Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất tại ba vùng tập trung theo quy hoạch cho nên những năm qua giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng nhanh về sản lượng và giá trị. Tính đến nay, trên địa bàn có gần 1.000 mô hình sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên.
Khách trong nước và ngoài nước tham quan mô hình xây dựng vườn mẫu tại huyện Can Lộc.
Ðứng trên đỉnh đồi La Thị Tám, phóng tầm mắt ra xa, nhìn từ phía Thượng Lộc, Phú Lộc, qua thị trấn Ðồng Lộc, Mỹ Lộc..., dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nơi "tọa độ lửa" năm xưa. Núi Trọ Voi chi chít hố bom nay đã bạt ngàn một mầu xanh, đường sá, làng mạc kết nối liền kề, "phố huyện" Ðồng Lộc, thị tứ của miền Trà Sơn vuông vức như ô bàn cờ với những khu dịch vụ sầm uất, dãy nhà cao tầng hiện đại, là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của mảnh đất này. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường, với tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch sẵn có, thời gian qua, nhất là sau khi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm đột phá của huyện là: Tập trung khai thác, phát triển dịch vụ du lịch, thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì lĩnh vực, nhiệm vụ này được tập trung phát triển quyết liệt hơn. Chú trọng lập các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, nhằm khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia gắn với hoạt động lễ hội, nhất là Lễ hội Chùa Hương, Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc; phát huy các di sản ký ức thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ,... Kêu gọi phát triển các loại hình du lịch, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, xây dựng các tua, tuyến du lịch trải nghiệm vùng trang trại, vườn đồi. Tiêu biểu như kêu gọi đầu tư nâng cấp các hạng mục chùa Hương Tích với tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng; dự án nhà ở khu đô thị căn hộ liền kề trung tâm thị trấn Nghèn với quy mô hơn 12 ha... Nhờ đó, doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng cao, tạo đà phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Cụ thể năm 2018 - 2019, mỗi năm Can Lộc đón hơn 500 nghìn du khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 60 tỷ đồng.
Ði đầu, bước trước
Ðồng chí Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy Can Lộc nói: Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, mỗi một chúng ta hôm nay đều hết sức tự hào với truyền thống của quê hương. Can Lộc có 42 người đỗ đại khoa. Trên quê hương Can Lộc từng xuất hiện những tấm gương trung quân ái quốc, làm rạng rỡ truyền thống quê hương như: Ðặng Tất - Ðặng Dung, Nguyễn Huy Oánh, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Phan Kính... Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận, Can Lộc không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, mà còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân Can Lộc đã vùng dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột, thành lập chính quyền Xô Viết ở 130 làng, xã trong huyện, làm lung lay chế độ thực dân phong kiến, góp phần làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Can Lộc cũng là huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh tiến hành khởi nghĩa và là địa phương giành chính quyền sớm nhất về tay nhân dân. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Xe chưa qua nhà không tiếc"..., nhân dân Can Lộc đã vượt lên bom đạn của kẻ thù, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi. Chỉ trong một đêm, người dân làng K130 Tiến Lộc tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho xe ra mặt trận. Ngã ba Ðồng Lộc trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời tấm gương 10 nữ Anh hùng thanh niên xung phong trinh liệt.
Thực hiện công cuộc đổi mới, huyện Can Lộc tiếp tục phát huy truyền thống "đi đầu, bước trước", biến chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Can Lộc đã sớm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với những bước đi cụ thể, sáng tạo như xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho nhân dân, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, chuyển đổi ruộng đất, tái cơ cấu nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất... Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động được hơn 16 nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công, vận động hơn 11 nghìn hộ dân hiến hàng trăm nghìn m2 đất mở mang đường làng, ngõ xóm... Cùng với việc xây dựng 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã tập trung các nguồn lực để thực hiện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới. Ðiểm nhấn của nông thôn mới ở huyện Can Lộc là những khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao, tạo nên những vùng nông thôn trù phú, xanh, sạch, văn minh. Ngày 17-10-2019, Can Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Ðây là "trái ngọt" cho thành quả vào đúng dịp huyện Can Lộc đang chuẩn bị kỷ niệm 550 năm truyền thống huyện Thiên Lộc - Can Lộc (1469 - 2019).
"Có được những kết quả này, bên cạnh việc kế thừa, phát huy tốt truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương và khơi dậy khát vọng vươn lên trong mỗi người dân, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, làm tốt công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, trong đó đã mạnh dạn đổi mới phong cách lãnh đạo, làm việc theo hướng phát huy dân chủ, bám cơ sở, gần dân; nhạy bén nắm bắt đường lối, chủ trương của Ðảng và Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn nhằm khai thác cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển", đồng chí Nguyễn Như Dũng nhấn mạnh.
Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được thời gian qua, địa phương xác định, việc tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại vẫn là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ðồng thời, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người Can Lộc với những phẩm chất quý báu là trí tuệ, năng động, đoàn kết, nghĩa tình và thủy chung. Ðây là một nguồn lực lớn, rất quan trọng để huyện nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ CNH - HÐH và hội nhập, phấn đấu đưa Can Lộc sớm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII bảo đảm sự phát triển bền vững về các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng Ðảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chuẩn bị và tiến hành tốt đại hội đảng các cấp, lập thành tích xuất sắc hướng tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.