TIN TỨC - SỰ KIỆN
1. Khai mạc chương trình “Tết Huế”
Hoạt động được Thành ủy, UBND TP. Huế tổ chức chiều 14/1 tại Công viên Thương Bạc với sự tham dự của trên 300 cán bộ của 27 phường, nghệ nhân ẩm thực và các cơ sở kinh doanh đặc sản Huế.
Diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/1, chương trình “Tết Huế” nhằm tái hiện, giới thiệu và quảng bá một số hoạt động của người dân Huế đón Tết cổ truyền dân tộc, đặc biệt là ẩm thực Huế và đặc sản các địa phương trong tỉnh, bao gồm các hội thi làm và nấu bánh chưng, bánh tét; làm mứt tết; không gian ẩm thực; trình diễn cách bày mâm cỗ cúng tất niên của người dân Huế; không gian trình diễn, trưng bày đặc sản ngày tết; không gian trò chơi dân gian; thư pháp…
Chương trình “Tết Huế” 2020 có ý nghĩa đặc biệt, đó là gửi gắm thông điệp hướng về cội nguồn dân tộc, chung tay sẻ chia đối với bà con có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi hội thi kết thúc, chương trình sẽ chuyển đến tận tay các hộ nghèo thuộc Dự án Di dời, giải tỏa khu vực I Kinh thành Huế và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các trung tâm nuôi dạy trẻ trên địa bàn những chiếc bánh chưng, đòn bánh tét và mứt Huế để bà con vui xuân đón tết cổ truyền bên các đặc sản địa phương.
Theo Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Trưởng Ban tổ chức chương trình Hoàng Tân Ninh, thông qua chương trình, mối quan hệ phối hợp của mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân từ thành phố đến cơ sở càng gắn bó, truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn được phát huy, đồng thời tạo ra ngày hội thi thố tài năng giữa các phường cũng như người dân Huế. (baothuathienhue.vn 14/1)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Viện KSND thị xã Hương Trà triển khai công tác năm 2020
Chiều ngày 14/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hương Trà đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Nhơn Vượng – Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh.
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Hương Trà và lãnh đạo các cơ quan Công an, Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự cùng toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị.
Năm 2019 Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hương Trà đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nghiệp vụ đã đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt: Tỷ lệ giải quyết tin báo đạt 97% (vượt chỉ tiêu), không có tin báo quá hạn; Tỷ lệ giải quyết án trong giai đoạn điều tra đạt 91% (vượt chỉ tiêu đề ra); Tỷ lệ án truy tố đạt 100% (vượt chỉ tiêu tiêu đề ra); không có vụ án nào phải đình chỉ điều tra do không cấu thành tội phạm, không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố mà toà tuyên không phạm tội, không có vụ án án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đã xác định 05 vụ án trọng điểm, Tổ chức 09 phiên toà hình sự, 06 phiên toà dân sự rút kinh nghiệm; các chỉ tiêu kiến nghị, kháng nghị, trực tiếp kiểm sát đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đơn vị đã triển khai thực hiện tốt công tác số hoá hồ sơ vụ án hình sự (đã số hoá hồ sơ 24 vụ) và công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong đó đã tổ chức có hiệu quả 01 phiên toà số hoà hồ sơ vụ án hình sự đầu tiên trong toàn tỉnh để vừa làm, vừa học tập rút kinh nghiệm. Với những kết quả đạt được trong năm 2019, Tập thể được tặng Giấy khen của Viện trưởng VKSND tỉnh và Bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; 02 Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao; 03 cá nhân được tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao và 02 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Thắng - Phó Bí thư thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã ghi nhận những kết quả mà Viện KSND thị xã Hương Trà đã đạt được trong năm 2019 và đánh giá cao quan hệ phối hợp giữa VKS với các cơ quan trên địa bàn. Đồng thời nhấn mạnh, trong năm 2020 tập thể lãnh đạo cán bộ công chức đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng tập thể đơn vị trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Ngành và Cấp ủy địa phương giao; Thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ trong việc tuyên truyền, chấp hành pháp luật trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp trên địa bàn; phát huy tính dân chủ, đoàn kết trong đơn vị; Chuẩn bị tốt công tác đại hội Chi bộ VKS nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Nhơn Vượng – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hương Trà đạt được trong năm 2019, đồng thời yêu cầu tập thể lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên của đơn vị cần tập trung thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra, truy tố; không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm, thực hiện nghiêm túc khoản 5 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, kiểm sát chặt chẽ án tạm đình chỉ; triển khai thực hiện tốt công tác số hoá hồ sơ vụ án hình sự và ghi âm, ghi hình có âm thanh, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Tổ chức thực hiện tốt các phiên toà rút kinh nghiệm; hạn chế thấp nhất án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; tăng cường công tác kiếm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác tổ chức cán bộ. (vkshue.gov.vn 14/1)
2. Nhân lên hành động đẹp
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được các cấp ủy Đảng trực thuộc Đảng bộ TP. Huế tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện.
Điển hình
Thấm nhuần tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống của Bác, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, Chi hội trưởng Chi hội 4, Hội LHPN phường Thuận Lộc đã thành lập một nhóm thợ thêu. Ngoài tạo công ăn, việc làm ổn định cho 20 phụ nữ, chị Hồng còn thường xuyên thăm hỏi, động viên các chị nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và công việc.
“Dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ có cùng điểm chung là việc làm không ổn định. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định thành lập nhóm thợ thêu này. Từ khi nhóm đi vào hoạt động, không chỉ tạo môi trường gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, mà chúng tôi thường sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống. Đó là lý do ai cũng cố gắng làm việc hết sức mình, vì quyền lợi và trách nhiệm của nhau”, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng chia sẻ.
Là Giám đốc Xí nghiệp cơ khí - sửa chữa thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế, anh Trần Ngọc Vỹ luôn tìm tòi, sáng tạo để cải tiến phương tiện kỹ thuật, máy móc. Anh Vỹ và tập thể tổ cơ khí, tổ máy của xí nghiệp đã nâng cấp, sửa chữa nhiều loại xe chuyên dụng, tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng. Điển hình, sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, anh Vỹ đã sửa chữa thành công động cơ xe cuốn ép rác BKS 75C - 2689 hỏng từ năm 2008, tiết kiệm cho công ty hơn 400 triệu đồng. Từ thành công đó, anh tiếp tục nhận sửa chữa, đại tu xe ô tô cuốn ép rác BKS 75DA-0012 tiết kiệm hơn 80 triệu đồng; gia công chế tạo mới bộ lốc tích công suất xe tưới nước rửa đường…
Giám đốc Trần Ngọc Vỹ tâm sự: “Bác Hồ từng dạy, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất. Đó là động lực để tôi luôn nỗ lực trong mọi công việc được giao”.
Từ năm 2010 đến nay, cô Hồ Thị Kiều Chinh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường mầm non Thủy Xuân luôn là cán bộ quản lý năng động, tích cực, sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng thực tế mang lại hiệu quả cao, đem lại nhiều thành tích cho nhà trường. Giai đoạn 2010-2011, Trường mầm non Thủy Xuân là một trong những trường khó khăn nhất, nhì ở TP. Huế thì nay đã vươn lên trở thành trường mầm non nằm trong tốp các trường có uy tín, chất lượng của thành phố. Bản thân cô Hồ Thị Kiều Chinh được lãnh đạo tỉnh tặng nhiều bằng khen trong các phong trào thi đua yêu nước; thành phố tặng nhiều giấy khen liên tục qua các năm học.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Huế Trần Thị Hải Yến cho biết: Tuy còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, nhưng chính nhờ đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nên đã có chuyển biến tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động, việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ TP. Huế.
Nhân lên hành động đẹp
Bà Trần Thị Hải Yến cũng cho hay: “Tình trạng thiếu gương mẫu, suy giảm ý chí phấn đấu, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên không phải là không có. Thời gian qua có không ít cán bộ, đảng viên đã bị Thành ủy Huế xóa tên trong danh sách đảng viên. Vì vậy, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về học Bác là điều hết sức cần thiết”.
Thành ủy Huế xác định, một trong những giải pháp để có thêm những tập thể, cá nhân điển hình về học và làm theo tấm gương của Bác chính là tập trung lãnh, chỉ đạo việc rà soát, xử lý những trường hợp cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng trong từng chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ TP. Huế; xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong cán bộ, đảng viên. Mặt khác, các tổ chức Đảng, đảng viên phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình, là tấm gương điển hình để quần chúng học tập, làm theo.
Đánh giá về quá trình thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thời gian qua, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Huỳnh Cư khẳng định: “Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về học Bác trên địa bàn TP. Huế còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, thời gian tới, Thành ủy Huế tập trung chỉ đạo, làm nổi bật hơn nữa những hành động “làm theo” của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng. Muốn vậy, ngoài tăng cường các giải pháp thì một trong những yếu tố hết sức quan trọng là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cần bám sát cơ sở, gần dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó, nhân lên những hành động đẹp, những việc làm ý nghĩa, thiết thực trong học tập và làm theo Bác”. (baothuathienhue.vn 14/1)
3. Ký kết thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI
UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn, Trưởng khối và Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh Trần Duy Phước, Phó trưởng Khối chủ trì hội nghị.
Theo đó, Khối thi đua các Cơ quan Đảng gồm 9 đơn vị: Báo Thừa Thiên Huế; Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh; Ban Tổ chức Tỉnh ủy; UBKT Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Ban Nội chính Tỉnh ủy; Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất ký kết giao ước thi đua năm 2020 với 6 nội dung quan trọng.
Đó là, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thực hiện tốt các hoạt động văn hóa – xã hội, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao và hoạt động xã hội, tình nghĩa.
Ngoài ra, các đơn vị còn đẩy mạnh phong trào phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính, quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị; vận động cán bộ công chức cam kết xây dựng cơ quan đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự năm 2020”; xây dựng chi, đảng bộ và tổ chức hệ thống chính trị “Trong sạch, vững mạnh”; phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. (baothuathienhue.vn 14/1)
4. Đảm bảo xét xử nghiêm minh, công bằng
Ngày 14/1, TAND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2020 và trao Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh án TAND tỉnh. Đến dự có ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TAND tối cao; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành…
Năm 2019, TAND hai cấp thụ lý 3.933 vụ án các loại, đã giải quyết 3.591 vụ, đạt tỷ lệ 91,3%, đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Trong đó, đã thụ lý án hình sự 876 vụ với 1.450 bị cáo, giải quyết 862 vụ với 1.416 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,4% số vụ và 97,7% số bị cáo. Án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động: thụ lý 3.000 vụ, đã giải quyết 2.679 vụ, đạt tỷ lệ 89,3%.
Án hành chính: thụ lý 46 vụ, đã giải quyết 40 vụ, đạt tỷ lệ 87%; đã tổ chức 76 phiên tòa rút kinh nghiệm. Chất lượng xét xử án hình sự được đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không có trường hợp nào xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Chất lượng xét xử các loại án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động cơ bản đảm bảo đúng chính sách, pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của đương sự.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 được triển khai tại hội nghị. TS. Nguyễn Văn Bường, Thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND tỉnh nhấn mạnh: Phải đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm pháp luật. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán. 100% Thẩm phán có tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; thực hiện tốt các yêu cầu của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; công bố 100% bản án, quyết định có hiệu lực trên Cổng thông tin điện tử theo quy định.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu biểu dương những thành tích TAND hai cấp đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: TAND hai cấp cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa TAND với các cơ quan, ban, ngành địa phương, nhất là các cơ quan tư pháp, trong khối nội chính để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ . Các cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để TAND các địa phương hoàn thành tốt trọng trách được giao, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế-xã hộ, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Dịp này, thừa ủy quyền của Chánh án TAND tối cao, bà Đào Thị Tú Hoa, Phó vụ trưởng Vụ TCCB công bố Quyết định của Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm ông Vũ Văn Minh sinh năm 1974, Thẩm phán Trung cấp, Chánh án TAND thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, giữ chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệm kỳ 5 năm, kể từ ngày 15/12/2019. (baothuathienhue.vn 14/1)
5. VKSND Thành phố Huế triển khai công tác kiểm sát năm 2020
Ngày 14/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ, công tác năm 2020. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lại Đình Hùng – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế và đồng chí Trần Hùng Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy. Ngoài ra Hội nghị còn có sự tham dự của Lãnh đạo các ban ngành, các cơ quan nội chính của thành phố Huế.
Năm 2019 với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết nhất trí của tập thể cán bộ công chức, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra từ đầu năm góp phần vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong số 63 chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ, đơn vị đã thực hiện đạt và vượt 62/63 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 23 chỉ tiêu thực hiện vượt.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lại Đình Hùng – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và biểu dương những kết quả mà VKSND Thành phố Huế đạt được trong năm 2019, đồng thời chỉ đạo tập thể lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên cần tập trung thực hiện tốt những nội dung của Chỉ thị số 01 về công tác kiểm sát năm 2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao; Kế hoạch công tác năm 2020 của VKSND tỉnh, đổi mới trong thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, đặc biệt là khâu thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Phải gắn công tố với hoạt động điều tra. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, kiểm sát chặt chẽ các Bản án, Quyết định của Tòa án. Tăng cường chất lượng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính. Đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án hình sự, thi hành án hành chính. Thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Chú trọng hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành để chủ động chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị hoàn thành đạt, vượt các chỉ tiêu. Đồng chí Lại Đình Hùng yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên của VKSND thành phố Huế phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật mới có hiệu lực để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên - Viện trưởng VKSND thành phố Huế đã thay mặt Lãnh đạo đơn vị tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tỉnh và Lãnh đạo thành phố. Năm 2020, với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”, tập thể VKSND thành phố Huế sẻ phấn đấu nỗ lực, đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Phấn đấu đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối và được Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tặng Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân. (vkshue.gov.vn 14/1)
6. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà tặng quà tết các đơn vị, gia đình chính sách
Chiều 14/1, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đã đi thăm, tặng quà tết ở một số đơn vị và các gia đình chính sách, hộ thoát nghèo trên địa bàn tỉnh.
Thăm Đảng bộ, chính quyền xã Phú Gia – một xã vừa mới sáp nhập của huyện Phú Vang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, người dân nơi đây đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáp nhập thành công đơn vị hành chính cấp xã.
Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền xã Phú Gia thời điểm này là tập trung chăm lo tết cho người dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng; sớm ổn định bộ máy để lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ tốt hơn nữa cho người dân.
Đảng bộ, chính quyền xã Phú Gia phải không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để tập trung lãnh, chỉ đạo Đại hội Đảng; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế.
Đến thăm tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Huê, trú tại thôn Mong A – vợ liệt sĩ, Anh hùng LLVTND và bà Hồ Thị Lư, trú tại thôn Mộc Trụ – gia đình thoát nghèo tiêu biểu của xã Phú Gia, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chia sẻ, động viên các gia đình luôn phát huy truyền thống cách mạng; vận động bà con lối xóm cùng nhau thoát nghèo, khuyên dạy con cháu phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
“Gia đình chính sách, người có công với cách mạng chính là những tấm gương tiêu biểu để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập làm theo. Gia đình thoát nghèo bền vững chính là động lực để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên hơn nữa trong cuộc sống”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà khẳng định.
Chung vui với cán bộ, chiến sĩ Hải Đội 2 và Đồn Biên phòng của khẩu Thuận An (Phú Vang), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà lưu ý, ngoài vui xuân, đón tết, nhưng không quên nhiệm vụ, trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Nhiệm vụ năm 2020 hết sức quan trọng, do vậy, tất cả cán bộ, chiến sĩ cần nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần vào thành công chung của tỉnh.
Chia sẻ với những khó khăn cùng với Ban Giám đốc Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, phường Thủy Xuân (TP. Huế), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà động viên đội ngũ giáo viên, người khuyết tật nơi đây không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
“Để chăm lo cho 40 em khuyết tật đang sinh sống, học tập tại trung tâm là điều hết sức khó khăn. Vì thế, Ban Giám đốc, đội ngũ giáo viên trung tâm cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, luôn cố gắng vượt qua khó khăn để trung tâm thực sự là chỗ dựa vững chắc của những người khuyết tật”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chia sẻ.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đã gửi những phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và chúc các đơn vị, cùng các gia đình đón một năm mới an khang, thịnh vượng; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. (baothuathienhue.vn 14/1)
XÃ HỘI
1. Về làng hoa 300 năm ở Huế chỉ 'nở' một lần vào dịp Tết
Ngay từ trước Tết ‘ông Công - ông Táo’, người xứ Huế đều tìm mua loại hoa này để về dùng cho việc tâm linh. Hoa chỉ được sản xuất chủ yếu phục vụ cho dịp Tết cổ truyền, từ một làng nghề duy nhất ở miền Trung đã trên dưới 300 năm tuổi có tên là Thanh Tiên, nằm ở cuối nguồn sông Hương sâu lắng, êm đềm.
Nghề sản xuất ra loại hoa giấy để dùng cho việc tâm linh ngày Tết này có lịch sử trên dưới 300 năm. Ngày nay, hoa giấy còn phục vụ cho du lịch.
Những nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên xứ Huế đang tất bật vào vụ sản xuất hoa Tết bằng phương pháp hoàn toàn thủ công truyền thống. Nghề làm hoa giấy này có lịch sử từ trên dưới 300 năm, hễ nhắc đến tên làng, người ta lại nhớ tới hoa.
Làng hoa giấy nổi tiếng này nằm ở vùng ven Huế, cuối dòng sông Hương thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Hoa được dùng trong thờ cúng dân gian dịp Tết (cúng ông Táo, trang bà - thờ đấng hộ mệnh phụ nữ, ông Địa…).
Dù hoa giấy Thanh Tiên làm ra chủ yếu để phục vụ cho dịp Tết, nhưng các nghệ nhân phải chuẩn bị tỉ mẩn nhiều vật dụng, phơi tre, vót nan tre từ nửa năm trước. Việc chế tác ra một cụm hoa phải qua rất nhiều công đoạn.
Có một thời, làng hoa giấy Thanh Tiên 300 năm tuổi tưởng chừng bên bờ vực mai một, thất truyền; do bị thứ hoa kẽm kim loại cũng dùng thờ cúng nhập từ nơi khác về cạnh tranh. Nay nghề hoa giấy lại đầy sức sống, nhờ những cách điệu về mẫu mã, đa dạng màu sắc và yếu tố dễ phân hủy (làm bằng giấy, tre nứa) thân thiện với môi trường.
Theo các nghệ nhân dân gian làng Thanh Tiên, người làm hoa giấy nơi đây vì yêu nghề, muốn giữ nghề, chứ thu nhập từ thứ hoa truyền thống này không cao. Mỗi cặp hoa giấy bán ngay tại nơi sản xuất chỉ 2.000 đồng. Họ phải trồng thêm hoa tươi, làm thêm hoa sen giấy nghệ thuật để kiếm sống.
Đây là một “cây hoa giấy” hoàn chỉnh trước khi xuất bán lên phố và các huyện, thị tại Thừa Thiên Huế. Một “cây hoa giấy” này có tất cả 200 cặp hoa, tùy theo nhu cầu mua, người bán sẽ rút dần những cặp hoa dắt vào cây này để bán cho người dùng.
Hiện tại, ở làng Thanh Tiên vẫn còn gần 10 hộ gia đình chuyên nghề làm hoa giấy. Họ giữ lửa nghề do tổ tiên để lại, nhằm góp thêm cho Huế một sắc thái Tết rất riêng “chẳng nơi nào có được”. (tienphong.vn 14/1)
2. Chiêm ngưỡng cây mai độc lạ, dáng “bình phong” tại Huế
Một cây mai vóc dáng to lớn và độc, lạ tựa như chiếc bình phong che chở cho phần trước của tòa nhà vừa xuất hiện tại TP Huế trong dịp Tết Canh Tý 2020.
Cây mai có vóc dáng to lớn, nhìn tựa như một chiếc bình phong che gió - kiểu trang trí đặc trưng của nhà vườn xứ Huế
Những thân mai được uốn kỹ lưỡng
Theo một nghệ nhân chơi mai ở Huế, cây mai dáng bình phong đòi hỏi phải uốn công phu, vì độ khó chăm tỉa nên ít có cây mai dáng này ở các chợ hoa xuân
Gốc cây mai được đánh giá khá đẹp
Giữa lúc hàng loạt cây mai ở Huế nở bung gần hết khi Tết còn hơn 10 ngày, cây mai này mới nở vừa phải
Hoa mai có 5 cánh và có hương thơm, đặc trưng cho mai Huế
Nhìn cây mai còn có hình cái quạt lớn, hay như đuôi con chim công
Lao công chăm sóc cây
sắc mai vàng ấm áp trong mùa xuân mới
Dáng đẹp của cây mai "bình phong"
Mai gợi lên không khí Tết đã đến rất gần
Cây mai nhìn về sông Hương và Kỳ Đài - cửa Ngọ Môn (xaluan.com 14/1)
3. Nhiều hoạt động của cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
Vận động cán bộ, hội viên, gia đình góp gần 6.600 ngày công và gần 400 triệu đồng để tham gia xây dựng nông thôn mới là kết quả nổi bật của Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh trong năm 2019 được ghi nhận tại hội nghị tổng kết công tác phối hợp xây dựng nông thôn mới và hoạt động kinh tế năm 2019 do Hội CCB tỉnh tổ chức sáng 14/1.
Ngoài ra, Hội CCB các cấp cũng vận động được 380 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 3 nhà ở, sửa chữa 14 nhà cho hội viên khó khăn. Nhiều hội viên đã mạnh dạn tham gia vay vốn, phát triển kinh tế. Hiện CCB không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm.
Chiều cùng ngày, Hội CCB tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phổ biến giáo dục, pháp luật và kiểm tra, giám sát năm 2019. (baothuathienhue.vn 14/1)
4. Vườn hoàng mai cổ thụ bung nở
10 ngày nữa mới đến Tết song hơn 130 gốc hoàng mai cổ thụ ở công viên phía trước Kinh thành Huế đã khoe màu vàng rực rỡ.
Vườn mai này do Trung tâm công viên cây xanh TP Huế quản lý, Hàng năm đơn vị này chọn mua cây mai cổ thụ từ người dân và trồng ở đây; nhiều gốc mai đã được trồng từ 20 năm trước.
Khác với mai hồng diệp ở miền Nam, hoàng mai xứ Huế khi nở thường có 5 cánh, hương thơm nhẹ, tinh khiết.
Các cây hoàng mai đều được công nhân chăm sóc kỹ lưỡng, đánh số thứ tự để quản lý, chống trộm.
Vào tháng 11 âm lịch, các công nhân cây xanh đô thị ở Huế bắt đầu nhặt lá cây để tập trung dinh dưỡng cho hoa, giúp cây ra hoa đúng dịp Tết. "Tuy nhiên, năm nay thời tiết ở Huế nắng nóng kéo dài khiến hoàng mai nở sớm", ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế nói.
Mỗi dịp xuân về, vườn hoàng mai trở thành điểm đến yêu thích của người dân địa phương và du khách.
Chị Phan Thị Thanh Hiền (24 tuổi) chia sẻ "em làm việc ở miền Nam, mới ra Huế thăm gia đình, thấy hoàng mai nở đẹp quá nên đến chụp hình lưu niệm". (giaoducthoidai.vn 15/1)
5. Trao 300 suất quà tết đến người già, trẻ em khó khăn
Sáng 14/1, UBND TX. Hương Thủy tổ chức chương trình “Trẻ em vui Xuân - Người già ấm Tết” năm 2020. Ông Phan Xuân Toàn - UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã đến dự.
Tại chương trình, đã có 300 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng được trao đến các hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Tổng kinh trí trao quà đợt này là 150 triệu đồng, trong đó hơn 80 triệu đồng do các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ, đóng góp.
Đáng chú ý, trong công tác bảo trợ xã hội, ngoài hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tặng quà, thụ hưởng chế độ theo quy định…, các hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội còn được thị xã hỗ trợ tiền điện hàng tháng với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng mỗi năm. (baothuathienhue.vn 14/1)
6. Thừa Thiên - Huế: Đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp tết
Theo Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế, tính đến ngày 20/11/2019, DTLCP đã xảy ra tại 696 thôn, 120 xã thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 26 xã có bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Trước sự biến động của DTLCP khiến tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể.
Tuy nhiên, các trang trại lớn chăn nuôi theo hình thức khép kín chưa ảnh hưởng DTLCP thì tỷ lệ tái đàn rất nhanh. Đến nay, nhiều trang trại nuôi đến 2.500 lợn nái, có trang trại nuôi từ 8.000 - 10.000 lợn thịt. Tổng đàn lợn tại địa phương hiện khoảng 130.000 con, lợn nái sinh sản 18.000 con. Hiện nỗi lo của người dân là nguồn cung thịt lợn cho thị trường dịp tết.
Ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình cung ứng, giá cả thịt lợn có xu hướng tăng. Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ từ 1.800 - 2.000 con lợn, từ 36 lò mổ, trong đó lợn địa phương đáp ứng hơn 70%, số còn lại được các đơn vị mua từ phía Nam.
Cũng theo ông Sơn, sau khi thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường nên giá thịt lợn ở địa phương này đã giảm từ 10.000 – 20.000 đ/kg. Hiện giá thịt lợn ở các chợ lớn từ 130.000 – 140.000 đ/kg, các chợ khác dao động từ 120.000 – 160.000 đ/kg.
'Qua nắm bắt, theo dõi tình hình giết mổ heo tại các cơ sở cho thấy khả năng tiêu thụ tương đương năm 2018, không có mức tăng đột biến. Bên cạnh đó, do tâm lý người dân đã chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm khác như thịt gia cầm, thịt bò… nên giá thịt lợn đã có xu hướng giảm. Giá thịt lợn hơi ở chợ đầu mối Phú Hậu từ 90.000 đ/kg giảm còn khoảng 80.000 đ/kg', ông Sơn thông tin thêm.
Ông Trương Đình Vỹ, Trưởng ban Quản lý chợ Cống (TP. Huế) cho biết: 'Chợ có 43 điểm kinh doanh thịt lợn được lấy từ các lò mổ ở địa phương, mỗi ngày tiêu thụ hơn 2,5 tấn thịt. Giá thịt lợn ở chợ Cống đang giảm dao động 160.000 đồng/kg xuống 120.000 đồng/kg, có thời điểm giảm xuống còn 110.000 đồng/kg'.
Cùng với việc giá thịt lợn đang có xu hướng giảm thì hiện nay nguồn cung ứng thịt lợn cho thị trường ở Thừa Thiên - Huế đã được đảm bảo, ổn định thông qua việc thực hiện tái đàn của các đơn vị chăn nuôi lớn và nguồn thịt nhập khẩu đạt chuẩn Châu Âu từ các hệ thống siêu thị.
Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị BigC Huế, nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng, thời gian qua, siêu thị đã tiến hành thu mua thịt lợn trên địa bàn tỉnh cũng như tiến hành nhập khẩu từ Newzealand, Canada, Mỹ với số lượng lớn.
Cũng theo bà Thủy, thịt lợn được nhập khẩu theo tiêu chuẩn Châu Âu nên chất lượng được đảm bảo, giá bán rẻ hơn so với giá thịt lợn tươi ở địa phương. Hiện nguồn thịt lợn ở siêu thị Big C Huế có đủ khả năng cung ứng cho thị trường trong thời gian tới.
Cũng theo thông tin từ các đại diện đến từ hệ thống siêu thị Coopmart, Vinmart chi nhánh Thừa Thiên - Huế, cùng với việc thu mua ở địa phương thì các đơn vị này đang tiến hành nhập khẩu thịt lợn để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, thời gian qua các Sở, ban ngành, nhất là các siêu thị, ban quản lý chợ đã chủ động trong việc nắm bắt diễn biến, thực hiện các giải pháp để bình ổn thị trường thịt lợn ở địa phương. Đánh giá sơ bộ cho thấy, nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho thị trường dịp tết sẽ không thiếu.
Ông Định cho hay, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN-PTNT tiếp tục cân đối, theo dõi nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới để kịp thời chỉ đạo, triển khai các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thú y tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chốt kiểm dịch; phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường để kiểm tra chất lượng thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn cũng như việc công khai, niêm yết giá... (netnews.vn 14/1)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Tuyển sinh 2020: Nhiều ngành mới và phương thức tuyển mới
Việc các trường ồ ạt mở ngành cũng dẫn đến những lo ngại việc có quá nhiều trường đua nhau mở ngành “hot” sẽ dẫn tới thị trường nhân lực bị bão hòa.
Hiện nay, mùa tuyển sinh năm 2020 đã bắt đầu sôi động với việc nhiều trường đại học trên cả nước công bố đề án, phương án tuyển sinh. Hầu hết các trường đều bổ sung các ngành học mới, phương thức tuyển sinh mới để thu hút thí sinh.
Năm nay các trường đại học đã công bố trung bình mỗi trường mở thêm từ 2-3 ngành học mới, có trường mở thêm cả chục ngành mới. Trong đó, nhóm ngành được các trường ưu tiên mở nhiều nhất hầu hết đều hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những ngành mà nhu cầu xã hội cần.
Đơn cử như Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có nhiều ngành học liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giải quyết các vấn đề nóng của xã hội hiện nay như: Khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường...
Đại học Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh 5 ngành mới, gồm: Marketing - Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.
Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm 5 ngành đào tạo chất lượng cao trong đó có chuyên ngành kỹ thuật robot...
“Dựa trên đặc điểm là nhu cầu của thị trường và quá trình đào tạo, chúng tôi bổ sung thêm 3 chương trình đào tạo bằng tiến Anh để đáp ứng nhu cầu học của sinh viên trong những năm vừa qua là các em có xu hướng đăng ký tham gia và có nguyện vọng học các chương trình bằng tiếng Anh rất là lớn, cụ thể là chương trình Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Kinh tế học tài chính. Ngoài ra còn 4 ngành mới rất hot trong giai đoạn vừa qua và đến hiện nay vẫn như vậy”, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết.
Điểm chung có thể nhận thấy trong đề án tuyển sinh một số trường đại học là tăng cường thêm phương thức tuyển sinh mới bên cạnh phương thức truyền thống. Đồng thời điều chỉnh tăng hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Lê Hiếu Học, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Phenikaa cho biết, nhà trường vẫn áp dụng 3 phương thức, xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2020 và xét tuyển theo kết quả học bạ. Thế nhưng mà tỷ lệ, cơ cấu giữa mỗi hình thức xét tuyển đấy thì chúng tôi có sự điều chỉnh.
“Nếu như năm ngoái và những năm trước thì chúng tôi xét tuyển theo kết quả học bạ thì tỷ lệ nhiều hơn thì năm nay chúng tôi tăng tỷ lệ xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Chúng tôi cũng bổ sung thêm việc xét tuyển đối với các đối tượng các em học sinh có các chứng chỉ quốc tế ví dụ IELTS, A levels, hoặc các kỳ thi chuẩn hóa SAT”, ông Lê Hiếu Học cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc các trường đại học mở thêm các ngành học mới đáp ứng nhu cầu của người học và mở rộng nhiều hình thức tuyển sinh thể hiện quyền tự chủ của các trường, tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh.
Nhưng mặt khác cũng cho thấy các trường đang lo lắng về thiếu nguồn tuyển do sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các trường đại học với hệ thống các trường nghề, giữa giáo dục đại học trong nước và nước ngoài.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tâm lý chọn trường, chọn ngành của học sinh hiện nay đang có sự thay đổi, nên cũng khó đảm bảo các trường đại học có thể tuyển đủ chỉ tiêu dù mở ngành mới và mở rộng hình thức xét tuyển.
“Có một điều tôi cảm nhận thấy rằng, những năm gần đây người học không cố học bằng mọi cách. Trước kia thì cố vào đại học bằng mọi cách, cách nào cũng được: xét tuyển rồi thi tuyển, nhưng hiện nay người ta nhìn vào việc đầu ra, xem công việc đó, ngành nghề đó ra trường ra trường có đảm bảo sẵn sàng có việc làm hay không. Vì vậy, đôi khi nếu chúng ta làm không khéo thì chúng ta vẫn không thu được người học”, ông Trần Văn Tớp nói.
Việc các trường ồ ạt mở ngành cũng dẫn đến những lo ngại việc có quá nhiều trường đua nhau mở một vài ngành “hot” sẽ dẫn tới thị trường nhân lực bị bão hòa.
Cộng với tâm lý đám đông khiến nhiều phụ huynh muốn cho con học những ngành dễ xin việc mà quên rằng sau thời gian phát triển thì sẽ có hiện tượng chững lại, thậm chí rơi vào cảnh “thiếu đầu vào, thừa đầu ra”.
Vì vậy, điều quan trọng là mỗi trường phải có tầm nhìn, chiến lược riêng và phải xây dựng cho mình một phân khúc đào tạo, chất lượng khác nhau thì mới có thể cạnh tranh lành mạnh và phát triển. (baothuathienhue.vn 14/1)
2. Hiệu quả mô hình đảm bảo giao thông trước cổng trường học
Nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên, mô hình nhằm đảm bảo giao thông trước cổng trường đã được triển khai trong thời gian gần đây. Theo đó, tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh TT - Huế, một mô hình hay đã được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường, đó là mô hình "Xếp hàng đón con".
Gần đến giờ tan trường tại trường Tiểu học Thủy Biều, thành phố Huế, phụ huynh tự giác sắp xếp phương tiện gọn gàng, ngay ngắn trước cổng trường để đợi giờ đón con em của mình. Mô hình "Xếp hàng đón con" đã được thực hiện nghiêm túc trong nhiều tháng nay tại trường học này.
Với những tín hiệu tích cực, mô hình trên đã được lan tỏa tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh TT - Huế. Không còn tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường như trước đây, mô hình "Xếp hàng đón con" đã và đang đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hình thành nét đẹp văn hóa giao thông trước cổng trường học. (vtv.vn 14/1)
XÂY DỰNG
1. Vụ phá hàng rào bảo vệ cao tốc La Sơn - Túy Loan: Cơ quan quản lý không biết
Người dân dọc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan bất chấp các quy định pháp luật, tùy tiện phá bỏ hàng rào chống xâm nhập, bảo vệ cao tốc để mở nhiều tuyến đường ngang vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ.
Càng gần Tết, nhu cầu vào rừng khai thác gỗ rừng trồng kiếm thêm thu nhập của dân tăng cao, tình trạng phá hàng rào kẽm gai bảo vệ cao tốc La Sơn - Túy Loan (giáp ranh hai huyện Phú Lộc và Nam Đông, tỉnh TT-Huế) diễn ra ở mức báo động. Mặc dù dọc tuyến đã có bố trí các đường gom dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, khai thác rừng trồng dành cho người dân nhưng hàng rào bảo vệ vẫn bị phá hoại hằng ngày để mở lối tự phát.
Tại vị trí Km số 10 từ điểm đầu La Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) dẫn vào địa bàn huyện Nam Đông, có nhiều đoạn kẽm gai rào chắn bảo vệ cao tốc bị người dân tự ý gỡ bỏ. Thậm chí, khi ngang qua phần cao tốc thuộc vị trí Km10, không ai còn nhận ra các đoạn hàng rào kẽm gai này nữa. Được biết, hệ thống hàng rào này vừa được lắp dựng vài tháng trước.
Vị trí Km10 là đoạn đường núi có nhiều cua ngoặt, dốc hiểm. Khi hệ thống đường ngang do dân tự mở có lưu lượng xe tải ra vào rừng càng nhiều, nguy cơ tai nạn giao thông thảm khốc với phương tiện di chuyển nhanh trên cao tốc càng cao. Hiện nay, dù cao tốc bị đóng hai đầu vào, nhưng nhiều xe cộ vẫn tìm cách lọt qua các chốt trạm chắn, rồi mặc sức phóng nhanh, vượt ẩu trên tuyến đường chưa hoàn thiện, bàn giao, đưa vào khai thác này.
Điều đáng nói, hành vi ngang nhiên phá rào kẽm gai chống xâm nhập và bảo vệ cao tốc của người dân diễn ra giữa ban ngày. Khi phóng viên ghi hình người dân dùng kìm cắt dây thép gai, họ đã rào tạm trở lại. Hai người phá rào đi trên một chiếc xe gắn máy mang biển kiểm soát 75K1-104.2…
Một người dân cắt rào kẽm gai chống chế, do tuyến cao tốc chưa đưa vào bàn giao, khai thác chính thức, nên họ tạm tháo dỡ các đường dây kẽm gai bỏ sang một bên để đưa xe tải vào rừng chở gỗ tràm. Sau khi vận chuyển gỗ xong, họ sẽ rào lại, chứ không phải phá bỏ hay ăn cắp dây kẽm gai.
Tuy nhiên, cách đó không xa là những đường ngang tự mở khác không hề được rào chắn trở lại. Thậm chí, các dây kẽm gai đã bị phá hỏng, không còn khả năng phục hồi cho chức năng làm hàng rào.
Chính quyền, cơ quan quản lý cao tốc không hay biết?
Trao đổi qua điện thoại với PV, một lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết, ông chưa nắm được thông tin rào chắn cao tốc La Sơn - Túy Loan bị phá hoại. Vị này nói sẽ lập tức chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn. Phía đại diện cơ quan điều hành Dự án 4 (Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) cũng tỏ ra bất ngờ trước phản ánh của phóng viên về việc rào chắn bảo vệ, chống xâm nhập đường cao tốc La Sơn - Túy Loan bị phá hoại ở nhiều điểm. “Chúng tôi sẽ lập tức có công văn yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Ngay sau Tết, các đoạn rào bị phá sẽ được khắc phục trở lại”, vị này cho biết. (tienphong.vn 14/1)
Y TẾ
1. Tiếp nhận 42.164 đơn vị máu trong năm 2019
Sáng 14/1, Trung tâm Huyết học truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hội thảo phối hợp vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện và cung cấp chế biến phẩm máu năm 2020. Tham dự có ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong các tỉnh có phong trào hiến máu tình nguyện mạnh của cả nước. Theo số liệu thống kê trong 5 năm gần đây, năm 2015, Trung tâm Huyết học truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 33.868 đơn vị máu; năm 2016: 37.543 đơn vị; năm 2017: 38.855 đơn vị, 2018: 41.810 đơn vị và 2019: 42.164 đơn vị.
Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đây là một kết quả khích lệ không những đối với tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cả các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Theo báo cáo của Trung tâm Truyền máu khu vực Huế, trong nhiều năm, các tỉnh đều vượt chỉ tiêu hiến máu tình nguyện mà Ban chỉ đạo Quốc gia đã giao và đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cấp cứu và điều trị của bệnh nhân trong khu vực. (baothuathienhue.vn 14/1)
DU LỊCH
1. Sắp diễn ra Diễn đàn Du lịch Huế với chủ đề Kết nối Lữ hành
Diễn đàn Du lịch Huế là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các nhà đầu tư, các chuyên gia du lịch cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020. Với chủ đề Kết nối Lữ hành, Diễn đàn sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2020, tại Trung tâm hội nghị khách sạn Vinpearl Huế. (doanhnghiepvn.vn 14/1)
2. Sẽ có diễn đàn du lịch bàn về kết nối lữ hành
Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 có chủ đề “Kết nối lữ hành” sẽ được tổ chức vào tháng 2 sắp tới.
Ngày 13/1, UBND tỉnh cho biết đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020. Với chủ đề nói trên, diễn đàn được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các nhà đầu tư, các chuyên gia du lịch cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý là việc thu hút khách du lịch đến Huế nhiều hơn, thời gian ở lại lâu hơn.
Theo đó, diễn đàn tập trung vào các mục tiêu trao đổi, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động kinh doanh lữ hành, thông báo một số chính sách, ưu đãi trong việc kinh doanh, hoạt động du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, diễn đàn cũng giới thiệu những chương trình, sản phẩm, sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh, đặc biệt Festival Huế 2020. (baothuathienhue.vn 13/1)
3. Du khách đến Huế sẽ được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch mới
Theo đó, các sản phẩm du lịch mới lạ đã và sẽ được triển khai. Sở đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tour du lịch trải nghiệm “Một ngày làm người Pa Cô” tại làng du lịch cộng đồng A Nôr, huyện A Lưới; tham quan cầu ngói Thanh Toàn, chương trình tham quan Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng tại thị xã Hương Thủy: Chương trình tham quan tại Làng du lịch sinh thái Về nguồn và khu nghỉ dưỡng Sankofa Village Hill resort and Spa tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.
Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ hội Diều Huế 2019 với nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa, Lễ hội đã góp phần tích cực giúp nghệ thuật chế tác và thả diều truyền thống ở Huế phát triển lâu bền và không bị mai một trong tương lai, góp phần “giữ lửa” cho nghệ thuật chơi diều vốn rất nổi tiếng trên đất Cố đô...
Ngày hội Lân Huế 2019, năm nay quy tụ gần 60 đội lân của các tỉnh, thành trong cả nước, thu hút các đội lân mạnh và chuyên nghiệp của các đội lân đến từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Đã có hơn 10.000 lượt khách du lịch và nhân dân tham gia. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thực hiện live stream trực tiếp trên fanpage đã thu hút và phục vụ nhiều lượt xem.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa vào khai thác dịch vụ thuyết minh tự động (Auto guide) phục vụ khách du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế, Bên cạnh đó bổ sung hoạt động dịch vụ Không gian văn hóa tại Đông Khuyết Đài.
Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam triển khai dịch vụ ẩm thực món Huế tại cung Trường Sanh. Đề án Phục hồi Thái Y Viện do công ty cổ phần Đại Nam - Thái Y Viện triển khai thực hiện trong đó có không gian trải nghiệm Thái Y Đường.
Tỉnh đã đưa vào khai thác một số công trình văn hóa nghệ thuật, bảo tàng phục vụ khách du lịch ở không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi. Tiếp tục nâng cấp các nội dung trưng bày; bổ sung, sưu tầm, mua sắm các hiện vật ở các bảo tàng để hoàn thiện và hấp dẫn hơn với du khách.
Việc hình thành trung tâm ẩm thực tại Huế nằm trong Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” và sẽ được quy hoạch tại một số điểm gắn với mỗi loại hình ẩm thực, trong đó có bảo tàng Ẩm thực văn hóa Việt Nam được UBND tỉnh giao cho Công ty Vietravel nghiên cứu đầu tư ở đường Hà Huy Tập - Huế.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm phục vụ thủy thủ đoàn và khách tàu biển tại cảng Chân mây, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây được giao nghiên cứu đầu tư dự án.
Huế năm tới đây vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phố đêm Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, cầu đi bộ dọc sông Hương để đa dạng các hoạt động, dịch vụ hấp dẫn khách du lịch và cộng đồng địa phương, tạo các điểm đến về đêm trên địa bàn TP. Huế.
Công ty Đại Nam Thái Y Viện đang nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư phố đi bộ 4 tuyến đường khu vực Đại Nội Huế; kêu gọi một số nhà đầu tư nghiên cứu khai thác phát triển dịch vụ du lịch trên sông Hương, Ngự Hà.
Theo ông Lê Hữu Minh - quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, năm mới này, Huế sẽ xây dựng phương án, giải pháp kết nối giao thông liên tỉnh, nội tỉnh phục vụ khách du lịch, nhất là phương án khai thác khách du lịch từ sân bay Đà Nẵng đến Huế tham quan.
Cố đô Huế cũng sẽ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, tập trung khu vực Đại nội nhằm phục hồi và tái hiện không gian văn hoá Cung đình và vùng phụ cận theo xu hướng xã hội hóa các nguồn lực. (dulich.laodong.vn 14/1)
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
1. Thừa Thiên Huế ra quân đợt cao điểm TTATGT dịp Tết Canh Tý
Sáng 14-2, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty CP Bến xe Huế, Phòng CSGT Công an tỉnh và Công an TP Huế tổ chức lễ phát động đợt cao điểm về vận tải và trật tự ATGT phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Vận tải hành khách dịp Tết dương lịch và Nguyên đán 2020: “Cầu” cao hơn “cung”
Đường sắt đề xuất 50 tỷ đầu tư kết nối vận tải hành khách đa phương thức
Ra quân xử lý ôtô hoạt động trá hình, vận tải hành khách trái phép
Theo đó, đợt cao điểm kéo dài từ ngày 14-1 đến 13-2 với mục tiêu đảm bảo phục vụ hành khách an toàn, thuận lợi, đáp ứng đủ phương tiện đi lại, tạo điều kiện để người dân sum họp gia đình, vui Tết đón Xuân.
Công ty CP Bến xe Huế chủ động phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Đội CSGT – Trật tự Công an TP Huế, lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra ATGT và ANTT tại các bến xe, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp lái xe chở quá tải, sang nhượng, tranh giành khách, chạy không đúng tuyến quy định; giữ gìn ANTT, không để xảy ra trộm cắp, móc túi, cướp giật, cháy nổ tại bến, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách và phương tiện thông qua bến; thường xuyên nhắc nhở lái xe, phụ xe chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô; nghiêm cấm lái xe uống bia, rượu trước và trong lúc làm việc…
Tại buổi lễ phát động, ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phổ biến, tuyên truyền các doanh nghiệp vận tải, lái xe chấp hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2020. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã, tài xế đã ký cam kết đảm bảo các quy định về ATGT trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. (cand.com.vn 14/1)
2. TT-Huế: Đề nghị mạnh tay xử lý nạn xe dù "chặt chém" khách dịp Tết
Ngày 14/1, ông Phạm Xuân Sơn- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, tình trạng xe không luồng tuyến, xe hợp đồng du lịch trá hình vào TP.Huế đón trả khách diễn ra phổ biến gây ra nhiều hệ lụy.
Trước tình trạng trên, Công ty Cổ phần Bến xe Huế đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở GTVT tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng mạnh tay xử lý tình trạng xe không luồng tuyến, xe “dù” vào TP.Huế để đón trả khách, đặc biệt là nạn xe hợp đồng du lịch trá hình tuyến cố định hoạt động bán vé, đặt chỗ.
“Thời gian trước và sau Tết, lượng xe quay đầu không vào bến đón trả khách diễn ra khá phổ biến. Những xe này thu giá vé rất cao do không bị ràng buộc bởi các quy định tại bến. Đặc biệt, lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, một số doanh nghiệp vận tải đã tự ý nâng giá cước cao hơn mức quy định ở các bến xe để bán cho hành khách tại một số điểm văn phòng giao dịch của đơn vị hợp đồng du lịch trong địa bàn TP.Huế, gây bức xúc đối với hành khách đi xe”- ông Sơn thông tin.
Ông Sơn cũng cho hay, hiện Bến xe huyện Quảng Điền đã được đưa vào hoạt động, nhưng vẫn xảy ra tình trạng xe không luồng tuyến, xe hợp đồng, xe chạy vượt tuyến thường xuyên về địa bàn huyện để đón trả khách gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Công ty kiến nghị Sở GTVT chỉ đạo đoàn liên ngành tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm trên địa bàn huyện Quảng Điền trong thời gian trước và sau Tết.
Trong ngày 14/1, Công ty Cổ phần Bến xe Huế phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ ra quân phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Để đảm bảo phục vụ hành khách an toàn, thuận lợi, đáp ứng đủ phương tiện đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công ty Cổ phần Bến xe Huế tổ chức bán vé xe liên tục từ 4h30 đến 19h hàng ngày tại các bến. Công ty cũng thông báo rõ ràng lịch trình xe chạy, giá cước, trong đó đặc biệt lưu ý về thời gian chuyến xe cuối cùng trước Tết trên các tuyến.
Công ty phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, Thanh tra Sở GTVT tỉnh tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự tại các bến xe, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp lái xe chở quá trọng tải, sang nhượng khách, chạy không đúng tuyến quy định, tranh giành khách, đón trả khách không đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, Công ty đã yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó nghiêm cấm lái xe uống bia rượu trước và trong lúc làm việc, cho xe chạy vòng vo đón khách, nhận chở khách không phải tuyến của mình rồi sang khách dọc đường, tự ý tăng giá vé, giá cước… (danviet.vn 14/1)
3. Thừa Thiên Huế 'mạnh tay' xử lý xe quá khổ, quá tải
Lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh TT- Huế thường xuyên bám sát địa bàn, tổ chức kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện; chủ động mở các đợt cao điểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải khách bằng đường bộ, đường thủy nội địa, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh..
Trong năm 2019, lực lượng TTGT tỉnh TT- Huế đã lập biên bản vi phạm hành chính 1.673 trường hợp (gồm các lỗi rơi vãi, chở quá khổ, quá tải, cơi nới thùng hàng, xe vận chuyển khách không có phù hiệu, hợp đồng vận chuyển, đón trả khách không đúng quy định…) với tổng số tiền xử phạt là 2,2 tỷ đồng; tước quyền sử dụng GPLX đối với 133 trường hợp.
Hiện nay trên các tuyến đường, tình trạng xe chở hàng (chủ yếu keo, tràm, vật liệu rời…) quá khổ, quá tải xảy ra khá nhiều nơi; nhất là vào dịp cao điểm các phương tiện ô tô tải tập trung tham gia vận chuyển gỗ keo, tràm và hoạt động vào ban đêm. Ngoài ra, một số xe vi phạm cơi nới kích thước thùng hàng, có dấu hiệu chở hàng quá tải ngay từ nơi xuất phát, tại đầu mối, khu vực cảng hay các mỏ vật liệu, các khu công nghiệp cũng được lực lượng TTGT tỉnh tổ chức tăng cường kiểm tra. Lực lượng TTGT tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Công an thị xã Hương Trà, Công an thị xã Hương Thủy kiểm tra 1.595 lượt phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính 313 trường hợp, xử phạt với tổng số tiền là 5,787 tỷ đồng, tước quyền GPLX 192 trường hợp.
Trong những tháng cuối năm 2019, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, chỉ thị của UBND tỉnh TT- Huế về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân năm 2020; Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh TT- Huế đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện, tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe, ga Huế, sân bay Phú Bài, khu vực Thành phố Huế… Qua đó, tập trung xử lý tình trạng xe dù, “xe đi ké”, xe hợp đồng trá hình, bến cóc, xe khách chạy sai luồng, tuyến, đón trả khách không đúng quy định.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra tải trọng phương tiện tại các tuyến đường thường xuyên có xe chở hàng hóa, vật liệu rời để rơi vãi, đầu mối các điểm bốc xếp hàng hóa…đảm bảo ATGT tại các công trình thi công, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn. Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2019, lực lượng TTGT tỉnh TT- Huế đã kiểm tra 452 xe; trong đó, có 67 xe vi phạm, xử phạt với tổng số tiền: 1.015.400.000 đồng. Đặc biệt, trong đó có các trường hợp vi phạm quá tải cao nhất đến 151,3% (các trường hợp khác vi phạm đến 125,7%, 116,5%, 110%, 93,9%...). Mới đây, lực lượng thanh tra giao thông đã xử phạt hành chính với tổng số tiền 36.000.000 đồng đối với phương tiện 43C-215.71 do chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100% (trong đó phạt lái xe 6.000.000 đồng và chủ xe là 30.000.000 đồng).
Hiện trên địa bàn tỉnh TT- Huế có rất nhiều nhà máy, điểm tập kết, trung chuyển gỗ keo, tràm như tỉnh lộ 14B có 2 nhà máy sản xuất dăm gỗ của Công ty TNHH TM & Xuất nhập Đinh Hương và của Công ty TNHH Một thành viên Hào Hưng và 2 nhà máy sản xuất dăm gỗ tại tuyến đường vào cảng Chân Mây giao với Quốc lộ 1 (Km 882+850) và 1 nhà máy nằm ngay tại chân đèo Phú Gia. Ngoài ra, còn có một số các điểm tập kết nhỏ nằm ngay trong các khu rừng tràm trên địa bàn 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc và nằm trên các tuyến Quốc lộ 49A, Quốc lộ 1A và đường tránh TP. Huế.
Theo ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để chấn chỉnh tình trạng trên, bên cạnh công tác thanh tra, xử lý vi phạm thì các ngành chức năng cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải ký cam kết chấp hành quy định về xếp, dỡ, chở hàng đúng tải trọng; chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT khi tham gia giao thông. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp KDVT trong công tác quản lý, xếp, dỡ và vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép tham gia giao thông. Thời gian tới, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện; chủ động phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp trọng tâm, kiểm soát tốt về tải trọng phương tiện trên địa bàn quản lý, nhất là trên các tuyến đường thường xuyên có hoạt động vận tải hàng hóa, hạn chế và dần xóa bỏ tình trạng vi phạm chở hàng quá tải, quá khổ. (baophapluat.vn 14/1)
4. TT-Huế: Phát hiện hàng loạt "hung thần" chở quá tải trên 100%
Báo Dân Việt ngày 31/10/2019 đăng bài TT-Huế: “Hung thần” xe quá khổ, quá tải hoành hành trên quốc lộ. Bài báo phản ánh tình trạng hàng loạt xe tải chở keo tràm quá khổ, quá tải ngang nhiên hoành hành trên nhiều tuyến đường ở Thừa Thiên Huế khiến tai nạn giao thông luôn rình rập.
Quá bức xúc trước tình trạng này, nhiều người dân đã ghi hình gửi đến báo chí và phản ánh đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về vấn đề Báo Dân Việt phản ánh, ông Võ Hoài Nam- Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết, các xe chở keo tràm quá khổ, quá tải vẫn diễn ra và các phương tiện này chủ yếu lưu thông vào đêm khuya gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Ông Nam cho hay, mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ hoạt động trên các tuyến đường bộ, chỉ trong 1 tháng, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 100 phương tiện vi phạm. Do hầu hết các trường hợp vi phạm lần đầu nên lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở; 20 phương tiện vi phạm nghiêm trọng đã bị lập biên bản xử phạt 160 triệu đồng. Lực lượng thanh tra yêu cầu 155 lái xe ký cam kết không vi phạm cơi nới thành thùng xe.
Bên cạnh đó, thực hiện công văn của Thanh tra Bộ GTVT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội xuân năm 2020, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã liên tục tổ chức nhiều đợt ra quân để triển khai thực hiện, tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe, ga Huế, sân bay Phú Bài, khu vực thành phố Huế… Qua đó, đã xử lý hàng trăm trường hợp xe "dù", xe "ké", xe hợp đồng trá hình, xe khách chạy sai luồng, tuyến, đón trả khách không đúng quy định.
Qua các đợt ra quân này, lực lượng thanh tra đã phát hiện hàng trăm phương tiện chở quá tải, trong đó có hàng loạt phương tiện vi phạm quá tải trên 100%, trường hợp quá tải cao nhất lên đến 151,3%.
Điển hình như mới đây, xe tải thân liền biển số 75C- 098… của Công ty A.Đ ở TP.Huế vận chuyển đá khi lưu thông trên quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế bị phát hiện chở quá tải 116,5% so với quy định. Hay như xe tải biển số 77C-110… của 1 doanh nghiệp ở Bình Định chở clinker bị phát hiện quá tải trên 125%...
Làm việc với lực lượng chức năng, các lái xe vi phạm giải thích do chi phí đi lại của một lượt xe quá cao nên họ bất chấp để chở quá tải. Các xe vi phạm quá tải đã bị xử phạt hành chính với số tiền từ 6- 30 triệu đồng/xe và tước giấy phép lái xe 2 tháng. “Xe chở quá tải cũng từng gây ra tai nạn, không đảm bảo an toàn cho quá trình lưu thông và dẫn đến nhiều nguyên nhân khác nên cần phải xử lý nghiêm”- ông Võ Hoài Nam nói.
Trong năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên Huế đã lập biên bản 1.467 trường hợp với 1.512 lỗi vi phạm, xử phạt với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 133 trường hợp. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an thị xã Hương Trà và Công an thị xã Hương Thủy kiểm soát tải trọng xe tại nơi bốc, xếp hàng hóa ngay từ nơi xuất phát, tại đầu mối, khu vực cảng, khu công nghiệp, các mỏ vật liệu... Tổng cộng đã phối hợp kiểm tra 1.595 lượt phương tiện, xử phạt tổng số tiền gần 6 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 192 trường hợp. (danviet.vn 15/1)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Thừa Thiên Huế tuyên dương 25 doanh nghiệp xuất sắc năm 2019
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ vừa ban hành quyết định công nhận danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc” năm 2019 cho 25 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Các doanh nghiệp được tham gia xét tuyên dương phải thực hiện đúng các điều kiện theo ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh hoặc được cấp phép đầu tư; phải tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển; có doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, đấu thầu, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm cho người lao động; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế, các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Có 10 tiêu chí để xét tuyên dương “Doanh nghiệp xuất sắc”, trong đó có thể kể đến: Doanh thu; nộp ngân sách hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế; lợi nhuận sau thuế; thu nhập bình quân/người/tháng; đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động; tham gia tốt các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo; doanh nghiệp tham gia tích cực và thực hiện tốt các phong trào của tỉnh phát động, đặc biệt Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”,“Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”...
Theo đó, “Doanh nghiệp xuất sắc toàn diện” gồm Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Viễn thông Thừa Thiên Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế.
Có 22 “Doanh nghiệp xuất sắc” gồm: Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Baosteel Can Making (Huế Việt Nam); Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế; Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế; Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec) tại Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Xi măng Luks Việt Nam; Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm; Công ty SCAVI Huế; Công ty TNHH MSV; Công ty TNHH Laguna (Việt Nam); Công ty Cổ phần Dệt May Phú Hòa An; Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty Cổ phần Hồng Đức; Công ty Cổ phần Frit Phú Xuân; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong; Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây; Công ty TNHH một thành viên Sản xuất Tinh dầu Kim Vui; Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt; Công ty TNHH Thương hiệu và đồng phục Lion; Công ty Cổ phần Giáo dục Pingo.
Các doanh nghiệp kể trên ngoài được trao giấy chứng nhận còn được khen thưởng với mức 10.000.000 đồng/doanh nghiệp.
Được biết, việc bình chọn danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc” được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức 2 năm một lần vào dịp đầu năm mới. (baotainguyenmoitruong.vn 14/1)
2. Thừa Thiên Huế xây dựng đô thị thông minh
Là một trong năm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ, đô thị thông minh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tiếp cận trình độ quản lý của các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch.
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) sau khi khung Chính phủ điện tử (CPĐT) được ban hành. Triển khai CQĐT, năm 2017, tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện tại các huyện, thị xã và thành phố. Đây là nơi duy nhất tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, giúp người dân có thể đăng ký các thủ tục hành chính, thực hiện thanh toán trực tuyến, đồng thời đăng ký tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được bốn cấp, trong đó có ba cấp ở địa phương và hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỷ lệ hơn 95%. Mô hình cổng/trang thông tin điện tử đa cấp, đa chiều, liên thông cấp tỉnh đến cấp xã được tỉnh triển khai. Hệ thống cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đạt hơn 60% ở cơ quan cấp xã; trong đó đã tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mô hình CPĐT, chỉ số phát triển CPĐT cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc: năm 2017 xếp thứ nhất, năm 2018 xếp thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố. Với những kết quả đó, năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng CQĐT, ứng dụng CNTT vào công tác điều hành, quản lý cũng như công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin, thực hiện các dịch vụ công ngay từ cấp cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh xác định ứng dụng CNTT là một thế mạnh, là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng, quảng bá nền hành chính nhà nước phục vụ người dân một cách thân thiện, hiện đại, với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển. Từ đó tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) đã và đang trở thành xu thế tất yếu, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan điểm và định hướng của Thừa Thiên Huế là xây dựng CQĐT phải song hành với ĐTTM, do đó, tỉnh đã triển khai những bước đi ban đầu để phát triển ĐTTM. Theo đó, tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng CNTT và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm.
Thực hiện đề án, tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ ĐTTM Hue-S, do Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC) điều hành. Giám đốc Trung tâm IOC Nguyễn Dương Anh cho biết: Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 8-2018 và là đầu mối triển khai các hệ thống dịch vụ ĐTTM theo cơ chế dùng chung, phân quyền chia sẻ. Trung tâm có nhiệm vụ triển khai các dịch vụ, tiếp nhận thông tin đầu vào từ xã hội, phân tích, xác minh và chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền. Hiện, Trung tâm đã đưa vào vận hành 10 dịch vụ gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp ca-mê-ra giám sát đô thị; thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin và giám sát tàu cá. Có 150 cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia các dịch vụ này. Trung tâm IOC hình thành đã giúp chính quyền đô thị các cấp giám sát, xử lý giao thông hiệu quả; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; giám sát an ninh, an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công của người dân; tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho du khách về các vấn đề gặp phải khi du lịch trên địa bàn tỉnh.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm IOC đã xử lý khoảng hơn 7.000 phản ánh của người dân và nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng ĐTTM tại Thừa Thiên Huế. Sau khi triển khai giải pháp “Phản ánh hiện trường”, với quy trình phối hợp và xử lý phản ánh hoàn thiện, trở thành một công cụ quan trọng nhằm hướng đến sự thành công đề án “Ngày chủ nhật xanh” do Chủ tịch UBND tỉnh phát động. Với những hiệu quả thực tế, Hue-S đã được Ban tổ chức Giải thưởng viễn thông châu Á năm 2019 (Telecom Asia Awards 2019) vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo châu Á và đoạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 ở hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.
Đồng chí Phan Ngọc Thọ cho rằng, để có ĐTTM phải có mô hình quản lý điều hành hệ thống tốt. Lợi thế của Thừa Thiên Huế trong thời gian xây dựng CQĐT và ĐTTM là có một mô hình quản trị tốt, chuẩn hóa các hoạt động dịch vụ. Để nâng cao hiệu quả xây dựng CQĐT và phát triển dịch vụ ĐTTM, Thừa Thiên Huế rất quan tâm vấn đề hạ tầng kỹ thuật CNTT. Hiện tỉnh đã có chủ trương triển khai theo hướng hạ tầng dùng chung, tuy nhiên tỉnh chỉ đầu tư đối với những hạ tầng có tính chất cốt lõi, còn lại sẽ thực hiện thuê dịch vụ trong phát triển hạ tầng CNTT. Việc này nhằm giảm gánh nặng ngân sách đầu tư, thuận tiện trong quản lý và bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống. Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 tiếp cận các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Để làm được việc này, đòi hỏi có sự tham gia từ nhiều thành phần, trong đó sự tham gia tích cực của xã hội, nhất là người dân, doanh nghiệp. (boxaydung.vn 14/1)