Cứ đi theo con đường Minh Mạng hướng lên lăng Khải Định mà xem, nhà cửa, hàng quán hai bên đường được xây dựng, sửa sang rất mạnh. Có những khu du lịch, qui mô không lớn nhưng xinh xắn. Phải cả hàng chục tỷ mới hình thành nên được. Tức là đô thị được kéo giãn ra. Đi theo đường Nguyên Sinh Cung về Vỹ Dạ, rồi tỏa ra nhiều ngả đường; ven đường Võ Văn Kiệt đoạn dưới cầu vượt Thủy Dương cũng vậy. Nhiều khu đô thị đang rầm rộ xây dựng.
Cảng Chân Mây được đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải
Tiền ở đâu người dân đổ ra đầu tư nhiều vậy? Một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác. Không chính xác thì chúng ta thử “đoán mò” xem sao.
Tiền từ những nhà đầu tư ngoài tỉnh thường được rót vào những dự án lớn. Thường là các dự án du lịch và bất động sản. Đầu tư vào công nghiệp cũng gián tiếp tạo ra nguồn thu nhập, tác động vào phát triển đô thị và dịch vụ. Nhưng để tiền đầu tư toàn xã hội nhiều như vậy, theo tôi, chủ yếu là tiền từ trong dân Thừa Thiên Huế.
Miếng bánh GRDP đã to hơn nên nó có “sức nở” cao hơn. Cũng là tăng trưởng trên dưới 7%/ năm nhưng rõ ràng, tính theo con số tuyệt đối, thì 7% của năm sau cao hơn năm trước nhiều và càng cao hơn 5 năm về trước. Để dễ hình dung chúng ta làm phép tính thế này. Ví dụ như một doanh nghiệp năm 2018 đạt doanh số 100 tỷ đồng. Có mức độ tăng trưởng 10% so với năm trước. Tức là nó đạt 110 tỷ đồng so với năm 2017, tăng thêm 10 tỷ đồng. Năm 2019 vẫn với tốc độ tăng trưởng 10%, thì nó đã đạt 111 tỷ đồng. GDP của Việt Nam chừng khoảng hơn 230 tỷ USD và tiếp tục tăng thì 7% của năm sau tạo ra con số tuyệt đối sẽ lớn hơn so với 5 năm trước rất nhiều. Ở Thừa Thiên Huế năm 2018, qui mô của nền kinh tế gần 32.500 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng 7,15% chúng ta sẽ thấy miếng bánh kinh tế to hơn trước. Người dân Thừa Thiên Huế đóng một phần quan trọng vào điều này và tất nhiên họ được hưởng thành quả trong ấy. Hay nói cách khác, người dân ngày càng có tiền nhiều hơn.
Có một nguồn tiền khác là từ kiều hối. Người Huế (nói chung cho tỉnh Thừa Thiên Huế) định cư ở nước ngoài không ít. Hàng năm họ gửi về một nguồn tiền không nhỏ, có người ước tính vào khoảng 300 triệu USD mỗi năm. Người dân Thừa Thiên Huế di cư khắp nơi trong nước, trong đó có nhiều người thành đạt cũng gửi về một lượng tiền khá lớn cho đầu tư. Nguồn tiền này cộng với tiền vay ngân hàng để cho ra các công trình và các loại hình dịch vụ, làm cho đô thị Huế ngày càng sôi động hơn.
Tôi nghĩ, có một nguồn tiền khác cũng cần đề cập, đó là nguồn tiền được chắt chiu tích lũy từ thế hệ trước. Nhiều người từng nói “dân Huế giàu ngầm nhiều lắm”. Cả một thế hệ trước đây, người dân có thói quen chắt chiu dành dụm, cùng với thói quen sắm vàng. Họ tích lũy nhưng ít có tư tưởng mạnh dạn đầu tư như lớp trẻ bây giờ. Có lẽ, họ đã trải qua một thời đầy biến động nên có tư tưởng “phòng thủ”. Giờ nguồn tiền này được bung ra đầu tư hoặc tạo nguồn vốn cho con cái đầu tư. Mà lớp trẻ bây giờ rất năng động, mạnh dạn, mê kinh doanh, khởi nghiệp với đủ loại hình dịch vụ qui mô lớn nhỏ khác nhau.
Thôi thì nguồn tiền nào cũng là tiền. Cứ thấy Huế thay đổi từng ngày là vui rồi.