Khoảng 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới. Năm 2018, giá trị xuất khẩu ngành điện tử nước ta đạt hơn 84 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng này chủ yếu liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài khi các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực điện tử hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năng lực các doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.
Chủ yếu phụ thuộc vào FDI
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, giá trị mỗi năm gần 700 tỷ USD, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu điện tử bình quân trong giai đoạn 2010 - 2018 chỉ đạt khoảng 6% do có sự chuyển dịch sản xuất sang các nước lân cận. Đứng thứ hai về xuất khẩu điện tử trong giai đoạn trên là Hàn Quốc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 1%; một số nước khác trong khu vực như Ma-lai-xi-a có tốc độ tăng trưởng âm (-6%); In-đô-nê-xi-a và Ấn Độ cũng có tốc độ tăng trưởng bình quân suy giảm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu ngành điện tử bình quân trong giai đoạn 2010 - 2018 của Việt Nam đạt hơn 50%, cao nhất thế giới. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và đứng thứ ba trong khối ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông tăng bình quân 62%; nhóm ngành linh kiện điện tử và nhóm ngành máy vi tính, thiết bị ngoại vi tăng bình quân lần lượt 42% và 19%; nhóm ngành thiết bị điện tử khác và nhóm ngành điện tử dân dụng tăng bình quân lần lượt là 39% và 35%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, thực tế là sự phát triển ấn tượng của ngành điện tử Việt Nam những năm qua chủ yếu do thu hút sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Các dự án đầu tư bằng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất điện tử đang chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Trong khi đó, năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Nhiều doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang có xu hướng phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Viettel,... nhưng thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu vẫn do các thương hiệu của nước ngoài chiếm lĩnh. Mặt khác, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện cũng rất thấp, chỉ khoảng 5% đến 10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường trong nước phần lớn là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước dù có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Tập trung đầu tư nghiên cứu - phát triển
Để giải quyết những thách thức mà ngành điện tử Việt Nam đang phải đối mặt, các chuyên gia kiến nghị cần sớm xây dựng kế hoạch hình thành ngành điện tử có giá trị gia tăng cao hơn. Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chỉ chuyên lắp ráp các bộ phận và gia công đơn giản; các hợp phần hay thiết bị chuyên ngành vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Hầu hết các công ty Việt Nam đều phụ thuộc vào nhập khẩu bộ phận và thiết bị chính. Việt Nam cũng chưa có viện nghiên cứu hoặc chuyên gia về máy móc linh kiện hay các công nghệ then chốt. Do đó, chúng ta cần tập trung hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), không chỉ cho phần cứng mà cả phần mềm, hay nói cách khác hai lĩnh vực này phải hội tụ. Chính sách hỗ trợ R&D có thể được thực hiện thông qua phát triển nghiên cứu có trọng tâm cho phần mềm, hỗ trợ nghiên cứu hợp tác chung của các công ty, giữa các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về lĩnh vực này có thể tạo ra các hệ sinh thái, mạng lưới sáng tạo thông qua giáo dục, đào tạo về phần mềm, kích hoạt mạng lưới, mở rộng các diễn đàn chuyên môn,... Hoạt động này có thể được cơ quan nhà nước khởi xướng một cách độc lập hoặc hợp tác với cơ quan khác. Do vậy, một hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững với những phát kiến sáng tạo được đưa vào liên tục có thể được hình thành. Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy, tạo ra các sáng kiến, cung cấp công nghệ và quản lý với những hỗ trợ từ các trường đại học hoặc các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành.
Ngành công nghiệp điện tử cần thay đổi từ sản xuất lắp ráp đơn giản sang một nền sản xuất chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn với trọng tâm là các thiết bị và linh kiện chính; tập trung đầu tư vào phát triển kỹ thuật cho các vật liệu và linh kiện quan trọng. Để thực hiện những kế hoạch đó, trước mắt, cần cải thiện năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo về kỹ thuật. Một số điều kiện cũng cần được đáp ứng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia đổi mới kỹ thuật, chính họ sẽ xây dựng mối quan hệ với các tập đoàn lớn sở hữu nền tảng tiên tiến cho sáng tạo và phát triển hơn nữa. Ở đây, chính sách hợp tác giữa các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được tăng cường. Mặt khác, cần củng cố, thúc đẩy các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử. Nguồn lực cho sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài này đòi hỏi đầu tư lớn cũng như mất khoảng 10 đến 20 năm để cất cánh, nhưng sẽ góp phần tạo ra nhiều việc làm có giá trị gia tăng cao và tăng trưởng kinh tế. Đầu tư liên tục là cần thiết để cải thiện năng lực cũng như khoa học - công nghệ và muốn sở hữu một ngành điện tử có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi phải có một chiến lược hỗ trợ lâu dài.