Tết Canh Tý 2020 đang kề cận nhưng ông Lê Hội Đức, ở xóm Sơn Long, xã Quỳnh Lập, chủ tàu đánh cá xa bờ NA98288 TS cùng hơn chục thuyền viên khác đang như ngồi trên đống lửa bởi bảo hiểm đã hết hạn hơn hai tháng nay. Bởi họ hiểu rằng, nghề đi biển chứa đựng nhiều rủi ro, nhất lại vào mùa sát Tết, thường xuyên có sóng to, gió lớn. Ông Đức bức xúc: Chúng tôi hiểu rõ, nghề khai thác hải sản trên biển đối mặt với nhiều rủi ro nên việc mua bảo hiểm vật chất cho tàu và bảo hiểm tính mạng cho thuyền viên luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, tháng 11-2019 vừa qua, khi hết hạn bảo hiểm, chúng tôi đã nhiều lần đến Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An, Chi nhánh thị xã Hoàng Mai để chờ mua bảo hiểm. Ban đầu, họ bắt chúng tôi làm đi làm lại các thủ tục; Sau đó, là chờ đợi. Và cuối cùng, họ lại trả lời là chưa bán với lý do, đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Chúng tôi quá bất ngờ, việc xin ý kiến là vấn đề của công ty bảo hiểm và Bộ Tài chính, còn ngư dân chúng tôi vẫn cần được bán bảo hiểm ngay để tiếp tục ra khơi, bám biển”.
Cũng giống hoàn cảnh ông Đức là tàu NA90868TS của ông Hồ Sỹ Đại ở xóm Tân Thành (Quỳnh Lập), khi nhiều tháng nay đã hết bảo hiểm mà không mua được bảo hiểm. Ông Đại cho biết thêm: Chúng tôi đóng tàu 67 theo chủ trương của Chính phủ, giờ đây chịu quá nhiều áp lực, không chỉ lo làm sao mỗi chuyến đi biển về có thật nhiều cá, mực, lại không bị ép giá; lo trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn để được hưởng lãi xuất ưu đãi… nay lại thêm áp lực, chờ mua bảo hiểm. Bởi ra khơi mà không có bảo hiểm thì chả khác nào “trứng quảy đầu gậy”. Các chủ tàu tâm tư, đã dồn hết vốn liếng cùng vốn vay ngân hàng rất lớn để tham gia đóng tàu 67. Đây được coi là nguồn sống duy nhất và cũng là nguồn trả cho ngân hàng. Nếu tàu không được bảo hiểm vật chất, bảo hiểm thân thể thuyền viên thì khi gặp rủi ro, không chỉ mất trắng con tàu mà toàn bộ gia đình các thuyền viên còn mất nhà cửa, và ngân hàng mất vốn đầu tư; đặc biệt là bảo hiểm tính mạng của các ngư dân...
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập Nguyễn Văn Nho cho biết: Toàn xã có 146 tàu có công suất máy từ 280 đến 1.350 CV đều mua bảo hiểm và đến tháng 2-2020 sẽ cơ bản hết hạn bảo hiểm. Ngư dân cũng như ngân hàng đang đứng ngồi không yên khi tàu đi đánh cá mà không có bảo hiểm. Được biết, Quỳnh Lập là địa phương có đến 32 tàu đánh cá xa bờ đóng theo Nghị định 67 và 17 của Chính phủ có trị giá từ 11 tỷ đồng đến 23 tỷ đồng/tàu. Trong đó, phần vốn vay ngân hàng chiếm 2/3, ngư dân góp 1/3. Mặc dù Chính phủ không quy định, nhưng để ngân hàng cho vay vốn đóng tàu 67, ngư dân phải thế chấp nhiều bìa đỏ của gia đình và người thân. Phần lớn các tàu đóng mới theo Nghị định 67 và 17 ở Quỳnh Lập đều làm ăn hiệu quả và trả nợ ngân hàng đúng kế hoạch. Tuy nhiên đến nay, Quỳnh Lập đã có bốn tàu 67 bị rủi ro (bị cháy hoàn toàn).
Theo báo cáo của UBND thị xã Hoàng Mai, đánh bắt hải sản là một mũi nhọn kinh tế của địa phương. Người dân đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư gần 400 phương tiện đánh bắt; chủ yếu là tàu đánh bắt biển xa như khu vực vùng đánh cá chung, đảo Bạch Long Vĩ, quần đảo Hoàng Sa… và có khoảng từ ba đến bốn nghìn lao động thường xuyên làm việc trên biển. Nếu vì một lý do nào đó, mà Bảo hiểm PJICO Nghệ An chưa tiếp tục bán bảo hiểm cho các tàu đã hết hạn thì ngư dân và các ngân hàng cho vay tiền đóng tàu, dịch vụ nghề cá sẽ vô cùng bất an mỗi khi tàu đi biển. Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Vũ Tuấn Dũng đề nghị: Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn kịp thời để Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An sớm triển khai bán bảo hiểm cho ngư dân Hoàng Mai nói riêng và ngư dân Nghệ An nói chung để ngư dân an tâm ra khơi bám biển. Bộ Tài Chính cho nhiều công ty bảo hiểm tham gia bán bảo hiểm cho tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn Nghệ An, chứ không nên độc quyền bán bảo hiểm như hiện nay.
Cũng liên quan đến bảo hiểm, theo phản ánh của ông Đậu Đình Khăm, chủ tàu 67 NA98388 TS, tàu bị hư hỏng máy chính nhiều lần, sửa chữa tốn kém hàng trăm triệu đồng. Ông Kham đã hoàn tất thủ tục hồ sơ liên quan từ tháng 3-2019 nhưng đến nay, Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An vẫn chưa giải quyết.