Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, vật tư
Trong nửa tháng qua, các đơn vị ngành công thương ban hành nhiều công văn hỏa tốc nhằm bám sát thực tế, phối hợp các bộ, ngành liên quan bảo đảm nguồn cung hàng hóa bình ổn thị trường, sản phẩm vật tư phòng chống dịch bệnh, với các mặt hàng trọng điểm; đồng thời kết nối, giải tỏa xuất nhập khẩu, phát huy vai trò của hệ thống thương mại nội địa nhằm khắc phục tác động của dịch. Lực lượng quản lý thị trường đã nhanh chóng “xung trận”, phối hợp xử lý gần 3.000 vụ việc liên quan những hành vi trục lợi như găm hàng, nâng giá bán giữa cao điểm dịch với tinh thần hết sức quyết liệt.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng thường xuyên liên hệ cùng kênh cung ứng của Bộ Y tế và làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và bảo đảm nguồn cung mặt hàng này. Đồng thời, phối hợp các sàn thương mại điện tử lớn xử lý hành vi trục lợi như tăng giá bán hàng trên mạng, nhất là mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn,... Kết quả, hàng trăm nhà bán hàng đã bị các sàn điện tử như Lazada, Shopee,… xử lý. Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước đã bám sát các cửa khẩu, cùng địa phương giải tỏa hàng, nghiên cứu đề xuất quy trình để khơi thông hàng hóa và vẫn kiểm soát chặt dịch bệnh. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đã đề xuất quy trình cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu với việc tổ chức riêng đội hình lái xe, bốc vác, sinh hoạt mang tính cách ly tại chỗ và vẫn bảo đảm giao nhận hàng kịp thời. Quy trình này đang được các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh nghiên cứu và đưa vào thực hiện. Các đơn vị chức năng đã sớm nhận ra việc cần thiết phải tìm thị trường thay thế, kết quả bước đầu khả quan với những tín hiệu rất tích cực từ các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a.
Ngoài khơi thông xuất khẩu, Vụ Thị trường trong nước trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa để ổn định thị trường trong nước. Nỗ lực này đã được các hệ thống bán hàng lớn trong cả nước hưởng ứng với nhiều chiến dịch bán hàng không lợi nhuận. Những công cụ pháp lý để quản lý thị trường trong bối cảnh đặc biệt như dịch nCoV những ngày vừa qua đã bộc lộ nhiều điểm yếu và được các đơn vị chức năng nghiên cứu, rà soát, nhanh chóng khắc phục để hoàn thiện. Bộ Công thương là một trong những bộ đầu tiên có nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện của dịch đối với lĩnh vực ngành chỉ trong năm ngày sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ.